ĀCĀRYA

ĀCĀRYA. Khi con người đạt đến một giai đoạn phát triển văn hóa nhất định, ngay cả trong thời kỳ rất sớm, một số loại hệ thống giáo dục đã ra đời. Những hệ thống như vậy ra đời trong các lĩnh vực tôn giáo, khoa học hoặc nghệ thuật và thủ công. Ở Ấn Độ, nơi tôn giáo luôn đóng vai trò chủ đạo, một hệ thống giáo dục đáng chú ý đã hình thành trong lĩnh vực tôn giáo, và những ghi chép chi tiết về sự phát triển của nó đã được truyền lại cho chúng ta.

Một hệ thống giáo dục đương nhiên bao gồm các mối quan hệ xã hội giữa giáo viên và học trò, giữa những người bạn đồng trang lứa, v.v. Bên cạnh những quan hệ xã hội đó, giáo dục còn liên quan đến nội dung, phạm vi, phương pháp và yêu cầu tài chính của phương pháp đó. Ở Ấn Độ, các thuật ngữ được sử dụng cho ‘giáo viên’ hoặc ‘sư phụ’ và ‘học trò’ hoặc ‘đệ tử’ đã đạt được ý nghĩa đặc biệt trong quá trình lịch sử. Những từ như ācārya (Pali, ācariya) và upādhyāya (Pali, upajjhāya) không chỉ được sử dụng trong Bà-la-môn giáo mà còn trong cả Phật giáo, và được du nhập thông qua Phật giáo vào Trung Á và Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản, nơi chúng vẫn được sử dụng ở dạng ban đầu.

Tiếng Nhật Bản chứa một số từ Vệ Đà cổ đại, và ācārya là một trong số đó.  Ý nghĩa của từ này rất đơn giản, nhưng một nghiên cứu về các nền văn hóa sử dụng từ này sẽ cho chúng ta một cuộc khảo sát về lịch sử phát triển của một số thực hành Phật giáo quan trọng như việc thọ giới và trau dồi đức hạnh.

Ācārya và Upādhyāya trong Bà-la-môn giáo. Yāska (khoảng năm 300 trước công nguyên), trong cuốn sách Nirukta (I, 4) của mình, đã giải thích thuật ngữ ācārya là “người làm cho học trò hiểu được cách cư xử đúng đắn (ācāra), hoặc người thu của cải từ học trò, hoặc người làm tăng trí tuệ cho người khác.” Ở đây, Yāska lấy nghĩa đầu tiên từ ācāra, một từ Aryan có nghĩa là ‘cư xử đúng đắn’, hai định nghĩa còn lại dựa vào kết quả của việc giảng dạy. Āpastamba (I, 1, 13), Dharma-sūtras cổ nhất, nói rằng, “Người mà học trò thu được (ācinoti) kiến thức về các bổn phận tôn giáo của mình được gọi là ācārya.”

Bộ luật Manu (II, 140) phân biệt ba vị thầy tâm linh: ācārya, upādhyāyaguru. “Một người được sinh ra hai lần, người khai tâm và chỉ dẫn đệ tử theo con đường Vệ-đà, KalpaYahasya được gọi là ācārya (của người đệ tử đó).”  “Người dạy một phần của Kinh Vệ-đà, hay Vedāṅga, để kiếm sống, được gọi là upādhyāya” (II, 141) . . Và, “người cử hành các bí tích như lễ thai tạng giới (garbhādhāna) theo sách nghi lễ, và dạy dỗ và  chu cấp nhu cầu vật chất cho đệ tử là Guru” (H, 142).  Trong trường hợp này, upādhyāya là một danh từ bắt nguồn từ upa + adhi + i, và có nghĩa là người được tiến lại gần, tức là một vị thầy phụ.  Guru nghĩa đen là ‘nặng’ và ở đây có nghĩa là ‘sư phụ’.  Manu, khi phân biệt 3 vị thầy này, đặc biệt coi trọng ācārya. Tuy nhiên, nhìn chung, ba từ này được sử dụng như từ đồng nghĩa.


Bộ luật Manu quy định chi tiết những yêu cầu mà các vị thầy này phải đáp ứng, cách phụng sự của người đệ tử, cách tuân thủ thuật ngữ Vệ đà hàng năm và cách xử lý vi phạm của Thầy hoặc đệ tử, v.v.

