ĀDESANĀ-PĀṬIHĀRIYA
ĀDESANĀ-PĀṬIHĀRIYA, tha tâm thông. Đây là hai trong ba loại ‘thần thông’ được kể ra bao gồm, khả năng dùng thần thông hóa hiện ra những hình tướng khác nhau (iddhi-pāṭihāriya), khả năng đọc và biết rõ tâm người khác (ādesanā-pāṭihāriya) và thần thông của năng lực giảng dạy (anusāsanī-pāṭihāriya).
Tha tâm thông là khả năng biết được những gì đang diễn ra bên trong tâm của người khác bao gồm tâm (citta), tâm sở (cetasika), tầm (vitakkita) và tứ (vicārita: D. I, 213). Loại tha tâm thông này thực chất là nhận biết một trong bốn biểu hiện trong tâm người khác thông qua hình ảnh (nimittena), thông qua âm thanh của loài người, chư thiên hoặc phi nhân (manussānaṃ vā amanussānaṃ vā devatānaṃ vā saddaṃ sutvā), hoặc bằng loại định không tầm không tứ (avitakkaṃ avicāraṃ samādhiṃ: D.III, 103 f.). Nói cách khác tha tâm thông diễn ra bằng cách suy đoán, bằng linh cảm, bằng suy luận hoặc bằng trực giác.
Khi đức Phật hỏi vị bà la môn Saṇgārava nghĩ gì về thuật đọc tâm này, ông ấy trả lời rằng nó diễn ra với ông như một ảo giác tự nhiên (māyā-sahadhamma-rūpaṃ: A. I, 171). Một người không tin có thể không chấp nhận khả năng thần thông này như một sự phát triển tâm linh mà như một sự thể hiện của bùa chú (maṇiko nāma vijjā: D. I, 2140). Do đây mà đức Phật dù sở hữu năng lực này, không chỉ Ngài mà hơn 500 vị Tỳ kheo (A. I, 172) cũng có tha tâm thông, cũng đều nhận ra mối nguy hại trong khi biểu diễn, cho nên Ngài không cho phép và không tán thành việc sử dụng loại thần thông này (ādesanā- pāṭihāriya aṭṭiyāmi hảāyāmi jigucchāmi: D, I, 214).
Nhưng ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) khi giảng pháp và chỉ dạy cho chúng tăng cũng đã sử dụng tha tâm thông như một phương tiện, và Ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) cũng đã sử dụng thần thông để hóa hiện nhiều hình dáng khác nhau như một phương tiện để giảng pháp và chỉ dạy cho chúng tăng (Vin. II, Cullavagga, vii, 199). Kết quả của việc giáo hóa này của hai vị đại đệ tử là đã khiến cho 500 chúng đệ tử đã bỏ đi theo Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) lại quay về với đức Phật.
H. G. A. v. Z.