ACTUALITY
ACTUALITY. Thực thể
Vật chất và tinh thần, cả hai đều hiện hữu nơi đây
Dù bản thể của con người không hề tìm thấy
Bản chất là không, được lắp thành như một cỗ máy
Một khối đau khổ, như cỏ lẫn củi khô
Nāmañ ca rūpañ ca idh’atthi saccato
Na h’ettha satto manujo ca vijjati
suññaṃ idaṃ yantam ivāshisaṅkhataṃ
dukkhassa puñjo tiṇakaṭṭhaśdiso.[1]
Với câu kệ này, được trích từ ‘the Acients’ của ngài Buddhaghosa, pháp về thực thể đã được phơi bày, cùng với pháp về vô ngã (anattā), đã tạo thành một cấu trúc tổng thể về triết học Phật giáo, cũng như tâm lý học và đạo đức học Phật giáo. Khi một con rối di chuyển và đứng được bằng sự kết hợp của gỗ và những sợi dây, những thứ tạm bợ này cũng giống như yếu tố thân và tâm của chúng ta, chúng không có bản thể, không có linh hồn, không có ý muốn, lại có thể đi và đứng như thể chúng thực sự tồn tại” (sa-īhakaṃ sabhyāpāraṃ viya).[2] Trong này tạo thành ba khái niệm: duy tâm, thực tại và thực thể.
Chủ nghĩa duy tâm coi hai yếu tố, tinh thần và vật chất, như hai bản thể tối hậu trong thuyết nhị nguyên duy tâm như kiểu của Plato và Descartes; hoặc nó tìm thấy mặt nhị nguyên này một sự tổng hợp, tuyên bố với Hegel rằng chỉ có tâm là nền tảng của sự tồn tại. Chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa siêu nhiên, dựa trên chủ nghĩa chủ quan.
Phản ngược với chủ nghĩa này là chủ nghĩa duy vật, bắt nguồn từ một hình thức thô sơ của những triết gia Hy Lạp của thế kỷ thứ 6 TCN, sau được phát triển bởi Democritus và trường phái nguyên tử. Ngoài ra, phản ứng này biết rõ những kẻ cực đoan là người đã ban cho vật chất một vị thế hoàn toàn độc lập, người đã tạo ra những định luật thống trị vũ trụ. Tuy nhiên, những định luật khoa học không chi phối được vũ trụ mà chỉ là trình bày những kiến thức của con người về các hiện tượng tự nhiên, về sự tác động của vật chất.
Bởi vậy ở đây chúng ta có một khái niệm tâm linh về sự hoạt động của vật chất; và nó là thực tế. Sự hiểu rõ về hành động là yếu tố cốt lõi để hành động đó xảy ra, nếu không hiểu rõ thì có cả sự ngờ vực của chủ nghĩa duy tâm lẫn sự vô tri của chủ nghĩa duy vật, những người vẫn luôn cố để loại bỏ yếu tố tinh thần. Vậy mới nói tâm dẫn đầu mọi thứ, mọi thứ đều do tâm tạo (manopubbaṅgamā dhammā, manoseṭṭhā manomayā)[3]. Tâm không phải là một thực thể tinh thần đang quan sát các sự kiện của một thế giới luôn biến đổi, nó không phải là chiến trường nơi những đội quân luôn xung đột và chinh phục lẫn nhau, nó chỉ là tự chiến đấu với chính mình, những mâu thuẫn thực tại, trong đó việc bám chấp vào ý tưởng là đi ngược với bản chất của tự nhiên. Không phải thực tế được trải nghiệm mà chỉ có tâm chúng ta phản ứng với thực tại, và phản ứng đó là thật. Nó là đề tài và đối tượng để nghiên cứu trong Phật giáo, không thể hiểu thấu chỉ bằng việc phân tích những khái niệm thuần túy, không thể chấp nhận cái mà những giáo điều gọi theo kiểu thực tế rập khuôn, mà phải là những trải nghiệm thực sự, lập đi lập lại nhiều lần, lần lượt thay đổi từ qua điểm cho tới cái nhìn nhận, cho đến khi thấu triệt được mọi quan điểm lệch lạc (diṭṭhi) và bất kỳ quan điểm khả quan nào cuối cùng cũng bị loại bỏ như lời tuyên bố của đức Phật: “Không đứng lại, không bước tới Ta vượt bộc lưu” (appatiṭṭhaṃ anāyūhaṃ ogham atari)[4].
