ACTION. Các khía cạnh chung. Từ các quan điểm khác nhau, vấn đề này sẽ được xem xét dưới các tiêu đề tương ứng. Việc tạo tác có thể được xem xét về khía cạnh đạo đức: hành động thiện và ác (kusala-akusala kamma), chứ không chỉ nhìn vào hành động mà phải nhìn vào kết quả của hành động, tức nghiệp quả (vipāka).

 Ngoài thiện nghiệp (kusala kamma) còn có chánh nghiệp (sammā-kammanta) là một phần cấu thành của Bát Chánh Đạo (ariya aṭṭhaṅgika-magga) và chỉ đề cập đến các hành động của thân, chánh nghiệp là không sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Tạo nghiệp theo nghĩa rộng hơn còn có tư duy đúng đắn (sammā-saṅkappa) và lời nói đúng đắn (sammāvācā), những hành động này phải được xếp vào nhóm thiện pháp; đối với việc tạo nghiệp theo nghĩa toàn diện là phải bao hàm cả hoạt động của tâm ý, và được gọi là ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Khía cạnh suy nghĩ (cetanā) là yếu tố cốt lõi trong việc tạo nghiệp, và nếu không có ý muốn thì sẽ không chịu nghiệp quả, dù thân có làm. Hành động có thể xem là nhân quả; bởi vì một                                                                 nhân tốt không thể hình thành một quả xấu. Từ  quan điểm này có thể thấy sự tạo tác và quả của  nó phải tùy thuộc vào thời gian, ví dụ quả có thể chín muồi ngay trong đời này, tức hiện nghiệp (diṭṭha-dhamma-vedanīya-kamma), hoặc quả có thể trổ vào đời kế tiếp, tức hậu nghiệp (upapajja-vedanīya-kamma), hoặc cũng có thể lâu hơn vào một kiếp sống nào đó trong tương lai, tức nghiệp vô hạn định (aparāpariya-vedanīya-kamma).  Lại nữa, nếu không nói đến  phần quả của hành động,  ta có thể bàn về tính chất của nghiệp bao gồm, sanh nghiệp (janaka-kamma), trì nghiệp (upatthambhaka kamma), chướng nghiệp (upapidaka kamma) và đoạn nghiệp (upaghataka kamma), nói cách khác thì nó có khả năng tái tạo, duy trì, hỗ trợ và tiêu diệt.

Từ mức độ nghiêm trọng của kết quả, nghiệp có thể được phân loại như là trọng nghiệp (garuka kamma), thường nghiệp (āciṇṇa kamma) và tích lũy nghiệp (kaṭattā-kamma), những loại nghiệp này đều sẽ chờ cơ hội để trổ quả nếu đủ duyên. Và nếu vẫn không trổ quả, nó vẫn chỉ là hành động, và được gọi là nghiệp vô hiệu lực (ahosi kamma) và nó sẽ không bao giờ trổ quả.

Một điều cần đặc biệt lưu ý ở đây là phải có sự đồng nhất giữa người tạo tác và hành động của anh ta. Bởi thế, đây là điểm tạo nên giáo lý cốt lõi và đặc trưng của Phật giáo nguyên thủy  (Theravāda Buddhism), học thuyết vô ngã (anattā), không có một thực thể hay bản ngã riêng biệt nào cả, điều này đã phản bác lại quan niệm về thân kiến (sakkayā-diṭṭhi) của ngoại đạo.

Hành động tạo nghiệp luôn  có chủ ý nên có một kết luận tâm lý đơn  thuần được rút ra, nghĩa là chỉ những suy nghĩ trưởng thành với khả năng phân biệt có chủ ý mới phải chịu nghiệp quả, còn những tiến trình của tâm vẫn chưa thể vượt qua được phản xạ của cảm thọ (vedanā), tưởng (saññā) và cũng không phân biệt được dáng vẻ của hành động (saṅkhāra), một suy nghĩ thích hay không thích – quá trình này chỉ có phản ứng, không có hành động.

Cuối cùng, phải biết rằng hành động được tạo ra từ điều kiện đúng đắn, không phải từ dục tham. Hành động khởi nguồn từ tham dục (taṇha) và vô minh (avijjā) sẽ tạo thành nghiệp và trổ quả lúc tái sinh. Còn hành động xuất phát từ nhu cầu của sự hiểu biết, không có động cơ hay hàm ý nào khi làm, nó là hành động thuần túy và đơn giản (kriyā).

Tất cả các khía cạnh của nghiệp ở trên sẽ được đề cập theo từng mục riêng trong dưới đây.

