ABLUTION (Sự Rửa Sạch)

ABLUTION (Sự Rửa Sạch). Ý nghĩa sự rửa sạch trong bối cảnh tôn giáo là sự gột rửa tâm hồn, được tượng trưng bởi hành động rửa sạch thể chất mà đôi khi được thể hiện theo đúng nghĩa đen qua một nghi thức tắm rửa hoặc chỉ mang tính biểu hiện như trong trường hợp lễ rửa tội bằng cách rắc một chút nước. Tính hiệu lực của hành động rửa sạch không nằm trong phương tiện nước, v.v. mà nằm trong giá trị tâm linh được gán cho phương tiện và nghi thức. Một hành động rửa sạch do đó trở thành một quá trình gột sạch bản chất nội tâm qua việc rửa sạch những thứ nằm ở phía ngoài.

Ở những đất nước nhiệt đới, là những nơi nguồn nước khan hiếm, đôi khi cát, nhưng tro thì phổ biến hơn, được dùng cho nghi thức rửa sạch. Đặc biệt là tro thánh, là phần còn tàn dư của lửa được dùng trong nghi lễ tế thần, đến bây giờ vẫn được yêu cầu đông đảo và được dùng để quét lên trán và phần trên của cánh tay bởi những người theo nghi lễ của đạo Śaivism (Đạo thờ thần Shiva), tượng trưng cho “sự gột rửa linh thiêng bằng lửa[1]” Nhưng bất kể phương tiện hoặc nghi thức, sự rửa sạch trong tôn giáo chỉ ra việc sự rửa sạch vật chất tượng trưng và thay mặt cho sự gột rửa tâm linh.

Một trong những giáo lý tất yếu của của Pháp của Đức Phật đó là mỗi người phải là ngọn đèn (hoặc hòn đảo) và là nơi an trú và nương tựa cho tự bản thân mình (attadīpa attasaraṇa[2]). Sự phụ thuộc vào nghi thức (sīlabbataparāmāsa), thêm vào đó, là một trong những kiết sử thấp (saṃyojana), ngăn chặn cá nhân bước bào dòng Thánh (sotāpatti)  hoặc là đi trên con đường Thánh Đạo (ariya-magga). Không phải là một bất ngờ mà bài kinh Dhovana Sutta[3] chỉ trích nhân dịp lễ rửa sạch ở những quận phía Nam, đi kèm bởi ăn uống, nhảy múa, và ca hát, là “thấp hèn, tầm thường, thô bỉ, đê tiện, và vô dụng”. Nhưng sự miêu tả từ chú giải về “nghi lễ rửa cốt” (aṭṭhidhovana) này dường như tạo không gian cho sự nghi ngờ.”Ở những quận đó, người dân không có hỏa táng những thi thể, mà họ đào một cái hố và chôn chúng dưới đất. Về sau, những hài cốt của những khối thi thể thối rữa được đào lên, rửa sạch, và từng cái một, được dâng lên, tôn kính với dầu thơm và hoa, và được đặt qua một bên. Vào giờ linh, những hài cốt này được đem ra và một lễ hội được thực hiện với tiếng than khóc.” [4]

Ở đây sự rửa sạch có vẻ như không hẳn là một sự rửa sạch theo nghi lễ, mà là một quy trình cần thiết để xử lý những thứ thối rữa; vì quy trình rửa sạch không phải là một phần của nghi lễ khi không phải là giờ linh. Thêm nữa, trong khi nội dung sutta mô tả một nghi lễ rửa sạch là cơ hội ăn, uống, hát hò, và nhảy múa, nhưng chú giải thì lại nhắc đến khóc lóc và than vãn. Thêm vào đó, trong chú giải, không có bàn về khía cạnh hiệu lực hoặc linh ứng của của nghi lễ. Nhưng việc nghi lễ vẫn được xem là hữu dụng bởi người phàm phu là không thể chối cãi dựa trên sự chê trách của Đức Phật về vấn đề này (anattha-saṃphita).

