ACELLAKA VAGGA
ACELLAKA VAGGA (1), phẩm cuối trong Tika nipāta (chương Ba Pháp) của Tăng Chi Bộ. Nó gồm 13 bài và được đặt tên theo chữ đầu tiên của phẩm, liên quan đến việc tu khắc nghiệt của các vị Acela hay khổ hạnh lõa thể.
Hai bài đầu tiên của phẩm nói về ba cách thực hành – bao gồm chủ trương hưởng lạc của những người mang quan điểm hưởng dục không có gì sai, chủ nghĩa khổ hạnh của những kẻ lõa thể và thực hành ép xác, và con đường trung đạo, đây là con đường nằm giữa hai lối tu cực đoan kia và được chỉ dạy cho các thầy Tỳ kheo. Các Tỳ kheo được chỉ dạy cách thanh tịnh các căn bằng con đường trung đạo. Pháp tu này có thể được xem là một với ba mươi bảy phẩm trợ đạo (boddhipakkhiya dhammas).
Mười bài tiếp theo lần lượt nói về những trường hợp đọa vào địa ngục (niraya), và sinh lên chư Thiên (sagga). Năm bài đầu nói về mười nghiệp bất thiện (dasa akusala kamma) và năm bài sau nói đến 10 thiện nghiệp (dasa kusala kamma).
Bài kinh sau cùng nói đến ba loại định (Samadhi) (cụ thể là sunnato: không định, animitto: vô tướng định, và appanihito: vô nguyện định) phải thực hành để đạt đến giải thoát và phá vỡ vô minh.
ACELLAKA VAGGA (2), phẩm thứ năm trong chín phẩm của Pācittiya (Luật Ưng Đối Trị) trong Suttavibhaṅga (Phân Tích Giới Bổn) thuộc Luật Tạng (Vin. IV, 91-108; một bản tóm tắt trong Parivara (Tập Yếu) ở tạng Luật, trang 19-21 và 39-40). Phẩm này gồm 10 điều học (41-50), điều đầu tiên liên hệ đến một Acelaka (một vị lõa thể và trong trường hợp này là một Ājīvika), được dùng để đặt tên cho cả phẩm.
Cũng như những phẩm khác, phẩm này cũng không tập hợp được các điều luật trong Ưng Đối Trị một cách có hệ thống. Một vài điều luật có liên quan với nhau, còn số khác thì có cùng chủ đề hoặc nói về người nằm rải rác trong phẩm này. Nhưng bên trong phẩm các điều luật liên quan đến nhân vật cụ thể được sắp xếp theo thứ tự.
Cũng như phần còn lại trong Suttavibhaṅga (Phân Tích Giới Bổn), phẩm này cũng lấy Sāvatthi (thành Xá Vệ) làm địa điểm chính để lập giới. Vesāli (thành Tỳ Xá Ly), Rājagaha (thành Vương Xá) và Kapilavatthu (thành Ca Tỳ La Vệ) là nơi xảy ra những cấm chế.
Do có nhiều sự than phiền mà hệ thống giới luật được thành lập, những lời phàn nàn này đa phần sẽ được những vị Tỳ kheo thiểu dục (appicchā –bhikkhū) thưa thỉnh với đức Phật những gì cư sĩ đã nói. Nhưng trong điều học đầu tiên của phẩm này (41) vị cư sĩ đã trực tiếp thưa thỉnh với đức Phật.
Trong 10 điều học của phẩm này, điều đầu tiên (41) không cho phép một vị Tỳ kheo tự mình cho vật thực đến một kẻ tu đạo lõa thể hoặc nam hay nữ du sĩ ngoại đạo, điều thứ 2 (42) không cho phép các Tỳ kheo rủ nhau đi khất thực, điều thứ 3, 4, 5 (43, 44, 45) nói về việc Tỳ kheo có mối liên hệ với các gia đình thí chủ và phụ nữ, điều thứ 6 (46) liên hệ đến một Tỳ kheo lui tới gia đình thí chủ trước và sau giờ ăn. Điều thứ 7 (47) liên hệ đến việc trường hợp nào các vị Tỳ kheo có thể nhận lời đến nhà thí chủ thọ trai. Điều thứ 8, 9, 10 (48, 49, 50) nói đến các trường hợp nào Tỳ kheo có thể đến và xem động binh.
Ngài Ananda và một vị Tỳ kheo không nhắc tên là những nhân vật phạm lỗi ở điều đầu tiên. Vị Tỳ kheo tên Upananda phạm lỗi ở năm điều kế tiếp, bốn điều còn lại là nhóm phe lục sư (chabbaggiyā bhikkhū) phạm phải. Nhưng vị Tỳ kheo Upananda và nhóm lục sư không chỉ phạm có bấy nhiêu lỗi này. (Xem thêm lỗi của Upananda ở điều 59, 89, và điều thứ 2, 3, 4, 7, 16, v.v. cho nhóm lục sư).
Điều thứ 4 và 5 (44, 45) có chỗ giống nhau là tội bất định (aniyata).
Những trường hợp phạm tội Ưng Đối Trị thì khá phổ biến, vì vậy rất cần thiết để xem xét lại điều luật gốc sau khi sự việc xảy ra. Trong phẩm này, những người phạm phải tội 46, 47 và 48 là rất khó sửa đổi. Tuy nhiên, sự tránh né tội đã dẫn đến việc bổ sung một điều luật mới trong Ưng Đối Trị điều 46, và việc lạm dụng giới luật cũng đưa đến việc phát sinh thêm những điều luật mới trong Ưng Đối Trị số 49 và 50.
L. R. G.