 

Ācariya và Upajjhāya trong Phật giáo sơ kỳ. Tăng đoàn Phật giáo gồm bảy nhóm: (1) Tỳ-kheo, (2) Tỳ-kheo ni, (3) Thức-xoa-ma-na, (4) Sa di, (5) Sa di ni, (6) Ưu-bà-tắc, và (7) Ưu-bà-di.  Tỳ-kheo và  Tỳ-kheo ni là thành viên trưởng thành của Tăng đoàn thuộc cả hai giới (nam và nữ) trên hai mươi tuổi, đã thọ giới cụ túc (upasampadā); Thức-xoa-ma-na 18 tuổi; Sa di và Sa di ni lần lượt là tuổi vị thành niên của cả hai giới, phát nguyện thọ upasampadā, nhưng chưa thọ.  Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di lần lượt là cư sĩ nam và cư sĩ nữ thuần thành.

Những thành phần này của Tăng đoàn được đặt tên vậy từ thực tế là họ đã chấp nhận hành trì các giới luật tương ứng của mình, số lượng giới là 227, 10, 8, 5.  Người truyền những giới luật này cho họ được gọi là upajjhāya.  Như chúng ta đã thấy, ācārya đóng vai trò chính trong Bà-la-môn giáo. Nhưng trong Phật giáo, upajjhāya giữ chức vụ này. Hiện nay, trong giới đàn, quy định cổ yêu cầu cần 10 tu sĩ phải có mặt ở vùng trung tâm, và ở vùng ngoại ô là 5 vị. Trong số 10 tu sĩ, vị đầu tiên là upajjhāya, vị kế tiếp là anusāsaka, người trì tụng kammavāca và sau đó là vị dạy các quy tắc của buổi lễ.  Ba vị này được coi là đặc biệt quan trọng.  Bảy vị còn lại chỉ là những vị có mặt để chứng minh.

        GISHŌ NAKANO.

Trong Phật Giáo Pali. Thuật ngữ ācāriya mang một nghĩa rộng trong Phật giáo Pali, trước tiên là một ‘vị thầy’ và tiếp theo là một vị thầy tâm linh trong áp dụng cụ thể.  Ācāriya là người hướng dẫn nói chung, một người bạn và người cố vấn, một vị thầy hướng dẫn các thành viên trẻ hơn của Tăng Đoàn, dạy họ về giáo lý và sự tu tập của Phật giáo.  Kinh văn cũng đưa ra rất nhiều trường hợp thuật ngữ này được sử dụng để chỉ các vị thầy của các tông phái không chính thống, đạo sử ngoại đạo, các học giả nói chung hoặc áp dụng cho một căn cứ về bất kỳ hình thức truyền thuyết hoặc truyền thống thiêng liêng nào, hoặc cho người thành thạo nghệ thuật thế gian đòi hỏi bất kỳ loại kĩ năng nào, tóm lại, là người dạy về nghệ thuật đặc biệt của mình cho các học trò và được coi là bậc thầy trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, ācariya, với tư cách là một thành viên quan trọng của tổ chức tu viện Phật giáo gắn bó chặt chẽ, có ý nghĩa đặc biệt ở đây.   Kinh văn đề cập rất nhiều đến vị này, đặc biệt là Luật tạng, trong khi chú giải của nó, (cũng như chú giải phụ của Luật tạng) và bản Luật hậu kinh điển, chẳng hạn như Vinaya VinicchayaUttara Vinicchaya, đã làm sáng tỏ rất nhiều về vai trò chính xác của ācariya với tư cách là vị thầy xuất sắc trong đời sống xuất gia.  Vị này rèn cho các đệ tử cư xử chuẩn mực và đạo đức (VinA. 985; cp. Sāratthadīpanī, I,


