ACCAYA (1), chết. Cũng như tất cả các tôn giáo và triết học (cổ), giáo lý của Đức Phật cũng rất quan tâm đến vấn đề cái chết.  Đôi khi cái chết được nhân cách hóa, thường là Ma vương (q.v.), nhưng hay gặp nhất thì nó được mô tả như một hiện tượng, như một phần của quá trình sống, sự chấm dứt các chức năng tự nhiên của sự sống. Theo Đức Phật, đối với con người, sự sống là tài sản quý giá nhất và cũng là điều khó đạt được nhất (dullabha[1]). Tuy nhiên, tuổi già và cái chết đang đến giống như một ngọn núi lớn cao ngang trời, tiêu diệt mọi thứ trên đường đi. Người ta có thể làm gì khi đối mặt với sự hủy diệt mạnh mẽ như vậy, ngoài việc sống ngay thẳng, chân chính và gây tạo thiện nghiệp?

“Không ai có thể trốn tránh, hoặc không trả bài ở đây

Cái chết đang chờ tất cả chúng ta.”[2]

Tuy nhiên, tính không thể tránh khỏi của cái chết không bao giờ được thể hiện như một sự kiện được áp đặt từ bên ngoài như một sự trừng phạt, mà là một sự tất yếu tạo thành một phần không thể thiếu của quá trình hiện hữu. “Ngay cả thọ mạng của Đức Thế Tôn cũng đột ngột bị chấm dứt bởi sự hối thúc của cái chết, như một đám chảy to bị dập tắt bởi một trận mưa lớn…..

Không phải sợ hãi, cũng chẳng do xấu hổ.

Cái chết đã kìm hãm anh ta.

Vì, tất cả, mặc dù thoát khỏi tội lỗi và sợ hãi.

Đều bị tiêu diệt, (và không ai có thể ở lại).”[3]


Chết là sự chấm dứt cuộc sống hiện tại, nhưng không phải là hết.  Nó là một sự vượt qua (accaya) những giới hạn nhất định, do đó là sự hoàn thành của thời gian (kālakiriyā : M. II, 108 ; A. I, 22), sự tan rã của những thành phần tạo nên sự sống (jīvitakkhaya : J; I, 222) hay sự buông bỏ thể xác (deha-nikkhepana : Vism. 195), sự chấm dứt của việc tồn tại bằng thân vật chất (maraṇa) này.  Khi sinh được coi là sự xuất hiện (upapatti), thì chết được coi là biến mất (cuti : D. I, 162 ; S, II, 3, 42).  Đó là sự kết thúc của một mùa, giống như sự kết thúc của mùa mưa (vassānaccaya) hoặc của mùa đông (himaccaya), mang trong mình lời hứa hẹn về một mùa xuân mới. Bởi vì, sinh dẫn đến tử, chết là điều kiện cho sự sống mới.  Không có hình phạt nào, chỉ có sự mất mất, mà đối với nhiều người còn lớn hơn cả sự mất mát của cải (atthaccaya : J. III, 158, 25), nhưng đối với một số người, thực sự rất ít, thì lại là giải pháp của vấn đề, việc đặt (nidhāna) gánh nặng xuống khi hoàn thành nhiệm vụ (kataṃ kattabbaṃ), dành cho những người trong sự chấm dứt đã tìm thấy sự giải thoát, trong chiến thắng bỏ lại cái chết phía sau” (nirodhe ye vimuccanti, te janā maccuhāyino : Sn. v. 755).  Lời giải cho bí ẩn của cái chết nằm trong lời giải của vấn đề sinh.  Vì cái gì có sinh thì sẽ có tử, cũng như cái gì hợp cũng có lúc phải tan (sabbe saṅkhārā aniccā).  Nó là bản chất vốn có của quá trình sinh diệt.  “Cái gì có sinh ắt sẽ có tử. . . . Giống như mặt trời mọc di dần về phía mặt trời lặn, và không bao giờ quay lại dù chỉ trong chốc lát. . . . do đó, kể từ khi được sinh ra, chúng sinh đều đi dần về phía cái chết”.[4] Và một khi quá trình hữu (bhava) đã được khởi động thông qua hoạt động chức năng của tâm (kamma-bhava, nghiệp hữu), tiến trình tái sinh sau đó (upapatti-bhava, sinh hữu) chỉ là kết quả của duyên. Sự chấm dứt của tiến trình kết quả này (bhava-nirodha, hữu diệt) sẽ chỉ kết thúc nếu ngọn lửa ái dục bị dập tắt. Nếu không có thêm hoạt động nghiệp mới, quá trình tồn tại sẽ đi đến kết thúc tự nhiên của nó, khi đó cái chết thực sự sẽ là một sự biến mất (cuti).  Do đó, cái chết chỉ là một chức năng tự nhiên của sự sống.  Nhưng chừng nào sự sống còn được hồi sinh bởi hoạt động sinh sản của chính nó, thì cái chết sẽ là sự kết thúc của sự tồn tại vật chất (pāṇaccaya) này, chỉ trở thành ngưỡng cửa của một đời sống mới, một sự vượt qua, chứ không phải là sự ra đi cuối cùng.  

