ACITTAKA
ACITTAKA, một giai đoạn trầm mê, lúc này một người không thể nhận thức được bất cứ điều gì. Nó là một chữ tiếng Phạn và được dịch ra tiếng Tạng là ‘sems-med-gñid’. Nhưng trong tiếng Hán nó được dịch thành cực trọng thùy miên nghĩa là ‘ngủ say’. Đây là một trong năm chướng ngại làm tâm thức trì trệ.
Trong Duy Thức Tông (Vijñānavāda), cảm giác hoặc sự nhận thức đều được cho là khởi lên từ sáu căn (indriya), và phụ thuộc vào sáu trần tương ứng với sáu căn (āyatana). Cảm thọ hoặc nhận thức khởi lên như vậy được gọi là ý thức (pravrtti–vijñāna), tuy nhiên nó không thể tự mình khởi lên mà phải phụ thuộc vào thức căn bản hay a lại da thức (ālaya–vijñāna). Ý thức này (pravrtti–vijñāna) chỉ sinh khởi sau năm trạng thái của tâm lần lượt là: trạng thái vô tưởng quả (asaṃjñika), trạng thái vô tưởng định (asaṃjñika-samāpatti), trạng thái diệt tưởng định (nirodha-samāpatti), trạng thái ngủ mê (acittaka), trạng thái vô thức (mūrchā).
Từ trên đây có thể thấy cực thùy miên (acittaka) cũng là một trong số các trạng thái. Trong trạng thái này ý thức (pravrtti–vijñāna) không thể sinh khởi vì vắng mặt thức căn bản (ālaya–vijñāna). Xem quyển VII của Thành Duy Thức Luận (vijñapti-mātratā-siddhi) của ngài Huyền Trang (Taishō, No 1585; cp Nanjio, No. 1197).
Đừng nhầm lẫn hay đánh đồng trạng thái thùy miên với trạng thái ngủ của một người. Ở trạng thái ngủ thông thường, một trong năm triền cái (pañca āvaraṇāni), thì tiềm thức vẫn
còn hoạt động. Nhưng ở trạng thái thùy miên không một thức nào có thể sanh khởi. Vì vậy nó khác với ngủ thông thường. Do đây mà trạng thái này được dịch ra tiếng Hán là “cực trọng thùy miên”.
S. K.
THAM KHẢO: Du Già Sư Địa (yogācārabhūmi), (Nanjio, No. 1170), phần XIII bản chú giải của Du Già Sư Địa, tác giả K’uei-chi, phần VII một bản chú giải khác về Du Già Sư Địa của cùng tác giả; Jō-yui-shiki-ron-izumi-no-shō của Zen-nen, hoàn thành vào năm 1562 A; Thành Duy Thức Luận ((vijñapti-mātratā-siddhi) (Taishō, No 1585; cp Nanjio, No. 1197), phần VII; Duy Thức Tam Thập Tụng (Triṃśikā-vijñapti-kārikā).