Tuy nhiên không có ranh giới giữa thực tế và thực tại. Không thể tìm thấy trong lời dạy của đức Phật về việc phủ nhận thực tại. Tri kiến về thực tại của vạn pháp (yathābhūta-ñāṇa-dasana) là một trong mười tám loại tri kiến chính phơi bày sự thật của mọi sự tồn tại cả vật chất lẫn tinh thần. Ngay cả trong học thuyết về tính Không (suññavāda), chúng ta cũng không gặp một ảo ảnh nào cho thấy sự hiện hữu của quyền năng ảo (māyā) trong thơ Vệ Đà, như một sự phủ nhận sự tồn tại của vũ trụ thường nghiệm, là hết sức cần thiết bởi quan niệm về một bản ngã (ātman) trùm khắp được cho là thực tại duy nhất để loại trừ mọi thứ khác: “bản ngã ở trên và dưới, ở trước và ở sau. Bản ngã trùm khắp vũ trụ”[5]. Trong hệ thống triết học Nhất nguyên của Vedānta pháp giới không hề tồn tại. Trong giáo lý về ngã (ātman) mà đức Phật đã dạy, Ngài phủ nhận sự tồn tại của cả thực thể cá nhân lẫn vật chất và được xem là thượng đế tối cao. Do vậy, không phủ nhận sự tồn tại của pháp giới mà bản chất của pháp giới là không thường hằng, do đó chỉ có Pháp luân chuyển mà thôi. (suddhadhammā pavattanti).[6]
Cấu tạo của tự nhiên là hiện tượng và không có bản thể hay vật chất trường tồn, thực tế nó chỉ là một quá trình hiện hữu liên tục (bhava-santati). Việc xem quá trình này là liên tục và bất biến trong cùng điều kiện đã làm nảy sinh khái niệm về một thể nền vĩnh viễn, không thay đổi ngay cả khi hiện tượng biến đổi. Quan điểm này không tương thích với bản chất thật của vạn pháp, mà chỉ là phản ứng thực tế hoặc sự tiếp nhận của tâm thức mà thôi, một dạng nhận thức tái hiện thực tại trong trạng thái tâm nhị nguyên mà thôi. Sự ảo tưởng này phát khởi từ nỗ lực của tâm để hình thành bản ngã lẫn khái niệm về bản ngã. Nó đang tư duy bằng một tâm thức chia đôi, một phần là để quan sát thực tại thụ động, phần còn lại chờ sẵn một bên để kịp thời can thiệp hoặc kiểm soát sự quan sát, để xác nhận sự tồn tại của mình trong trạng thái biệt lập đó, để tiếp nhận những thứ nó thích và khước từ những thứ nó không thích. Sự ảo tưởng này càng nặng nề hơn khi cá nhân cho rằng sự tồn tại của mình là lâu dài và có thật, do đây mà nền tảng phát sinh xung đột cũng dần hình thành. Bản chất thực của quá trình hiện hữu là tánh không, lại biến thành thực
tại lý tưởng của bản thể, chính là thứ cấu thành xung đột vĩnh cửu sinh khởi trong tâm, và được tạo ra bởi tâm. Để chấm dứt sự mê muội này, tâm thức phải dừng hoạt động theo dòng kinh nghiệm (bhavaṅga sota) từ quan điểm biệt lập của một cái ngã. Trải nghiệm tạo tác của nó là thật, nhưng không có một cá thể nào tách biệt khỏi sự tạo tác đó. “Ai còn cho rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những thứ vốn luôn thay đổi, xung đột và không thật sự tồn tại – với những cái thấy như ‘Tôi tốt hơn, tôi bằng, hoặc tệ hơn người khác’, những người như vậy nên được gọi là gì nếu không phải là mù quáng với thực tại?”[7]
Lúc này thực tại là hành động vừa ghi nhận vừa biểu hiện, một sự truyền đạt theo nghĩa đen thông thường, trong đây sự kiện khách quan hòa làm một với chủ thể tạo tác. Tuy nhiên, sự ngộ nhận rằng có một chủ thể ảo sẽ phải chịu nghiệp quả, mới là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn. Thực tế thì chủ thể lẫn khách thể cũng chỉ là hiện tượng (pháp), do duyên mà sinh khởi, phụ thuộc lẫn nhau và tan rã. “Sự hiện hữu là một quá trình được hình thành bởi năm yếu tố bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần hoạt động phụ thuộc lẫn nhau (aññamaññṃ nissāya pavattati), mỗi yếu tố đều tương trợ cho nhau, thiếu một yếu tố thì không thể tồn tại (ekasmiṃ patamāne rtaram pi patati[8]). Quá trình thực tế này, chính là cuộc sống, giống như ngọn lửa mà đức Phật đã mô tả trong kinh Tất Cả Đều Bốc Cháy (Ādittapariyāna sutta[9]), ngọn lửa của các giác quan, sự tiếp xúc, hành động và phản ứng của chúng, bị đốt cháy bởi sự bám chấp, được nuôi dưỡng bởi nhiên liệu của sinh và tử trong vô minh, kết quả là bị lửa dục thiêu đốt, để lại đằng sau tàn dư của đau khổ và buồn phiền, rồi lại tiếp tục đi đốt những vùng xa hơn, không lúc nào ngừng nghỉ, luôn luôn thiêu đốt, luôn luôn sinh khởi, đưa tất cả mọi thứ vào rồi thiêu rụi, trong vô thường chúng sanh vẫn cứ duy trì sự sống đang bị thiêu đốt, đau khổ nhưng vẫn kiên trì bám chấp không buông bỏ, một sự sống đầy mâu thuẫn bởi vì chúng sanh đang sống trên cái chết.