Ý niệm cuối cùng của chúng sinh được coi là có tầm quan trọng rất đặc biệt đối với đời sống ngay sau đó, vì chính ý niệm cuối cùng lúc đang hấp hồi này sẽ cung cấp duyên tái sinh cho chúng sinh ở kiếp kế tiếp của nó.  Do đó, nếu ý niệm cuối cùng đọng lại trên một đối tượng thiện, tác động của nó sẽ được cảm nhận trong tiến trình ý niệm mới, mở đầu cho một đời sống mới, theo hướng thiện (kusala). Tất nhiên, điều ngược lại cũng đúng: ý niệm lúc hấp hối dính vào một đối tượng xấu duyên tạo cơ hội cho sự phát sinh những hoàn cảnh xấu ở đời sống ngay sau đó. Điều này không có nghĩa là chỉ có ý niệm cuối cùng của một người sắp chết là gây nên quả báo, vì những nghiệp cố ý tác phạm và bỏ sót trước đó vẫn còn nguyên sức mạnh tích lũy của chúng, chờ dịp thích hợp để gây nên quả báo. Để biết chi tiết xem dưới KARMA.


Sự sống, sự tồn tại, đầy hoạt động đến mức nó không thể xem là tĩnh; nó luôn được hình thành, một quá trình Hiện hữu, không có cứu cánh chứng đạt trong sự tồn tại.  Sự đầy đủ của cuộc sống là ở chỗ đang sống, không phải ở hình thành, mà ở việc hiện hữu.  Nó là thực tế năng động. Và trong quá trình đó, khía cạnh được gọi là cái chết chỉ là một giai đoạn hiện hữu; nó là sự vượt qua, chuyển đổi của một loạt các hiện tượng. Khi chết, quá trình chuyển đổi này còn phi thường hơn, nhưng trên thực tế, quá trình chuyển đổi tương tự xảy ra ở mọi ý niệm. “Nó là sự tan rã và biến mất lặp đi lặp lại liên tục của mỗi sự kết hợp nhất thời của thân và tâm, và như vậy nó diễn ra trong mọi sát na”.[5]  Theo ý nghĩa rốt ráo (paramatthato), sát na sống của chúng sinh vô cùng ngắn ngủi, chỉ kéo dài trong một sát na duy nhất trong sự khởi lên của một ý niệm (ekacittappavattimatto).  Giống như một chiếc xe bò, dù lăn hay đứng yên, thì chu vi của nó chỉ chạm mặt đất tại một điểm, cũng vậy, đời sống của chúng sinh được đo bằng chỉ một sát na (ekacittakkhanikaṃ eattānaṃ jīvitaṃ).  Và khi ý niệm đó chấm dứt, thì chúng sinh đó cũng được cho là ngưng tồn tại (tasmiṃ citte niruddhamatte satto niruddho ‘ti vuccati). Trong sát na trước đó, chúng sinh đã sống; trong sát na tương lai, chúng sinh sẽ sống; nhưng chỉ trong sát na hiện tại, chúng sinh mới đang sống. . . . . Khi ý thức tan biến, vạn vật sẽ chết” (cittabhangāmato loko : Vism. viii, § 39 trang 197).  Theo ý nghĩa rốt ráo, khi một tiến trình của ý niệm tan rã sau khi các đổng lực tâm (javana-citta) biến mất trong tiến trình ý thức (citia-vīthi, q.v.), nó có cùng vị trí với tử thức (cutiviññāṇa).  Và do đó, theo ý nghĩa rốt ráo, sự sống chỉ kéo dài trong khoảng thời gian của một ý niệm.

