AHIṂSA
AHIṂSA
AHIṂSA (Bất Hại, Bất Sát)-(không sát sinh hoặc làm tổn hại chúng sinh).
- Trong các tôn giáo ở Ấn Độ. Ahiṃsa (Bất Hại) là một từ được hình thành bằng cách thêm tiền tố phủ định a vào từ hiṃsa, phát sinh từ gốc từ han có nghĩa là ‘giết hại’ và ‘làm bị thương’. Theo đó, Bất Hại có nghĩa là không sát sinh, không làm tổn hại chúng sinh. Nó được dịch sang tiếng Tây Tạng là ‘mi-ḥtshe-ba’, và sang tiếng Trung Quốc thành hai thuật ngữ là 不 害 (không tổn hại chúng sinh) và 不 刹 生 (không sát sinh)… Tuy nhiên, tất cả những từ này đều mang cùng một ý nghĩa.
Bất hại được coi trọng ở Ấn Độ ngay từ thời kỳ đầu. Thuật ngữ này đã xuất hiện trong Chāndogya Upaniṣad (III, 17) của thời kỳ đầu. Ngoài ra, sau đó, (thế kỷ thứ năm trước Công nguyên), Điều đó đã được Đức Phật và Mahāvīra ở vùng Trung Ấn ủng hộ nhiệt tình, những Vị này đã đưa Bất Hại vào hệ thống giáo lý của họ và đặt cho nó một cơ sở lý thuyết từ các giáo lý tương ứng. Theo thời gian, nó lan rộng ra toàn bộ các tôn giáo ở Ấn Độ và đến nay, Bất Hại được coi trọng như một nguyên lý đạo đức tối thượng.
Ví dụ, trong nhiều văn tự của Dharmasūtra, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hàng ngày của người dân Ấn Độ, có nhiều quy tắc dựa vào Bất Hại. Bên cạnh đó, giáo lý về AHIṂSA (Bất Hại) rất được tôn thờ trong Ấn Độ giáo, và nhiều nhóm người ăn chay xuất hiện từ cơ sở này. Gần đây, người ta đã nắm rõ về cách Mahatma Gandhi đoàn kết người dân Ấn Độ, lãnh đạo các phong trào quốc gia và đạt được rất nhiều thành tựu từ cơ sở Bất Hại, mang lại cho nó một cách giải thích rộng rãi hơn để loại bỏ mọi ác tâm hay hận thù.
Do đó, nguyên lý Ahiṃsa (Bất Hại) được coi trọng trong nhiều tôn giáo của Ấn Độ, nhưng cơ sở giáo lý của mỗi tôn giáo cho sự khẳng định của nó có sự khác biệt. Ví dụ, Ấn Độ giáo dựa trên nguyên lý rằng ātman không bao giờ bị hủy diệt và luân hồi qua nhiều kiếp số, cũng như linh hồn (ā tman) và đại ngã (Brahman) là một và không có sự khác biệt (Brahma-ātma-aikya). Do đó, giáo lý về Ahiṃsa (Bất Hại) dựa trên ý tưởng rằng tất cả sự sống là một. Kỳ Na giáo ủng hộ sự tôn trọng sâu sắc đối với ngay cả những dạng sống nhỏ nhất, từ quan điểm của thuyết vật linh – rằng không chỉ các chúng sinh hữu tình mà ngay cả các thực thể như cây cỏ hay khoáng vật cũng có sự sống. Bên cạnh đó, Gandhi mở rộng ý nghĩa của Ahiṃsa (Bất Hại), và diễn giải nó theo hướng tích cực, bao gồm lòng nhân từ và tình yêu nhân loại, mở rộng và phát triển nó trong phong trào toàn quốc với nguyên lý không kháng cự cũng như nói không với bạo lực và vũ lực.
- Là giới. Giáo lý về Ahiṃsa (Bất Hại) được giảng dạy trong Phật giáo là một giáo lý trung đạo và không đi đến cực đoan. Nguyên lý về Ahiṃsa (Bất Hại) được thể hiện qua các cụm từ như pāṇātipātā veramaṇī, và pāṇātipātā paṭivirati (cả hai cụm từ này đều mang nghĩa là tránh làm tổn hại chúng sinh). Trong ba thuật ngữ này, Bất hại là thuật ngữ được các kinh điển Phật giáo sử dụng nhiều nhất, trong khi hai cụm từ còn lại được sử dụng chủ yếu để chỉ giới (Sīla) và luật (vinaya) trong giới luật cấm giết hại chúng sinh. Trong trường hợp luật, các từ kiêng (veramaṇī) và kiềm chế (paṭivirati) đều mang một nghĩa đặc biệt. Cần nỗ lực ý chí để không thực hiện những tập khí xấu như sát sinh hay nói dối, và hành giả phải luôn không ngừng đề phòng để không làm điều ác. Những nỗ lực đề phòng này và và việc vận dụng sức mạnh ý chí được bao hàm trong thuật ngữ kiêng và kiềm chế. Khi đã phát nguyện ‘con sẽ trì giới không sát sinh,’ giới là tinh thần tự nguyện phát sinh khi hành giả hứa tiếp tục nỗ lực này.