Giáo pháp về thực tại này không phải là giáo điều do đức Phật phát khởi, chính Ngài đã nói “Các Tỳ kheo, cho dù Như lai có hay không có mặt ở đời, sự thật này luôn hiện hữu, sự an trụ của pháp, trật tự của pháp, tức là tất cả các hành là vô thường, là khổ và tất cả các pháp là vô ngã”[10]: uppādā vā bhikkhave Tathāgatānaṃ anuppādā vā Tathāgatānaṃ, ṭhitā vā sā dhātu dhammaṭṭhitatā (= sabhāvaṭṭitatā[11]) dhammaniyāmatā (=sabhāvaniyāmatā), sabbe saṅkhārā aniccā, dukkhā, sabbe dhammā anattā. Nói cách khác, đặc tính tự nhiên của mọi sự hiện hữu cũng như mọi khái niệm về cá thể đều đang thay đổi, do vậy chúng không thể đem lại hạnh phúc mãi, và bản chất của chúng là vô ngã, chỉ nhờ duyên để sinh khởi và hoại diệt. Đây là một tiến trình của ‘duyên khởi’ (paṭicca-samuppāda), trong đó ‘cái này’ hiện hữu thì ‘cái kia’ hiện hữu (idappaccayatā)[12]. Trật tự của pháp này là như vậy, dẫu chân lý này có được tìm thấy hay không thì nó vẫn hiện hữu, không một quyền năng hay giáo điều nào tạo ra được. Sự thật này nếu nếu ai nghe được và thấy được, người đó sẽ có chánh kiến.
Giáo pháp về thực tại này, thay vì nói về quả khổ và phủ định một sự sống thường hằng, lại tuyên bố về hạnh phúc của việc thoát khỏi sự trói buộc của vô minh, là cái thấy sai lầm về thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) khiến nó bị trói buộc vào xung đột và đau khổ (dukkha). Vì vậy hai pháp thực tại và vô ngã luôn hiện hữu và bổ sung những khía cạnh khác nhau của chân lý.
Thực tại là nền tảng chính để hình thành giáo lý về nghiệp (kamma). Đức Phật nói về nghiệp, không như những triết lý trước đó, như nghiệp trong Áo nghĩa thư (Upaniṣad), nghiệp không thuộc về ngã, không có người tạo nghiệp (kāraka), chỉ có hành động tạo tác (kiriyā)[13]. Không có người chịu quả của nghiệp (upa-bhuñjaka)[14], không ai thọ khổ quả (vedanka)[15]. Nhưng có hành động với ý muốn tạo tác (cetanā) thì sẽ nhận lại nghiệp tương ứng với hiện tại. Không phải nghiệp nào cũng cũng trổ quả, mà chỉ những hành động được dẫn dắt bởi tham chấp và vô minh. Vì sự chấp giữ chỉ là ảo tưởng của cái ngã, và khi cái ngã không thật sự tồn tại thì sự ảo tưởng đó có thể đưa đến mâu thuẫn với thực tại, là đau khổ.
