AGĀRA, ngôi nhà hay túp lều, thường để nói về cuộc sống tại gia của người cư sĩ đối lập với anagāra, cuộc sống không gia đình của người sống cuộc đời ẩn dật (samaṇa). Đạo Phật, con đường của sự giải thoát, chủ yếu dành cho những người đã sẵn sàng cho sự xả bỏ những tiện nghi của cuộc sống đời thường và chấp nhận một đời sống ẩn dật của một tu sĩ. Thái Tử Tất-đạt-đa, Bậc mong muốn tìm con đường giải thoát, Ngài đã từ bỏ cuộc sống gia đình, và sự xả ly của Ngài chính là những điều mà được đề cập đến trong bộ Kinh Pabbajjā (Sn.v.406). “Cuộc sống gia đình (gharāvāsa) đầy trở ngại, đó là cõi bụi trần. Nhưng như không khí lan tỏa khắp không gian (xuất gia, đi ra ngoài -pabbajjā). Nhìn thấy điều này, Ngài từ bỏ thế gian”. Trong bài giảng đầu tiên (S.V, 420) Đức Phật đã chỉ ra con đường của những người xuất gia, nhưng Ngài không đề cập gì đến hành vi của người cư sĩ. Từ những lúc khởi đầu trên con đường Hoằng Pháp của Đức Phật, người ta thường chấp nhận rằng một người muốn thực hành đầy đủ những lời chỉ dạy của Đức Phật thì nên sống một cuộc sống không gia đình. Do đó, tất cả những người nhận ra tầm quan trọng việc việc chấm dứt đau khổ thế gian ở đây và bây giờ, đã đi theo những bước chân của Bậc Đạo Sư. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã bị thuyết phục, như là với Ngài Raṭṭhapāla, rằng “sẽ là điều không dễ dàng cho một người tại gia có thể thực hành được một đời sống cao hơn (brahmacariyā), hoàn toàn thành tựu, hoàn toàn thanh tịnh và trong sáng như vỏ ốc xà cừ” (M.I,55). Đối với các vị, cuộc sống tại gia là một đời sống làm thoả mãn dục lạc và bị ràng buộc bởi rất nhiều bổn phận và nghĩa vụ khác nhau, đó là những chướng ngại trên con đường giải thoát. Bản chất bất toại nguyện của những tiện nghi trong cuộc sống tại gia được miêu tả bằng những thuật ngữ tối tăm để khiến người tại gia chấp nhận cuộc đời xuất gia mà đem lại nhiều lợi lạc cho việc đạt tới niềm hạnh phúc vĩnh cửu. “Con người đau khổ với những suy nghĩ về “tôi”. Nhưng mọi sự sở hữu đều vô thường và chúng sẽ đều qua đi. Nhận ra điều này và hãy từ bỏ cuộc sống tại gia”. (Sn.v.805). Sự bộc phát của Ngài Subhā (Thig.vv.342-59) và Ngài Raṭṭhapāla (M.II, 64 f & 72 ff) đi ngược lại với những tiện nghi của đời sống tại gia mà những người thân của họ cố gắng kéo họ quay trở lại với một đời sống thấp kém hơn (hīna)- một thuật ngữ thường được sử dụng để miêu tả đời sống tại gia – được diễn đạt bằng những thuật ngữ mạnh mẽ tương đương. Mặt khác, những lợi lạc của việc sống một đời sống xuất gia được tô vẽ bằng những màu sắc rực rỡ (D.I,60 ff; Miln. 243 F). “Cởi bỏ y phục của người cư sĩ, như lá cây parichatta rụng vào mùa thu. Ra đi trong bộ y vàng, đối mặt với cô đơn như những con tê giác” (Sn.v.64). Bằng việc từ bỏ sự bám chấp và những dục lạc giác quan, sống một cuộc đời xả ly, người đó sẽ trở thành một Bậc Bà-la-môn đích thực (ibid.640).

Với tầm quan trọng lớn hơn về khía cạnh xả lý và sống một cuộc đời xuất gia đã khiến một số người cho rằng đó là một tôn giáo thuần tuý dành cho người tu sĩ, Phật Giáo thời kỳ sơ khai đã không hoàn toàn loại bỏ người thế tục ra khỏi kế hoạch cứu rỗi của nó. Mặc dù đặt ra những sự bất lợi lớn lao, người thế tục cũng không nằm ngoài những lợi lạc của một đời sống tôn giáo hay khả năng của sự tiến bộ tâm linh. Học Thuyết Đạo Bà-la-môn nói rằng “con đường đúng đắn (dharmaṃ kuśalam) chỉ nằm trong tầm với của những người tại gia (gahaṭṭha) chắc chắn bị bác bỏ. Nhưng Đức Phật không đi tới một sự thái cực khác để tuyên bố rằng nó chỉ có thể thành tựu bởi một người sống cuộc đời ẩn dật. “Tôi phản đối quan điểm này, hỡi người Bà-la-môn trẻ tuổi, tôi không đưa ra câu trả lời chỉ có một chiều”, là những lời đáp lại của Ngài với Subha, con trai của Todeyya, người đã thỉnh cầu Ngài về quan điểm này. “Dù người đó là một vị Tỳ-kheo hay một cư sĩ, nếu anh ta hành xử đúng đắn (sammā paṭipaññā) thì anh có khả năng chứng ngộ Con Đường Đúng Đắn” (M, II, 197f; A.I, 69). Tuy nhiên, phải nhắc lại là các phẩm tính mang lại lợi lạc cho sự nâng cao khả năng tâm linh được tìm thấy ở các vị tu sĩ nhiều hơn là ở những người thế gian (M.II, 205).