Em bé không làm điều ác, nhưng không phải là trì giới, vì nó không nhận thức được mình không làm điều ác. Tương tự, không thể nói một người trì giới chỉ vì người đó không nói dối hay sát sinh. Do đó, Giới (Sīla) nghĩa là không làm điều ác, sau khi đã suy xét kỹ lưỡng. Trong Visuddhimagga, Buddhaghosa đưa ra định nghĩa về Giới (Sīla) theo quan điểm này. Một lần nữa, ý định này trong sīla (giới) không chỉ đơn thuần là mong muốn, mà là ý chí khao khát thực hiện trọn vẹn việc trì giới, nỗ lực thực hiện lời dạy của Phật và nhờ đó chứng đạt giải thoát (vimutti). Do đó, ý chí này là ý chí không ngừng hướng tới sự giác ngộ. Đó là tinh thần thấm nhuần lời dạy của đức Phật, tinh thần nỗ lực thực hành và hiện thực hóa lời dạy đó, sau đó tiến tới sự chứng ngộ và cuối cùng trở thành một Bậc Giác Ngộ. Đó là giới (sīla) khi thực hành các thiện nghiệp với loại ý thức xác định này.
Từ rất sớm trong lịch sử Phật giáo, giới luật đã được phân loại thành Tam Vô Lậu Học (tisso sikkhā) là giới (Sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā). Tam Vô Lậu Học này tuy riêng biệt nhưng không loại trừ mà bổ trợ cho nhau để hướng tới sự tối thượng. Vì vậy, người trì giới là có trí tuệ; người có trí tuệ mới giữ được giới. Trí tuệ được thanh lọc bởi giới, đồng thời giới cũng được trí tuệ thanh lọc (D. I, trang 124). Theo cách này, tinh thần ý thức phát sinh từ Sīla (giới) sẽ ngày một thăng tiến, cuối cùng trở thành một Bậc với Tuệ Giác siêu phàm. Do đó, giới (Sīla) là động lực ban đầu thúc đẩy việc thực hành lời Phật dạy hướng tới sự giải thoát, và bao hàm trong Tăng thượng giới (adhisīla-sikkhā) là giới không sát sinh (pāṇātipātā veramaṇī sikkhā-padaṃ). Do đó, việc thực hành Bất Hại (Ahiṃsa) trong Phật giáo được hỗ trợ bởi tâm lực của giới luật này, và được hiện thực hóa bởi tâm lực phát sinh cùng với nó.
- Là tâm lực (eaitasika-dharma). Về mặt tâm lý, tinh thần thúc đẩy Ahiṃsa (Bất Hại) có thể được mô tả là tinh thần của lòng từ bi và để giải thích điều này, nhiều cách giải thích khác nhau đã xuất hiện trong các thời kỳ sau đó. An Tuệ (Sthiramati) của Duy Thức (Vijñānavāda) (trường phái tâm thức thanh tịnh) trong Đại thừa phát biểu trong Duy Thức Luận (Vijñāptimātratāsiddhi) (trang 28) “rằng lòng từ bi (karuṇā ) là tâm sở (caitasika) cho việc thực hành và hiện thực hóa Bất Hại”. Ông tin rằng khi tâm của một người tràn ngập lòng từ bi, người ấy sẽ không giết hại hay bắt nhốt chúng sinh nào, vì vậy ông hiểu rằng lòng từ bi là tâm lực cho Ahiṃsa (Bất Hại). Do đó, lòng từ bi (Sự xúc động thương xót) là tâm sở cho cơ sở của việc thực hành Ahiṃsa (Bất Hại).
Lại nữa, Hộ Pháp (Dharmapāla), mặc dù cùng thuộc trường phái tâm thức thanh tịnh, đã giải thích tâm sở trong việc thực hành Bất hại là ‘không sân hận’ (adveṣa: Taishō, V, 31, trang 30b). Điều này nghĩa là khi tâm lực, như sự sân hận (dveṣa), đánh thức và kích động con người, thì đối tượng của sự sân hận sẽ bị giết hoặc tổn hại. Do đó, người ta cho rằng khi kiềm chế được sân hận, tâm lực đẩy lùi và dập tắt dveṣa (sự sân hận), bắt đầu kiểm soát tâm hồn, việc thực hành Bất Hại (Ahiṃsa) sẽ trở thành hiện thực.
Cũng với vấn đề này, Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) tin rằng tâm thức có một tâm lực độc lập được gọi là Ahiṃsa, và sức mạnh này sẽ hiện thực hóa Ahiṃsa dẫn đến hành động của cơ thể. Điều này muốn nói rằng tâm sở mà từ đó Ahiṃsa thực hiện hành động của cơ thể không chỉ đơn giản là lòng từ bi (karuṇā), cũng không phải là sự không nổi sân (adveṣa). Nó gần tương tự như hai điều này nhưng lại khác biệt, và là một tâm lực thiện lành độc lập (Pháp tâm sở thiện (kuśalacaitasikadharma): A-tì-đạt-ma-câu-xá luận: Taishō, V, 29, trang 19 b; Abhidharma-nyāyānu-sāra-śāstra: Taishō, V, 29, trang 391 b).
