AGGABODHI (Các đời vua Tích Lan)
AGGABODHI I, Vua của Tích Lan (571-604 A.C.), được ghi nhận với rất nhiều hoạt động mộ đạo. Ngài đã cúng dường ao hồ, ruộng vườn và người giúp việc làm cơ sở cho Tăng đoàn. Trong số những sửa chữa và bổ sung của ngài đối với các đền tháp nổi tiếng bao gồm các tu sửa cho tháp Lohapāsāda, Mahā
Thūpa và tịnh xá Dakkhiṇa. Vua đã cho dựng một tôn tượng của ngài Mahinda bên bờ hồ Mahindataṭa, làm hộp đựng bằng vàng cho Xá Lợi Răng và đặt một chiếc xuồng bằng đồng (xem BHATTANĀVĀ) trong toà khất thực Mahāpāli, được cho là để đựng cơm cho các Tỳ-kheo. Trong thời của ngài, có một sự bất đồng giữa hội huynh đệ chính thống và những tín đồ của phái Vetullavāda. Đại trưởng lão Jotipāla lãnh đạo nhóm chính thống và họ đã thành công mặc dù các tín đồ phái Vetullavāda được bảo trợ mạnh mẽ của hoàng tử Dāṭhāpabhuti. Trong thời trị vì của ngài, văn học phát triển vượt bậc và có một danh sách gồm mười hai thi sĩ của thời kỳ này (Tổng quan: xem Mhv.xlii. Danh sách được đưa ra trong Pūjāvaliya, Nikāya Saṅgraha và biên niên sử cổ Rājāvaliya của Sri Lanka, mỗi danh sách có các dị bản riêng).
AGGABODHI II, Vua của Tích Lan (604-14 A.C.). Ngài cùng hoàng hậu Dāṭhā rất tích cực trong các hoạt động tôn giáo. Dù rõ ràng là người bảo trợ cho phái Đại Tự Viện, ngài vẫn ủng hộ cho các tu sĩ Dhammarucika (Pháp Vị) thuộc phái Vô Uý Sơn và Sāgaliya thuộc phái Kỳ Viên (Jetavana) mà không có thành kiến. Trong thời của mình, vua Kāliṅga (dường như là người đã bị Vua Chālukya phế truất) đã tới Tích Lan “với quyết tâm từ bỏ thế gian”, khi “tâm thức bị xáo trộn do nhìn thấy cái chết của chúng sinh trong chiến tranh”. Vị khách bước vào Tăng đoàn với Jotipāla là bậc bảo trợ của ông, và ngay sau đó là vị cận thần và hoàng hậu của ông cũng được chấp thuận vào Tăng đoàn một cách hợp lệ. Aggabodhi và hoàng hậu xây dựng nơi ở cho họ và hỗ trợ họ bằng nhiều cách thức khác nhau. Vào thời điểm đó, toà tháp (thūpa) của Tự viện Thūpārāma có nguy cơ bị sụp và đang chờ sửa chữa, nhà Vua đã di dời xá lợi Xương Quai Xanh bên phải của Đức Phật, vốn đang được lưu giữ bên trong tháp, tới Logapāsāda, nơi xá lợi còn tồn tại đến nay. Nhà Vua cùng những quan thần của mình “đã làm mới lại toàn bộ công trình của Devānampiyatissa” với mọi vật phẩm trang trí và thay thế xá lợi vốn trang trí lộng lẫy trong tháp đã được sửa chữa, và cúng dường những vật phẩm có giá trị. Nhà Vua mở rộng Mahāpali và “đặt một chiếc xuồng đựng cơm cúng dường” (nó vẫn ở nguyên vị trí, với dòng chữ quyên tặng ngắn bốn thế kỷ sau đó (Xem BHATTANĀVĀ). Hoàng hậu đã dâng cơm cúng dường vĩnh viễn cho các vị Tỳ-kheo (Mhv.xlii, 40 ff).
AGGABODHI IV, Vua của Tích Lan (667-83 A.C.). Ngài sùng đạo đến nỗi dân chúng cũng tự nhiên học theo ngài. Dù thuộc phái Trưởng Lão Bộ, ngài vẫn hỗ trợ các tông phái khác. Ngài ban cho họ nhiều tài sản, đặt theo mong muốn của họ, một ví dụ là “những người giúp việc cho tu viện thậm chí là họ hàng của chính ngài”. Ông đã yêu cầu các Tỳ-kheo tụng Kinh Hộ Trì (Parrita). Hoàng hậu Jeṭṭhā đã xây dựng một ārāma (khu nghỉ) (được đặt theo tên bà) cho các vị Tỳ-kheo. “Tất cả những người đứng đầu các vùng trên hòn đảo đã xây dựng tùy theo khả năng của họ rải rác, vô số các tịnh xá và tự viện. Thời kỳ Bậc trị vì con người này vốn dĩ không có gì khác ngoài những công lao”, là những miêu tả cô đọng trong tập Đại Sử. Ngài sống những năm cuối đời ở Polonnaruva,
nơi diễn ra câu chuyện xúc động khi ngài qua đời– một câu chuyện về tình người gắn bó mà có thể là độc nhất vô nhị trong các biên niên sử thế giới. “Ngài mắc một căn bệnh nan y và khi thấy thời khắc đã đến, ngài cho gọi các thần dân của mình, khuyên họ đi theo con đường Đạo rồi qua đời. Khi ngài viên tịch, thần dân khóc thương sầu thảm và đã thực hiện hoàn hảo mọi nghi lễ trà tỳ cho ngài”, và câu chuyện cảm động tiếp tục ghi nhận trong biên niên sử, “tro tàn của giàn thiêu được dùng làm thuốc chữa bệnh” (Mhv.xlvi, 1-38). Xem thêm AGGA-BODDHI PADHĀNAGHARA, AGGABODHI-PARIVEṆA.
