ADHIKARAṆA

ADHIKARAṆA, duyên cớ tranh biện. Bốn vấn đề tranh biện được kể ra trong Tiểu Phẩm (Cullavagga) của Luật tạng (Vinaya Piṭaka), cụ thể là vivādādhikaraṇa (tranh biện điều phải trái); anuvādādhikaraṇa (bắt tội nhau); āpattādhikaraṇa (phạm các tội); và kiccādhikaraṇa (việc mà tăng nên làm).

Tất cả sự tranh biện phát sinh từ một số duyên cớ cụ thể được tóm gọn như là Pháp (dhamma) Luật (vinaya), sự thuyết giảng, sự thực hành, sự thế phát xuất gia của đức Như Lai, và bản chất của một việc phạm giới Tỳ kheo (āpatti) được gọi là vivādādhikaraṇa. Các đề tài tranh luận về tình thân và gia đình không được chấp nhận. Nếu một vị Tỳ kheo bị phạm giới hoại (sīla-vipatti), phạm những tội vừa đủ để làm hỏng tế hạnh (ācāra-vipatti), có tri kiến sai lạc hoặc bất cập (diṭṭhi-vipatti), dựa vào sự giữ giới để mong cầu lợi dưỡng (ājīva-vipatti), bất kỳ vấn đề nào sinh khởi từ những điều này được gọi là anuvādādhikaraṇa. Lại nữa, vấn đề liên quan đến bạn bè và gia đình không được chấp thuận. Một duyên cớ tranh luận sinh khởi từ năm trường hợp (pañca-āpattikkhandha) hoặc bảy trường hợp phạm lỗi (satta-āpattikkhandha xem ĀPATTI) là một trường hợp liên quan đến sự phạm giới (āpattādhikaraṇa), còn kiccādhikaraṇa là sinh khởi vấn đề từ một hoạt động Tăng sự (saṅghakamma) hoặc từ bất kỳ trách nhiệm hay nghĩa vụ nào trong Tăng đoàn. Tuy nhiên, trách nhiệm của một vị thầy giáo thọ (ācarya) hay thầy tế độ (upajjhāya), hay một đệ tử của vị ấy không thể xem là duyên cớ cho một kiccādhikaraṇa.

Sáu gốc luận tranh (vivādamūla), ba cội rễ căn bất thiện (akusala-mūla) và ba cội rễ căn thiện (kusala-mūla) được gọi là vivādādhikaraṇa. Sáu gốc luận tranh gồm có sân hận (kodha), ác tâm (upanāha) gièm pha (makkha) và thâm hiểm (palāsa); ganh tỵ (issā) và tham lam (macchariya); dối trá (saṭha) và lường gạt (māyā);  ác dục, ham muốn xấu xa (pāpicchatā) và tà kiến (micchā-diṭṭhi); cố chấp tư kiến (sandiṭṭhiparāmāsitā) và cố chấp (ādhānagāha). Nếu một vị Tỳ kheo vướng phải bất kỳ ác hạnh nào trên đây là thể hiện sự bất kính với Đức Đạo Sư, với Giáo Pháp hoặc với chúng Tăng và không hoàn tất quá trình tu học, và ác pháp đó sẽ trở thành một đề tài bàn luận vì nó có thể sẽ gây tổn hại lớn cho nhiều người. Một cái tâm tham (luddhacitta), một cái tâm dễ lung lạc (duṭṭhacitta) và một cái tâm phóng dật (mūlhacitta) là ba cội rễ của bất thiện pháp, còn ba trạng thái tâm ngược lại sẽ là cội rễ của thiện pháp. Những ác hạnh trên nếu cùng với thân (kāya) và khẩu (vācā) sẽ làm sinh khởi những vấn đề về sự quở trách (anuvādādhikaraṇa). Ở đây ‘thân’ có nghĩa là tất cả các loại khuyết điểm của thân ví như tướng xấu, đui

 

mù, cùi què hoặc bại liệt. Còn giọng nói khàn đặc, cáu kính hoặc nói lắp có thể đưa đến bàn tán, sẽ thuộc ‘khẩu’. Còn vấn đề về sự phạm giới (āpattādhikaraṇa) cũng gồm có sáu yếu tố, cụ thể là, thân, khẩu, ý mỗi thứ có hai ác pháp.  Chỉ có Tăng chúng mới có thể là cội gốc làm làm phát sinh một lỗi về kiccādhikaraṇa. Hơn nữa, những vấn đề nảy sinh từ tranh luận, khiển trách hoặc giới luật có thể là thiện, bất thiện hoặc không xác định, tùy thuộc vào động cơ của người đặt vấn đề. Nhưng những vấn đề thuộc giới chỉ có thể là bất thiện hoặc không xác định và không bao giờ là thiện.