Tăng đoàn của những Bậc xuất gia với sự cống hiến toàn thời gian cho sự thực hành các hoạt động tôn giáo sẽ không thể tồn tại được nếu thiếu đi những hỗ trợ vật chất từ những người thế gian. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập Tăng đoàn tu sĩ, đã xuất hiện một nhóm cư sĩ sùng đạo coi việc cung cấp các nhu cầu vật chất cho người xuất gia là bổn phận của mình. Số lượng và tầm ảnh hưởng của họ phát triển theo thời gian và họ đóng vai trò quan trọng trong suốt lịch sử Phật Giáo. Thậm chí một vài giới luật cho các vị tu sĩ đã được sửa đổi lại theo thỉnh cầu của họ (Vin. IV, 21, 32 f., 70,76) và một vài nguyên tắc cũng được hình thành để trừng phạt những tu sĩ có hành động gây bất lợi cho lợi ích của người thế tục (ibid. III, 211, 148 f., 183 ff). Người thế gian – không phân biệt giới tính- hình thành hai trong bốn bộ phận trong cộng đồng đệ tử của Đức Phật. Những thành tựu được mong đợi ở họ và vai trò mà họ được kỳ vọng trong tôn giáo cũng quan trọng như, nếu không muốn nói là ngang bằng, sự kỳ vọng ở các vị Tăng Ni. “Ta có thể không qua đời, hỡi Ác Quỷ, cho đến khi nào các đệ tử tại gia của ta thuộc cả hai giới tính đều trở thành những tín đồ chân chính, trí tuệ và được rèn luyện tốt, tự tin và uyên bác, đạt đến Chánh Pháp, sống đúng đắn, sống hoàn toàn phù hợp với Pháp (Dhamma), cho tới khi bản thân họ học được Giáo lý và có thể nói lại với người khác, thuyết giảng, phổ biến, thiết lập, phân tích và làm sáng tỏ nó, cho tới khi họ có thể tự mình bác bỏ những lời chỉ trích của người khác, và truyền bá giáo lý tuyệt vời rộng khắp” (D.II,105).

Một số lượng đáng kể các bài giảng đã được thuyết giảng cho mục đích chỉ dẫn cho người thế gian. Vì bị rào cản bởi vô số những nghĩa vụ xã hội từ mọi phía, người cư sĩ không được kỳ vọng có thể cống hiến toàn thời gian cho sự thực hành tâm linh. Do đó, chỉ những nghĩa vụ tôn giáo tối thiểu nhất, cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh của anh ta và phúc lợi của xã hội, mới được giao phó cho anh ta. Nhưng một người cư sĩ có toàn quyền tự do, nếu anh ta muốn tham gia một nghĩa vụ tôn giáo chuyên sâu. Bằng một sự xác lập đơn giản về niềm tin vào Phật, Pháp (Doctrine) và Tăng (Order), một người cư sĩ nam và cư sĩ nữ được chấp thuận vào hàng ngũ của đệ tử cư sĩ của Đức Phật (upāsaka: S.V, 395). Từ nay về sau, người đó phải thường xuyên giữ Ngũ Giới (pañca-sīla: s.v.SĪLA) được gọi là “Thường giới” của những tín đồ cư sĩ. Ngoài ra, vào những ngày Trai Giới (Uposatha), tín đồ cư sĩ có thể phải tuân thủ tám giới luật (aṭṭhaṅgasīla), lợi lạc của những điều này được cho là rất nhiều và có thể coi đó như sự rèn luyện cho một đời sống tâm linh cao cấp hơn vào tương lai, khi thực hiện như vậy, tín đồ cư sĩ đang noi theo đời sống của một vị A-la-hán (A.IV,255 ff). Một trong số những nghĩa vụ tôn giáo chính của tín đồ cư sĩ là cung cấp nhu cầu vật chất cho Tăng đoàn. “Người đệ tử cao quý, phục vụ Tăng đoàn với y áo (cīvara), thực phẩm (piṇḍapāta), chỗ ở (senāsana) và thuốc men

 

