ABODES
ABODES (Cõi) (1) (sattāvāsā, hữu tình cư) của những chúng sanh hữu tình thường được liệt kê gồm có chín, và được miêu tả như những trạm dừng của ý thức ( A. IV, 401), tức là, những điểm của thức tái sanh (D. III, 263). Cõi đầu tiên mà ở trong đó chúng sanh có sự khác biệt về thân thể và khả năng nhận thức bao gồm có loài người, một số thiên nhân (devā) và một số đã bị định đoạt là sẽ chịu đau đớn ở cõi khổ (vinipātikā)
Cõi thứ hai dành riêng cho những thiên nhân thuộc cõi Brahma (Phạm Thiên), được tái sanh ở đó vì đã tập luyện thiền định (jhāna) mức độ đầu tiên (sơ thiền) và, mặc dù những chúng sanh này khác nhau về thân thể, những về nhận thức thì mức độ giống nhau.
Cõi thứ ba là dành cho những chúng sanh được gọi là Quang Minh Thiên (Ābhassarā devā), và họ khác nhau về khả năng nhận thức, nhưng giống nhau về hình thức thân thể. Những chúng sanh giống nhau về thể chất lẫn tinh thần sống trong cõi thứ tư và được gọi là Biến Tịnh Thiên (Subhakiṇṇā).
Rồi còn những chúng sanh không có cảm xúc (thọ) hoặc nhận thức (tưởng). Những chúng sanh vô tưởng này (asaññāsattā) ngự tại cõi thứ năm. Cõi thứ sáu được ngự bởi những chúng sanh hành thiền định Không vô biên, vượt qua tất cả nhận thức về sắc, bằng cách đoạn tận nhận thức về phản ứng giác quan và bằng cách chuyển sự tập trung khỏi sự phân biệt đa dạng có trong nhận thức. Vượt qua nhận thức về Không vô biên, những người trú ở cõi thứ bảy có vẻ như nhận ra được sự vô biên của thức. Nhưng cõi thứ bảy vẫn có thể vượt lên đến cõi thứ tám, nới suy nghĩ phát sinh: ‘không có gì ( n’ atthi kiñci)’ Suy nghĩ này, cũng vậy, có thể được vượt lên và dòng tâm thức trở nên rất vi tế đến nỗi nhận thức trở thành một thứ không nhận thức được (nevasaññā-nasaññā-yatana), và nó tạo thành cõi thứ chín và cõi cuối cùng của tư duy ý thức.
H. G. A. v. Z.
ABODES (Nơi Cư Trú) (2) của tu sĩ rơi vào một số phân loại và được sẽ được bàn về chi tiết hơn ở những hạng mục riêng.
Từ chung chung āvāsa hoặc nơi cư trú đã xuất hiện để nhấn mạnh hơn sự cư ngụ, trong khi từ vihāra (tịnh xá) chỉ ra một loại chỗ ở cho tu sĩ bên Phật Giáo. Do đó chúng ta có tịnh xá trong rừng (arañña-vihāra), một tịnh xá hẻo lánh hoặc ẩn dật (dūra–vihāra: Sn. 220), hoặc chỉ là những phòng riêng trong một tu viện, mỗi phòng cho mỗi tu sĩ (yathāvihāra: A. III, 299).
Trong khi đó, lúc đầu, những túp lều cho tu sĩ được xây dựng ở ngoài phạm vi của thị trấn ở những nơi yên tĩnh như là công viên của những công dân giàu có, những nơi như vậy lấy tên từ những người sở hữu những công viên đó ví dụ như Jetavana-ārāma. Những người cư trú trong hang động (kandara) luôn luôn được ưa thích hơn bởi những ai đi tìm sự tịch tĩnh để hành thiền, sự cô lập thể xác (kāya-viveka) rất thuận lợi để đạt được tâm viễn ly, tâm định vào một điểm (citta-viveka) dẫn đến sự tách biệt khỏi tất cả hình thức chấp trước (vikkahambhana-viveka), đồng nghĩa với Nibbāna (Vísm. 113). Nhưng kể cả những nơi cư trú đó vẫn bị coi là xa xỉ bởi những ai tu tập theo những trường phái khổ hạnh, cho dù giữa chúng có sự khác biệt to lớn về mục đích. Theo bộ Visuddhi-magga , chúng chỉ là những phương tiện để loại bỏ ô nhiễm. Trong số 13 loại dhutaṅga (Đầu Đà, tu nghiêm khắc, xem mục cùng tên), sống trong rừng (āraññikaṅga), sống dưới thân cây (rukka-mūlikaṅga), sống ngoài trời (abbhokāsikaṅga), sống trong nghĩa địa (susānikaṅga), là những pháp tu dhutaṅga liên quan đến nơi cư trú, là trong bốn vật dụng thiết yếu (paccaya) hoặc là những thứ cần thiết cho sự sinh hoạt hằng ngày của một Tỳ-kheo, tức là y phục, thực phẩm, nơi ở, và thuốc men.
