ACCHARIYA-ABBHUTA-DHAMMA SUTTA
ACCHARIYA-ABBHUTA-DHAMMA SUTTA. Có năm bài kinh đều mang tên này. Trong đó bốn bài thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, và một bài nằm ở Trung Bộ Kinh. Bài kinh nói về đề tài những đặc tánh hy hữu, vị tằng hữu (acchariy abbhutadhamma) như là khả năng, phẩm hạnh hoặc những sự kiện phi thường chỉ xảy ra trong cuộc đời của một đức Phật, hoặc một trong những vị đệ tử tôn quý, hoặc một vị chuyển luân thánh vương. Tuy nhiên trong kinh điển Đại thừa, theo như ghi chép của Bu-ston[1], một vị thầy đồng thời là một sử gia người Tây Tạng, thì bài pháp này nói về sự hy hữu của các vị đệ tử, các vị Bồ tát và của các đức Phật. Còn theo Nguyên thủy thì các bài kinh này liên quan đến một vị bồ tát. Chúng nói về lần tái sinh sau cùng của ngài Siddhattha, người sẽ trở thành đức Phật Cồ Đàm (Gotama Buddha).
Bốn bài kinh trong Tăng Chi Bộ, bài đầu tiên[2] nói về bốn sự kiện phi thường và hy hữu xảy ra khi có sự xuất hiện của một vị Phật. Một luồng hào quang chói lọi sẽ bao phủ toàn vũ trụ khi một vị Bồ tát giáng sanh từ cõi trời Đâu Suất (Tusita) và đi vào tử cung của người mẹ một cách có ý thức. Ngay cả nơi địa ngục Cư Trung, một nơi luôn bị bóng tối bao trùm, chúng sanh ở đây cũng có thể thấy mặt nhau và cảm thấy an ủi phần nào khi biết nơi đây còn có những chúng sanh khác. Loại hào quang tượng cũng xuất hiện khi đức bồ tát ra khỏi bụng mẹ, khi Ngài đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, là một Như Lai, và khi Như Lai “chuyển Pháp Luân”, hay chính là thuyết Pháp lần đầu tiên.
Bài kinh tiếp theo[3] nói về bốn sự kiện hy hữu xảy ra khi một vị Phật xuất hiện. Trong đó, điều đầu tiên là mọi người sẽ những lời dạy của đức Phật sẽ khiến mọi người chìm đắm trong hân hoan và hỷ lạc, và kết quả là tâm trí của họ được phát sinh trí tuệ. Cũng như trước đây họ chỉ mê mải chìm đắm trong sự ngã mạn, xáo động và si mê.
Bài kinh thứ ba[4], dù được cho là nói về bốn khả năng hiếm có của ngài Ānanda, vị thị giả của đức Phật, nhưng thực chất chỉ đề cập đến ba điều. Đầu tiên là chỉ với dáng vẻ của mình cũng đủ để hội chúng cảm thấy hoan hỷ và hạnh phúc. Thứ hai là nếu ngài đã giảng pháp xong, hội chúng vẫn còn cảm nhận được niềm vui thích ấy. Điều thứ ba, nếu hội chúng không vừa ý thì ngài sẽ giữ im lặng.
Bài kinh thứ tư[5] cũng chỉ lặp lại những điều trên nhưng có một chút khác biệt đó là những khả năng hy hữu của ngài Ananda có thể so sánh với một vị chuyển luân thánh vương.
Bài thứ năm năm trong Trung Bộ Kinh[6], nói về 22 điều phi thường của một đấng Như Lai. Trong số đó 19 khả năng là được ngài Ananda nhắc đến trong khi đức Phật còn tại thế, và ba điều sau cùng được thêm vào trong những lời dạy của Ngài. Trong số những khả năng này, khả năng thứ 19 là ấn tượng hơn hết, nó liên quan đến giai đoạn ngay trước lúc thành đạo của đức bồ tát.
