ABTAI-KHAN
ABTAI-KHAN (1534-1586), một trong những hoàng tử chính của miền bắc Mông Cổ và là hậu duệ đời thứ 18 của Thành Cát Tư Hãn.
Đạo vàng lan rộng ở Tây Tạng có ảnh hưởng đáng kể đến Mông Cổ vào thế kỷ 16. Altan-khan, thuộc bộ lạc Turned ở nam Mông Cổ, đã chấp nhận và truyền bá Đạo vàng. Năm 1577, ông thỉnh mời Đức Đạt-lai-lạt-ma, vị đứng đầu Tín ngưỡng vàng của Tây Tạng, đến Kökö-khoto. Khi hay tin này, Abtai-khan đã đến Kökö-khoto và được Đức Đạt-lai-lạt-ma tên là bSod-nams rgya-mtsho tiếp đón. Ông chấp nhận Đạo vàng và bày tỏ nguyện vọng truyền bá Phật giáo ở bắc Mông Cổ. Ông đã cũng dường Đức Đạt-lai-lạt-ma một chiếc lều nỉ phủ lông chồn, một nghìn con ngựa, nhiều vật dụng khác nhau và 10.000 tấm da, bao gồm cả lông chồn.
Đức Đạt-lai-lạt-ma rất tán thành kế hoạch truyền bá Phật giáo của Abtai-khan và đặt cho ông Pháp danh là Vacirai-sayin-khan, cũng như tặng ông các Thánh tượng, đồng thời hoan nghênh kế hoạch xây dựng các tu viện của ông. Năm 1585 Abtai-khan xây dựng tu viện Erdeni-jũ ở vị trí kinh đô Khorin balgasun (Karakorum) của Mông Cổ cổ đại, bên bờ sông Orkhon, thỉnh mời các tu sĩ Phật giáo, và do đó khiến cho Đạo vàng được lan rộng. Erdeni-jũ là tu viện Phật giáo đầu tiên ở Mông Cổ. Sau đó, Abtai-khanh đến thăm Lhasa và được Đức Đạt-lai-lạt-ma tiếp đón.
Khi trở về Mông Cổ, ông đã thành lập các trường triết học và ủng hộ Phật giáo một cách nhiệt thành. Abtai-khan đã biến Phật giáo thành quốc giáo và đàn áp đạo shaman. Móng đá của chiếc lều nỉ của ông vẫn được bảo tồn ở Erdeni-jũ. Người Mông Cổ vẫn lưu truyền nhiều truyền thuyết về ông. Câu chuyện dưới đây là một trong số đó.
Khi Abtai-khan đến thăm Lhasa, ông đã thỉnh cầu Đức Đạt-lai-lạt-ma ban cho mình tượng của một vị thần bảo hộ. Đáp lại, Đức Đạt-lai-lạt-ma nói: “Trong số các bức tượng ở đây, Ngài hãy lấy bức mà Ngài thích nhất”. Abtai-khanh đã xem qua nhiều bức tượng trong tư thế tọa thiền giữ chiếc cốc đựng cam lộ, hoa và cốc uống nước, nhưng không bức nào thu hút sự chú ý. Sau đó, ông nhận thấy trong một góc của ngôi Chùa có tượng Đại Hắc Thiên há miệng, nhe răng, có sáu tay, cầm rìu chiến, kiếm và các vũ khí khác, và khoác một tấm da hổ. Ông vô cùng ấn tượng trước vẻ ngoài hung dữ của vị thần này và mang tượng về Mông Cổ, Trên đường đi, ông xuống ngựa ở một con đèo tên là Ubashiyin dabagã. Ông đặt bức tượng xuống đất, nhưng tượng bị dính vào một hòn đá và không thể gỡ ra được. Abtai-khan trở nên tức giận và la lên, “Hãy để phần dưới ở lại, chúng ta sẽ đem phần trên đi”. Ông cắt bức tượng thành hai phần ở thắt lưng và mang phần trên về Mông Cổ. Phần dưới được để lại ở Erdeni-jũ. Sau đó, Ubashi-yin dabagã được đổi tên thành “Burkhan bügsetü-yin dabagā (Con đèo chứa Phần dưới của Bức Tượng)”.
G. N. ROERICK.