(gilānapaccaya-bhesajjā) đã đi vào con đường đúng đắn của người cư sĩ” (ibid. II,65). Bốn thành tựu mà mọi tín đồ cư sĩ, nam và nữ, sẽ chắc chắn đạt được, hạnh phúc vào đời sau là saddhā hay có niềm tin vào sự giác ngộ và công hạnh của Chư Phật, giới luật (sīla)  hay sự tuân thủ nghiêm ngặt năm giới luật, cāga hay phóng khoáng và không keo kiệt, và paññā hay trí tuệ thâm nhập và vào hiện tượng sinh và diệt của vạn pháp (ibid. IV, 270 f., 284 f). Suta hay sự uyên bác đôi lúc cũng được thêm vào như điều thứ năm (ibid. III, 53). Trong bộ Kinh Ālavaka, chân lý (sacca), Giáo Pháp (dhamma), sự can đảm (dhiti) và sự phóng khoáng (cāga) được cho là bốn phẩm tính sẽ mang lại hạnh phúc vào đời sau cho một tín đồ cư sĩ trung thành (Sn.v.188). Trong số những bộ Kinh điển, chủ yếu là những lời chỉ dẫn cho người cư sĩ gồm các bộ: Kinh Đại Phúc Đức (Māgamaṅgala), Kinh Suy Đồi (Parābhava), Kinh Hạng Cùng Đinh (Vasala) và Kinh Thiện Sinh (Sigālovāda), chỉ dạy chi tiết về những điều người cư sĩ nên làm hay nên từ bỏ. Bên cạnh những phẩm tính đạo đức mà nên được vun bồi bởi người Phật tử cư sĩ, không có nghi lễ tịnh hoá hay nghi thức nào chỉ định cho anh ta. Trên thực tế, người cư sĩ mà tin vào những nghi thức và nghi lễ kỳ lạ (kotuhala-maṅgalika) và đặt niềm tin vào những điềm báo may mắn chứ không phải từ những việc làm (maṅgalaṃ paccetino kammaṃ) được gọi là người bị ruồng bỏ trong số những tín đồ cư sĩ (A.III, 206). Như Kinh Đại Phúc Đức (Mahāmaṅgala) đã chỉ ra rõ ràng, sự may mắn đến từ những phẩm tính tốt lành bên trong chứ không phải từ những biểu tượng bên ngoài. Thiếu đức tin, thiếu giới hạnh và tìm kiếm những người có giá trị để cúng dường bên ngoài Tăng đoàn là ba tình trạng khác “sẽ khiến một tín đồ cư sĩ trở thành một người bị ruồng bỏ”. Tuy nhiên, điều cuối cùng không hề cấm tín đồ cư sĩ Phật Giáo cúng dường vật phẩm cho người ngoài. Đức Phật đã nhấn mạnh trong việc phủ nhận bất kỳ quan điểm nào như vậy (ibid. I,161) và đôi lúc thậm chí Ngài còn khuyên những người mới cải đạo của mình vẫn cúng dường các nhà sư theo niềm tin cũ của họ (M.I, 379; Vin. I, 236 f).

Chỉ giàu có về tinh thần – đôi lúc được miêu tả là gấp bảy lần: đức tin (saddhā), giới hạnh (sīla), sự khiêm cung (hiri), sự sợ hãi (ottappa), hiểu biết (suta), lòng quảng đại (cāga) và trí tuệ (paññā: A.IV, 5ff) – có thể có giá trị và cao hơn nhiều so với sự giàu có về vật chất, tuy nhiên, sẽ không phù hợp cho một đời sống tại gia thành công. Sự giàu có về vật chất cũng có những đóng góp lớn lao cho việc tạo lên hạnh phúc của người tại gia. Do đó, hai phẩm tính, khả năng đạt được sự giàu có và khả năng nhận biết điều gì tốt (kusala) và điều gì xấu (akusala)… được cho là hai con mắt của một người (ibid. I, 128 f). Người cư sĩ mà sở hữu cả hai phẩm tính này thì có thể có một cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc của một người tại gia, được nói là, bao gồm sự sở hữu về của cải (atthisukha), sự tận hưởng nó (bhogasukha), không nợ nần (anaṇasukha) và tự do khỏi những lời oán trách (anavajjāsukha: ibid. II, 69 f). Thiếu của cải tích trữ là một trong những nguyên nhân của sự suy tàn trong một gia đình (S.IV, 324). Sự giàu có chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực lớn lao và sự bền bỉ (Sn.v.187), trong khi sự uể oải và lười biếng là kết quả từ những hành động vô kỷ luật dẫn đến sự suy yếu (Vin.I, 227 f). Kinh Thiện Sinh (Sigālovāda) liệt kê sáu cánh cửa dẫn đến sự mất mát của cải (s.v APĀYA-MUKHA) và người tại gia được khuyên để tránh.

