ADHIṬṬHĀNA (skt. adhiṣṭhāna)

ADHIṬṬHĀNA (skt. adhiṣṭhāna) sự quyết định, sự quyết tâm, sự cương quyết. Bởi vì từ ‘quyết định’ được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau với nhiều nghĩa khác nhau, nên sẽ có ích hơn nếu trình bày ngắn gọn sự khác biệt của chúng dưới dạng các thuật ngữ chuyên môn. Vậy thì, quyết định mang nghĩa là quyết tâm (adhiṭṭhāna) là một giải pháp đối với một loại hành động nhất định mà nó được gây nên. Quyết định mang nghĩa là thắng giải (adhimokkha) là sự kiên định trong sự lựa chọn, nhờ đó tâm không dao động giữa hai hướng hành động. Quyết định mang nghĩa là đoán định (voṭṭhapana) là sự sắp xếp các suy đoán trong quá trình nhận thức. Ở đây chúng ta sẽ chỉ đề cập đến thuật ngữ đầu tiên: adhiṭṭhāna.

Quyết tâm thường đến trước một hành động to tát như hy sinh hay từ bỏ, do đó nó trở thành nền tảng của hành động tiếp theo. Nền tảng là khái niệm cơ bản của adhiṭṭhāna và đôi khi được tìm thấy trong nghĩa ban đầu của nó, ví dụ như khi đức Phật thuyết Saddharma-puṇḍarīka (Kinh Pháp Hoa) Ngài đã lấy Bồ Tát Sarvasattvapriyadarśana (Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến) làm nền tảng cho sự giải thích của Ngài, nghĩa là Ngài thuyết về những công hạnh đặc biệt của bồ tát để qua đó phá cái chấp ngã nơi sắc thân này của chúng sanh (Sdmp. 405). Trong kiến trúc, thuật ngữ tiếng Phạn được sử dụng làm nền tảng vật lý hoặc tầng hầm của một tòa nhà, chân cột, giá đỡ của lan can. (Mhvyut. 5591 ; Divy. 221 ; Mhvu. i, 195 ; III, 2227 ; BHS; s.v. 4)

Kinh Phúng Tụng (Sangīti Suttanta) (D. III, 229) liệt kê bốn loại adhiṭṭhāna được phân biệt bởi đối tượng của chúng. Ở đây cũng vậy, ý nghĩa cơ bản của ‘nền tảng’ cần được hiểu; chúng là bốn nền tảng được giải thích trong Kinh Giới Phân Biệt (Dhātuvibhaṅga Sutta) (M. III, 240) như là không nên buông lung trí tuệ (paññaṃ nappamajjeyya), chân lý cần được bảo vệ (saccaṃ anurakkheyya), tính hào phóng cần được nuôi dưỡng (cāgaṃ anubrūheyya) và phải học tập yên lặng (santiṃ sikkheyya). Nền tảng của tuệ giác (paññādhiṭṭhāna) sau đó được giải thích bằng chú giải (MA. V, tr. 52) là tuệ giác của định và thiền (samādhivipassanapaññā), mà thông qua sự phát triển các giai đoạn của an chỉ tâm, dẫn đến tuệ giác của quả vị A-la-hán (arahattaphalapaññā). Quyết định của chân thật (saccādhiṭṭhāna) là chân lý tối thượng của Niết Bàn,


là chân thật (paramaṃ anyasaccaṃ, yadidaṃ amosadhammaṃ nibbānaṃ: M. III, 245). Nền tảng của giải thoát (cāgādhiṭṭhāna) là sự từ bỏ mọi ràng buộc với sự tồn tại (sabbūpadhi-paṭinissagga). Nền tảng của sự an định (upasamādhṭṭhāna) là sự dập tắt tham, sân và si (rāgadosamohānaṃ-upasamo). Được thiết lập trên những nền tảng này, con người là thực sự được gọi là hiền nhân tĩnh lặng (muni santo ti vuccati: M. III, 246), tức là người đã diệt tận mọi hữu lậu và giải thoát (khīnāsava-muni santo nibbuto: MA. V, 60).

Một quyết định có thể chỉ đơn thuần dựa trên quyền của một vị tăng, chẳng hạn như muốn vứt bỏ y (tricivarā-dhiṣṭhāna: VinMS. ii, 91), mặc dù thường thì đó là một sức mạnh ý chí quật cường như là kết quả của thiện hạnh trong quá khứ (puṇyavipākā nādhiṣṭhāna: Lal. 48). Nhưng, việc định trước khoảng thời gian đạt định trước khi nhập định đòi hỏi phải tu luyện và do đó, nó không mang ý nghĩa là thành tựu thông thường đối với người thường, cũng không phải thành tựu phi thường đối với con đường Siêu thế (lokuttaramagga). Cũng không nên nghĩ rằng quyết định nào cũng đúng theo nghĩa đạo đức vì còn phụ thuộc vào đối tượng của nó, điều này có thể biến một cái tâm cương định thành một kẻ cố chấp và thành kiến, và do đó nó được xếp cùng loại với dục tham, dục ái, kiến thủ, tà kiến và thiên kiến (adhiṣṭhānābhinivesānusaya: S. II, 17 ; III, 10, 135).