 124; PvuA. 252 ; J A. IV, 179 ; v.v.), và những đức hạnh siêu việt (VinA. 964 ; MA.II, 189; ApA. 238).  Vị này gìn giữ những tri thức truyền thống để đảm bảo chúng được lưu truyền an toàn và liên tục (Vism. 80).  Vị này giảng dạy giáo lý đưa đến giải thoát (DhpA. I, 90).  Vị này hướng dẫn đệ tử đi theo con đường giải thoát và được xem như một ‘người bạn cao quý’ (Miln. 373) hướng dẫn cho người đệ tử suốt cuộc đời mình (Vin. I, 302). Người được hướng dẫn được gọi là antevāsī (q.v.), thuật ngữ này có nguồn gốc thế tục đối với những người học việc thường trú dưới sự chỉ dạy của một nghệ nhân bậc thầy. Thuật ngữ ācariya được định nghĩa (tại VinA. 48) là người thiết lập một trong những nguyên tắc mà đệ tử cần rèn luyện, trong sāsana này, trong khi thuật ngữ tương đương upajjhāya được định nghĩa là: người đốc thúc và giúp cho học trò mình nhớ lại (đúng) khi thấy học trò mình tiếp tục có hành vi sai trái (ibid. 47).  Ācariya là giáo thọ sư đặc biệt được chọn bởi một sa di ngoài upajjhāya, ‘giới thọ sự’, người thường được ưu tiên hơn ācariya.  Đại Phẩm (Vin. I, 60) nói rằng đôi khi khi các upajjhāya đã đi nơi khác, hoàn tục, hoặc chết hoặc đã đi theo ngoại đạo, thì chính các tu sĩ bị mất đi lợi ích của việc có một vị thầy và không nhận lời răn dạy chân tình đã đi khắp nơi với y phục luộm thuộm, tướng mạo không trang nghiêm và cử xử thiếu chuẩn mực, tất cả đều làm cho cư sĩ bất bình.  Trong những trường hợp này, Đức Phật đã chỉ định ācariya.  Mối quan hệ giữa thầy và trò cũng chính là mối quan hệ cha-con.  Cả hai đều tiến bộ, tăng trưởng và thịnh vượng trong Giáo Pháp, sống tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, cùng chung một lý tưởng (loc. cit).

Ví dụ trên, đề cập các trường hợp mà ācariya được chỉ định, cho thấy rằng ācariya có thể thay thế hiệu quả cho upajjhāya và không còn chỗ để tin rằng upajjhāya là ‘vị thầy’ quan trọng nhất trong tổ chức tu viện. Hơn nữa, sự trình bày trong Luật (loc. cit.) về thủ tục để có được một ācariya, mối quan hệ giữa ācariya  antevāsika, bao gồm nissaya (q.v.), ‘sự hướng dẫn’ được quy định trong 10 năm, bổn phận và nghĩa vụ giữa thầy và trò, v.v., tất cả đều được mô phỏng theo phần liên quan đến upajjhāya (Vin. I, 44 ff.).  Các bổn phận đặc biệt của ācariyaupajjhāya ít nhiều được coi là hiển nhiên trong Luật, nhưng các chú giải lại mô tả ācariya là giảng dạy và diễn giải Kinh thiêng, trong khi upajjhāya hoạt động như cơ quan kỷ luật chính.  Ācariya dường như có vị trí kém hơn upajjhāya, là kết quả thiết yếu của việc nhấn mạnh vào giới luật của tu sĩ Phật giáo.

Sự nhấn mạnh này tiếp tục duy trì như vậy trong suốt lịch sử của Phật giáo Nguyên thủy, nhưng những trường hợp ngoại lệ khác, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tăng đoàn, buộc các tu sĩ phải thực hiện các bước thích hợp để đảm bảo việc lưu truyền giáo lý. Trong những thế kỷ đầu, đó là một vấn đề ít nhiều được coi là hiển nhiên. Sự cạnh tranh từ các giáo phái khác, những biến động chính trị, nạn đói và các thiên tai khác, và sự thiếu thiện cảm đối với Phật giáo


của một số vị vua đã khiến cho việc lưu truyền giáo lý qua truyền miệng trở nên khó khăn. Trong những trường hợp này, vị thầy diễn giải và truyền bá giáo lý có vai trò ngang hàng với những upajjhāya chuyên về giới luật của đời sống tu viện. Như một quy luật, Ācariya là một Pháp sư hay một Thắng Pháp sư, trong khi upajjhāya là một Luật sư (DhpA. I, 298, v.v.).  Việc lặp lại khuôn mẫu chung của các quy tắc liên quan đến ācariya trong các từ ít nhiều giống với những từ dành cho một upajjhāya không hề đặt ācariya ở vị trí thấp hơn upajjhāya.  Luật, khi mô tả những bổn phận chung chung hơn của họ đối với người đệ tử, cũng bằng những từ ngữ giống hệt như vậy, chấp nhận với hàm ý rằng họ bình đẳng về địa vị mặc dù thực tế là, ngay từ đầu, ācariya đã được dùng để đại diện cho một upajjhāya (Vin. I, 60 ff.).  Mặc dù các bổn phận đặc biệt của họ được coi là đương nhiên trong Kinh văn, nhưng vào thời điểm chú giải, vì những lý do đã nói ở trên, có sự chấp nhận công khai ācariya có địa vị ngang hàng với upajjhāya.  Việc truyền giáo lý hiện ra lù lù trước mắt cộng đồng tu sĩ đến nỗi các chú giải đã dành một vị trí đặc biệt cho ācariyaparamparā (xem chương mở đầu của VinA., DhsA., v.v.). Phạm vi và nội dung vai trò của vị thầy cho đến thời điểm này, đã trở nên gần như vô hạn như ta có thể thấy ở việc thường xuyên được đề cập trong các chú giải và Thanh Tịnh Đạo (xem CPD. s.v để biết thêm). Trên thực tế, Thanh Tịnh Đạo trình bày bức tranh về toàn bộ đời sống xuất gia, tập trung vào ācariya, người đảm nhận vai trò thậm chí còn lơn hơn upajjhāya trong bối cảnh cụ thể là sự thăng tiến trong sāsana của yogāvacara (Vism. 81, v.v.).[1]