Những điều hy hữu được ngài Ananda nhắc lại lần lượt là: (1) Đức Bồ tát, vào thời điểm tái sinh vào cõi trời Đâu Suất, Ngài ý thức và biết rất rõ việc mình vào đó. (2) Ngài ý thức và biết rõ việc mình ở tại đó. (3) Ngài trụ lại đó cho hết tuổi thọ của mình. (4) Ngài rời khỏi cõi trời Tusita và nhập thai vào bụng mẹ cũng với sự rõ biết hoàn toàn như vậy. (5) Một thứ ánh sáng chưa từng có xuất hiện vào thời điểm Ngài nhập thai, thậm chí soi tận đến địa ngục Cư Trung. (6) Khi Ngài đã vào trong bụng mẹ thì có bốn vị Thiên bảo hộ ở bốn hướng. (7) Người mẹ, kể từ lúc được Bồ tát nhập vào thai, cũng trở nên đức hạnh và bớt tạo nghiệp bất thiện. (8) Bà nuôi dưỡng tâm thanh tịnh và không vướng nhiều dục nhiễm. (9) Bà trở nên rõ biết năm đối tượng của năm giác quan một cách rõ ràng. (10) Bà không phải chịu bất kỳ sự đau đớn nào, luôn an ổn và nhẹ nhõm. (11) Bà mất sau khi sinh Đức bồ tát và tái sinh vào cõi trời Đâu Suất. (12) Không giống phụ nữ thông thường, bà hạ sinh đức bồ tát sau 10 tháng mang thai. (13) Bà sinh trong tư thế đứng. (14) Đức bồ tát được chư Thiên đỡ lấy trước, sau đó mới đến loài người. (15) Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài bước xuống đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ, người vừa sinh ra một bậc vĩ nhân”. (16) Ngay khi vừa ra đời toàn thân đức Bồ tát đã cực kỳ sạch sẽ và tinh khiết, không bị dính những thứ bất tịnh trong bụng mẹ. (17) Hai dòng nước, một dòng nóng một dòng lạnh dội từ không trung xuống, tắm cho Bồ tát và bà mẹ. (18) Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước. Ngài nhìn khắp cả năm hướng trong lúc một lọng trắng được che trên đầu, và thốt ra lời như sau, “Ta là bậc tối thượng ở trên đời,
là bậc tối tôn ở trên đời, là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa”. (19) Một luồng hào quang rực rỡ phóng ra và mười ngàn thế giới đều bị chấn động và rung lắc dữ dội vào thời điểm đức Bồ tát hạ sanh.
Ngoài những điều trên, đức Phật được cho là còn có thêm ba điều khả năng hy hữu nữa, lần lượt là: Tất cả mọi cảm thọ (vedanā) đều được đức Phật lần lượt chứng ngộ. Cả tưởng (saññā) và tư (vitakkā) cũng như vậy.
Tuy nhiên pháp hữu vị tằng hữu không chỉ được đề cập trong năm bài kinh như đã kể trên đây mà chúng còn xuất hiện trong nhiều bài kinh khác nữa, ví dụ như bản kinh Bakkula[7] cũng đề cập những điều phi thường của Trưởng lão Bakkula. Rồi trong Kinh Phật Tự Thuyết (udāna)[8] của tiểu bộ kinh cũng có nói đến tám đặc tính hiếm có của đại dương tương ứng với tám đặc tính của Pháp và sau này Pháp cũng được thêm vào danh mục của những điều phi thường. Điều này cho thấy rằng pháp hữu vị tằng hữu không chỉ nói đến sự hy hữu của con người. Tuy nhiên nội dung của những bản kinh nói về việc này sẽ được thảo luận với những chủ đề riêng biệt.
H. S. COORAY.
[1] The Jewellery of Scripture, trang 33
[2] Phẩm Ahaya, chương Bốn Pháp, bài kinh số 127
[3] Phẩm Ahaya, chương Bốn Pháp, bài kinh số 128
[4] Phẩm Ahaya, chương Bốn Pháp, bài kinh số 129
[5] Phẩm Ahaya, chương Bốn Pháp, bài kinh số 130
[6] Trung bộ kinh, bài số 123
[7] Trung Bộ Kinh, bài số 124
[8] Kinh Phật Tự Thuyết, bài số 53-4