Bảy cách thức được đưa ra để chấm dứt sự tranh cãi (Xem ADHIKARAṆA-SAMATHA). Trong số chúng, hai điều sammukhā-vinaya (trước mặt người là tiên cáo và bị cáo hoặc tỳ khưu thú nhận tội)yebhuyyasika (sự phân đoán, lấy theo lời khai của phần đông người có đạo đức) có thể được áp dụng để giải quyết các trường hợp của vivādādhikaraṇa. Ở đây, sammukhā-vinaya có thể được dùng độc lập hoặc cùng với yebhuyyasika. Phải lưu ý rằng sammukhā-vinaya là điều kiện cần thiết để giải quyết bất kỳ vấn đề nào ngay cả khi những biện pháp khác đã được sử dụng. Khi một vấn đề về tranh biện phát sinh trong một tu viện, chư tăng nên cố gắng tự giải quyết với nhau bằng sammukhā-vinaya, trong đó phải hiện diện đủ bốn điều: (1) Sự có mặt của Tăng đoàn, tức là phải có chư tăng hội tụ để hành tăng sự (kammappatta), sự chấp thuận của những vị Tỳ kheo khởi tranh, và khi đối mặt nhau họ không phản bác (napaṭikkosanti). (2 & 3) Sự có mặt của Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya), có nghĩa là giải quyết một vấn đề đúng với Pháp, với Luật và khế hợp với lời dạy của đức Thế Tôn (satthusāsana). (4) Sự có mặt của người buộc tội lẫn người bị buộc tội.

Phán quyết của sammukhā-vinaya không hữu hiệu nếu để cho vị Tỳ kheo sai quấy lấn lướt vị cư xử đúng mực, nhưng sẽ có hiệu lực nếu cư xử theo chiều ngược lại. Trong trường hợp đó, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể yêu cần giải quyết lại hoặc lên tiếng phê bình về điều đó sau khi thỏa thuận một lỗi thuộc Ưng đối trị (pācittiya).

Nếu chúng tăng trong chùa không thể giải quyết trường hợp đó thì nên đưa đến một ngôi chùa khác có nhiều chúng tăng hơn. Họ vẫn có cơ hội khác để giải  quyết, và kết quả vẫn được chấp thuận. Khi chư tăng của chùa khác xử lý trường hợp này, họ có quyền quyết định miễn là đúng với Pháp, Luật và lời Phật dạy và chỉ khi hai bên tranh biện sẵn lòng thuật cho họ chi tiết ngọn nguồn của vấn đề. Họ phải khiến mọi người đồng tình với quyết định của họ. Trong trường hợp không phân xử được bằng cách này thì chỉ có thể trục xuất ra khỏi tăng đoàn (ubbāhikā). 

Theo quy định của tăng đoàn một vị Tỳ kheo phải có mười phẩm chất, nói ngắn gọn gồm có: giới (sīla), hiểu rõ kinh điển,  nắm vững giới bổn (pātimokkha), tuân thủ giới luật, hòa hợp, khéo giải quyết tranh biện, nắm rõ duyên cớ tranh biện, nguồn gốc của tranh biện, cách diệt tranh biện, và cách xử lý từng bước để diệt tranh biện. Trong quy định của tăng đoàn, đầu tiên phải thông báo và đưa tên của các vị tranh biện ra cho chúng Tăng biết trước khi đưa ra cách giải quyết hợp lý. Nếu trong tăng đoàn có một vị pháp sư (dhamma-kathika), nhưng không hiểu rõ về giới bổn (sutta) và sự phân tích về giới bổn (sutta-vibhaṅga), hoặc vị ấy biết giới bổn nhưng không biết phân tích  giới bổn, và vị ấy chỉ giải thích giới theo nghĩa đen vì sự thiếu hiểu biết của mình, người như vậy phải áp dụng nghi thức Trình Tăng (ñatti) để loại vị ấy ra khỏi trước khi tiến hành giải quyết vấn đề. Ngoài điều này không có một quy định nào khác về việc giải quyết tranh biện của chúng tăng. Nhưng chúng tôi tìm thấy một văn bản nói về việc tám vị Tỳ kheo được chỉ định ở Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Hai tại Vesali[1]. Ở đó Trưởng lão Revata đã chất vấn Trưởng lão Sabbakāmi về từng điểm gây tranh cãi và sau khi quyết định  Trưởng lão Revata sẽ thông báo cụ thể từng quyết định đến Tăng chúng và bỏ phiếu để chọn ra quyết định phù hợp (idam paṭhamaṃ salākaṃ nikkhipāmi, v.v.). Đến cuối Trưởng lão Sabbakāmi sẽ nêu lại vấn đề với đại chúng và quyết định kết quả sau cùng. Những trường hợp này đều được giải quyết bằng sammukhā-vinaya.