Không hài lòng chỉ với sự chỉ trích không mang tính xây dựng, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng[5] để truyền quan điểm của ngài về sự rửa sạch đúng theo chánh Pháp (ariya-dhovana), sự rửa sạch dẫn đến sự chán chường với cuộc sống phàm tục (nibbidā), sự mai một của ham muốn (virāga), sự đoạn diệt của ái chấp (nỉrodha), sự tĩnh lặng của tâm thức (upasama), thắng trí (abhiñña), tỉnh thức viên mãn (sambodhi), và sự giải thoát (nibbāna). Sự gột rửa thánh thiện này bao gồm sự tu tập Bát Chánh Đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga), vì chỉ có thông qua chánh kiến (sammā-diṭṭhi) mà những tà kiến có thể được xóa bỏ cùng với tất cả những quả bất thiện và những trạng thái bất lợi phát sinh từ chúng; cũng vậy, chỉ có chánh tư (sammā-saṅkappa) mới có thể gột rửa được ý định bất thiện; chánh ngữ (sammā vācā) khắc phục sự bất thiện của những lời nói dối, vu khống, ngôn ngữ ác nghiệt, hoặc thêu dệt; chánh nghiệp (sammā kammanta) có thể cải thiện những quả bất thiện của những tội lỗi; chánh mạng (sammā ājīva) hủy bỏ sự tàn phá của những kế sinh nhai


không đúng đắn; chánh tinh tấn (sammā vāyāma) có thể làm sạch những hậu quả không lành của sự  nhiệt huyết cuồng tín hoặc sự cẩu thả tệ hại; chánh niệm (sammā sati) và chánh định (sammā samādhi) xóa sạch những hậu quả không mong muốn của việc hướng tâm thức đến những đối tượng không phù hợp phái sự nhận thức và sự quán chiếu. Thêm vào tám phạm trù của Bát Chánh Đạo là hai sự rửa sạch thánh thiện thông qua chánh trí tuệ hoặc là chánh hiện quán (sammā  ñāṇa) và chánh giải thoát (sammā vimutti), tất cả đều cả dẫn đến những hoàn cảnh thuận lợi (aneke kusalā dhammā) và làm đầy nhân cách con người (bhāvanā-pāripūrī). Đây đúng là sự gột rửa “ariyan” (thánh thiện), theo đó những chúng sanh mà số phận của chúng là sinh, lão, bệnh, tử , được giải phóng khỏi vòng luẩn quẩn của sinh, lão, bệnh, tử, và sự phiền não và đau khổ của nó.

Việc “sự trong sạch nội tâm là ưu tiên hàng đầu” đã được thấu hiểu bởi Nandaka, là một trợ thủ của Licchavī, người mà khi đang hầu chuyện với Đức Phật thì có một người cần vụ ngắt lời Ngài để nhắc Ngài đến giờ tắm. “Đủ rồi sự gột rửa bên ngoài. Sự rửa sạch bên trong (ajjhattaṃ nahānaṃ)bằng cách trung thành với Đức Phật là đủ với tôi.”[6] Tiếc là, bài  kinh kết thúc với lời nói của vị Nandaka và vì thế chúng ta sẽ không bao giờ biết là vị Nandaka sẽ tiếp tục khư khư với sự từ chối đáp ứng những nhu cầu thể chất của vị hay không.

Kể cả sự khoái lạc, khi đi quá độ, có thể trở thành một sự gian khổ. Vì vậy, việc tắm gội mỗi ngày, khi thực hành bằng cách dìm mình trong nước tới lần thứ ba vào ban đêm (sāya-tatiyakam pi udakorodhanānuyoga)[7] không màng tới sự chuyển mùa, đã được cho một cách công bằng là một hình thức hành xác (nijhāmā paṭipadā: pháp tu tập tự đốt cháy[8]). Đã được cho là những hành động bất thiện làm khi còn trẻ hoặc ở tuổi già có thể được vô hiệu hóa bằng cách hành pháp gột rửa thường xuyên. Nhưng thậm chí một người hầu gái, Puṇṇikā, đã chỉ ra cho một vị bà-la-môn rằng, nếu người nào tin vào sự gột rửa có thể đạt được qua hành động nằm ở ngoài, thì tất cả những loài cá, rùa, ếch, rắn nước, cá sấu, và tất cả những loài dưới nước có thể đi lên thẳng cõi trời.[9] Vị bà-la-môn thấy hợp lý, đã từ bỏ pháp tu tập của mình, trở thành một tu sĩ trong Tăng Đoàn của Đức Phật, không lâu sau đó đã trở thành thật sự trong sạch (nahātako[10]). Một vị bà-la-môn khác, Saṅgārava, tin vào sự linh ứng của việc gột rửa bằng nước, đã rửa sạch những hành động bất thiện vị làm ban ngày bằng cách rửa sạch qua việc tắm rửa vào ban đêm và rửa sạch những hành động bất thiện vị làm ban đêm bằng cách rửa sạch qua việc tắm rửa vào ban ngày, đã được tỏ ngộ bởi Đức Phật khi Ngài chỉ ra sự gột rửa thật sự qua phương tiện thực hành giáo lý của Ngài, có thể được so sánh với một hồ nước trong sạch và không ô nhiễm với giới hạnh là bờ, nơi mà những người khôn ngoan đến để tắm rửa và đi qua bờ bên kia không gợn vết nhơ (anallīnagattā va taranti pāraṃ[11]).    