Mối quan hệ tồn tại giữa ācariyaanievāsika được gọi là nissaya (nương tựa); nó là một liên kết thiết yếu giữa chúng và gồm sự chỉ bảo mà người đệ tử nhận được (Vin. I, 60 ff). Nissaya nên được trao bởi một tu sĩ có thẩm quyền, sở hữu nhiều bộ Ngũ Phần (Vin. I, 62 ff.) và không được trao bởi một tu sĩ có những thiếu sót bao gồm cả việc thiếu các bộ Ngũ Phần. Ngoài ra còn có sáu trường hợp vô hiệu sự chỉ bảo được đề cập trong cùng bối cảnh (xem cp. VinA. 986 ff.). Cũng có những trường hợp mà nissaya có thể bị từ chối (Vin. III, 25 ff.). 

Các ācariya được mô tả theo các thuật ngữ khác nhau. Để biết sự khác biệt giữa các loại ācariya, xem VinA. 1085 (4 loại), ibid., trang 1379 (5 loại); AA. II, 194 (8 loại), ibid., trang 205 (4 loại); Vism. 76(4 loại), cp. VinA. 985.

N. A. JAYAWICKRAMA.

 

Trong Phật giáo Đại thừa. Khi Phật giáo Đại thừa phát triển, một số giới và luật của riêng nó đã xuất hiện và trải qua một vài thay đổi nhất định. Cần phải nói rằng cả giáo lý Đại thừa và Mật tông ra đời sau này đều không để lại Luật tạng nào như Luật tạng của Phật giáo nguyên thủy, và không rõ
liệu Đại thừa hay Mật tông đã từng sở hữu một tăng đoàn độc lập ở Ấn Độ hay chưa. Tuy nhiên, trong Đại thừa, giới luật được áp dụng và hành trì, đặc biệt như một phương tiện nâng cao tâm linh.

Các giới luật của Đại thừa được lưu truyền trong một số truyền thống, mặc dù trong thời gian sau đó, có nhiều giới luật phức tạp và tổng hợp. Một căn cứ nổi bật mà chúng tôi có thể trích dẫn là Yogācārabhūmi-sāstra của ngài Di Lặc. Chương 40 của cuốn sách này giải thích ba loại giới luật (trividhāni śīlānī: (1) saṃvara-śīla, hay các giới chính thức số 5, 8, 10 và các giới còn lại; (2) kuśala-dharmasaṅgrāhaka-śīla, hay giới hướng thiện ; và (3) sattvārtha-kriyā-śīla, hay giới vì lợi ích hoặc cứu độ chúng sinh.  Trong ba loại này, loại đầu tiên bao gồm những giới luật mà bảy nhóm Tăng đoàn bắt buộc phải hành trì, và dường như được lấy từ các giới của Nguyên Thủy, nhưng thái độ áp dụng những giới này được cho là theo Đại Thừa.  Loại 2 và 3 rõ ràng là phù hợp với các vị Bồ tát Đại Thừa.

Bài viết này không đề cập chi tiết đến các giới và luật.  Mà chỉ đề cập đến vị Thầy và đệ tử, nhất là vị Thầy. Lễ truyền giới của Đại Thừa theo truyền thống dựa vào Kuan-p’u-hsien-p’u-sa-hsing-fa-ching và một số tác phẩm khác. Trong đó, ‘tam sư’ được đề cập như sau: Phật Thích-ca-mâu-ni được coi là giới thọ sư (upajjhāya); Bồ tát Maũjuárĩ là thủ tục sư (karma-ācārya); trong khi Bồ tát Di Lặc là giáo thọ sư.  Bên cạnh đó, tất cả các Đức Như Lai được coi là hội đồng chứng minh, và tất cả các vị Bồ tát là bạn đồng hành của người được truyền giới.  Cần lưu ý rằng ở đây tên thật của các bậc thầy được giới thiệu. Tuy nhiên, vai trò của upajjhāya được giao cho một vị thầy có thật, không phải hư cấu.