Vậy thì sự hiện hữu là thực, nhưng không có chủ thể mà chỉ có hành uẩn. Hành uẩn không tự sinh khởi mà do duyên. Tâm ý chúng sanh luôn cố ràng buộc thực tế này phải tuân theo luật nhân quả, khi làm như vậy họ sẽ mắc sai lầm khi cho rằng có một sự khởi đầu, một nhân tố khởi thủy, một căn nguyên, một sự tạo hóa, một đấng tạo dựng vạn vật. Quan niệm này bắt nguồn từ sự lầm chấp về sự tồn tại thay vì chỉ có ‘sự hiện hữu’ họ lại cho rằng có ‘người hiện hữu’, họ nghĩ tưởng về một thực thể có thật thay vì một tiến trình sinh diệt không có khởi đầu nhưng luôn mới mẻ. “Luân hồi không có điểm khởi đầu” (na paññāyati) bởi vì không thể chỉ ra được đâu là sự khởi đầu của một hành động khi nó nằm ngoài thế giới thực tại. Thực tại chỉ là nhân và quả, luôn thay đổi, không giới hạn về thời gian hay không gian, không thể suy lường, do vậy nếu tách biệt hành động ra khỏi thực tại là hủy diệt toàn bộ quá trình. Quan điểm, cách nhìn, khái niệm, tất cả đều bị cho là sai lầm bởi vì chúng chỉ là ý tưởng không phải thực tế. Một cuộc tìm kiếm chỉ thực hiện được khi biết đối tượng của nó. Như lời Chúa Giêsu nói với Pascal, “Nếu không nhận thấy ta, con sẽ không tìm ta”. Vì vậy tìm kiếm sự thật là điều không thể; suy cho cùng nó chỉ là tìm kiếm một khái niệm không có thật, do tham chấp tạo ra. Và nếu ai còn cố tìm kiếm những điều như vậy, đó là kẻ ngu si. Vì chân lý không phải là một học thuyết, một giáo điều, một quan điểm mà nó là một sự thật, một sự kiện, là chân tướng của mọi hiện hữu (bhūta–kāya). Do vậy chân lý không phải một trạng thái tĩnh lặng mà là thực tại sống động, và nhận thấy chân lý chính là nhận thấy thực tại hiện hữu (yathābhūta-ñāṇa-dassana). Nhưng bất luận chân lý được tìm thấy ở đâu thì cũng không ngoài phạm vi của tưởng, không nhất thiết là tư duy rời rạc..
hay logic. Tư duy bản thân nó là chân thực nhất trong toàn bộ quá trình tạo nên hiện thực, vì lời nói hay hành động trong thực tại cũng chỉ là quả của tư duy. Và toàn bộ quá trình tư duy này chứa đựng cả nhân lẫn quả của nó. Nó là quả trứng bên trong lớp vỏ còn nguyên chứa đựng mầm sống, mầm sống này phải được nó nuôi dưỡng từ bên trong, rồi sau đó mới phá vỏ chui ra và sống. Thực tại hay thực tánh hiện hữu khắp pháp giới nhưng nó chỉ được nhận biết bên trong lớp vỏ của tư, hay đúng hơn chỉ có tư niệm mới nhận biết thực tại. Và chỉ nếu chỉ nói hay suy tư thì thực tại vẫn chỉ là ý niệm, không thật sự hiện hữu. Điểm duy nhất mà thực tại có thể chạm vào là lớp vỏ của nó, cũng chính là quá trình suy nghĩ, bởi vì nó cũng là bản chất. Nhưng nếu chỉ nghĩ về tư niệm thì đó cũng chỉ đơn thuần sự suy đoán, không nắm bắt được thực tại. Vì vậy cách duy nhất để giải quyết vấn đề không phải là tìm kiếm thực tại, mà phải nhận biết thực tại. Cái thấy biết này không phải là kiểu tư duy theo logic như thông thường, mà phải là một cái thấy biết thật sự bằng trí tuệ (ñāṇa-dassana), mà không phải lối suy nghĩ thông thường có thể hiểu được, mà phải dùng tâm chuyên chú và tác ý đúng đắn (yoniso manasikāra) vào những loại tâm vi tế, ẩn náu bên trong, chính chúng đã tạo nên một lớp vỏ bọc mà chúng ta gọi là con người, và loại tri kiến này đã che đậy và khiến các pháp thực tại không thể hiển bày. Vì thực tại chính là hình tướng, khuôn mẫu của hành động, là cái mà tâm thức tạo ra, nó là cái khuôn mà tâm thức cố nắm bắt và cố tạo nên dáng vẻ của thực tại, và khi làm như vậy nó càng bị kẹt sâu trong cái tưởng của mình. Một khi cái vỏ bọc này được thấu hiểu tường tận chỉ là giả tướng, không phải thật, chúng sanh không còn sợ hãi nữa, thấy được tướng này thì sẽ không bị cảm thọ chi phối nữa vì biết rõ nó làm gì có thật tướng hay bản thể.
Nhiệm vụ của tâm thức là thấy biết rõ thực tại hiện hữu, không phải đi tìm kiếm nó. Bởi vì tìm kiếm thứ không thật chẳng khác nào tìm trăng đáy nước, vì đâu nắm bắt được huyễn tướng của nó. (ND)
H. G. A. VAN ZEYST.
[1] Vism. Xviii, § 31, p, 510
[2] Ibid. pp 509-10
[3] Dhp.v. 1
[4] S. I, 1
[5] Chāndogya Upaniṣad, VII, xxv 2.
[6] Vism. Xĩ, §20, p. 517
[7] S. III, Soṇa Sutta, p. 48
[8] Vism. Xviii, § 32, p. 510
[9] TƯBK. IV, xxxv, bài kinh số 28.
[10] A. I, iii, p. 286
[11] AA, II, iii, p. 380
[12] S. II, 25.
[13] Vism. Xvi, p 513; xix, p. 602
[14] Ibid. xvii, p. 555
[15] Ibid. p. 576.