Có bốn sự thành tựu (sampadā) mà đảm bảo cho người cư sĩ một cuộc sống hạnh phúc trong thế gian như: khéo léo và nỗ lực không ngừng nghỉ trong bất kỳ công việc nào đang tham gia với năng lực thực hiện nó một cách hiệu quả (uṭṭhāna-sampadā), khả năng bảo vệ tài sản của một người có được một cách đúng đắn (ārakha-sampadā), kết giao với mọi người cả già và trẻ, có niềm tin, giới hạnh, lòng quảng đại, trí tuệ (kalyāna-mittatā) và một cuộc đời bình đẳng phù hợp với thu nhập của người đó (samajīvatā: A.IV, 281 ff). Trong việc đạt được sự giàu có, người cư sĩ nên tránh mọi điều xấu ác và chỉ áp dụng những phương pháp đúng đắn (s.v. ĀJĪVA).

Người cư sĩ mà có được của cải một cách đúng đắn nên sử dụng nó một cách sáng suốt. Cả sự keo kiệt và sự phung phí vô độ đều bị coi là những phẩm chất xấu xa khiến người đó bị suy tàn (Sn.vv.102,106). Người tại gia được chỉ dẫn là nên chia tài sản thành bốn phần. Một phần sử dụng cho những nhu cầu hàng ngày; hai phần nên được đầu tư vào kinh doanh và phần thứ tư nên được tách riêng ra mỗi khi cần thiết (D.III, 188). Anh ta cũng có thể rút cả bốn phần cho mục đích làm phước. Bên cạnh việc duy trì bản thân, anh ta còn phải thực hiện vô số những nghĩa vụ xã hội khác. Người tại gia sử dụng của cải một cách sáng suốt là người đó sử dụng nó trong việc thực hiện những nghĩa vụ với bản thân và người khác. Kinh Thiện Sinh (Sigālovāda) đã đưa đầy đủ chi tiết về những nghĩa vụ của một người tại gia đối với cha mẹ, vợ và con, người Thầy, bạn bè, các vị xuất gia, các vị Bà-la-môn, người giúp việc và công nhận, và đồng thời những nghĩa vụ họ phải thực hiện để đáp lại những người đã giúp cho họ. Ở những bản văn khác, cũng cho thấy rằng người tại gia cũng có nghĩa vụ đối với người thân, những vị khách của mình, các nghi lễ cần được thực hiện đối với các thần linh và những người đã khuất (pubba-peta) và nghĩa vụ đối với Vua hay nhà nước (A.II, 67f). Đức Vua được quyền phục vụ của thần dân Ngài chỉ khi Ngài đã thực hiện các nghĩa vụ Ngài có với thần dân của mình (D.III, 92 f.; I, 135 f). Do đó, mỗi người bằng việc thực hiện các nghĩa vụ của mình sẽ đóng vai trò trong việc gìn giữ sự hài hoà trong xã hội. Tuy nhiên, nghĩa vụ mà một người phải thực hiện quan trọng đến đâu, người tại gia được cảnh báo không được thực hiện bất kỳ ác hạnh nào, vì có đủ những cách thức chính đáng mà người đó có thể sử dụng để thực hiện chúng (M.II, 188). Tất cả những điều này có thể được tổng hợp lại trong sự miêu tả về một người cư sĩ lý tưởng như được đề cập trong bản Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) (V, 181 f), “Bây giờ, hỡi người tại gia, trong mười người vui thú với dục lạc giác quan, người nào kiếm tài sản một cách hợp pháp và không tuỳ tiện, và khi làm như vậy sẽ khiến anh ta được hạnh phúc và vui vẻ, cũng chia sẻ của cả của mình với người khác và tiếp tục làm phước với tài sản đó và vẫn sử dụng tài sản của mình mà không tham lam và mong cầu, không tham luyến, luôn chú ý đến sự nguy hiểm và sống vì sự giải thoát của mình: trong mười người đó, anh ta sẽ là người tuyệt vời nhất và thủ lĩnh, đứng đầu, cao nhất và tối thượng”.

Sự giàu có về tinh thần như đã được miêu tả ở trên là những sự sở hữu chung của cả nam và nữ. Ngoài những điều này, có những điều kiện khác để có thể khiến một người phụ nữ có được một cuộc sống hạnh phúc trong thế giới này. Sắc đẹp, của cải, người thân, những đứa con trai và đức

