ACELA SUTTA
ACELA SUTTA (1), nói về sự cải đạo của một vị khổ hạnh lõa thể tên Acela Kassapa sau bài pháp của đức Phật và sự xuất gia của vị ấy (S. II, 18-22). Không biết chắc liệu có phải vị Acela Kassapa này chính là vị Acela Kassapa nổi tiếng được nói đến trong bản kinh Kinh Ca-diếp Sư Tử Hống (Kassapa Sīhanāda Sutta) trong Trường Bộ Kinh hay vị Acela Kassapa trong những bài kinh khác, bởi vì các bản kinh nói đến sự cải đạo của những vị này đều khác nhau (xem thêm ACELA KASSAPA).
Trong bài kinh này, Acela Kassapa gặp đức Phật sau khi vào thành Vương Xá (Rajagaha) để khất thực và ông đã nài nỉ đức Phật cho ông ta hỏi một câu. Nhưng đức Phật đã từ chối ông đến ba lần với lý do là không phải lúc bởi vì Ngài phải vào làng khất thực, nhưng cuối cùng Ngài đã đồng ý lắng nghe ông. Trong bản chú giải nói rằng lý do mà đức Phật từ chối là vì muốn người hỏi phải thật tâm cầu đạo, không thể tùy tiện. Sự từ chối này với mục đích muốn mọi người tôn kính đức Phật và những lời dạy của Ngài (SA. II. 35).
Đức Phật đã trả lời câu hỏi của Kasspa bằng một bài giảng về khổ. Đức Phật nói rằng mình đã lìa xa hai trạng thái cực đoan, học thuyết Thường hằng cho rằng người tạo nghiệp cũng chính là người thọ hưởng nghiệp và học thuyết Đoạn diệt cho rằng người tạo nghiệp và người thọ lãnh không phải là một, còn giáo Pháp của Ngài dạy về con đường trung đạo giữa hai thái cực đó. Ngài tiếp tục giải thích về thuyết Duyên Khởi (paṭiccasamuppāda), giải thích về nguồn gốc sinh khởi và hoại diệt của vạn vật.
Kasspa thật sự bị ấn tượng bởi bài Pháp của đức Phật và xin được xuất gia. Khi được biết các vị ngoại đạo trước đây nếu muốn xuất gia đều phải chịu thử thách là ẩn tu bốn tháng, ông đã xin ẩn tu tận bốn năm. Tuy nhiên theo như bản chú giải (SA. II, 37) thì lòng tha thiết cầu đạo đã khiến đức Phật bỏ qua quy tắc tĩnh tu với ngoại đạo và cho ông lập tức xuất
gia. Vào lúc ấy ông được thọ giới và trở thành một vị Tỳ Kheo, chẳng bao lâu sau thì đắc quả A-la-hán.
L. R. G.
ACELA SUTTA (2) bài kinh này nói về cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn, một vị gia chủ tên Citta và một vị khổ hạnh lõa thể tên Acela Kassapa, sau buổi nói chuyện vị lõa thể gia nhập tăng đoàn để xuất gia (S. IV, pp 300-2). Không chắc liệu vị Acela Kassapa này có trùng tên với các vị được nói đến trong những bài kinh khác hay không, vì những bản kinh khác nhau đều nói về sự hóa độ khác nhau. (Xem ACELA KASSAPA).
Bài kinh nói rằng vị gia chủ Citta khi nghe tin bạn cũ của mình là Acela Kassapa sẽ đến khu rừng Macchikasaṇḍda, đã đến để gặp bạn. Họ nói chuyện rất say sưa. Trong thời gian 30 năm, Acela Kassapa làm tu hành khổ hạnh còn Citta thì trở thành đệ tử tại gia của đức Phật. Về câu hỏi của Citta, Acela Kassapa thừa nhận trong suốt 30 tu khổ hạnh mình chẳng “đạt được thần thông hay bất kỳ một loại trí tuệ cao thượng nào, cũng không có một cuộc sống như ý, chẳng có gì ngoài sự trần truồng với chiếc đầu trọc và người đầy bụi bặm phải phủi đi” (trước khi ngồi xuống đất). Citta thì nói rằng mình có đủ khả năng đạt đến tứ thiền (jhāna) nếu muốn, và dù có tái sinh trở lại đời này cũng không thứ gì có thể trói buộc mình nữa.
Kassapa vô cùng kinh ngạc khi thấy một vị cư sĩ gia chủ lại có thể đạt được những khả năng phi thường như vậy nên ông muốn được gia nhập Tăng đoàn. Citta đưa Kassapa đến gặp các vị Trưởng lão để xin xuất gia và xin được cúng dường tứ sự dành cho một vị Tỳ kheo. Sau khi xuất gia và thọ đại giới không bao lâu Kassapa trở thành một vị A-la-hán.
L. R. G.