ĀCIṆṆA KAMMA (thường nghiệp)

ĀCIṆṆA KAMMA (thường nghiệp) là một trong bốn loại nghiệp khi phân loại theo thứ tự quả báo (pākadāna-pariyāyena). Cùng với thường nghiệp trong nhóm phân loại còn có nghiệp cực nặng (garuka) như làm một vị Phật bị thương, giết một vị A-la-hán, giết cha mẹ và gây chia rẽ Tăng đoàn; rồi cận tử nghiệp (āsana or maraṇāsanna), nghiệp được thực hiện vào lúc sắp lâm chung và tích lũy nghiệp (kaṭattā-kamma).

Có một sự khác biệt vi tế giữa thường nghiệp và tích lũy nghiệp, thường nghiệp thì không tích chứa sức mạnh chờ cơ hội trổ quả, tức sinh nghiệp (janaka) như trường hợp của tích lũy nghiệp. Thường nghiệp chỉ là thường thực hiện những thói quen hiện có, do vậy một hành động thiện hoặc ác gì cũng dễ dàng lặp lại.

Đây là một dạng khác biệt về tâm lý và không được đề cập trong những tài liệu Phật giáo nguyên thủy, dù thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp thuật ngữ này. Vì vậy trong Kinh Upāli (Upāli Sutta)[1], ví dụ từ āciṇṇa được sử dụng để biểu thị “đó không phải thói quen của Nigaṇṭha Nātaputta”, “đó không phải thói quen của Như Lai” để nói về nghiệp và quả của nó. Lại nữa trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya)[2] chúng ta thấy có một câu mô tả những kẻ “mà tuyên bố những gì đức Phật không làm là do chính Ngài làm”.

Thậm chí trong cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visudhimagga)[3] sau này cũng không sử dụng từ này với nghĩa chuyên môn khi nói về “đối tượng mà tâm bị dính mắc vào” (āciṇṇārammaṇa).

Khi một hành động là tác nhân chính để tạo thành sinh nghiệp, thuật ngữ được tìm thấy trong câu chuyện về chàng Maṭṭakuṇḍali (Maṭṭakuṇḍalivatthu)[4] dù không được huân tập đúng đắn nhưng bắt đầu từ một hành động và được khéo thực hiện thì vẫn đem lại quả lành (āciṇṇa-samāciṇṇa-kusalamūlaka). Dù chỉ với một chút tâm thanh tịnh (manaṃ pasādesi) cũng đủ giúp vị Bà La Môn trẻ tái sinh lên thiên giới. Tuy vậy, quả của tạo tác rất rõ ràng, quả được so sánh như bóng với hình, không thể tách rời (chāyāva anapāyinī).[5]

Có rất nhiều câu chuyện cho thấy sức mạnh của thói quen mà thậm chí có thể khiến một vị thánh hành động theo cách có vẻ không phù hợp với đức hạnh và sự định tĩnh của mình. Một vị Thiên (deva) trên cõi trời thứ ba mươi ba (Tāvatiṃsa) có một giọng nói vang xa đến 16 dặm ngay cả khi chỉ nói thầm, vì trong một tiền kiếp, khi ấy là một con chó, đã vô cùng quý mến một vị Độc Giác Phật và thường sủa lớn, với tất cả sự vui mừng, mỗi khi thấy Ngài.[6]


Ngoài ra, có chút do dự sinh khởi trong tâm đức Phật ngay sau khi giác ngộ khi Ngài xét thấy chân lý mà mình đã chứng ngộ khó đến nhường nào, và liệu có thể truyền dạy cho người khác được hay không, và sự do dự hoài nghi này cũng được cho là luôn sinh khởi trong tâm của tất cả các Phật[7] sau khi chứng ngộ. Và lại nữa, khi đức Phật lần đầu đi vào thành Vương Xá (Rājagaha), Ngài lần lượt đến từng nhà để khất thực và đã bị vua cha khiển trách, đức Phật đáp, “Đây là truyền thống của dòng dõi Như Lai, tâu đại vương!” (cārritaṃ etaṃ mahārāja amhākaṃ),  đây là nói đến tất cả các vị Phật quá khứ đều có truyền thống trì bình khất thực.[8]