Adhiṣṭhāna có thể có nghĩa là năng lực kiểm soát, hơn cả quyền kiểm soát hoặc quyết định. Như vậy, chúng ta nghe nói đến thần lực của Bồ-tát Di-lặc (Maitreyasya bodhisattvasyādhiṣṭhānabalena: GVyū. 512). Bánh xe Pháp được tiếp tục chuyển cũng là nhờ vào thần lực của tất cả chư Phật. Nhờ vào quyết định ban hành giới luật của đức Phật mà chúng sinh tránh được việc bị đọa vào ác đạo nhờ giữ giới, do vậy giáo pháp của Ngài không thể nào bị đoạn dứt. (akṣana-sattva-vinayādhiṣṭhānāpratyu dāvartya-cakraṃ: Lal. 423)

Do đó, có thể quan sát thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự quyết định (adhiṣṭhāna) và xác chứng sự thật (xem thêm saccakiriyā), là một tuyên bố trang trọng về sự thật (saccā-dhiṣṭhāna) bằng khả năng hiển lộ thần thông. Điều này thực sự có thể đưa vào nhóm thần túc thông (adhiṣṭhāna-iddhi) một trong những năng lực mà khi sử dụng một người có thể hiện nhiều thân theo ý muốn (xem ABHIÑÑĀ).

Theo Bộ Phân Tích (Vibhaṅga), những quyết tâm quyết định của cá nhân được tiết lộ bởi sự tiến bộ tích cực trong thiền định, của về tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Nhưng, ngay cả trong tiến trình tâm thông thường (citta-vīthi), yếu tố quyết tâm tạo thành một mắt xích rất quan trọng. Trong quá trình phát triển của một tư tưởng, đó là tiến trình của thức (viññāṇa-kicca) từ lúc nó chỉ là một sự hỗn loạn (calana) trong vô thức (bhavaṅga) rồi hiện hữu, cho đến khi nó mất hút trong dòng chảy của sự sống ở một hai khoảnh khắc sau cùng (tadārammaṇa) – có lẽ nó sẽ tồn tại như một ký ức – trong
toàn bộ quá trình đó có tối đa mười bảy khoảnh khắc, quan trọng nhất là giai đoạn nhận thức đầy đủ hoặc tổng giác (javana) khi các căn thức được giải thích, chiếm hữu và đồng hóa. Đó là giai đoạn ý thức toàn vẹn và có trách nhiệm, khi tâm (citta) phải chịu nghiệp quả từ một hành động có chủ ý (cetanā) với cảm thọ cố hữu của các căn. Những khoảnh khắc tổng giác này (thường là bảy) thường được gọi là thôi thúc sự quyết tâm (adhiṣṭhāna-javana), vì ở đây ý chí được cố định trong quá trình đạt được một số thần thông (iddhi). Tầng thiền thứ năm và cũng là trạng thái cuối cùng được gọi là cơ sở cho sự định tâm của ý chí (adhiṣṭhāna – pādaka – jhāna), vì trạng thái định này hình thành rồi làm cơ sở của tiến trình ‘tinh tấn’ (Compendium of Philosophy , p.62) ; và bảy khoảnh khắc của ý niệm cố ý lúc bấy giờ được gọi là đổng lực  (adhiṣṭhāna-javana).

Adhiṣṭhāna có lẽ được biết đến nhiều trong những văn bản sau này như là  một pāramī (ba la mật) một trong mười ba la mật được một vị bồ tát thực hạnh trọn vẹn trong vô số kiếp để đạt được Phật quả. ‘Với lòng kiên định bất thối họ nỗ lực vì lợi ích và niềm an lạc cho hết thảy chúng sanh (tesaṃ hitasukhāya avicalādhiṣṭhāna ḥonti: Vism. ix, § 124, p. 270). Do vậy chúng ta đọc câu chuyện về đức Bồ tát khi còn làm một vị vua tên Saṅkhapāla (J. No. 524, V, pp. 162-77), xả thân làm vật hiến tế, kiên quyết không mở mắt và nhìn những kẻ hành hạ mình và không hề khởi tâm sân hận. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ có văn bản sau này của Thượng Tọa Bộ (ví dụ, Jātaka, Mahābodhivaṃsa, Cariyāpitaka) là nói về những ba la mật đó, trong mười ba la mật thì adhiṣṭhāna (quyết định) nằm ở vị trí thứ tám. Nhưng trong Nhất Thiết Hữu Bộ và Đại Chúng Bộ thì chỉ nói đến sáu ba la mật, và không có adhiṣṭhāna trong đó. Mặt khác, không thấy nguồn tham khảo nào nhắc đến mười ba la mật trong Chương Mười Pháp của Tăng Chi Bộ Kinh, Tứ Diệu Đế cũng không nhắc đến trong Chương Bốn Pháp và Bát Chánh Đạo trong Chương Tám Pháp cũng vậy.

H. G. A. VAN. ZEYST.