ĀDIKARMIKA
ĀDIKARMIKA, một người sơ cơ và ít kinh nghiệm. Theo như trong Rāṣtrapāla-paripṛcchā thì một người mới gia nhập tăng đoàn (navaka) hay một vị Tỳ kheo đắp y chưa lâu (acira-paripṛcchā) được gọi là một ādikarmika. Tuy nhiên thuật ngữ thường được dùng để chỉ một vị bồ tát sơ phát tâm, tức là người vừa mới bắt đầu thực hành bồ tát đạo (Mahāyāna-samprasthita: Śiks 60). Còn một bồ tát là đã tích lũy công đức và thực hành đời sống Phạm hạnh (brahmacariyā) dưới đời hàng trăm ngàn đức Phật và còn còn khéo léo trong việc hành pháp (dharma-naya)
Thì không phải là một vị ādikarmika (Sdmp. 65. 2 f.). Trong Ugradatta–paripṛcchā (Úc-ca-la-việt vấn Bồ tát hạnh) có nói rằng một ādikarmika khi thực hành bồ tát hạnh vẫn còn dính mắc rất nhiều với thế giới trần tục và vẫn chưa thể buông bỏ sở hữu của mình (Śiks. 10). Đức Phật giống như một vị Đại thương chủ (sārthavāha) của các vị bồ tát sơ phát tâm (Mhvyut. p. 32), những người cần được nuôi dưỡng bởi bài giảng của Như Lai đã thuyết giảng để tán thán hạnh của bồ tát (Gvyu. 503). Trong các tác phẩm Mật thừa, có sự phân biệt giữa bậc thầy yoga, người đã đạt đến yoga tối thượng (niṣpanna-yoga) và cuối cùng, với người mới bắt đầu thực hành yoga (ādikarmika –yoga) (Poussm : Bouddhtsme, p. 179.)
Không giống các bậc trí người đã thuần thục về đức hạnh, nghĩa thông thường của thuật ngữ này là một người sơ cơ được bao bọc bởi giới luật như được mô tả trong chương đầu tiên của Bodhicariyāvatāra (Nhập bồ đề hạnh luận) (ibid. 1 82). Và trong Sikṣāsamuccaya (Tập bồ tát học luận) cũng vậy, có hàng loạt những chỉ dẫn dành cho vị bồ tát sơ cơ. Do vậy họ không nên tham đắm danh lợi, không nên tìm sự vui thích trong việc tụ họp và trò chuyện hay ngủ nghỉ, cùng những việc vô ích khác (Śiks. 1046). Có tám trọng tội (mūlāpatti) sẽ đem lại bất hạnh cho một vị ādikarmika, cụ thể là thuyết giảng thâm sâu về giáo lý Tánh Không (śūnya) cho một người tuệ giác chưa thuần thục sẽ khiến họ sợ hãi và rời bỏ pháp Đại thừa (Mahāyāna); can ngăn mọi người thực hành pāramitā (ba la mật) bằng việc thuyết giảng về tư tưởng Hīnayāna (Tiểu thừa); can ngăn mọi người không nên giữ giới và chỉ nên đọc kinh điển Đại thừa; chê bai hàng Thanh Văn thừa (Śrāvakayāna); đọc, học và giảng kinh điển Đại thừa vì lợi lộc và nói xấu người khác để giảm danh tiếng của họ và tăng danh tiếng cho mình; tự hào và khoác lác về kiến thức Đại thừa của chính mình; tự mình trừng phạt chư Tỳ kheo; lấy đó làm công cụ để trừng phạt các Tỳ kheo và rồi buộc họ phạm lỗi chống lại Tăng đoàn; đưa ra những giáo lý sai lệch, qua đó khiến họ hoen ố đạo hạnh và mất uy tín trước mặt các gia chủ (ibid. 60 ff.). Một vị ādikarmika phạm những lỗi này sẽ làm hỏng cội rễ đức hạnh mà vị ấy đã vun bồi trước đây. Vị ấy sẽ bị mất đi phước báu và sự an lạc bất luận là nhân loại, chư thiên hay bắt nguồn từ việc theo Đại thừa. Vị ấy lang thang trong luân hồi suốt một thời gian dài mà không có lấy một người bạn lành. Tuy nhiên một vị bồ tát có thể thoát khỏi những tội này chỉ bằng cách kính lễ đức Phật Hư Không Tạng (Ākāśagarbha) (ibid. 64). Ngoài những điều này, một vị bồ tát sơ phát tâm còn phải nguyện một lòng kính tin chư Phật; không miệt thị chê bai bồ tát dù họ là tăng hay tục; phải nguyện ý hành bố thí ba la mật để cầu đạo vô thượng, phải khiêm hạ như một người thấp kém, phải xa lánh sự tranh cãi, thực hành trì giới ba la mật và thú nhận những lỗi lầm của mình ( ibid. 97 f.). Theo các văn bản mật tông, một vị ādikarmika phát nguyện thực hành một thể loại yoga (để rèn sự định tâm – ND) (ibid. 183), trong đây họ phải sử dụng mạn đà la và phải thực hiện nhiều phương thức (vidhis) khác nhau. Nếu một vị ādikarmika tụng 8000 lần Như Lai Tâm chú
(Tathāgata-hṛdaya) có thể đạt được vô lượng công hạnh của một vị Phật cho tất cả chúng sinh (anantaṃ-Buddha kṛtyaṃ : ibid. 139). Ādhikarma-pradīpa là một văn bản mật tông giải thích chi tiết các nghi lễ, nghi thức và cách thực hiện trong sự hành trì hằng ngày của một vị bồ tát sơ tâm. Xem thêm ĀDIKAMMIKA.
C. W.