Trong kinh Nguyên Thủy, không có phạm trù đặc biệt nào được tạo ra từ Ahiṃsa ở dạng một quá trình tâm lý. Nó không được đưa vào 52 loại pháp tâm sở (cetasikadhamma) của Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasangaha).
- Thực hành Ahiṃsa. Lý do Ahiṃsa (Bất Hại) được khẳng định là có tính ứng dụng phổ quát là vì hầu như ai cũng yêu quý mạng sống của mình và không muốn bị người khác làm tổn hại hay giết chết. Ý niệm về cảm giác yêu bản thân này được truyền sang những người khác, và do đó, tình yêu và hành vi bảo vệ ‘sự sống’ được ủng hộ. Từ quan điểm này, Ahiṃsa (Bất Hại) cũng được dạy đầu tiên trong Phật giáo. Ví dụ, trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) (v. 129), chúng ta được dạy rằng:
“Ai cũng sợ hình phạt; ai cũng sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết.”
(trsl. A. P. Buddhadatta Mahathera.)
Do đó, Ahiṃsa (Bất Hại) được khẳng định từ quan điểm của karuṇā (lòng từ bi) và yêu thương vạn loại; đồng thời, nó cũng được duy trì từ quan điểm của sự sám hối và cảm giác ăn năn, vì sự tàn ác của việc sát sinh.
Ví dụ, trong Kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta), giới luật đầu tiên mà một vị tỳ kheo phải hành trì nói rằng, “vị tỳ kheo, từ bỏ sát sinh, xa lìa việc sát hại mạng sống. Vị ấy từ bỏ trượng và kiếm, và biết hổ thẹn, và karuṇā (lòng từ bi) tràn đầy, vị ấy sống thương yêu và đối tốt với tất cả chúng sinh hữu tình.” (Cuộc đối thoại của Đức Phật, I, trang 79.) Điều này cho thấy rằng việc thực hành Ahiṃsa (Bất Hại) không chỉ giới hạn ở con người mà còn bao trùm tất cả chúng sinh. Cơ sở của nó là lòng từ (dayā), lòng đồng cảm và thương xót (hitānukarnpā), cũng như cảm giác ăn năn (lajjā) về tội sát sinh và làm tổn hại đến sự sống. Như vậy, Ahiṃsa (Bất Hại) hợp nhất với lòng từ bi (compassion) và ý thức ăn năn. Tâm từ được thể hiện bằng hành động bên ngoài là Ahiṃsa. Bất Hại (Ahiṃsa) được coi là một hành vi cao quý, vì nó không chỉ là đối tượng của hành động, mà chính bản thân người đó cũng có thể đạt được hạnh phúc bằng cách có lòng từ bi và thực sự thực hành nó. Ngược lại, nghĩa là những người nuôi dưỡng thù hận, trái ngược với từ bi, không chỉ làm tổn hại những người khác, mà chính họ còn tự chuốc lấy đau khổ. Câu thứ năm của Kinh Pháp Cú diễn đạt: “Thù không diệt được thù. Tình thương diệt hận thù. Là định luật nghìn thu.” (trsl. op. cit.); và một lần nữa, trong Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) (IV, 151):
“Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sinh
Không hận thù một ai.”
(Kinh Tăng Chi Bộ, IV, trang 104.)
Như vậy, sát sinh là một hành vi tội lỗi và sai trái vì đi ngược lại tinh thần của lòng từ bi. Không chỉ thế, khi thực hành Ahiṃsa, chúng ta sẽ biết được cảm giác thực sự của tình thương và đạt được hạnh phúc, và hơn nữa, niềm hạnh phúc này còn được cho là một trạng thái cao cả về mặt tinh thần. Ví dụ, có thể thấy điều này qua các trích dẫn sau:
“Bậc Hiền không hại ai
Thân tâm thường chế ngự
Đạt đến cảnh bất tử
Nơi ấy không khổ sầu”
(Kinh Pháp Cú v. 225, trsl. op. cit.)
Và một lần nữa,
“Đệ tử Go-ta-ma, luôn luôn tự tỉnh giác; dù đêm hay là ngày, thường vui điều bất sát.”
(Kinh Pháp Cú v. 300, trsl. op. cit.)
Và một lần nữa,
“Tôi là bạn, là bằng hữu với tất cả
Và lòng từ thương xót chúng sinh
Tôi vun trồng trái tim thân thiện
Và tôi vui với lòng tốt của mình”
(Thag. v. 648, trsl. Thánh thi của Huynh Đệ, trang 280.)