Nhưng, đối với sự thay đổi lớn trong quá trình tồn tại, vốn liên quan đến sự hoại diệt của thân xác (kāyassa bheda) và sự từ bỏ các uẩn dính mắc (upādinnakkhandha-pariccāga), thì cái chết là sự chấm dứt của một đời sống, là sự phân ly các thành phần thân tâm cấu thành. Bởi vì sự liên kết trước đây của chúng, tạo nên cái gọi là cá thể, có bản chất vô thường, vì “cái gì có hợp sẽ có tan” (sabbe saṅkhārā aniccā), sự phân ly này là một hiện tượng tự nhiên, không phải là do bất kỳ tác nhân bên ngoài nào, mà gây ra bởi bản chất vốn có của mọi pháp hữu vi.  “Cái gì có sinh thì ắt sẽ có tử” (n’atthijātasaa amaraṇaṃ S. II). Và như vậy, cái chết xảy ra khi tuổi thọ bị cạn kiệt một cách tự nhiên  (āyukkhayenamarana), tức là do chấm dứt định mệnh có được (gati), hoặc do hết tuổi thọ (kāla-) hoặc do chấm dứt quá trình nuôi dưỡng, v.v (āhārādi-sampattiyā abhāvena).  Cuộc sống cũng sẽ chấm dứt, khi các điều kiện đạo đức của sanh nghiệp (janaka kamrna), tạo ra sự tồn tại đặc biệt này cạn kiệt, tức là do chấm dứt lực đạo đức (puññakkhayena). Tất cả điều này là một cái chết tự nhiên hoặc đúng thời (kālamaraṇa). Tuy nhiên, mặc dù cái chết luôn là kết quả tự nhiên của việc được sinh ra, nhưng nó có thể xảy ra sớm.


Cái chết không đúng thời (akālamaraṇa) như vậy xảy ra do nghiệp làm gián đoạn nghiệp tạo ra sự sống khác  (kammupacchedaka kammavasena), tức là nghiệp cắt đứt nghiệp sinh khí đang thịnh hành.  Do đó, một quá trình sống (sāntana), vẫn còn đủ năng lượng và sinh khí để khiến một người di chuyển và hành động, có thể bị cắt đứt do một số nỗ lực bên ngoài vượt qua một người do hậu quả của các nghiệp trước đó.[6] Tai nạn, bị sát hại, tự sát, tử vong trong chiến tranh là những trường hợp chết yểu như vậy.  Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, chính sự tan rã của các uẩn được gọi là cái chết. 

Chính sự quán tưởng “chỉ có các hành là tan rã; đó là cái chết của các hành; không gì khác”[7] đưa đến tuệ giác và giải thoát tối thượng.

Không nghiên cứu nào về khái niệm cái chết có thể hoàn chỉnh mà không có nghiên cứu đối lập – về khái niệm sự sống. (Về điều này, xin vui lòng xem JῙVTTA và JῙVITINDRIYA.) Năng lực sinh khí này khác hoàn toàn với nguyên lý của sự sống hay linh hồn, vì nó là một trong 7 tâm sở tổng quát  (sabba-citta-tādhāraṇa-cetasika,  mà, cùng với xúc (phasaa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (cetanā), nhất tâm (ekaggatā) và sự chú ý (manasikāra), là chung cho mọi loại tâm và mọi nghiệp thức.  Nó là nguyên tắc động mà nếu không có nó thì không tâm niệm nào phát khởi, giống như sắc thân không thể phát triển nếu không có yếu tố lửa (tejo) cấu thành.  Nhưng, theo thuật ngữ Phật giáo, cái chết không phải là đối lập với sự sống mà là sự sinh ra, là một thái cực khác của một quá trình tồn tại.  Khi cái chết xảy ra, sự sống không kết thúc, vì nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Cái chết chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự kết hợp các yếu tố thân-tâm này, mà khi tan sẽ lại hợp, với các biến thể và hoán vị, tái tạo một số đặc điểm thiết yếu với những sửa đổi thiết yếu như nhau. Từ một quan điểm khác, cái chết thậm chí có thể được coi là một sự sinh ra, vì ra khỏi một kiếp sống cũng chính là bước vào một kiếp sống mới.  Và, đối với sự giải thoát tột cùng, thì sinh, lão, tử – tiến trình của sự sống, chỉ là đau khổ.