 Khía Cạnh Giáo Lý Của Nghiệp[1]. Người ta thường gặp trong kinh điển Phật giáo hai lời dạy có vẻ mâu thuẫn  với nhau. Một là không có thực tại bất biến, chỉ có biến đổi (Sabbe sankhārā aniccā), và câu còn lại là các pháp không hề vận hành bởi vì nó đã biến mất ngay khi vừa sinh khởi  (ruppatīti kho tasmā rūpanti vuccati: S. III, 86). Mâu thuẫn chỉ hiện rõ khi các pháp gắn liền với thực thể. The lời dạy của Đức Phật về vô ngã (anattā) thì không có thực thể trường tồn, không có vật chất tồn tại vĩnh viễn, không có sự thường hằng, không có ngã, chỉ có pháp sinh khởi và hoại diệt theo quy trình chuyển biến và vô thường, bởi vậy không có gì thật sự tồn tại ngoài sự vận hành. Mặt khác sự vận hành này không liên quan tới sự trường tồn của vật chất, do vậy không có pháp nào vận hành, và nếu nó vận hành, nó không phải các pháp: pháp không chuyển động. Cũng như sự tồn tại không phải là thêm một cái gì vào để nó tồn tại, sự chuyển động, sự thay đổi cũng vậy, không phải do đưa một cái gì vào thì nó mới  chuyển động và thay đổi, do đó nó chuyển động và thay đổi.

Sự vận hành này khác với quan điểm của các học giả phái Thắng Luận (Vaiśeṣika)[2] những người được cho là đã tạo ra ba thực tại của vật chất, đặc tính và sự chuyển động. Nhưng quan điểm của Phật giáo chính thống thì khác biệt với những luận điểm này bằng học thuyết căn bản phủ nhận sự tồn tại của vật chất. Do vậy khi sự chuyển động có mặt ở cả hai đặc tính nổi trội trong Phật giáo là tâm lý và đạo đức, nó không phủ nhận hành động theo kinh nghiệm mà  phủ nhận hành động tách biệt với người làm.  “Không có người làm, chỉ có hành động được thấy” (kārako na, kariyā va vijjati)[3].

“Không có người tạo tác

Không thấy người gặt quả

Chỉ có pháp  hiện hành

Chỉ có cái thấy là chân thật”

Kammassa kārako n’atthi

Vipākassa ca vekado

Suddhadhammā pavattanti

Ev’etaṃ sammadassanaṃ.[4]

Trong Phật giáo hành động không đòi hỏi một phương tiện nào để tạo tác, trong khi với khoa học thì các lực tác động trong tự nhiên được coi là lực của các yếu tố xác định, bất kể thành phần cố hữu của chúng là gì.

Hành trong Phật giáo  không tiềm ẩn, cũng không phải ngoại lực, chỉ là chờ đợi cơ hội để hiện thành nghiệp. Bởi vì hành là thực tế,  có nghĩa là sinh khởi trong từng khoảnh khắc, phải do duyên mới sinh khởi, và do duyên để hoại diệt, nhưng không tồn tại vĩnh viễn dưới bất kỳ dạng năng lượng nào.

Trong vật lý năng lượng không thể quan sát thấy hay đo lường được mà chỉ có thể tác động dưới dạng chuyển động hoặc nhiệt. Sự tồn tại của năng lượng được suy ra từ hiện tượng, cái đã tạo ra nó. Cũng tương tự như nghiệp quả chỉ có thể nhận thấy trong thực tế qua phản ứng của nó. Phản ứng này thực sự phát huy tác dụng phụ thuộc vào một số điều kiện nhất định, nhưng không đòi hỏi một năng lượng tĩnh đằng sau nó để tạo thành chuỗi phản ứng xuyên suốt từ những nguyên nhân ban đầu.

Điều cần thiết nhất để hiểu đúng về Phật giáo là phải thấu hiểu được bản chất thực sự của tạo tác là nghiệp quả của nó, vì điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết về  việc phủ nhận ‘Thượng đế’ và ‘linh hồn’ trong Phật giáo, hiểu rõ về pháp duyên sinh (paticca-samuppāda, xem thêm), giáo lý về nghiệp, sự vô tận của quá trình tiến hóa, toàn bộ khái niệm hiện hữu cũng như tái sinh.

Do vậy, hành động tạo tác là hoàn toàn có điều kiện, chẳng hạn như cảm thọ phải phụ thuộc hoàn toàn vào các căn, khoảng cách của đối tượng và sự xúc chạm thực tế của cả căn và trần. Điều này không có nghĩa là cảm thọ tiềm ẩn bên trong các căn, ngoại trừ hiểu theo nghĩa rất  rộng, theo đây thì cũng không sai khi  nói rằng cảm thọ cũng thật sự nằm sâu bên trong căn-trần.