Điều được chỉ ra ở đây là có niềm vui trong Ahiṃsa, và tu tập từ tâm (mettā-citta-bhāvanā), là một và như nhau. Phát triển tâm từ là mong muốn tất cả chúng sinh đều sẽ đạt đến trạng thái hạnh phúc, bình an và an lạc, và đánh thức lòng thương yêu vạn loài chúng sinh trong chính mình, và ôm ấp chúng sinh bằng ý niệm từ bi. Điều này được gọi là từ tâm vô lượng (mettā-appamaññā). Do đó, ở điểm này, Ahiṃsa cũng hợp nhất với nguyên lý của mettā-appamaññā. Tu tập tâm sở này là phương pháp kỷ luật và rèn luyện, làm thức tỉnh đối với vạn loại chúng sinh hữu tình. Một lần nữa, thực tế là Ahiṃsa có cơ sở của mình, tâm từ bi cũng hợp nhất với nguyên lý giải thoát tâm bằng lòng từ bi (mettā-cetovimutti). Nguyên lý này có nghĩa là bằng cách phát triển tâm từ, cái tâm đạt được sự bình an và do đó đạt được sự giải thoát.
Do đó, phát triển tâm từ giúp nâng trình độ tâm linh của một người lên một tầm cao mới, và cuối cùng đưa người đó đến giải thoát. Thật vậy, tâm từ bao trùm một lĩnh vực rộng lớn hơn nhiều Ahiṃsa và áp dụng trong nhiều trường hợp khác ngoài Ahiṃsa . Ngược lại, rõ ràng là việc thực hành Ahiṃsa lại giúp củng cố cho tâm từ.
- Trong giáo lý của Phật giáo sơ thời. Như đã thấy ở trên, trong Phật giáo, Ahiṃsa không bị giới hạn trong quy tắc đạo đức rằng một người nên yêu thương tất cả chúng sinh. Nó rộng hơn và thừa nhận theo nghĩa tôn giáo rằng thông qua thực hành nó, hành giả sẽ đạt được những đỉnh cao của sự giác ngộ. Do đó, trong Phật giáo, thực hành Ahiṃsa được giảng dạy theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, chánh nghiệp (sammākammanta), đề mục thứ tư của Bát Chánh Đạo (ariya-aṭṭhṅigika-magga) có thể được giải thích và diễn giải là Ahiṃsa (M. III, tr. 251,…). Một lần nữa, con đường mười thiện nghiệp (dasakusalakammapatha) rất được coi trọng. Thiện nghiệp đầu tiên là không sát sinh (D. III, trang 269,…). Khi Đức Phật dạy về chánh nghiệp hàng ngày của một cư sĩ cho Singālika, nguyên lý đầu tiên được giảng dạy là không sát sinh (D. III, trang 181). Như vậy, Ahiṃsa (Bất Hại) là giáo lý quan trọng nhất trong Phật giáo sơ thời.
- Sự khác biệt giữa tinh thần và hành động. Bất Hại là một hành động đẹp. Nó là một trong những việc làm mà nhiều người muốn thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, nó rất khó đạt được. Con người luôn có tâm sân hận, muốn đánh đập kẻ khác. Do đó, mặc dù muốn sống hòa bình, nhưng con người lại thường gây ra chiến tranh và xung đột. Ngay cả khi những cuộc xung đột này được giải quyết, thì con người vẫn phải ăn để tồn tại, nên đã đánh bắt nhiều loại động vật và tôm cá. Một số người, như Kỳ-na giáo, ăn chay để không phải giết hại. Nhưng ngay cả vậy, thì với quan điểm của những người coi thực vật cũng có sự sống, thì điều này cũng không thể được gọi là một lối sống đúng đắn. Ngoài ra, khi bị người khác tấn công, có khi chúng ta phải giết kẻ thù để bảo vệ mạng sống cho mình. Hơn nữa, muỗi và ruồi mang các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng là một vấn đề. Do đó, nếu duy trì nguyên lý Ahiṃsa theo nghĩa đen, thì ít nhất có thể nói là rất khó để duy trì sự sống của chính mình. Không thể kiếm được thức ăn phù hợp có thể khiến chúng ta phải dùng đến cách tự tử. Tự tử cũng là làm tổn hại và giết chết bản thân mình, và nói đúng ra, điều này không phù hợp với Ahiṃsa. Vì vậy, có rất nhiều vấn đề phát sinh.
Thế giới mà con người đang sống là thế giới mà muôn loài làm tổn hại lẫn nhau, và sự sống được duy trì bằng cách hy sinh những loài khác. Vì vậy, Đức Phật nhìn cuộc đời này và nói: “Cuộc đời là bể khổ” (dukkha). Do đó, chúng ta chỉ có thể thực hành Ahiṃsa khi nhận thức đúng về bản chất cuộc đời, những mâu thuẫn của chúng là rất khó giải quyết. Điều đó có nghĩa là, trong cuộc sống, chúng ta không thể thực hành Ahiṃsa một cách hoàn hảo và tuyệt đối, theo nghĩa cụ thể này. Do đó, cảm giác bên trong của tinh thần Ahiṃsa khác với biểu hiện bên ngoài của nó, hành động Ahiṃsa. Rất khó để thực hiện hành động Ahiṃsa một cách hoàn hảo, nhưng tinh thần Ahiṃsa trong tim thì có thể, bằng cách học hỏi và thực hành. Khi cảm giác bên trong của Ahiṃsa trở nên đầy đủ và hoàn hảo, nó sẽ được thể hiện ra ngoài hành động, và khi cả hai điều này trở nên hài hòa trong cuộc sống thực tế, nó có thể được gọi là cuộc sống của người đệ tử Phật chân chính. Đức Phật hiểu rằng rất khó để thực hành Ahiṃsa một cách trọn vẹn, nên Ngài không thiết lập các quy tắc khắt khe cho hành động Ahiṃsa. Các quy tắc về Ahiṃsa được thể hiện ở giới và luật, và sau đây là các giới luật liên quan đến chúng.