Nó là sự lặp lại liên tục của một hành động mà sự tạo tác đó (ācarati) trở thành một kiểu cư xử thường xuyên (cāra, ācāra), một thói quen trong cách cư xử có đạo đức (cāritta); và những hành động thường xuyên được thực hiện đó (āciṇṇa kamma) sẽ tạo thành một tập khí. Một người ích kỷ và nhẫn tâm cũng được sinh ra, như là qua báo trước mắt cho hành động xấu ác của mình, trong một gia đình bị khinh miệt, ngu ngốc và thiếu khả năng học hỏi, cũng như thói quen của những con chó và đồng loại của nó (kukkurādivatāciṇṇo)[9] và những điều này sẽ  đi cùng với anh ta. Bởi vì, thói quen thường xuyên (thường nghiệp) thường là yếu tố quyết định trong kiếp này và bất kỳ kiếp vị lai nào.  Trong số mười sáu loại nghiệp được phân loại trong tác phẩm Phật giáo sao này, thường nghiệp dường như là thứ đáng sợ nhất. Vì ngay cả trọng nghiệp (garuka kamma) của kẻ giết cha mẹ sẽ lập tức có quả không thể tránh khỏi, thì cũng chỉ phải chịu quả của hành động đó, trong khi việc tích chứa những thói quen sẽ khiến các hành động tạo tác chồng chất và để lại hậu quả thật sự trong nhiều đời cho đến nhiều kiếp. Sự tích chứa khôn lường này sẽ gây kích động (saṃvega) sự sợ hãi và lo lắng đối với những ai có quán chiếu về nỗi khổ của cuộc sống trần tục và sự lặp đi lặp lại của cái vòng sinh, già, bệnh, chết, nỗi khổ của việc tái sinh vào cảnh giới khổ đau, nỗi khổ của luân hồi (q.v.), của quá khứ, hiện tại và vị lai.

Tuy nhiên việc hình thành một thói quen không nhất thiết phải thực tập hay phải mất nhiều thời gian. Trong bài Kinh Vỏ Ốc (Saṅkha Sutta)[10], một vị trưởng thôn là con trai của Asibandhaka, cả hai đều là đệ tử của phái Ni Kiền Tử (Nigaṇṭha) nói với đức Phật rằng pháp mà giáo chủ của họ là Nātaputta dạy rằng “thói quen của một người sẽ quyết định chỗ tái sinh của vị ấy”. Nguyên văn Pali là yam bahulaṃ yam bahulaṃ viharati, với ngụ ý là một kiếp sống dành phần lớn thời gian để làm việc gì đó. Lời dạy này đã bị bác lại bằng chính nhận xét của đức Phật rằng chẳng có kẻ giết người nào lại dành phần lớn thời gian trong cuộc đời của mình để giết người cả, vậy thì không thể nói rằng vì không có thói quen thường xuyên giết người nên vị ấy sẽ không bị đọa vào cảnh giới tương xứng với tội ấy. Thực tế thì không ai làm điều ác được mãi mà chỉ làm trong một khoảng thời gian nào đó thôi (samayā samayaṃ)


Một tập khí được quyết định bởi sự gắn kết của các ý niệm, và do vậy những đức tính tệ nhất cũng sẽ được nuôi dưỡng bởi thói quen hàng ngày. Khả năng liên kết ý niệm cũng được tìm thấy trong giới động vật, dù không có quá nhiều trí thông minh. Bởi vậy nếu cho rằng một thói quen xấu sẽ được loại bỏ bởi một thói quen tốt là không đúng. Chỉ khi có sự hiểu biết một người mới có thể điều chỉnh bằng cách loại bỏ tất cả thói quen và lệ thường. Điều này có thể  thực hiện bằng cách áp dụng lời dạy của đức Phật về chánh niệm (satipaṭṭhāna) bằng cách nhận biết được sự sinh và diệt của mỗi cảm thọ xảy ra ở thân và tâm, không ngăn chặn, cũng không cổ súy, cho đến khi mọi ý niệm về tốt và xấu, về ‘Tôi’ và ‘của tôi’ đều tan biến, và  những hành động được thực hiện do quá trình ngã chấp trở thành những hoạt động đơn thuần không chấp ngã, không mục đích, mà chỉ đầy sự hiểu biết, trí tuệ đưa đến giải thoát.

H. G. A. v. Z.



[1] M. I, 372-3, sutta 56

[2] A.V, 74

[3] Vism. 269

[4] Sớ giải kinh Pháp Cú. I, 130

[5] Kinh Pháp Cú. V. 2.

[6] Kinh Pháp Cú A.I, 173.

[7] Ibid. 81.

[8] Ibid. 90.

[9] Sdmp. 90

[10] S. IV, p 317