Nếu không thể xử lý được bằng sammukhā-vinaya thì có thể dùng đến yebhuyyasika. Cuộc bỏ phiếu sẽ hoàn thành bằng việc phân phát phiếu với nhiều quan điểm khác nhau (salāka). Một vị chủ tọa (salāka-gāhāpaka), phải là người với phẩm hạnh đáng tin cậy và gánh trách nhiệm nặng nề của việc phát phiếu, phải được chúng tăng chọn lựa (ñatti). Vị ấy phải là người không vướng vào tham dục (chanda), sân hận (dosa), si mê (moha) hoặc sợ hãi (bhaya) và vị ấy phải hiểu rõ quá trình tiến hành bỏ phiếu (gahitāgahitaṃ). Vị ấy có thể thực hiện bỏ phiếu theo một trong ba cách – bỏ phiếu kín (guḷha), thì thầm vào tai (sakaṇṇa-japanna) hoặc bỏ phiếu mở (vivaṭa). Bản chú giải nói rằng cách bỏ phiếu đầu tiên được chọn khi đa phần chúng Tăng có tính ngạo mạn (alajjussanna), cách thứ hai được áp dụng khi Tăng chúng có cả những vị chưa thông tuệ (bālusanna) và cách thứ ba được áp dụng khi phần đông chúng tăng đều khiêm hạ (lajjussanna). Khi cách bỏ phiếu kín được áp dụng, vị chủ tọa có thể gọi từng người lên để đánh dấu bỏ phiếu, giải thích cho họ biết sự hệ trọng của quyết định và yêu cầu họ giữ bí mật. Ở cách thứ hai thì mọi thứ được thì thầm vào tai người bỏ phiếu. Nhưng theo ý của bản chú giải, vị chủ tọa có thể tác động vào những người đã bỏ phiếu cho bên bất thiện bằng cách khuyên họ bỏ cho bên thiện. Sau cùng sẽ đếm số phiếu và công bố quyết định, nhưng vị chủ tọa có thể phản đối nếu thấy bên bất thiện thắng. Vị ấy sẽ tiến hành bỏ phiếu lần hai, theo như bản chú giải, và mỗi lần nếu kết quả không thỏa đáng (duggahita) đều sẽ bị phản đối. Vào lần thứ ba, nếu kết quả vẫn không thay đổi thì vị ấy sẽ dời thời gian bỏ phiếu vào một ngày khác. Và cách thứ ba là bỏ phiếu mở được áp dụng khi phần đông hội chúng đều là người ngay thẳng và đức hạnh.

 

 Có mười trường hợp không tiến hành bỏ phiếu, đó là, khi những điều tranh biện là nhỏ nhặt hay vặt vãnh (oramattaka); khi vấn đề chưa được giải quyết đúng hướng (nagata gataṃ)[2]; khi không nhớ rõ tường tận vấn đề (na sarita saritaṃ)[3],; khi được biết đại chúng đa phần là bất chính; khi vị chủ tọa nghĩ rằng hội chúng đa phần là người bất chính; khi vị ấy biết Tăng đoàn sẽ bị chia rẽ; khi vị ấy nghi ngờ rằng Tăng đoàn có thể bị chia rẽ; khi số phiếu không được bầu chọn theo đúng luật (dhamena), ví dụ như một người lấy hai phiếu; nếu trong các nhóm (vaggā)[4], họ lấy phiếu hoặc số phiếu được lấy không theo ý mình (yathādiṭṭhāya) – đổi ý để nghiêng về bên thắng. Nếu đối lập với những trường hợp trên đây, việc bỏ phiếu sẽ có hiệu lực.