Cũng như việc chấp nhận lời mời để nhận một bữa ăn đầy đủ là một điều được cho phép, cho dù là pháp tu lý tưởng là đi đến từng nhà để khất thực, thì việc sống trong những tòa nhà, túp lều làm từ cây cọ và sống trong hang cũng được cho phép, cho dù nơi cư trú lý tưởng là nơi mà một vị tu sĩ cảm thấy hài lòng với dưới chân một gốc cây.
H. G. A. v. Z.
ABODES (Trú) (3) trong hành thiền. Từ “abode” trong tiếng Anh có nghĩa là nơi cư ngụ hoặc nơi cư trú, một mình nó đủ để bao hàm nhiều thể loại “abiding” nghĩa là hành động cư ngụ hoặc cư trú ở nhiều góc độ, vật chất, ẩn dụ và tinh thần, mà ở nhiều trường hợp khác nhau được thể hiện qua từ vihāra trong tiếng Pali. Từ vihāra không chỉ bao hàm không chỉ nơi cư trú vật chất để ở cho một người tu sĩ (vihāra, āvaāsa), và nó cũng không chỉ đơn thuần miêu tả trạng thái của sự sống, đồng nghĩa với hành vi (iriyā), sự sống được duy trì (vittana), sống (pālana), sự nuôi dưỡng hoặc phương tiện sinh sống (yāpana), hạnh kiểm (carana: Vbh. 94), mà còn bao hàm khía cạnh tinh thần hoặc tâm linh, những trạng thái cư trú hoặc an trú trong quá trình hành thiền. Đặc biệt là khi định đã vượt qua những nỗ lực đầu tiên của tư duy (vitakka, tầm) và khi sự kiểm sát đối tượng (vicāra, tứ) đem tâm thức trú vào đề mục của nó (kammaṭṭhāna, nơi hành thiền), thì những điểm dừng trong thiền định thực sự trở thành những nơi an trú cho tâm được nghỉ ngơi, một trạng thái an định cảm xúc tối cao, mà quá phi thường đối với trạng thái tâm con người đến nỗi sự an trú này được gọi là thần tiên (dibba-vihāra: Miln. 225; Vism. vii, phần 63, trang 175). Tuy nhiên, có những “tịnh cư thiên” hoặc “phạm trú” được gọi tên này không chỉ vì cách chúng được miêu tả, mà vì trên phương diện định nghĩa và tập thể nó được gọi là phạm trú (nơi cư trú của phạm thiên) hoặc là brahma-vihāra. Bốn cách cư trú của phạm thiên gồm có từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā), và xả (upekkhā) mà khi được phát triển đến mức độ bao trùm tất cả, dẫn đến những cấp bậc định khác nhau ( jhāna, xem mục cùng tên) (Vism. III, phần 105, 107, trang 89f). Ngoài những phạm trú
(brahma-vihāra) và những “tịnh cư thiên” (dibba-vihāra: cùng tài liệu, vii, phần 63, trang 175) liên quan đến những trạng thái thiền định (jhāna) đạt được bằng sự tập trung quán chiếu về một hoặc nhiều đề mục định khác nhau (kasiṇa), chúng ta còn có cách thức an trú của thánh nhân (ariya–vihāra) là tên Đức Phật đặt cho sự tập trung cao độ vào hơi thở vào và hơi thở ra (ānapānastai samādhi), khi Ngài nói về những trải nghiệm trong ba tháng an cư kiết hạ trong khu rừng Icchānaṅgala, không cho phép ai đến gặp Ngài ngoại trừ một người đến để đem thức ăn ( S. V, trang 326). Đó là sự “cư trú” của một vị Phật (Tathāgata-vihāra).