- Những biểu hiện khác nhau. Thứ nhất, cư sĩ (Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di) trở thành đệ tử Phật bằng cách chấp nhận sự hướng dẫn của Ngài, Tam Bảo (ti-ratana) và hứa hành trì năm giới cấm (pañcasīla) trong đó giới đầu tiên là không sát sinh (pāṇātipātā veramanī sikkhāpadaṃ ). Ở đây, hành giả hứa không sát hại hay làm tổn hại chúng sinh. Lời nguyện này có hai điều: một là có ý định Ahiṃsa và hai là hiện thực hóa ý định đó bằng hành động. Ngay cả khi hành giả có ý định Ahiṃsa, thì trong cuộc sống thực tế, vẫn có những trường hợp ý định đó không thể thực hành được. Trong trường hợp này, hành giả bị phạm giới. Việc phạm giới luật như vậy có nghĩa là mặc dù có ý định Ahiṃsa, nhưng những ham muốn ích kỷ chống lại ý định này lại rất mạnh. Trong trường hợp như vậy, khi phạm giới, chắc chắn hành giả sẽ hối hận, và do đó, thực hiện hành vi sám hối (paṭidesanā). Việc hành trì giới luật đòi hỏi hành giả phải thành tâm sám hối. Trái ngược với điều này là trường hợp hành giả không hứa giữ trì giới và do đó, không paṭidesanā hay không hối hận khi phạm giới.
Giới không sát sinh này không chỉ nằm trong năm giới của cư sĩ mà còn trong bát quan trai giới (aṭṭhaṅgika-uposatha) được các Phật tử thực hành vào bốn ngày ‘trai giới’ (uposatha) trong tháng. Nó cũng là giới đầu tiên trong mười giới của nam sa-di (samaṇera ) và nữ sa-di-ni (samaṇerī ). Việc không sát sinh được trình bày rất chi tiết trong Giới Ba-la-đề-mộc-xoa (Pātimokkha), trong Luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Giới thứ ba của Ba-la-di (pārājikā) trong Ba-đề-mộc-xoa cấm giết người. Nếu một Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni cố ý giết người, điều này trở thành một tội pārājikā và Tỳ-kheo đó sẽ bị tẩn xuất khỏi Tăng đoàn. Tẩn xuất khỏi Tăng đoàn là hình phạt nặng nhất đối với một Tỳ-kheo.
Trong cụm từ ‘cố ý giết người’, ngoài việc tự tay giết người, còn bao gồm các hành động như ra lệnh cho người khác giết, và cả xúi giục người khác tự tử. Phá thai (v .v.) cũng được đặt ngang hàng với việc giết người. Như vậy, như trong các trường hợp đã đề cập ở trên, khi Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni cố ý giết người và thực hiện thành công, thì vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thực hiện tội ác đó sẽ không còn được ở trong Tăng Đoàn. Trong trường hợp một người vô tình bị giết và không có ý định giết người, vị Tỳ kheo được paṭidesanā (sám hối). Tự tử cũng bị cấm (Luật III, trang 73, 82).
Những điều trên đề cập đến việc giết người. Ngoài ra, việc giết hại động vật cũng bị cấm. Trong Ưng Đối Trị (Pācitiiya) (Số 61) có nói, “Việc cố ý đoạt mạng động vật là Ưng Đối Trị” (Luật IV, trang 124). Tội Ưng Đối Trị được xóa bỏ (āpatti-desanā) nhờ phép paṭidesanā. Việc uống nước khi biết rằng nước này có chứa các sinh vật sống hoặc đổ lên mặt đất cũng bị cấm (Ưng Đối Trị, Nos. 20, 62). Việc làm tổn hại đến sự sống của cây cỏ cũng bị cấm. (Nos. 10, 11). Do đó, một vị tỳ kheo luôn phải mang bên mình một chiếc túi vải (parissāvana) để lọc nước nhằm tránh uống phải nước có chứa sinh vật sống.
