AHIVĀTAKA
AHIVĀTAKA (AHIVATAKA) tên của một căn bệnh truyền nhiễm gây chết người mà theo quan niệm dân gian, khi bùng phát trong một gia đình nó sẽ lây lan cho mọi thành viên trong gia đình, kể cả cả vật nuôi.
Rõ ràng, tài liệu tham khảo sớm nhất về căn bệnh này là trong Luật (Vinaya), tuy nhiên lại không nói gì về căn bệnh ngoại trừ việc một gia đình nào đó được tính là nạn nhân của nó (I, 77). Thông tin duy nhất về căn bệnh này mà chúng ta có là trong các chú giải.
Chú giải Kinh Pháp Cú (I, 187) không chỉ cho chúng ta biết cách lây lan dần dần của căn bệnh, mà còn cho biết một cách chữa bệnh khả thi. Trước tiên, căn bệnh này tấn công vào những con vật cấp thấp nhất trong nhà, bắt đầu từ con ruồi, rồi từ từ lây lan sang các con vật khác như thằn lằn, chuột, gà, mèo, chó và gia súc, tất cả đều lăn ra chết; tiếp theo, nó lây lan sang những người sống trong nhà, chẳng hạn như nô lệ, và lây sang các thành viên khác, rồi cuối cùng, ngay cả chủ nhà cũng không được tha. Tuy nhiên, người nào chui qua lỗ mà họ tạo ra trên tường có thể tránh được căn bệnh này. Chú giải tạng Luật (V, 1003) đề cập đến những cách phòng tránh bệnh khác: người ta cũng có thể trốn chạy bằng cách phá mái nhà hay lánh nạn sang một ngôi làng nào đó hoặc những nơi tương tự (tirogāmādigata). Và cả hai bảng chú giải đều đề cập đến trường hợp của những người thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của căn bệnh nhờ thực hiện theo những cách này.
Có lẽ, những phương pháp trốn chạy như vậy đã được quy định để tránh tà ma hoặc ác quỷ của căn bệnh, những kẻ có thể đã đứng ở cửa ra vào của ngôi nhà.
Ahivātaka-roga-tên chính xác của căn bệnh này-có thể được dịch theo nghĩa đen là ‘bệnh gió rắn’. Tuy nhiên, W. H. D. Rouse, trong bản dịch tập hai của Chuyện tiền thân (Jataka) (trang 55) đã dịch nó thành bệnh sốt rét không vì lý do nào khác ngoài lý do, ở Terai, hơi thở của rắn được cho là nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét. Có lẽ, ông cũng đã nghi ngờ về bản dịch của chính mình; vì ông tuyên bố rằng thuật ngữ ‘ahi’ cũng đề cập đến rốn, có thể được hiểu theo nghĩa của ruột, do đó, cách diễn đạt đầy đủ cuối cùng có thể áp dụng cho một bệnh về ruột như bệnh tả (ibid. n. 1). I. B. Horner cũng giữ lại bản dịch cũ, trong bản dịch về Luật của bà có tựa đề ‘Sách Giới luật’ (SBB. XIV, tr. 98), nhưng nhận xét rằng Mahavastu ám chỉ đến một căn bệnh có tên là adhivāsa “gây ra bởi một tác động không phải con người, được cho là tấn công cả một quận” (ibid. n. 4). Tuy nhiên, có thể, chắc chắn rằng ít nhất về mặt ngôn ngữ học có thể không có mối liên hệ giữa hai điều này.
- S. C.