 

hạnh được cho là năm sức mạnh của người phụ nữ. Nhưng đức hạnh là điều quan trọng nhất trong tất cả và thiếu đức hạnh sẽ khiến tất cả những điều khác vô nghĩa (S.IV, 247). Một người phụ nữ nên loại bỏ sự keo kiệt, đố kỵ, nhục dục và dục vọng, những điều sẽ dễ dàng khiến người đó đọa sinh vào địa ngục (A.I, 281). Cô không nên để lợi ích, sự nịnh bợ và sự ưu ái tấn công mình (S.II, 236). Một người phụ nữ đã kết hôn phải có bốn phẩm tính mà có thể mang đến cho một một cuộc sống hạnh phúc, như: cô nên chu toàn các công việc gia đình của chồng một cách hiệu quả; cô ấy phải nghe lời và đáng yêu trong cách cư xử với chồng mình; cô ấy phải có khả năng quản lý những người giúp việc và người làm của chồng và có thể đảm bảo phúc lợi cho họ; và cô nên cẩn thận bảo vệ tài sản của chồng mình (A.IV, 269 f). Thêm vào đó, người phụ nữ cũng được kỳ vọng trong việc tôn trọng cha mẹ của chồng, những người lớn tuổi hơn, và cả những bậc sống cuộc đời ẩn dật và những vị Bà-la-môn được anh ta kính trọng (ibid. 265). Hai nhân vật được đưa ra làm tấm gương để các nữ cư sĩ Phật Giáo noi theo là Khujjuttarā và Velukan-ṭakiyā Nandamātā. Mọi người mẹ (được tuyên bố như vậy), một người có tín tâm thực sự, nếu bà ta chỉ yêu con gái mình, nên khuyên bà ta đi theo cuộc đời của hai người đệ tử cư sĩ cao quý của Đức Phật này (S.II, 236). Theo quan điểm của Đức Phật, một người phụ nữ với đức hạnh và trí tuệ, kính trọng mẹ chồng và chung thuỷ với chồng thậm chí có thể con tốt hơn một người đàn ông, vì con trai bà có thể làm những điều vĩ đại và thậm chí là cai trị những vương quốc vĩ đại. Người con trai của một người vợ cao quý có thể là người dẫn dắt cho đất nước mình (ibid. I,86). Một người phụ nữ với niềm tin, giới hạnh, sự quảng đại và trí tuệ và một người đàn ông với cùng những phẩm tính đó, kết hôn với nhau sẽ chứng minh họ là một cặp đôi hạnh phúc nhất. Họ sẽ có mọi phước lành trong cuộc đời và sẽ được đoàn tụ trong những đời sau (A.II, 57 f). Có lẽ ví dụ tốt nhất về một đôi vợ chồng hạnh phúc được thấy trong các tác phẩm tiếng Pali là Nakulapitā và Nakulamatā. Vào thời Đức Phật, họ đã khẳng định niềm tin vào nhau và họ thỉnh cầu lời chỉ dạy của Đức Phật để có thể đoàn tụ với nhau trong đời sau. Ngài đã khuyên họ về sự vun bồi bốn phẩm tính được đề cập đến trước đó (ibid. 61 ff).

