ACELAKA (hay acela)

ACELAKA (hay acela) có nghĩa đen là ‘trần truồng’ và nói đến các thầy tu khổ hạnh thực hành lõa thể. Những tài liệu nói về các Acelaka trong kinh điển Phật giáo chỉ ra rằng họ là những ngoại đạo khổ hạnh lõa thể, thực hành các pháp môn khổ hạnh cực kỳ hà khắc.

Không có ghi chép nào cho thấy họ là một trường phái riêng biệt và các tài liệu tham khảo nói về họ phần lớn đều mơ hồ và gây nhiều tranh cãi. Điều này dẫn đến nhiều luận thuyết khác nhau về họ. Jacobi[1] bày tỏ quan điểm rằng thuật ngữ Acelaka trong Phật giáo có nghĩa là Ājīvika (tà mạng giáo). Tuy nhiên gần đây học giả Barua và Basham đã đưa ra một chú thích rộng hơn về thuật ngữ này và có vẻ như quan điểm của họ đã được chấp thuận[2]. Họ có khuynh hướng cho rằng từ Acela  được sử dụng khá tùy tiện và nó thường nói về các vị khổ hạnh lõa thể hơn là một môn đồ của bất kỳ giáo phái nào[3]. 

Một phân tích trong số những tài liệu tham khảo đã chỉ ra điều đó, tuy nhiên trong một vài ví dụ cho thấy từ Acelaka được sử dụng với nghĩa tương đồng với nghĩa ám chỉ một đệ tử thuộc phái lõa thể như Ājīvika, bởi vì đa phần các Acelaka đều nói đến những vị tu khổ hạnh một mình.[4]

Những tài liệu tham khảo về Acelakas trong kinh điển Phật giáo chủ yếu được chia thành ba loại:

Có một văn bản mô tả pháp môn tu khổ hạnh bắt đầu với acelako hoti, muttā-cāro hatthāpalekhano, v.v. (vị ấy lõa thể, vị ấy có lối sống khắc khổ, vị ấy liếm sạch tay mình, v.v. ) đã xuất hiện trong hai bài kinh Nikaya. Bài đầu tiên nói đến (a) vị khổ hạnh lõa thể, (b) các giáo chủ của Ājīvika bao gồm Nanda, Vaccha, Kisa Saṅkicca và Makkhali Gosāla và (c) chính là đức Phật trước khi Ngài giác ngộ, trong bài kinh Mahā-sīhanāda Sutta[5] (Đại Kinh Sư Tử Hống). Đức Phật đã nói với Ananda rằng Ngài đã thực hành khổ hạnh vô ích để tìm cầu chân lý, và trong này cũng có nói những vị tu khổ hạnh với mục đích như Ngài.

Trong ngữ cảnh khác có  vài lần đức Phật phân loại mọi người thành nhiều nhóm và đoạn kinh này cũng được sử dụng để mô tả một trong số họ. Do đó, từ này áp dụng để mô tả những người tự hành hạ mình[6], những người thực hành pháp đem lại đau khổ cho kiếp sống hiện tại lẫn vị lai[7], và cả những người bị mũi tên tà kiến đâm xuyên.[8]

Có những tài liệu  đề cập đến những vị tu khổ hạnh thường được gọi là Acela hơn là Acelaka, được đặt trước tên của họ, ví dụ Acela Kassapa, Acela Guṇakassapa. Trong số đó cũng có những người thực hành khổ hạnh theo cách cực đoan ví như ‘hạnh con chó’ và ‘hạnh con bò’ (sống tương tự như một con chó và một con bò). Acela Senya Kukkuravatika và Acela Korak-khattiya Kukkuravatika[9] là hai người hành trì như vậy. Trùng hợp là hai vị thực hành hạnh chó và bò cũng không nằm trong khuôn khổ của các Ajivika, và họ cũng không được giáo chủ Makkhali Gosala chấp thuận.