 Sự từ chối kiên định không muốn phải dính dáng gì với những sự gột rửa bên ngoài để tượng trưng cho hoặc là để dẫn đến một sự gột rửa lương tâm và đạo đức là một biểu hiện rõ ràng của một sự tiến hóa về phương diện thanh lọc đạo đức. Miễn là tinh thần đạo đức, sự hoàn thiện, và sự thiêng liêng vẫn mang tính mê tín dị đoan về sự tác động của thế lực thần thánh hoặc là ơn huệ của bề trên, những phương tiện để đạt đến sự trong sạch hoàn toàn sẽ không có sự liên kết tương xứng với kết quả mong muốn: nước có thể rửa sạch cơ thể, và với sự tác động của Đấng Tối Cao, cả tâm hồn. Nhưng, trong Phật Giáo, là một tôn giáo đã phát triển vượt hơn đức tin về một Đấng Tối Cao như là một sức mạnh tạo hóa tuyệt đối, và niềm tin vào linh hồn như là một nguyên lý vĩnh cửu của đời sống con người, chúng ta thấy sự phát triển khái niệm đạo đức chỉ dựa trên sức mạnh cá nhân, và sự hoàn hảo trở thành một phẩm chất cá nhân. Một vị arahant (A-la-hán) không phải là một vị thánh được cứu rỗi bởi một sự ơn huệ siêu nhiên, mà là một cá nhân đã tự mình chứng ngộ chân lý, cho bản thân mình, bằng bản thân mình, và ở trong bản thân mình, rằng như là chính vị đã tự biến mình thành nô lệ cho những của cải thế gian và những khoái lạc giác quan qua những hành động tham lam và ham muốn của bản thân, thì vị có thể tự giải phóng bản thân khỏi những sự trói buộc qua sự hiểu biết bản chất thực sự của sự vật. Chánh kiến (sammā-diṭṭhi), trí huệ (pañña), sự giải thoát (vimutti), sự giác ngộ (bodhi) là những then chốt cho sự trong sạch cá nhân. Không phải sự hoàn hảo hoặc một lý tưởng về sự thánh thiện là những mục đích được nhắm đến, mà một sự nhận biết về hiện thực (yathābhūta-ñāṇa-dassana). Sự hiểu biết hành nghiệp và hậu quả của nó sẽ ngăn chặn nghiệp bất thiện (akusala kamma) khởi sinh, và theo đó giới hạnh (sīla)  sẽ tăng trưởng. Do đó, sự tăng trưởng này (bhāvanā) là một quá trình tâm thức chứ không phải là một sự tôn sùng nghi thức. Định (samādhi) sẽ theo gót sự phát triển giới hạnh (sīla) và trí huệ (pañña) thực sự sẽ nảy mầm. Ba giai đoạn giới (sīla), định (samādhi) và huệ (pañña) tạo thành con đường thanh tịnh (visuddhi-magga), và trên con đường đó tất cả những sự ô uế sự phiền não (kilesa), và những kiết sử (saṃyojana) sẽ tự nhiên được loại bỏ. Đó là một sự tỉnh thức tâm trí về bản chất của sự phiền não. Sự tỉnh thức hoàn hảo, do đó, không hẳn là sự tỉnh thức trong sạch, mà là sự tỉnh thức thấy được sự thật, sự giác ngộ. Một tâm thức trong sạch là một tâm thức tự do (cetovimutti). Một tâm thức nhận biết sẽ tự nhiên tránh (virati) những gì nó thấy là bất thiện và không lành (akusala) và sẽ tránh tất cả những triền cái hoặc chướng ngại (nīvaraṇa) trên con đường đến sự trong sạch và sự hoàn thiện.

 H. G. A. v. Z.



[1] T. E. Colebrooke: Miscellaneous Essays, II, trang 154. 

[2] S. V. trang 162.

[3] A. V, x, sutta 107, trang 216.

[4] Xem AA. V, 71.

[5] Dhovana sutta: A. V, x, sutta 107, trang 216-7.

[6] S. V, trang 390 Sotāpatti Saṃyutta.

[7] D. I, viii, trang 167.

[8] A. I, iii, sutta 151, trang 296.

[9] Thīg. lxv, v. 241.

[10] ibid, v. 251.

[11] S. I, vii, sutta 11, trang 183.