Điều lý tưởng luôn được đặt trước người thế gian là có một cuộc đời hạnh phúc sau khi qua đời ở một trong nhiều tầng trời. Có vô số trường hợp về các tín đồ cư sĩ cao quý trong các bản văn và luận giải tiếng Pali, những người đã gặt hái việc được vào tầng trời này hay tầng trời khác, sự gặt hái của những hạt giống từ những thiện hạnh đã được gieo trồng trên trái đất. Nhưng Phật Giáo sơ khai không bao giờ cố gắng để hạn chế những ước nguyện của tín đồ cư sĩ trong việc đạt được hạnh phúc trong cõi trời, nơi mà Đức Phật không coi là một giá trị lâu dài. Là một sự thật rằng những bài giảng cho người
thế gian thường được bắt đầu với lời chỉ dạy về sự quảng đại (dāna), giới hạnh (sīla) và Cõi Trời (sagga: D.I, 148), bởi vì chúng là những chủ đề mà xuất hiện nhiều nhất với những người thế gian thông thường. Nhưng bài chỉ dạy vẫn tiếp tục về những sự bất lợi của việc vui thích dục lạc giác quan, những lợi lạc của việc xả ly và cuối cùng là về Tư Diệu Đế. Đức Phật và các đệ tử của Ngài, chắc chắn, đã thận trọng trong việc chỉ dạy những Giáo lý thâm thuý và sâu sắc cho những người tại gia không có người chỉ dẫn (M.III, 261). Nhưng không nên cho đây là điểm liên quan tới bất kỳ yếu tố bí truyền nào trong thời Phật Giáo sơ khai. Những Giáo lý của Đức Phật khá cởi mở cho cả người tại gia và xuất gia và thậm chí cả với những người bên ngoài Đạo Phật (S.IV, 315f). Trong nhiều dịp, Đức Phật đã thảo luận những điểm thâm sâu trong Giáo lý của Ngài với những người tại gia và thậm chí Ngài còn khuyên họ nên học theo những điều này. Ngài từng chỉ dạy, một tín đồ tại gia không nên chỉ hài lòng với việc cung cấp bốn vật dụng cần thiết cho các vị tu sĩ. Anh ta nên thỉnh thoảng bước vào và an trú trong niềm hỷ lạc (pīti) mà đến từ sự ẩn dật (A.III, 207). Dhammadinna được khuyên nên nghiên cứu về những bài Kinh về Tánh Không (suñña: S.V,407) và cũng có những đệ tử cư sĩ vun bồi bốn nền tảng của Chánh niệm (satipaṭṭhāna: M.I, 340) được gọi là con đường duy nhất (ekāyana-magga) để tịnh hóa. Trong trường hợp như vậy, có những vị đệ tử cư sĩ đã có tiến bộ tâm linh vượt bậc và thậm chí đã đạt được Quả của con Đường. Đa số những người này bản chất là đắc Quả Dự Lưu (Tu-đà-hoàn – sotāpaññā), tự do khỏi việc tái sinh vào những cõi khổ đau và Niết Bàn được định sẵn. Lòng chí thành kiên định tới Phật, Pháp và Tăng, cùng những đức hạnh cao quý không gián đoạn là những phẩm tính mà sẽ giúp cho một người đạt tới giai đoạn này (S.V, 344). Chúng cũng là những phẩm tính mà Đức Phật thường khuyên hàng đệ tử cư sĩ của mình nên vun bồi (ibid. 308, 407). Cũng có những người tại gia chứng đắc Quả Nhất Lai (Tư-đà-hàm – sakadāgāmī) và Quả Bất Lai (A-na-hàm – anāgāmī). Ugga đắc Quả Bất Lai (anāgāmī), Bậc đã thực hành đời sống thiêng liêng Phạm Hạnh (brahmacariya), nhưng vẫn duy trì là một cư sĩ. Ông ta được cho là có tám phẩm tính tuyệt vời. Ông ta chia sẻ của cải của mình với những người đức hạnh không phân biệt và ông cho phép những người vợ của mình được tự do lựa chọn ở lại cùng ông hoặc quay trở về với cha mẹ họ. Ông ta uyên bác tới mức đôi lúc ông ta thậm chí còn thuyết giảng Pháp cho các vị tu sĩ (A.IV, 206). Velukaṇṭakiyā Nandamātā cũng chứng Đắc Quả Bất Lai (anāgāmī), Bậc có thể đạt được nhiều trạng thái thiền định (jhāna) khác nhau theo mong muốn (ibid. 66f). Sự dũng cảm và tự tin vào bản thân được thể hiện bởi cái chết của Nakulamata, khi bà an ủi người chồng sắp mất của mình, là một dấu hiệu rõ ràng của sự chứng đắc tâm linh cao cấp (ibid. III, 295 ff).

 

Thực tế là (theo như Phật Giáo sơ khởi) việc một tín đồ tại gia có thể chứng ngộ ba giai đoạn đầu tiên của Con Đường là điều không bao giờ phải nghi ngờ. Nhưng người đó không thể được cho là sẽ đạt tới giai đoạn thứ tư và cuối cùng, ví dụ như chứng quả vị A-la-hán. Liệu một tín đồ tại gia có thể chứng đắc Quả vị A-la-hán hay không là một điểm gây tranh cãi từ những thời kỳ sơ khởi. Câu hỏi được đặt ra cả ở trong Kinh Ngữ Tông (Kathāvatthu) (267) và Kinh Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) (242f). Lời giải đáp của những Bậc Nguyên Thuỷ (theo như trong Kinh Ngữ Tông – Kathāvatthu) là sự phủ nhận, trong khi Uttarāpathakas (một trong những trường phái sớm nhất của Phật Giáo) thì trả lời trong sự khẳng định. Kinh Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) ghi nhận rằng một người tại gia có thể chứng đắc Quả vị A-la-hán nhưng nói rằng cuộc sống của một vị tu sĩ sẽ thuận lợi hơn cho sự chứng ngộ (loe.cit). Sự đồng thuận về các quan điểm trong các bộ Kinh (Nikāya) cũng cho rằng một người tại gia có thể chứng quả vị A-la-hán. Có những ví dụ về những Bậc chứng đắc như sau:Yasa (Vin. I, 17) và Bāhiya (Ud. 8), những Bậc đã đạt được sự giải thoát khi các Vị vẫn là những người tại gia. Chúng ta cũng có trường hợp của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana), cha của Đức Phật, Ngài đã qua đời là một vị A-la-hán tại gia (ThigA. 141). Một tín đồ tại gia kín đáo có thể giúp tín đồ tại gia kín đáo khác đang bị bệnh bằng cách hỗ trợ anh ta phát triển dòng tâm thức dần dần cho tới khi nó đạt tới trạng thái chấm dứt tính chất cá nhân (sakkāyani-rodha), điều này đồng nhất với sự chấm dứt các chất gây say (āsavakkhaya) hay chính là chứng đắc Quả vị A-la-hán (S.V, 408f). Ngoài ra, như đã được đề cập đến, có một điều rõ ràng là một người tại gia có những hành xử đúng đắn thì có khả khả năng chứng ngộ trên con đường Chân Chính. Tuy nhiên, có một tuyên bố trong Trung Bộ (Majjhima Nikāya) rằng một người cư sĩ mà chưa phá vỡ được những xiềng xích (gihī-saṃyojana) trong tâm thì chưa thể đi đến việc chấm dứt khổ đau khi thân thể tan biến (M.I, 483). Có thể, lời tuyên bố này đưa đến một vài kết luận rằng một người cư sĩ không thể đạt được sự chứng đắc Quả vị A-la-hán. Kết luận trong Kinh Ngữ Tông (Kathāvatthu) cũng có thể đến từ điều này. Nhưng lời giải thích của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) làm mọi thứ sáng tỏ. Theo như Ngài chỉ dạy, những Bậc Phật Giáo Nguyên Thuỷ phân biệt một người cư sĩ từ những xiềng xích trong tâm của người đó và không phải từ những bộ trang phục của người cư sĩ đó (gihīvyañjana: KvuA. 73). Do đó, dù là một tu sĩ y áo vàng hay một người cư sĩ (trong ý nghĩa thông thường của thuật ngữ) trong một bộ trang phục màu trắng, nếu anh ta có thể phá huỷ được những xiềng xích trong tâm mình, thì
anh ra là một vị tu sĩ thực sự. “Một người, dù anh ta mặc một bộ trang phục tốt, nếu người ấy sống chân chính, đúng với Chánh Pháp, tâm anh ta được an định và được kiểm soát, nếu anh ta không làm hại sinh vật sống nào, thì người đó là một vị Bà-la-môn đích thực, một Bậc Sa-môn (samaṇa) và một vị Tỳ-kheo (bhikkhu)”. (Dhp.v. 142). Không ai nên bị đánh giá bởi vẻ bề ngoài của người đó, vì có rất nhiều người không gò bó mình trong vỏ bọc của một người tử tế và có đạo đức (S.I, 79). Điều ngược lại cũng có thể đúng như vậy.