 

Trong Phật giáo mật tông. Khi Phật giáo dần dần phát triển thành chủ nghĩa Mật Tông, giống như Đại Thừa, nó có một loại giới luật đặc biệt được hình thành từ việc tổng hợp của các giới luật trước đó.  Giới luật mới này được gọi là samayaśīla, ngụ ý rằng tâm, Đức Phật và phàm phu là một và bình đẳng.  Không rõ cách thức tổ chức lễ truyền giới của nó ở Ấn Độ, nhưng có lẽ cũng không khác nhiều so với cách thức của Śubhākarasiṃha được lan truyền ở Trường An, Trung Quốc. Nghĩa là, tam sư được thỉnh mời như sau: (1) bốn vị Phật, cụ thể là Phật A-súc-bệ, Phật Bảo Sinh, Phật A-di-đà, và Phật Divyadundubhimeghaniṛghoṣa, với tư cách là upādhyāya: (2) bốn vị bồ tát, cụ thể là Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Trừ Cái Chướng, với tư cách là karma-ācārya: và (3) Bồ Tát Samantabhadra-vajra (Phổ Hiền-Kim Cang) và Bồ Tát Quán Thế Âm với tư cách là ācārya.  Ngoài ra, tất cả các Đức Như Lai ở khắp mười phương đều được thỉnh mời làm hội đồng chứng minh.  Tất nhiên, một ācārya đang sống bằng xương bằng thịt bắt buộc phải có mặt.


Trong Phật giáo Mật tông, từ ācārya còn có một cách sử dụng khác, nó được áp dụng cho tất cả những người đã được abḥiseka (quán đảnh) truyền Pháp sau khi được hướng dẫn kiến thức về mạn-đà-la, thủ ấn và chân ngôn của các Đấng Tôn kính. Liên quan đến phẩm chất của ācārya, Kinh Đại Nhật trong chương Chü-juan (số 2) liệt kê 13 đức hạnh.  Một số đức hạnh trong danh sách này trùng với các đức hạnh mà người Phật tử nói chung cần có: khát khao giác ngộ kiên định, sở hữu trí tuệ và tình thương, giữ vững niềm tin, thực hành yoga không ngơi nghỉ, v.v. Các đức hạnh còn lại là những yêu cầu đặc trưng của các Mật tông sư: hiểu ý nghĩa thực sự của các chân ngôn, được abḥiseka truyền Pháp và hiểu sâu về các bức tranh mạn-đà-la, đạt được niềm tin vững chắc trong việc hành trì chân ngôn và phần còn lại. Có thể nói thêm rằng đôi khi thuật ngữ ācārya được áp dụng rộng rãi cho chư Phật và bồ tát, và có những trường hợp bồ tát Kim Cương Tát Đỏa và thậm chí Phật Đại Nhật còn được gọi bằng tên này.

Ở Trung Quốc. Mặc dù Luật Tạng của Vibhajjavādins ở Tích Lan không được du nhập vào Trung Quốc, nhưng tất cả Luật Tạng của cái mà chúng ta gọi là năm tông phái Tiểu Thừa đã du nhập vào Trung Quốc và được dịch sang tiếng Hán. Trong số này, Dharmaguptaka là bản được nghiên cứu phổ biến nhất, và nhờ nỗ lực của Luật sư Tao-hsuan, Luật tông đã phát sinh ở Trung Quốc.  Tông này ảnh hưởng đến Trung Quốc và Nhật Bản trong một thời gian dài; Một nghiên cứu về phiên bản Dharmaguptaka cung cấp nhiều hiểu biết về Luật tạng Pali vì sự tương đồng gần gũi giữa chúng.