- Thái độ trung dung của Đức Phật. Do đó, Phật giáo nguyên thủy đã in sâu lòng tôn trọng sự sống bằng nhiều phương pháp khác nhau và nghiêm cấm việc sát sinh. Nhưng phải chăng điều này nghĩa là Đức Phật dạy về việc bảo vệ không giới hạn đối với sự sống của động vật? Đầu tiên, Đức Phật cho phép ăn thịt. Trong năm điều pañcavatthūni mà Đề-bà-đạt-đa muốn Đức Phật thi hành, có một điều là cấm ăn tất cả các loại thịt động vật và cá. Nhưng Đức Phật từ chối đưa năm điều này vào giới luật. Ngài cấm ăn mười loại thịt bị xã hội chỉ trích. Ngoài ra, các đệ tử vẫn được phép ăn thịt, miễn là không nhìn thấy, nghe thấy hoặc nghi ngờ con vật bị giết vì mình, hoặc thịt được chế biến chỉ để làm thức ăn cho mình (tikoṭi-parrsuddhaṃ, macchamaṃsaṃ: Luật IV, trang 218-220; Sn. 242, …). Cũng liên quan đến sự sống của cây cỏ, Đức Phật cho phép các đệ tử sử dụng nhành cây dương (danta-kaṭṭha) để làm sạch răng. Do đó, Ngài không cấm không làm tổn hại sự sống cây cỏ một cách cực đoan.
Tóm lại, Đức Phật dạy không được hủy hoại sự sống. Ví dụ, Đức Phật phê bình việc các Bà-la-môn hiến tế nhiều loại động vật cho các vị thần trong các nghi lễ và hành động để hướng tới việc bãi bỏ những nghi lễ như vậy (Sn. 307 ff.; D. I, trang 142, 143). Các Phật tử đã duy trì nhất quán việc không hiến tế động vật tại các nghi lễ trong suốt lịch sử của mình. Trong các dịp lễ bái và cúng dường của Phật giáo trước bảo tháp hoặc tượng Phật, hoa, hương, đèn, âm nhạc, y áo, cờ, màn che trên đầu, vòng ngọc và các vật phẩm tương tự được cúng dường nhưng không bao giờ hiến tế bất kỳ con vật nào.
- Lịch sử. Nhiều người đã thực hành lời dạy Ahiṃsa trong đời sống xã hội. Người Kỳ-na giáo coi nó là một đức hạnh Bất Hại tối thắng (Ahiṃsa paramo dharmaḥ). Trong số những người thực hành đức hạnh Ahiṃsa, vua Asoka là cái tên được biết đến nhiều nhất. Ông chinh phục đất nước Kālinga trong năm thứ 8 của triều đại của mình và vào thời điểm này, ông bắt đầu thấm thía được nỗi thống khổ và mất mát to lớn của chiến tranh, và nhận ra hạnh phúc thực sự nằm trong việc thực hành lời dạy Ahiṃsa của Đức Phật. Các nguyên lý về Ahiṃsa của ông được thể hiện trong các Thánh chỉ, đáng chú ý là trong các chỉ dụ trụ đá Nos. 2, , 5 và 7, cũng như các chỉ dụ khắc trên bảng đá ở Girnar và nhiều nơi khác, chẳng hạn Nos. 1, 2, 4, 11 và 13. Dựa trên những điều này, đầu tiên, cấm dùng động vật làm lễ vật hiến tế; hạn chế ăn thịt, ngay cả ở trong cung điện, giảm thiểu tối đa việc giết động vật để phục vụ bữa ăn cho nhà vua. Đây là lệnh cấm đối với việc giết hại động vật không cần thiết. Lại nữa, trong số những loài vật được phép lấy thịt, không được giết những con đang mang thai và con non dưới sáu tháng; cấm thiến vật nuôi, đóng dấu gia súc và ngựa, đốt rừng vô cớ hoặc giết hại động vật hoang dã. Ông đã tận tụy làm việc vì tình yêu thương và bảo vệ động vật. Ông cho xây dựng bệnh viện cho cả người và động vật; cho trồng các loại thảo dược, trồng cây xanh bên đường và đào nhiều giếng nước, qua đó phục vụ nhu cầu của cả người và động vật. Bằng cách này, vua Asoka đã truyền bá ảnh hưởng của Phật giáo ra toàn bộ Ấn Độ, tạo nên ảnh hưởng to lớn lên đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ trong một thời gian dài.
- Trong Đại thừa. Trong Phật giáo Đại thừa giáo lý Ahiṃsa cũng được coi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, một giai đoạn khác có thể được nhìn thấy trong quá trình biểu hiện của nó. Ngay cả trong các Kinh văn Đại thừa, ngũ giới, bát trai giới, thập giới, Pātimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa), và các giáo lý khác cũng rất được coi trọng. Ngoài những giáo lý này, ‘con đường thập thiện nghiệp’ đặc biệt được coi trọng.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Taishō, 25, trang 155 t.c.) trong phần giải thích về cách thực hiện con đường thập thiện nghiệp, chúng ta đọc được, “Sát sinh là tội nặng nhất trong tất cả các tội. Không sát sinh là đức hạnh đứng đầu trong tất cả các đức hạnh.” Và một lần nữa, “Sát sinh có 10 loại lỗi”. Nó tiếp tục giải thích chi tiết về mức độ nghiêm trọng của tội sát sinh. Trong Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sūtra) (Fan-wang-ching) của Đại thừa, giới đầu tiên trong mười pārājikā (Ba-la-di)đề cập đến việc cấm sát sinh. Sáu phương pháp khác nhau được sử dụng bởi những kẻ giết hại được liệt kê, và tất cả đều bị cấm. Đó là: tự tay giết người, ra lệnh cho kẻ khác giết người, giết người bằng nhiều cách khác nhau, tán thán việc giết người, nhìn và tùy hỷ khi kẻ khác giết người, giết người bằng thần chú (Taishō, 24, tr. 1004 b).