Kế tiếp, có nhiều nguồn tham khảo của các trường phái tôn giáo khác trong việc mô tả các Acelaka. Những tài liệu này thường đối nghịch và mâu thuẫn với nhau, đôi khi từ Acelaka được dùng tương đồng với các nhóm tôn giáo khác như Ajivika, nhưng có khi lại hoàn toàn tách biệt khỏi họ.

Vì vậy trong tạng Luật (phần Ưng đối trị – Pacittiya xli) Acelaka và Ajivika được dùng như nhau.[10] Nhưng trong chú giải Kinh Pháp Cú (Dhammapadaṭṭhakathā), một người tâm chưa định được so sánh với một người mà khởi đầu như một Acelaka, rồi chuyển sang Ajivika, Nigaṇṭha và Tāpasa.[11] Cũng trong bản chú giải này có nói rằng một vị khất sĩ phái Nigaṇṭha (Ni kiền tử) dù chỉ khoác một mảnh vải nhưng vẫn tốt hơn lõa thể hoàn toàn của các Acelaka[12]. Thêm nữa, trong bản Kinh Phật tự thuyết (Udāna) có nói đến việc vua Pennadi Kosala (Ba Tư Nặc) trong một lần đến thăm viếng đức Phật nói rằng cạnh đức Phật có 7 Jaṭila, 7 Nigaṇṭha, 7 Acela, 7 Ekasāṭa và 7 Paribbājaka. [13] Trong Mahāvyutpatti (Danh Nghĩa Đại tập) thì các Acelaka dường như tách biệt với các Nigantha trong danh sách dị giáo, và không nói đến thì có nghĩa họ là các Ajivika.[14] Nhưng trong bản chú giải Kinh Pháp Cú thì nói rằng các vị khổ hạnh lõa thể mà thuộc tín đồ của Migara trước khi  họ trở thành đệ tử của đức Phật, thì không phân biệt Acelaka, Nigantha và Ajivika. [15]  Lại nữa, trong chuyện tiền thân Mahānārada-Kassapa (Mahānārada-Kassapa Jātaka), Acelaka Gunakassapa được mô  tả là một vị Ajivika và được gọi là một ucchedavadin (hành giả đoạn kiến luận).[16] Nhưng trong chuyện tiền thân Neru (Neru Jataka), mọi người kính trọng một vị Tỳ kheo, dù thuộc trường phái thường kiến (sassatavadin), đoạn kiến (ucchedavadin) và khổ hạnh lõa thể (acelaka).[17] Vì vậy, không có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ Acelaka và nó dường như được dùng cho nhiều nhóm thực hành khổ hạnh lõa thể khác nhau, nhưng không giới hạn trong bất kỳ nhóm nào cả.[18]

Đoạn văn mô tả về việc hành xác của các hành giả khổ hạnh cũng dùng acelaka như một thuật ngữ chính. Trong số những tính từ được sử dụng, nó là từ đầu tiên được dùng để mô tả sự hành xác nói chung của các vị khổ hạnh, nhưng cũng có thể giả định cho rằng, những người tu khổ hạnh, những người xem y phục là một sự tham dục và đã từ bỏ nó, đã xem thức ăn, chỗ ngủ và những nhu cầu khác cũng là những sự trói


buộc. Những sự thực hành được liệt kê trong đoạn này đã cho thấy mọi hình thức hợp lễ nghi đều đã bị tước bỏ để phục vụ cho mục đích khổ hạnh như thế nào. Những hành động của vị ấy rất dị hợm, thay vì rửa tay sau khi ăn, vị ấy đã liếm sạch nó. Vị ấy thận trọng rà soát các điều kiện kỹ càng trước khi nhận lấy vật thực. Vị ấy từ chối các loại thức ăn như cá, thịt, rượu và thậm chí là cháo. Vị ấy không ăn ba bữa như lệ thường mà “chỉ ăn một lần mỗi ngày, hoặc có khi là 2 ngày, thậm chí là 7 ngày mới ăn một lần…”  Vị ấy ăn những loại thức ăn khó nuốt, không có chất dinh dưỡng và thậm chí cực kỳ ghê tởm. Mặc dù ban đầu được gọi là một acelaka (lõa thể), sau đó vị ấy được mô tả là đã khoác lên người một ít vải thô ráp. Thay vì cạo vị ấy tự nhổ râu tóc của mình. Vị ấy ngủ trên gai nhọn và duy trì một tư thế suốt một thời gian dài. Vị ấy tắm ba lần một ngày để gột sạch tội lỗi của mình. Vì vậy có vô vàn cách để họ tự đày đọa bản thân mình.[19]   