Một trường hợp về sự quở trách (anuvādādhikaraṇa) có thể được xử bằng cách thú tội trước chúng tăng (sammukhā-vinaya), được xử bằng cách ghi nhớ (sati-vinaya), được xử khi không điên cuồng (amūḷha-vinaya) hoặc xử theo tội của vị ấy (tassapāpiyasika). Một sati-vinaya được tiến hành khi không tìm thấy lỗi của người bị cáo buộc, sau khi hỏi vị ấy liệu vị ấy có phạm tội hay không (sati-vepullappatto), chống lại sự cáo buộc và tuyên bố vô tội. Một khi bị cáo Tăng đã được xử đã được xử là vô tội thì sẽ không áp dụng bất kỳ cách xét xử nào khác nữa. Nếu có yêu cầu nào khác thì phải tiến hành theo nghi thức Trình Tăng (ñatti). Một trường hợp được xử sati-vinaya được chúng tăng chấp thuận phải đáp ứng đủ năm điều kiện; vị Tỳ kheo phải trong sạch (suddha) và không mắc một lỗi nào (anāpatti), họ đã buộc tội vị ấy (anuvadenti), vị ấy thỉnh cầu (yācati) được xử sati-vinaya, Tăng chúng phải chấp thuận việc ấy, và nó phải đúng như Pháp và được sự đồng thuận của cả chúng Tăng (samagga). Theo như chú giải thì chỉ có một vị A-la-hán mới được xử theo sati-vinaya, ngay cả một vị A na hàm (anāgāmin) cũng không được.

Buộc tội khi một vị Tỳ kheo không ý thức được việc mình làm, và vị ấy không thể nhớ được, trường hợp này sẽ được xử theo amūḷha-vinaya.  Quá trình cũng diễn ra tương tự như trường hợp sati-vinaya. Trong ba trường hợp như vậy, có một trường hợp sẽ không được xử theo amūḷha-vinaya, nghĩa là khi một người rõ ràng là nhớ mọi việc nhưng lại nói rằng mình không nhớ, hoặc nói rằng mình nhớ mơ hồ như giấc mơ,  hoặc vị ấy không điên nhưng lại giả vờ mình bị điên và bảo những người khác bắt chước mình. Còn trường hợp ngược lại thì sẽ được xử theo amūḷha-vinaya.

Khi một vị Tỳ kheo bị chất vấn ở buổi xét xử, nói quanh nói co, ví dụ như khi bị buộc tội, vị ấy đã phủ nhận nhưng rồi lại thừa nhận tội ấy, hoặc đã thừa nhận nhưng rồi lại phủ nhận, hoặc lờ câu hỏi ấy và trả lời câu khác, hoặc cố nói dối, có hành động báng bổ Tam Bảo hoặc cư xử thiếu tế hạnh (tassa-pāpiyyasika) sẽ là bằng chứng chống lại vị ấy. Còn trong những trường hợp khác, sự chấp thuận của Tăng chúng phải được tiến hành theo nghi thức Trình Tăng (ñatti). Quyết định chỉ có hiệu lực khi vị ấy có tội (asuci), ngoan cố (alajjī), tội được tìm thấy (sānuvāda), và chúng Tăng phải tiến hành xét xử theo đúng luật, được sự đồng thuận của mọi người.  Người bị cáo buộc có hành động báng bổ hay thiếu tế hạnh, tiến hành xét xử khi vắng mặt vị ấy (asammukha), không xét hỏi rõ ràng (apaṭipucchā) và không được công nhận (apaṭiññāya), thì quyết định xét xử sẽ không được tính. Nếu chúng tăng vẫn muốn tiến hành thì những vấn đề trên sẽ được hỏi người cáo buộc, hỏi một người ngốc và thiếu kinh nghiệm nói dối, và hỏi người sống không dính dáng với thế tục. Một người đã cho thấy cách hành xử tassa-pāpiyyasika, sẽ không được thọ đại giới (upasampadā) hoặc thọ nhận sự giáo hối thường xuyên của các vị Trưởng lão (nissaya). Vị ấy không được làm thầy tế độ, và cũng không được tiếp tục giáo giới cho các Tỳ kheo ni, và nếu hết hạn phạt cũng không được phép giáo giới cho họ, và cuối cùng vị ấy không được tranh cãi với chúng Tăng.