Các bộ luận về Dharmaguptaka của Tao-hsüan và các đệ tử của ông có chứa một số đoạn liệt kê các ācārya. Một đoạn đề cập đến 5 loại ācārya: người trông nom sa di, người truyền giới, Lễ sư, Kinh sư và ‘nương tựa sư’.  Một đoạn khác đưa ra 6 loại: (1) ācārya cạo đầu cho giới tử, (2) ācārya thọ giới, truyền 10 giới cho giới tử vào thời điểm thọ giới, (3) ācārya giáo lý, trì tụng hoặc giải thích kinh điển, để người đệ tử tiếp nhận và học bài kệ 4 câu (4) ācārya hướng dẫn, dạy kỷ luật vào thời điểm giới tử thọ giới cụ túc (upasampadā), (5) ācārya thực hiện nghi lễ, tức là tổ chức lễ thọ giới upasampadā, và (6) ‘ācārya nương tựa’, vị thầy mà người đệ tử có thể nương tựa và có thể ngủ qua đêm dưới mái nhà của vị đó.  Có vẻ như danh sách ācārya này đã bỏ qua ho-shang (upādhyāya). Từ ho-shang trong tiếng Hán dường như bắt nguồn từ sự chuyển tự sang tiếng Hán thông qua từ pwajjhaw, một biến thể của upādhyāya trong tiếng Kuccha, hoặc thông qua từ xosa, một biến thể khác được tìm thấy trong tiếng Uigur.

Giới và Luật của Đại Thừa. Trividhāni śīlānī (ba loại giới) của Yogācāryabhūmi-śāstra đã được du nhập, chuyển ngữ và hành trì ở Trung Quốc, và song song với nó, có những bộ Kinh về giới luật Đại Thừa khác được sử dụng, chẳng hạn
như P’u-sa-yin-lo-pên-yeh-ching, Chan-ch’a-shan-ko-yeh-pao-ching, và Fan-wang-ching. Trên hết, 10 đại giới và 48 tiểu giới của Fan-wang-ching đã ảnh hưởng lớn đến thời gian sau này.

Nghi thức truyền giới của Đại Thừa, đặc biệt là ở Trung Quốc, được cho là được thực hiện theo Shou-p’u-sa-chieh-i của Chan-jan.  Bởi vì, trong Đại Thừa, vai trò hướng dẫn của upādhyāya, karma-ācārya, và ācārya đều do chư Phật và Bồ tát vô hình nắm giữ, nên một số vị thầy thực sự được yêu cầu tham dự và chủ trì.  Đương nhiên, vị thầy như vậy cần phải có 5 đức hạnh sau: bản thân là người giữ giới; xuất gia trên 10 năm; có thể hiểu được luật; công phu thiền định vững vàng; và có trí tuệ thâm sâu.

Giới Samaya của Mật tông. Đúng là ý tưởng và nghi lễ của giới samaya Mật tông hình thành ở Ấn Độ, nhưng chúng được giải thích rõ ràng nhất ở Trung Quốc, chủ yếu bởi Subbhākarasiṃhā trong chú giải Kinh Đại Nhật và ‘Nguyên tắc Thiền định’ (Ch’an-yao) của ông. ‘Tam sư’ được thỉnh mời như đã đề cập ở trên.  Có 3 loại giới, tứ nhiếp pháp, tứ trọng tội, thập trọng giới. Những giới này về danh nghĩa giống với giới của Tiểu Thừa và Đại Thừa, nhưng có sự khác biệt lớn về bản chất và thái độ. Vị thầy thực sự phải là ācārya đã được truyền Pháp. Và, trong lễ thọ giới Mật tông, các thủ ấn được kết ấn và các chân ngôn được trì tụng – là những thực hành không có trong lễ thọ giới của Tiểu Thừa hay Đại Thừa.

Sự du nhập Lü-tsung (Luật tông) vào Nhật Bản. Vào năm 754 sau công nguyên, một lễ truyền giới chính thức lần đầu tiên được tiến hành ở Nhật Bản.  Nó diễn ra tại chùa Todai, Nara. Tu sĩ Trung Quốc Chien-chên tham dự với tư cách chủ trì, các đệ tử của ông là hội đồng chứng minh, và giới cụ túc (upasampadā) cũng như Bồ tát giới là những giới được lấy từ Luật Tạng Dharmagupta; ‘tam sư’ và ‘7 vị chứng minh’ không ngừng hỏi các giới tử về ‘13 triền cái’ và ‘10 chướng ngại’.  Phương pháp nghiêm ngặt này được tuân thủ trong suốt thời kỳ Heian.