Khái niệm năng lượng trong Phật giáo không thừa nhận ý niệm rằng thân là một khối năng lượng tĩnh. Hành động chỉ có thể nhận biết bằng hoạt động, không thể có hành động biệt lập. Nó là một phản xạ mà không thể nhìn thấy trong chính hành động và bên ngoài tác nhân gây nên phản xạ. Vì vậy hành động không thể xem như kết quả của năng lượng và tách rời khỏi nó, năng lượng cũng không được cho là tồn tại bên ngoài hành động. Nói cách khác, không có hành động, chỉ có năng lượng phát sinh trong hành động, và hành động sinh khởi phụ thuộc vào  những điều kiện tạo nên phản ứng của nó. Những phản ứng này không hoàn toàn mang tính máy móc được biểu hiện bởi thực tế rằng những điều kiện mà tạo nên phản ứng của một hành động có thể là hoàn toàn tiêu cực: sự tách rời (vippayutta), sự vắng mặt (natthi), sự biến mất của các điều kiện là những khía cạnh tác động tiêu cực đến sự sinh khởi của các hiện tượng tinh thần và vật chất.

Hành động không thể thực hiện bằng việc chuyển đổi năng lượng ngầm hay năng lượng tĩnh thành động lực, mà là bằng ý muốn. Nghĩa là không có một dòng năng lượng, đường dẫn hay tín hiệu nào truyền từ kia đến đây, mà là một sự phối hợp hài hòa. Người đọc bài viết này sẽ phản ứng với những ý được trình bày trong đây. Nếu những ý trong bài truyền tải một động lực, phản ứng của người đọc cũng sẽ tương tự. Nhưng độc giả khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau, đồng ý hoặc hoàn toàn không đồng ý, điều này không thể cố hữu trong các khái niệm này, mà được quy định bởi tính khí, học vấn, xuất thân, niềm tin, v.v., của mỗi cá nhân. Và do đó, phản ứng của mỗi người trở thành hành động cá nhân của chính họ; và chính hành động cá nhân đó tạo nên một cá thể riêng biệt.

Khi phản ứng được giải thích bằng năng lượng ngầm bắt đầu hoạt động, cánh cửa suy đoán được mở rộng ra và một giả định phi lý được theo sau một một lập luận đối nghịch còn phi lý hơn. Một ‘linh hồn’ chứa đầy đủ những đặc tính của ‘vũ trụ’ được tạo ra để giải thích các hiện tượng đối lập: dù được hình thành trong quá khứ nhưng tồn tại vĩnh viễn về sau, một thực thể có thật, nhưng dưới dạng tinh thần; theo như nguyên lý của tư duy và sự sống về vật thể thì  hiện tại vẫn chưa thể khiến cơ thể vật lý này bất diệt, vẫn chưa thể kiểm soát những hành động hay lời nói thiếu suy nghĩ; nhưng thực thể đó được cho là có khả năng kiểm soát mọi hành động, song lại bị lệ thuộc vào những ham muốn và dục vọng của xác thịt.                                                     

Tuy nhiên từ quan điểm của đức Phật thì không có một tác nhân nào tách biệt với hành động của anh ta, dù là hành động thuộc thân hay tâm. Hành động là điều kiện tạo nên nghiệp quả, và nghiệp quả chính là những sự kiện trong đời như là những thứ phải nếm trải, hình thành bối cảnh sống và dáng vẻ tương ứng với nghiệp quả  đã tạo, ví dụ như hành uẩn (saṅkhārakhandhā)  là những ý niệm của thức; những tâm hành (saṅkhāra) này sẽ tạo nên quá trình của ý niệm, của hiện hữu và của tái sinh.

Chánh Nghiệp (sammā-kammanta) chánh nghiệp là chi thứ 4 trong bát chánh đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga), chi này cùng với chi thứ 2, và 3 là chánh tư duy (sammāsaṅkappa) và    chánh ngữ (sammāvācā) bao trùm toàn bộ hành động của con người về mặt đạo đức. Ba nhánh này bao gồm mười thiện nghiệp (kusala kamma) của suy nghĩ, lời nói và hành động (thân, khẩu, ý). Chánh nghiệp là những hành động tạo tác chân chánh nơi thân (A.V, x, 28, 176; M. sutta 114) cụ thể là không làm ba việc như sát sinh (pāṇātipāta), trộm cắp (adinnādāna) và tà dâm (kāmesu-micchācāra), điều thứ ba là nói đến hành động tình dục bất chính.

H. G. A. VAN ZEYST.


[1] Với khía cạnh phẩm hạnh của nghiệp, xem s.v. KARRMA

[2] Vaiśeṣika-sūtra I, 2, 7-8, được trích dẫn bởi Stcherbatsky, Buddhist Logic, I, P. 99.

[3] Vism. Xvi, § 90, p. 436

[4] Ibid. xix, § 20, p. 517.