Một lỗi āpattādhikaraṇa (thuộc giới) có thể được xử bằng sammukhā-vinaya  (thú tội), bằng paṭiññā (phát lồ sám hối) hoặc bằng tiṇavatthāraka (thảo phú). Mặt khác, một vị Tăng nếu phạm lỗi phải thú nhận trước khi nhận hình phạt tứ tác bạch tuyên ngôn (tajjanīya), không được sự giáo hối của các vị Trưởng Lão (nissaya), bị cấm túc (pabbājanīya), phải cam kết sống hòa hợp (paṭisāraṇīya), chịu sự cách ly (ukkhepanīya) được áp dụng với các vị ấy. Một vị Tỳ kheo chỉ bị phạt với tội mà vị ấy bị cáo buộc dù vị ấy có thú nhận thêm tội. Mặt khác, một vị Tăng phạm tội nhẹ (lahuka) có thể thú tội với một vị Tỳ kheo, với nhiều vị Tỳ kheo, hoặc xin được sám hối trước chúng tăng. Trong cả ba trường hợp này vị Tăng phạm lỗi sẽ bị khiển trách và nhắc nhở để không tái phạm về sau. Nghi thức Trình Tăng không yêu cầu trong ba trường hợp này, tuy nhiên ở trường hai trường hợp xin thú tội và xin sám hối với chúng Tăng, một vị Tăng có thể thay mặt cho chúng Tăng tiếp nhận sự sám hối và thú tội ấy nếu Tăng chúng cho phép.

Một lỗi āpattādhikaraṇa (thuộc giới) có thể đưa đến sự nặng trọc (kakkhala), phiền phức (vāla) hoặc ly gián (bheda), có thể giải quyết bằng paṭiññā (thú tội), bằng tiṇavatthāraka (thảo phú). Sau khi trình báo với chúng Tăng, một người đại diện của hai bên phải thông báo với nhóm của mình để thú tội và những bè cánh của vị ấy cũng phải trình diện trước chúng Tăng, rồi sẽ chọn  tiṇavatthātaka (thảo phú hay bỏ qua) để xử lý vấn đề. Sau đó phải thực hiện nghi thức Trình Tăng (ñatti) để cầu thỉnh chúng Tăng và xin được giải quyết vấn đề bằng tiṇavatthātaka, việc này được thực hiện trước khi bắt đầu thú tội. Theo như chú giải nói thì một khi quyết định được trình ra trước chúng Tăng thì vị ấy sẽ được xá tội kể từ lúc thọ Cụ Túc giới (upasampadā), trừ trường hợp phạm tội nhẹ (thulla-vajja), những tội liên quan đến cư sĩ (gihipaṭisaṃyutta), và những người xin tự mình thú tội (diṭṭhāvikamma) vì sự bất mãn của chính họ. Những người chịu hình phạt cách ly tại am thất vẫn không được miễn xá dù được chúng tăng đồng thuận. Việc xét xử chỉ được thực hiện khi có đầy đủ sự hiện diện của chúng Tăng. Chú giải nói ngay cả khi vị Tăng bị ốm cũng sẽ được đưa đến hội chúng, dù họ không thể phát biểu sự đồng thuận của mình.

Một tội thuộc Tăng sự (kiccādhikaraṇa) sẽ được xử với theo kiểu sammukhā-vinaya.

C. WITANACHCHI..


[1] Vin. II, pp. 305 f.

[2] Vin A , VI, p. 1192 : na ca gatigatanti dve tayo āvāse na gataṃ tattha tattheva vā dvattikkhatuṃ  avinicchitaṃ

[3] Loc cit. na ca sarita sāritanti dvattikkhatuṃ  tehi bhikkhūhi ·

Satam sāritaṃ vā aññehi sāritaṃ vā na hoti

[4] Ibid. p 1193: vaggā ganhantjti dve dhammavādino ekaṃ dhammavādī salākaṃ gaṇhonti.