Sự ép xác khổ hạnh đi kèm với những điều luật khắc nghiệt trong cả việc thọ nhận vật thực và số bữa ăn được tìm thấy trong những vị Ajivika và Jain (Kỳ Na giáo). “Mọi giới luật của Acelaka đều giống hoặc phải nói là cực kỳ giống với Kỳ Na giáo và họ làm theo như vậy đều vì có chung mục đích”.[20]

Vị Ājīvika được nói đến trong Lomahaṃsa Jātaka (chuyện nỗi kinh hoàng) là một vị lõa thể và sống từ chối mọi thứ vật chất y như vị Acelaka trong đoạn văn trên. Học giả Basham đã chỉ ra rằng các Ajivika cũng thực hành một số phương thức đã nói ở trên, dù không phải là tất cả, và có ý kiến cho rằng đoạn văn này chứa đựng “một danh mục về nếp sống của các vị khất sĩ ngoại đạo (không phải Phật giáo) của mọi trường phái và không thể gán toàn bộ những lối tu đó cho các vị Ājīvika”.[21]

Có một văn bản nói về những tín đồ tại gia của Acelaka. Trong đoạn kinh Chaḷābhijātisutta nói về Makkhali Gosāla, nói sáu loại chúng sanh (hay CHAḶĀ BHIJĀTIYO SUTTA), ở mục thứ tư có giải thích họ như là gihī-odātavasanā acelasāvakā (những cư sĩ mặc y phục trắng là tín đồ của các du sĩ lõa thể).[22] Vậy là các vị khổ hạnh Acelaka không có mặt trong danh sách và cũng không có tài liệu nói về tín đồ của các Ajivika. Bởi nguyên nhân này, và cũng nhờ vào việc có mặt trong danh sách mà các gihī-odātavasanā acelasāvakā được cho rằng họ có thể là tín đồ thuộc trường phái Ājīvika của Makkhali Gosāla.

Có một tài liệu nói về một vị acelaguru (thầy của các Acela hoặc của các du sĩ lõa thể). Nó xuất hiện trong một văn bản khá muộn sau này tên Śikṣāsamuccaya (Bản tóm tắt giáo pháp của con đường Bồ tát), vào khoảng thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9 SCN. [23] Bendall, vị chủ biên của tác phẩm xem acelaguru chính là Makkhali Gosala. Tuy nhiên độ chính xác của sự nhận định này cũng không hoàn toàn minh bạch khi xét đến nguồn gốc xuất hiện của thuật ngữ Ājīvika sau đó, mà bối cảnh lại dường như nói đến một trường phái khác với acelaguru.

Còn có một văn bản nói về acelakaladdhi (quan điểm của các Acelaka) và aelakavāda (giáo pháp của Acelaka).[24] Nhưng trong đây nhìn chung không nói đến quan điểm của các Acelaka (ngoài việc nói đến những trường phái cụ thể như Ājīvika và Jain): sự mô tả chỉ nói về cách hành trì của họ.