Trong Đại thừa, bố thí Ba-la-mật rất được coi trọng, và một loại bố thí là không cướp đoạt mạng sống của chúng sinh khác. Vì vậy, Ahiṃsa được coi là có ý nghĩa lớn. Lòng từ bi sau đó được ủng hộ mạnh mẽ và, vì điều này, việc ăn thịt (là nguyên nhân của sát sinh) bị cấm. Ví dụ, Kinh Đại Bát Niết Bàn của Đại Thừa (Taishō, 12, trang 386 a, b), dạy chúng ta rằng, “Việc ăn thịt làm dập tắt hạt giống của lòng đại bi.” Lại nữa, bài kinh này cấm ăn thịt, “Từ nay, Ta cấm các đệ tử không được ăn thịt nữa.”
Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sūtra) nói về việc cấm ăn thịt (trang 425). “Bồ-tát tìm cầu giác ngộ của Phật, làm sao có thể ăn thịt chúng sinh?” Ngoài ra, trong Brahmajāla Sūtra (Kinh Phạm Võng), giới luật thứ ba liên quan đến các cấu trược nhỏ nói rằng:
“Hành giả không nên ăn mặn (thịt chúng sinh, ND).
Nếu ăn mặn,
Hạt giống Phật quả của lòng đại bi đã bị dập tắt.”
(Taishō, 24, trang 1004 b.)
Do đó, trong Đại thừa, ăn mặn (thịt chúng sinh, ND) bị coi là một tội, và điều này đã ảnh hưởng lớn đến Phật giáo ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài những điều trên, quy định về Ahiṃsa trong đời sống của người cư sĩ còn được trình bày theo nhiều cách khác nhau trong kinh điển Đại thừa, trong đó giới Đại thừa được giảng dạy.
Trong Fu-sa-nei-chieh-ching, Kinh Ưu-bà-tắc-Giới, Kinh Phạm Võng của Đại thừa, những điều sau đây bị nghiêm cấm: đánh đập chúng sinh; mua bán tôi trai tớ gái; bán vợ con và vật nuôi như ngựa, gia súc; nuôi mèo, con lửng và tằm; bỏ bê người bệnh; có vũ khí sát thương như kiếm, cung tên; sở hữu một cái roi; đốt đồi núi, rừng cây và cánh đồng; trả thù kẻ có oan trái; sử dụng chất độc. Đặc biệt, Kinh Phạm Võng còn đề xuất nguyên lý phóng sinh, và chỉ rõ rằng người tu nên mua và thả cá, chim và đủ các loại thú bị bắt về với môi trường sống của chúng (Taishō, 24; tr. 1005, 1006, 1007, 1029, 1049, 1050).
Bên cạnh đó, những kinh điển như Buddhāvataṃ-saka-mahāvaipulya Sūtra, Mahāsatya-nirgrantha-putra-vyākarṇa Sutra, Suvarṇaprabhāsottamarāja Sutra, Saddharmasmṛtyupasthāna Sutra, Mahārāja Kanika-lekha (Bức thư của Mātṛceta gửi cho vua Kaniṣka, vẫn còn ở Tây Tạng) và những bài kinh khác, dạy chi tiết rằng việc cai trị đất nước phải dựa trên tinh thần Ahiṃsa. Điều này có nghĩa là, vua của một nước phải dựa vào giáo pháp chân chính và lòng từ bi; cấm những việc liên quan đến giết mổ, săn bắn và những việc tương tự; bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người gặp nạn; chuẩn bị nơi nghỉ chân cho du khách; phát thuốc cho người bệnh; bảo vệ người dân khỏi nạn đói, trộm cắp và chiến tranh xâm lược từ các nước khác; trừng phạt (đối với kẻ ác) dựa trên các quy định của pháp luật-và ngay cả trong trường hợp này, sự trừng phạt cũng phải dựa vào lòng từ bi. Tùy theo mức độ phạm tội mà bị chế tài, trừng phạt, bỏ tù hoặc đày ải; nhưng không được cắt đứt bộ phận trên thân thể hoặc tuyên án tử hình (Taishō, 7, p. 923 c ; 9, p. 334 a ; 10, p. 717; ll, pp. 413 c, 530 b; 17, tr 100 c; 31, tr 857 a; 32, tr 501 a). Việc cấm hình phạt tử hình được nêu trong nhiều kinh điển Đại thừa, và có một số quốc gia đã tuân theo điều này.