Bất kể vị trí của một người cư sĩ tại gia trong thời kỳ Phật Giáo sơ khởi là thế nào, khoảng cách giữa họ và Tăng đoàn cũng là rất lớn. Người cư sĩ, ít nhất là phần lớn trong số họ, phải bằng lòng với hi vọng về sự giải thoát cuối cùng trong đời tương lai, trong khi các Bậc tu hành trong Tăng đoàn đã phát nguyện nỗ lực hết sức để chứng đắc quả vị A-la-hán ngay trong đời này. Nhưng, thời gian trôi qua và sự xuất hiện của nhiều trường phái khác như Đại Chúng Bộ (Mahāsāṅghikas) và sau này là truyền thống Đại Thừa (Mahāyāna), từ đó người cư sĩ có xu hướng tiến gần hơn với Tăng đoàn. Đó có thể là nhờ những vị Đại Chúng Bộ (Mahāsāṅghikas), những Bậc đầu tiên đưa ra học thuyết Ba-la-mật (pāramitās) (sự toàn thiện) giúp cho cả các tu sĩ cũng như các cư sĩ có được cơ hội ngang bằng nhau trong việc đạt tới Quả vị Phật. Học thuyết được tiếp nhận bởi rất nhiều các trường phái khác và những Vị thuộc trường phái Đại Thừa đã thay thế hoàn toàn ý tưởng về Quả vị A-la-hán, mà họ gọi đó là Tiểu Thừa (Hīnayāna), bằng ý tưởng về các Bậc Bồ-tát hay Đại Thừa (Mahāyāna). Cả các vị tu sĩ và những người cư sĩ tại gia được khuyên nên đi theo con đường sau, đặt họ gần như ngang hàng nhau. Trong các tác phẩm thời kỳ Đại Thừa sơ khai, không có một đề cập nào về các Bậc Bồ-tát tại gia, nhưng chúng có xuất hiện trong những tác phẩm sau này. Bản Śikṣāsamuccaya, một tác phẩm nói về các bổn phận và thực hành được quy định cho một vị Bồ-tát tại gia, có liệt kê ra một vài Vị đặc biệt, chủ yếu lấy từ nguồn Ugradatta-pariprcchā.  Theo đó, một vị Bồ-tát tại gia không nên có sự dính mắc vào những sở hữu vật chất và phải có thể chia sẻ chúng mà không nuối tiếc[1]. Để có thể không dao động bởi những hoàn cảnh thế gian, dùng những phương tiện chân chính để làm giàu, không cản trở bất cứ ai lựa chọn con đường xả ly đời sống tại gia, tin tưởng vào hậu quả của nghiệp, phát triển Bồ Đề Tâm (bodhi-citta) (q.v) và từ bỏ lợi ích của bản thân vì lợi lạc của người khác, là trong số những phẩm tính được kỳ vọng của các Bồ-tát tại gia. Có một điều thú vị khi nhìn thấy tất cả những điều này, ngoại trừ hai điều sau, đều cũng là những được được mong đợi của tất cả các tín