Quan điểm của đức Phật khi nói về Acelaka là một sự coi khinh. Ngài phản đối cả  hai cách thức hưởng thụ dục lạc lẫn hành trì khổ hạnh và nó được nói đến trong văn bản sau này khi nói về cách tu tập của các Acelaka. Trong  Cūḷa Dhamma Samādāna Sutta[25] (Tiểu Kinh Pháp Hành), quan điểm của đức Phật về Acelaka rất rõ ràng – phẩm hạnh của họ sẽ dẫn đến đau khổ ngay trong hiện tại lẫn vị lai. Và khi được hỏi về chỗ tái sinh của Aela Korakkhatiya Kukkura-vatika, một vị khổ hạnh lõa thể thực hành ‘hạnh con chó’, Ngài nói rằng ông ấy sẽ bị đọa vào những cảnh giới thấp của loài ngạ quỷ, và điều đó đã xảy ra.[26] Trong Kukkuravatika sutta (Kinh Hạnh Con Chó) cũng vậy, đức Phật cũng buồn bã khi nói đến chỗ tái sinh của Acela Seniya Kukkuravatika, nếu hoàn thành “hạnh con chó” vị ấy sẽ tái sinh làm loài chó, nếu không vị ấy sẽ vào địa ngục (niraya).[27]   

Cách thực hành theo lối khổ hạnh lõa thể đã dần suy thoái qua nhiều thế kỷ. Và thậm chí các vị lõa thể thuộc nhiều trường phái khác nhau ngày nay vẫn được tìm thấy trong thời hiện đại.[28]

LAKSHMI R. GOONESEKERE.



[1] SRE, phẩm  45. (Kinh Jaina – PhầNii), trang 29

[2] Barua, Triết Học Ấn Độ thời kỳ tiền Phật giáo, trang 297. Basham, Ajivika, trang 96, 107.

[3] Kết luận này cũng được xác nhận bằng định nghĩa về acelaka được tìm thấy trong kinh điển Pali. Điều này cũng giải thích rộng hơn ý nghĩa của một vị khổ hạnh lõa thể mà không liên quan đến trường phái hay giáo chủ. Acelako’ti  niccelo naggo (AA.II,383; MA, II, 354), Acelako’ti  niccelo nagga-paribbajako 43; DA. II (DA. II, 349). Acelako nama yo ko ci paribbajakasamapanno naggo (Vin. IV, 92)

[4] Ví dụ Acela Kassapa (D. I, 166); Acela  Korakkhattiya (D.III, 6); Acela Kosambhiya (J. V, 76), Acela Guna-kassapa (J. VI, 222)

[5] (a) D. I, 166; (b) M. I, 238; (c) M. I, 77

[6] A. I, 295; A. II, 206

[7] M, I, 307

[8] Mahanidesa, II, 416

[9] Xem n.4. Một điểm đáng lưu ý trong những bản kinh này là trong những cuộc gặp gỡ của đức Phật với các vị Acela, không một ai trong số họ nói về thầy hay vị giáo chủ của họ; điều này sẽ giúp khẳng định họ là những vị khổ hạnh riêng lẻ.

[10] Vin. V, 19-21, 39-40

[11] DhpA. Vol. I, Part II, 309

[12] DhpA. III, 489

[13]. Ud. 65

[14] Mhvyut. 51-2

[15].  DhpA. Vol. I, Part II, pp. 400, 401, 405.

[16]. J. VI, 222 f.

[17]. J. III, 246

[18]. Các vị Acelaka gây sự chú ý vì họ không có trong danh sách của các vị Phật đương thời được đề cập trong Tăng Chi Bộ Kinh, III, trang 276-277

[19]. Đoạn trích dẫn này xuất hiện ở D.I, 166; D. III, 40;  M. I, 77, 238, 307, 342; M. II, 161; A.I, 295, II, 206; Pug. 55; Mahāniddesa II, 416

[20]. SRE. Vol. 45, p. xxxi

[21]. op. cit. p. 120.

[22] A. III, 383-4; DA. I, 162; SA. II, 342-4.

[23]. Śiks p. 331

[24]. Acelakaladdhi-Ps. III, 254. Acelakavāda-J. III, 246

[25]. M. I, 307

[26]. D. III, 6

[27]. M, I, 388

[28]. J. Campbell Oman thảo luận về những trải nghiệm cá nhân với các vị khổ hạnh lõa thể trong tác phẩm của mình  Mystics, Saints and Acetics in India.