Cái chết của thể xác chỉ là một giai đoạn trong tiến trình đó, đưa đến giai đoạn tiếp theo. Khi các khớp nối ở tứ chi bị đứt rời, xác thân khi chết sẽ dần khô héo như một chiếc lá cọ xanh héo úa dưới sức nóng của mặt trời.  Khi các căn của các giác quan vật lý ngừng hoạt động, các căn của tâm và sự sống vẫn tồn tại khi ý thức bên trong tập trung vào một hành động nào đó xuất hiện do tầm quan trọng hoặc mức độ nặng nề của nó, hoặc do tần suất lặp lại trước đây, hoặc do sự gần gũi của việc thực hiện hành động như vậy.  Ở giai đoạn này, khi tham ái và vô minh chưa được đoạn trừ hoàn toàn, tham ái bẻ cong dòng tâm thức để nắm bắt thêm đối tượng quen thuộc, những nguy hiểm của chúng bị vô minh che đậy. 


Như vậy, tâm thức lúc sắp chết này “từ bỏ sự hỗ trợ trước đây của nó, giống như một người qua sông bằng cách bám vào sợi dây buộc vào một cái cây bên bờ sông”.  Hành động buông bỏ là chết, hành động nắm lấy để vượt qua khoảng trống là điểm bắt đầu của kiếp sống tiếp theo.[8] Đặc điểm chính của hiện tượng chết là sự qua đời (cutilakkhana). Chức năng là ngăn chia (viyogarasa). Và nó tự biểu hiện trong sự vắng mặt của cõi giới mà trong đó tái sinh đã diễn ra (gati-vippavāsa-paccupaṭṭhāna).[9] Do đó, nó là một khía cạnh hoàn toàn tiêu cực, được diễn đạt tốt nhất như một sự ra đi (accaya).

H. G. A. VAN ZEYST.

 

ACCAYA (2), Phạm giới. Nghĩa đen của từ này biểu thị sự bỏ qua (acceti), nhưng lại mang nghĩa bóng là ‘phạm’ giới. Vì vậy, theo quy tắc được các tu sĩ Phật giáo sử dụng vào những ngày Trai giới, họ sám hối trước đại chúng những vi phạm về thân của mình một cách chung chung (accayo maṃ accagamā 😀. I, 85).  Nó không được sử dụng cho một bất thiện nghiệp (akusala-kamma)– có thể là một tà niệm, mà chỉ dành cho sự phạm giới (Vin. I, 315).

Sau khi sám hối, tức là việc phạm giới được thừa nhận như vậy, nó sẽ được đại chúng chứng minh (accayato paṭigaṇhāti : D. I, 85) và do đó được tha thứ.  Không có sự miễn tội hay ý định sai trái, vì luật nhân quả là trách nhiệm riêng của mỗi người.  Sự vi phạm trong phạm vi cộng đồng có liên quan sẽ được sửa chữa bằng cách chấp nhận, thừa nhận lỗi lầm.



[1] Kosala Saṃyutta; S. I trang 101.

[2] Kindred Sayings, I, 127.

[3] Vism. viii, § 23, trang 193.

[4] Vism. viii, §§ l0-11, trang 190.

[5] BD. trang 90

[6] cp. Vism, viii, §§2-3, trang 189

[7] Vism, xxii, § 118, trang 598: saṅkhārā va bhijjcmti, saṅkhārānaṃ maraṇaṃ, na añño koci atthi.

[8] cp. Vism, xvii, § 168, trang 473.

[9] Vism, xvi, § 47, trang 427.