Ba loại an trú có thế được thấy cùng nhau ở trong bài kinh Saṅgīti Suttana (D. III, Bài kinh 33) và được gọi là tịnh cư thiên (dibba-vihāra) hoặc là trải nghiệm ý thức (tưởng xứ) và “tám chứng đắc” (hoạc là bát định) (samāpatti), phạm trú (brahma-vihāra) hoặc là bốn loại hành thiền về những trạng thái tâm cao siêu, và trạng thái của Thánh Nhân (ariya-vihāra) hoặc là sự chứng đắc những quả vị của con đường Thánh Đạo (ariya-magga-phalai). Những chứng đắc (là những tâm an trú thuộc cõi thiên) gồm bốn cấp độ thiền định sắc giới (jhāna) và bốn loại thiền vô sắc giới về không gian vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, và phi tưởng, phi phi tưởng, cùng với chứng đắc thứ chín của sự chấm dứt của nhận thức (tưởng) và cảm xúc (thọ), được gọi chung là chứng đắc từ từ (anupubba-vihāra), những bước đi lên mà theo đó mục đích cao nhất của thiền được chứng đắc và những bước lần lượt đến “sự phai dần” (anuppa-nirodha). Sự đối lập giữa an trú (viharati) và sự chấm dứt (nỉruddhati) chỉ có thể thấy như là một quá trình phát triển từ an trú đến sự chấm dứt, như sau:
Sự chứng đắc sơ thiền là đạt được định với tư duy và sự kiểm sát đối tượng (vitakka-vicāra, tầm tứ) bắt buộc dẫn đến sự chấm dứt của nhận thức tham dục (kāma-sañña). Ở cấp độ thứ hai, nhị thiền, với đặc điểm chính của nó là sự hoan hỷ (pīti) vượt lên tất cả những xu hướng ý niệm. Theo sau nhị thiền là cấp độ thứ ba, tam thiên, được miêu tả với sự lạc thọ (sukha) và sự lạc thọ này làm tĩnh lặng lại những sự háo hức của cấp độ thiền trước đó. Cấp độ thứ tư nhận thấy lạc (sukha) và khổ (dukkha) đơn thuần chỉ là những khía cạnh khác nhau, và, theo đó vượt qua nhận thức lạc và khổ, tâm thức an trú trong xả niệm (upekkhā), mà thậm chí dường như gây ra sự chấm dứt quá trình của hơi thở (catutthajjhānaṃ samā pannasa assāsa-passāsā niruddhā honti: D. III, trang 266, số 33, 3. 2. vi). Nơi an trú thứ năm là sự sung sướng trong định lan khắp cõi không vô biên thức (ākāsānañcayata), dẫn đến sự nhận thức về vật thể (rūpa-saññanaṃ samtikkamā), sự tiêu diệt nhận thức về phản xạ giác quan (paṭigha–saññanaṃ aṭṭhagamā) và sự không tập trung vào khái niệm về sự đa dạng (nānatta- saññanaṃ amanasikārā: D. III, trang 262). Nơi an trú thứ sáu là trạng thái định ở dạng nhận thức về sự vô biên của chính ý thức (viññāṇañcāyatana), và theo đó hành giả có thể vượt qua nhận thức về sự vô biên của không gian. Nơi án trú thứ bảy là niềm vui sướng trong suy nghĩ tự thấy bản thân là không-là gì cả (ākiñcaññayatana), và theo đó vượt lên suy nghĩ rằng thức là vô biên. Nơi an trú thứ tám là một trạng thái sung sướng say mê vi tế đến nỗi không thể được cho là nhận thức (tưởng), mặc dù không phải là không thể tưởng tượng được ( neva-saññā-nasaññā-yatana), khi thậm chí khái niệm về không (vô sở hữu) cũng đã được vượt qua. Và cuối cùng là nơi an trú thứ chín là một trạng thái không thể nào gọi vui sướng hoặc say mê, vì định ở đây quá trọn vẹn đến mức cả tưởng và thọ đều chấm dứt (saññā ca vedanā ca niruddhā honti). Chín nơi an trú theo lần lượt (anupubba-vihārā) là những trạng thái tâm thức nên được biết đến hoặc tôi luyện qua sự tu tập (dhammā abhiññeyyā), trong khi chín sự chấm dứt lần lượt nhau (anupubba-nirodhā) là những trạng thái tâm thức cần được chứng đắc bởi bản thân, và như là được nhìn tận mắt (dhammā saccikātabbā: D. III, trang 290, số 34).
Do đó những tịnh xá hoặc nơi an trú (vihāra) lần lượt dẫn đến sự chấm dứt (nirodha), và theo thứ tự đó dẫn đến những sự giải phóng (vimokkha) trong sự chứng đắc tối cao của Đạo và Quả (magga-phala) của sự Viên Mãn và Giải Thoát.
H. G. A. v. Z.