AGGABODHI VI, Vua của Tích Lan (733-72 A.C.). Có lẽ đáng nhớ nhất trong một số hoạt động sùng đạo của ngài là việc sửa chữa những cánh cửa hư hỏng ở Bảo tháp Thūpārāma, Anurādhapura và sắp xếp lại ba hàng đá nguyên khối với các đỉnh điêu khắc bao quanh Tháp (Mhv.xlviii, 64-7). Trong thời trị vì của ngài, văn bia tiếng Phạn Tiriyāy (q.v) đã được chạm trổ bằng ký tự tiếng Sinhala. Văn bia (circa thế kỷ 8 A.C.) có nội dung thể hiện giáo lý Đại Thừa và có vai trò quan trọng trong lịch sử tôn giáo Tích Lan. Trong đó có nội dung đương đại sớm nhất về Đức Quán Thế Âm (Avalokitésvara) (cho đến nay đã được tìm thấy trong vùng) (EZ. IV, 242 ff; V, Pt.1, 174 ff).
AGGABODHI VII, Vua của Tích Lan (772-7 A.C.). Ngài đã “xây mới và kiên cố” ngôi đền đổ nát có Cây Bồ Đề lịch sử ở Anurādhapura. Trong tập Đại Sử cũng viết rằng, “Bằng các hành hợp pháp, ngài đã thận trọng cải tổ lại Tăng Đoàn của Bậc Thắng Giả”, một điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa Tăng đoàn và người cai trị. Ngài được ghi nhận là đã tự mình nghiên cứu các cây thuốc sử dụng cho trị liệu. Ngài viên tịch ở Polonnaruva (Mhv. Xlviii, 68-74).
AGGABODHI VIII, Vua của Tích Lan (804-15 A.C.). Ngài là một tấm gương một số đức hạnh Phật giáo. Theo đó, ngài đã cấm mang thịt, cá, chất gây say vào trong thành (Anurādhapura) trong những ngày Trai Giới (uposatha). Sau khi đảnh lễ tại đền, ngài sẽ rửa chân sạch sẽ trước khi rời đi để đảm bảo sẽ không mang đi dù chỉ một hạt cát. Ngài không bao giờ nói lời thô ác, theo ghi chép, có một lần khi gọi một người hầu, ngài đã lơ đễnh dùng từ “nô lệ”, việc này khiến ngài cảm thấy hối hận tới mức ngài yêu cầu người nô lệ gọi lại ngài theo cách tương tự. Tập Đại Sử đã mô tả như sau về lòng hiếu thảo đặc biệt của ngài đối với mẹ, điều có thể chưa từng có trong số các vị Vua, dù có theo đạo Phật hay không (xlix, 51-61).
“Vua thấy vui khi chăm sóc mẹ đêm ngày. Ngài đợi bà từ sáng sớm, xoa dầu thơm lên đầu bà, xức nước hoa lên những phần ướt mồ hôi, làm sạch móng tay của bà và tắm rửa cẩn thận cho bà. Ngài mặc cho bà bộ trang phục mới, mềm mại, và ngài tự mình gom và giặt đồ dơ. Với nước giặt đồ, ngày vẩy lên đầu đang đội vương miện của mình, tôn thờ bà một cách tuyệt đối với hoa thơm như một bảo tháp. Sau khi đảnh lễ trước bà ba lần, nhiễu vòng quanh bà với mặt bên phải hướng vào, ban cho những người hầu cận của bà trang phục và những tương tự theo mong muốn của họ, ngài tự tay mời bà những thức ăn ngon, tự chia phần ra những gì bà bỏ lại và rắc những thứ đó lên đầu mình. Với những người hầu cận của bà, ngài ban cho họ những thức ăn ngon nhất như cho nhà Vua và khi sắp xếp ngăn nắp căn phòng với hương thơm ngọt ngào cho bà, ngài đã tự tay mình cẩn thận chuẩn bị ở đó một chiếc ghế dài, rửa chân cho bà, nhẹ nhàng xoa dầu thơm, ngồi bên cạnh để xoa bóp chân tay cho bà và vỗ cho bà đi ngủ. Sau đó, đi bên phía bên phải, ngài nhiễu quanh giường bà, thể hiện lòng tôn kính ba lần theo đúng cách, yêu cầu người hầu hay người phục vụ canh gác. Không quay lưng lại vào bà, ngài rời đi. Đến một nơi mà bà không còn nhìn thấy ngài nữa, ngài sẽ tạm dừng lại và thể hiện lòng tôn kính ba lần nữa. Sau đó, hoan hỉ trước hành động của mình, và trong lòng luôn nhớ về mẹ, ngài trở về. Chừng nào bà còn tại thế, ngài sẽ chăm sóc bà mãi như vậy”.
AGGABODHI IX, Vua của Tích Lan (831-3 A.C.), một trong số những vị Vua mà những hành động đáng nhớ nhất là, bằng những ban phát đẹp đẽ, đảm bảo cho các vị Tỳ-kheo ốm yếu của các tịnh xá nhỏ hơn ở Anurādhapura được nhận được cháo thuốc, không cần phải dựa vào những sự cúng dường không chắc chắn trong tình trạng yếu đuối của các Vị. Ông đã triệu tập những người ăn xin bằng tiếng trống và phân phát cho họ nhiều vàng như họ mong muốn. Hành động của Ông gợi nhớ đến sự quyên góp của Vessantara, theo cách này, người đã thực hành hạnh bố thí ba la mật (dānapāramitā: Mhv. Xlix, 83-92).
D.T.D.