Bồ-tát giới Fan-wang theo Kinh Phạm Võng cũng được Chien-chên truyền thọ lần đầu cho các tu sĩ và cư sĩ Nhật Bản.  Mục đích ban đầu là để tích lũy công đức hoặc chuyển mê thành ngộ. Nói một cách chính xác, giới luật này không dành cho các tu sĩ xuất gia. Chính Saichõ là người trao độc lập cho ‘Bồ-tát giới đầy đủ và tức thời’ làm giới luật dành cho các tu sĩ Đại thừa, và dứt khoát từ bỏ giới Tiểu thừa.  Đây là một bước chưa từng có trong lịch sử giới luật. Ông đã tuân theo Chan-jan về vấn đề nghi lễ và ý tưởng trong ‘Chú giải Bồ-tát giới của Chi-I’.  Tông Jodo cũng được cho là tuân theo phương pháp này trong truyền giới.  Hơn nữa, về cơ bản cần phải có sự hiện diện của một người truyền giới thực sự, nhưng khi không thể tìm được người như vậy ở bất cứ đâu trong vùng, thì được phép tự mình truyền giới trước tượng Phật.


Giới của Thiền tông. Kỷ luật thọ giới trong Thiền tông được giải thích trong chương Thọ giới của Shōbōgenzō của Dōgan.  Tại lễ đàn, giới tử yêu cầu hứa hành trì Tam quy, ba loại giới và 10 trọng giới.  Để kiến tánh thành Phật – là yếu chỉ của Thiền, tất nhiên cần có sự hướng dẫn của một vị thầy, và vì vậy, mối quan hệ giữa sư phụ và đệ tử là vô cùng mật thiết.

Nghi thức Giới trong tông Nichiren. Phương pháp được áp dụng trong tông Nichiren hoàn toàn khác với những phương pháp đã đề cập ở trên. Trong trường hợp này, upādhyāya là Phật Thích-ca-mâu-ni Hiện Diện Vĩnh Cửu trong Đại mạn-đà-la do Nichiren tạo ra; karma-ācārya là Đức Đa Bảo Như Lai ; ācārya hướng dẫn là Bồ tát Visitacaritra và Nichiren ; hội đồng chứng minh đều là hóa thân của Phật Thích-ca-mâu-ni trong mười phương; bạn đồng hành là các vị bồ tát ở đây và các nơi khác, và các vị thánh và phàm phu ở cõi âm. Trước tiên, giới tử cung kính cầu nguyện Đại mạn-đà-la.  Sau đó, vị truyền giới đọc các chú giải về chương Đời sống vĩnh cửu hoặc về các chương khác của Kinh Pháp Hoa, và yêu cầu giới tử hành trì giới không bao giờ sát sinh, do đó đảm bảo cho giới tử trạng thái tâm linh trở thành một vị Phật bằng chính cơ thể này.

Ācārya trong Tai-mitsu và Tō-mitsu. Tai-mitsu là giáo lý mật tông của tông Tendai có ngôi chùa chính ở Núi Hiei, và Tō-mitsu là giáo lý mật tông của tông Shingon được phát triển xung quanh chùa Tõ ở Kyōto.  Hai giáo lý này bắt nguồn tương ứng từ Saichô và Kukai. Trong Tai-mitsu, giới samaya dựa trên ‘Nguyên tắc thiền định’ (Ch’an-yao) của Subhākara-siṃha. Trong Tō-mitsu, nghi thức giới của Kukai, một sửa đổi nhỏ ở trên, được tuân theo. Không có nhiều sự khác biệt giữa hai cái này.

Trước đây, có nhiều cách khác nhau để đạt được trạng thái ācārya bằng cách thực hành Mật tông, nhưng chúng đã được tổng hợp trong Tai-mitsu và Tō-mitsu.  Bằng cách thực hành ‘bốn phép tu tập’ và sau đó được abḥiseka, hành giả sẽ trở thành ācārya. Sau đó, bằng cách thiết lập nền tảng của mình và truyền giới cho những người khác, hành giả đó được gọi là đại ācārya. ‘4 công phu’ là: (1) lễ bái 18 thời liên tục, (2) lễ bái mạn-đà-la Garbhadhātu, (3) lễ bái mạn-đà-la Vajradhatu, và (4) Homa, hay tế lửa.  4 công phu này đã trở thành một quy tắc được thiết lập từ giữa thời kỳ Heian (994-1192). Khi hoàn thành chúng và có kinh nghiệm thực hành dồi dào, hành giả được coi là có thể hướng dẫn người khác một cách tự do như mong muốn.


