ACINTYAMATIDATTA
ACINTYAMATIDATTA, tên một vị bồ tát nổi tiếng của Phật giáo Mật tông. Chữ này mang nghĩa đen là ‘người với trí tuệ không thể nghĩ lường được’. Bản dịch tiếng Tạng là blo-gros-bsam-yas, tương ứng với bản tiếng Hán là Bất Tư Nghì Huệ Bồ Tát Kinh.
Các tài liệu chú giải đề cập đến vị trí của ngài trong Mạn đà la đều khác nhau. Vì vậy trong Kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-sūtta) ngài được cho là tọa lạc ở hướng nam của Thai tạng giới Mạn đà la (Garbha-dhātu maṇḍala). Kinh nói rằng: “Về hướng nam của mạn đà la là một phân viện tên Trừ Cái Chướng Viện (Sarva-pratihata-praśamita) (Ch’u-hai-chang-yuan) hay còn gọi là phân viện nơi mọi chướng ngại đều bị trừ diệt… (Ở đây) Bất Tư Nghì Huệ Bồ Tát tọa lạc trên một hoa sen, tay trái cầm một viên Ngọc Như Ý gọi là Cintāmaṇi”.
Nhưng theo như Hsūan-fa-szu-i-kuei, được trước tác ở chùa Hsūan-fa, và Ching-lung-szū-i-kuei được trước tác ở chùa Ching-lung (cả hai bản chú giải dù ra đời khá muộn nhưng lại là những bộ luận truyền thống về Kinh Đại Nhật, trong này nói rằng ngài tọa lạc ở vị trí trung tâm của hiện đồ mạn đà la. Tuy nhiên, những bản luận trước kia như Shê-ta-i-kuei, Kuang-ta-i-kuei, v.v. thì nói ngài tọa lạc ở cuối hướng tây của hiện đồ mạn đà la được nói ở trên.
Những sự thay đổi này có thể hiểu là do niềm tin sâu sắc và sự tôn kính cao tột của các tín đồ Trung Quốc và Nhật Bản đối với vị Bồ tát này, và họ muốn đưa ngài vào vị trí trung tâm hướng tây hoặc cuối hướng nam trong hiện đồ Mạn đà la.
Ngài được mô tả với những nét đặc trưng của một vị bồ tát đại thừa; những đặc điểm như tóc dài, y phục đẹp và phục sức bằng chuỗi ngọc, và thực tế thì những điều này đều là lấy từ hình ảnh thực tế của người dân Ấn Độ thuộc tầng lớp cao quý lúc bấy giờ, trang phục phổ biến của giới quý tộc. Toàn thân ngài có màu trắng ngà. Ấn chú trong tay bồ tát Acintyamatidatta được mô tả như sau: cánh tay phải của ngài co và đưa lên, lòng bàn tay thẳng đứng. Ngón út và áp út gập xuống, ngón cái thì đưa vào chạm ngón áp út. Ấn này được gọi là ấn kiếm. Tay trái của ngài cũng co lên, nắm lại và đặt trước ngực, cầm một hoa sen có gắn ngọc Như ý (Cintāmaṇi). Nhưng theo một tài liệu khác thì Thai tạng giới đồ tượng mô tả ngài khác biệt hơn: tay phải giơ lên, lòng bàn tay hướng vô trong và các ngón tay duỗi ra. Tay trái ngài đặt trên đầu gối, cầm một hoa sen có nạm ngọc Như Ý. Tuy nhiên tư thế này được cho là giống với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Chandraprabha bodhisattva) ngự ở phía tây hiện đồ mạn đà la.
Chủng bồ đề (bīja) của ngài mang ký tự “u”, còn thần chú của ngài là namaḥ samanta-budhānām sarva-āśa-paripūra svāhā (nghĩa là Cung kính đảnh lễ tất cả các đức Phật, mọi mong ước của bạn sẽ như nguyện! Svāhā!). Nhất Hành (I-hsing) giải thích ý nghĩa của chủng tử (bīja) trong tác phẩm Chú Giải Kinh Đại Nhật của mình, rằng “âm ‘u’ trong chủng tử của Bồ tát Bất Tư Nghì Huệ mang ý nghĩa là ‘vô sanh chủng’). Vạn pháp trên thế giới này đều không khác biệt. Nếu có khác cũng chỉ là hình tướng bên ngoài, còn bản chất như nhau. Nếu chúng sanh nhận thức được điều này thì họ cũng đồng với chư Phật, không còn phiền não (kleśa) và ác nghiệp, do vậy nó được gọi là bất tư nghì huệ (acintyamati). Nếu đạt được trí tuệ này thì chúng ta có thể ung dung sống giữa cuộc đời ô trược này mà không bị phiền não hay dính mắc”. Câu thần chú của ngài còn được mô tả sâu hơn (fasc. XIII) về khả năng làm cho mọi mong ước của chúng sanh đều như nguyện, như ý nghĩa của Ngọc Như Ý (Cintāmaṇi) được ngài cầm ở tay trái.
S. KANAOKA.
THAM KHẢO: Kinh Đại Nhật (Mahāvairocana–sūtra) (Nanjio, 530) tập I & V; Chú Giải Kinh Đại Nhật (Ta-jih-ching-i-chieh, Đại sư Nhất Hành (I-hsing); Bí Pháp Mật Thừa (Pi-tsang-chi); Bảy nghiên cứu về Thai Tạng Giới (Garbha-dhātu); Nghiên cứu so sánh những nét đặc sắc trong Thai Tạng Giới mạn đà la (Shosetsufudōki), tác giả Shinjaku, 886-927 SCN; Giáo lý cao siêu trong Thai Tạng Giới mạn đà la, quyển II; Asaba-shō quyển CCVII; Taizō-kai-nenjushidai-yoshuki quyển I, Ryōbu-maṇḍala-gi-ki, quyển III; Taizōkai-maṇḍala-son’i-genzushō-shi, quyển IV.