 

 

độ cư sĩ trong thời Phật Giáo sơ khai. Cuộc đời của Ngài Duy-ma-cật (Vimalakīrti) là một ví dụ điển hình về mức độ mà một vị Bồ-tát tại gia có thể đạt được theo như Giáo lý của Đại Thừa. Ngài là một người đàn ông với đức hạnh và trí tuệ vĩ đại. Mặc dù đã hoàn toàn thoát khỏi sự bám chấp vào vật chất, Ngài vẫn duy trì là một người cư sĩ và làm việc vì phúc lợi của người khác. Trí tuệ của Ngài rất được kính nể, và thậm chí là những Bậc trí tuệ siêu phàm như Ngài Xá-lợi-phất (Sāriputra) và Ngài Ca-diếp (Mahā Kāśyapa) và những Bậc Bồ-tát Cõi Trời như Đức Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī), cũng được cho là không bằng được Ngài[2].

Dù là trong những giai đoạn đầu của truyền thống Đại Thừa cũng không thể hoàn toàn xoá bỏ được khoảng cách giữa người cư sĩ và Tăng đoàn. Một người cư sĩ có thể đạt được Quả vị Phật, nhưng người đó vẫn phải từ bỏ cuộc sống tại gia vào cuối giai đoạn của địa (bhūmi) Bồ-tát[3] thứ 4. Bản Đại Thừa Tập Bồ-tát Học Luận (Śikṣāsamuccaya) đã dành cả một chương để tán thán những đức hạnh của một đời sống ẩn dật trong rừng. Họ vẫn ủng hộ một đời sống lý tưởng đơn độc một mình. “Luôn tìm kiếm sự ẩn dật trong rừng, bỏ lại những thú vui của làng mạc và thị trấn. Hãy luôn như những con tê giác đơn độc: chẳng bao lâu nữa bạn sẽ có được lợi ích của sự an tịnh”. (Siks.195). Người ta nói rằng, người cư sĩ không bao giờ đạt được Quả vị Phật. “anh ta không bao giờ đạt được trí tuệ siêu việt (anuttaram agra-bodhim) khi sống cuộc đời chán ghét của một người đàn ông gia đình, tận hưởng những dục lạc giác quan và dính mắc vào vợ và những đứa con” (ibid.193). Và tiếp theo (loc.cit), “Trước đây chưa từng có một vị Phật, và cũng sẽ không có trong tương lai hoặc là bây giờ, người có thể đạt được trí tuệ cao nhất trong khi anh ta vẫn duy trì trong đời sống tại gia”. Tuy nhiên, có một vài trường phái Đại Thừa sau này, đặc biệt là những trường phái của Trung Quốc và Nhật Bản, gần như đã có thể xóa bỏ khoảng cách tồn tại giữa Tăng đoàn và hàng cư sĩ. Trong bản chuyển dịch Kinh Pháp Hoa (Saddhārmapuṇḍarīka) của Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva), có chỉ dạy rằng sống cuộc đời tại gia, nói những ngôn ngữ thế gian, có được của cải và làm ra mọi thứ là phù hợp với lời Phật dạy[4]. Tuy nhiên, điều này không đồng thuận với phiên bản tiếng Sanskrit của bộ Kinh còn tồn tại (Sdmp. 3.315). Nhà luận giải của Kinh Lăng Nghiêm (Śūraṅgama), Ngài Chang-shui Tzū-hsüan, diễn giải đoạn văn này như sau đời sống tại gia đồng thuận với Giáo lý Đức Phật nhiều hơn đời sống xuất gia. Tác giả Nhật Bản Musō diễn giải một bước xa hơn nữa về đoạn văn này. Chân lý (tatva) của Đức Phật tồn tại, theo như Ngài nói, chỉ trong sự kiểm soát thế giới và tạo ra mọi thứ[5]. Do đó, trong một vài trường phái Nhật Bản, như Shingon-shu, một người không cần từ bỏ đời sống tại gia để được khai tâm
vào con đường Phật Quả, người đó có thể hy vọng đạt được trí tuệ siêu việt và vẫn duy trì là một cư sĩ.

C.WITANACHOCHI


[1] N.Dutt, Các khía cạnh của Phật Giáo Đại Thừa, 297 f.

[2] H. Hashimoto, Yuima no Saihakken (‘Sự khám phá lại Ngài Duy Ma Cật – Vimalakirti’), pp. 48 ff., 77; Moc.490 f.

[3] Dutt, op.cit.270.

[4] Taishō, tập IX, ch.10

[5] H. Nakamura, Topojin no Shiihoho (‘Những phương pháp tư duy của Người Phương Đông’), trang 202.