Cần lưu ý rằng, như đã đề cập ở trên, người truyền giới, người có mặt trực tiếp, giữ một vị trí quan trọng.  Hơn nữa, trong Mật tông, ācārya được truyền Pháp được coi trọng.  Bất cứ khi nào sự khác biệt giữa các kinh điển và sách hướng dẫn được phát hiện, như chúng thường xảy ra, và không biết phải tuân theo căn cứ nào, thì quan điểm của ācārya thường được coi là mang tính quyết định.  Thật bất ngờ, Lạt ma giáo có lama (lạt-ma) bên cạnh Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng, và khẳng định chắc chắn rằng khi thiếu vắng lama này, Tam bảo sẽ không thể phát huy thần lực của mình.  Lama là một từ tiếng Tây Tạng cùng nghĩa với guru trong tiếng Phạn.

Nhận xét bổ sung. Upādhyāyaācārya đôi khi được sử dụng như những tên gọi trang trọng của tu sĩ đã thọ giới, ngoài bất kỳ chức năng nào trong việc truyền giới. Theo nghĩa này, upādhyāya dường như là từ được sử dụng trong hầu hết các tông phái Phật giáo, và ācārya là từ được sử dụng trong Mật tông. Ở Nhật Bản, từ tương ứng với upādhyāya có nhiều cách phát âm khác nhau. Ở Nara, nó được phát âm là wajō; ở núi Hiei là kwashō; và trong Thiền tông là oshō. Tất cả những cách phát âm này đều là biến thể của upādhyāya qua Uigur.

        Đôi khi, ācārya là danh hiệu của một số quan chức triều đình, mặc dù ở Ấn Độ dường như không có bất kỳ thông lệ nào như vậy. Một ví dụ ở Nhật Bản là vào năm 836 sau công nguyên, ācārya được triều đình bổ nhiệm và cử lên ‘7 ngọn núi cao’ để dâng lễ cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt.  Loại ācārya này được cắt cử ở nhiều quận khác nhau của đất nước và những quận không có đã được bổ sung một cách hợp lý.

Kết quả là, tầm quan trọng được trao cho abḥiseka truyền Pháp, một loại ācārya khác do triều đình bổ nhiệm ra đời.  Lấy một vài ví dụ, Shinshō được bổ nhiệm làm ācārya truyền Pháp vào năm 843 sau công nguyên; Shōun được làm ācārya của Tam Đại Luật (San-bu dai-hō dai ajari) vào năm 876 sau công nguyên; và Jōsai, ācārya của Nhị Đại Luật (Ryō-bu dai-hō dai ajari) trong cùng năm.  Ngoài ra còn có ācārya Isshin. Đây là tên gọi gắn liền với các tu sĩ, xuất thân từ tầng lớp quý tộc, được bổ nhiệm là ācārya abḥiseka truyền Pháp trong suốt cuộc đời của họ.

Upādhyāya cũng được dùng làm tên cho một số quan chức triều đình. Danh hiệu Đại upādhyāya được phong cho Chien-chên, đã đề cập ở phần trước. Ba cấp bậc upādhyāya được thiết lập vào năm 846 sau công nguyên.

Ở các quốc gia phía đông Ấn Độ, dường như có một số lượng lớn nhân vật được gọi bằng cái tên đáng kính là ācārya, nhưng rất ít người mang nó như một danh hiệu cố định, chẳng hạn như trường hợp của ācārya Śaṅkara. Điều tương tự cũng có thể được nói về các đại sư của Mật tông trong quá khứ. Wu-wei (Subhãkarasimha) và Pu-k’ung là San-tsang[2]; I-hsing là Zen-ji[3]. Một ví dụ nổi bật là ācārya Hui-kuo


 (Amoghavajra).  Tuy nhiên, khi chúng ta nghĩ về thực tế là đời sống của Tăng đoàn xoay quanh việc truyền giới, lễ truyền Pháp và mối quan hệ sư phụ-đệ tử, thì hoàn toàn có thể nói rằng thực tế không có ai không phải là ācārya.

GISHŌ NAKANO.



[1] Trong chương 13 của Ta-chih-tu-lun (Mahāprajiñāpāramitā śāstra, Nanjio, Số 1169), một tác phẩm của thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, có nói, “Nếu một cư sĩ thuần thành mong muốn được xuất gia, cần có hai vị thầy tham dự. Vị đầu tiên là upādhyāya và vị thứ hai là ācārya.  Upādhyāya giống như cha và ācārya giống như người mẹ.”

[2] San-tsang là bản dịch sát nghĩa của Tam Tạng; nhưng trong trường hợp này, nó được sử dụng như một kính ngữ dành cho một nhà sư thông thạo Tam Tạng.

[3] Zen-ji trong tiếng Nhật, hoặc Chan-shih trong tiếng Hán, nghĩa đen là thiền sư, được sử dụng với nghĩa là ‘tu sĩ cấp cao’.