Vào thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh ở Ấn Độ, có nhiều vị vua trong triều đại của họ đã thực hành Ahiṃsa theo tinh thần nhà Phật. Điều này được ghi lại trong Ký biệt (về cuộc hành trình của ông) bởi Pháp Hiển, người đã tự mình du hành đến Ấn Độ vào năm thế kỷ thứ 5 A.C., cũng như trong Tây Vực Ký thời Đại Đường của Huyền Trang. Những Ký biệt này nói rằng, “Hoàng đế ở các vùng phía tây tín tâm mãnh liệt vào giáo lý nhà Phật và không sử dụng hình phạt tử hình để cai trị dân chúng. Ngay cả những người phạm trọng tội cũng không bị xử tử hình” (Taishō, 51. tr. 859 b, 887 b).
- Trung Quốc và Nhật Bản. Hình thức Phật giáo phát triển ở Trung Quốc và Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các văn tự và kinh điển Đại thừa; và do đó, đối với Ahiṃsa, những ảnh hưởng này rất dễ thấy. Đầu tiên, ăn mặn bị coi là tội ác và bị tẩy chay. Vua Vũ Đế của nhà Lương tuyên bố (511 A. C.) bãi bỏ rượu và thịt trong đất nước của mình; ông cấm việc giết và làm tổn hại chúng sinh, cấm sử dụng lưới đánh cá, cấm giết mổ và, một lần nữa (vào năm 517) ban hành một tuyên bố kêu gọi thần dân của mình ngừng sát sinh vào những ngày thờ cúng ông bà tổ tiên.
Từ thời điểm này trở đi, việc ăn mặn dần dần biến mất, và điều này trở thành xu hướng phổ biến. Việc không ăn thịt trong bữa ăn của các ngôi chùa và tu viện đã trở thành một điều hiển nhiên. Sau đó, truyền thống này vẫn tồn tại trong Phật giáo của Trung Quốc và Nhật Bản. Một lần nữa, phong tục ‘phóng sinh’, dựa trên giới luật giải thoát của Kinh Phạm Võng cũng như dựa vào câu chuyện về người lái buôn giàu có vận chuyển cá dưới nước trong Kinh Suvarṇaprabhā sottamarāja. Chih-i (538-97 A. C.) của trường phái 天 台 宗 (Thiên Thai tông) được cho là người đầu tiên thực hiện phóng sinh. Tập tục này đã trở nên phổ biến sau ngày đó và được tiến hành bằng Lễ phóng sinh. Lại nữa, nhiều nghi lễ được tiến hành tại các thánh địa và địa điểm cấm việc sát sinh; tại những nơi này, việc săn bắt chim thú cũng bị cấm. Ngoài ra, việc thả các loại cá vào hồ, ao và vũng nước cũng được thực hiện. Ở Nhật Bản, lễ phóng sinh được thực hiện lần đầu vào năm 578 Công nguyên, từ đó, tập tục này lan rộng ra nhiều quận. (Đối với các trường hợp tương tự của Ceylon, xem s. v. ABHAYA-DĀNA.) Việc không bắt hoặc giết các loại chim thú trong phạm vi tài sản của đền chùa đã trở thành phong tục phổ biến. Từ thời Thiên hoàng Tha Nga (Saga Tenno) (809-23 A.C.) và sau đó trong 200 năm ở Nhật Bản, án tử hình đã được bãi bỏ do ảnh hưởng của giáo lý Ahiṃsa.
Phong tục giúp đỡ người ốm và người bị thương cũng được thực hiện từ rất sớm. Ở Trung Quốc vào công nguyên, Fu-t’u-ch’êng có khả năng chữa bệnh nổi tiếng, và từ đó trở đi, chùa chiền thực hiện phong tục chữa bệnh cứu người. Đặc biệt dưới triều đại của nữ hoàng Võ Tắc Thiên (684-704 A. C.) đời nhà Đường, các phòng mạch và bệnh viện dành cho người bệnh và nhà chăm sóc người hấp hối đã được thành lập. Tại Nhật Bản, hoàng thân nhiếp chính Shōtoku (574-621 A.C.) đã cho xây dựng một nhà tình thương cho người hấp hối, một phòng mạch và bệnh viện phục hồi sức khỏe cho người bệnh trong chùa Shitennō và do đó cứu giúp những người khuyết tật. Một sự thật ai cũng biết là hoàng hậu Kōmyō (702-60 A. C.) đã thành lập một phòng mạch và một nhà tình thương cho người nghèo và người ăn xin ở chùa Kōfuku. Trong thời gian sau đó, các nhà sư cũng giúp đỡ người bệnh bằng cách chữa bệnh cho họ.
Như vậy, Phật tử Trung Quốc và Nhật Bản đã cứu mạng chúng sinh một cách tích cực theo cách trên và nỗ lực nhằm xoa dịu nỗi khổ. Tinh thần Ahiṃsa (Bất Hại) đã trở thành một nét đặc trưng của cuộc sống hàng ngày này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan điểm vật chất đã lan rộng, chủ yếu từ văn hóa phương Tây, nhiều phong tục như tục ăn mặn đã thâm nhập vào phương Đông, cách mạng hóa đời sống của người dân. Nhiều thay đổi khác cũng đã diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của các Phật tử. Kết quả của những thay đổi này là thực hành Ahiṃsa cao quý trong quá khứ đã bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là ở Nhật Bản.
AKIRA HIRAKAWA.