ABHIÑÑĀ (Thắng trí, thần thông)
ABHIÑÑĀ (Thắng trí, thần thông). Trạng thái ý thức thông thường trong đó diễn ra hầu hết các suy nghĩ, hoạch định, và lý luận của con người ít nhiều sự sáng suốt, giống như quang phổ màu với hai bên là tia hồng ngoại và tia cực tím, hai bán cầu liên kế của tri giác hạ ý thức và tuệ giác siêu ý thức. Cả ba phạm trù đều là các loại tuệ tri ((ñāṇa), nhưng tưởng (saññā) có thể tồn tại mà không cần đến thức (viññāṇa), trong khi thắng trí (abhiññā) thì không cần đến các dạng tư duy mang tính tri giác và hình sắc.
Tưởng (saññā), ngay cả khi nó đưa đến thức (viññāṇa),chỉ đơn thuần cho ta biết về ngoại quan của sự vật, và tiếp tục được dẫn dắt đến nhận thức bởi sự tác ý hay các hành (saṅkhārā), tưởng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng mà đã góp nhặt trong quá khứ. Ngược lại, thắng trí là một loại trí tuệ biết trực tiếp sự vật, vì vậy nó tách khỏi thế giới vật chất của không gian và thời gian, của tri giác, của sự tác ý, của nhân quả, suy luận logic, và vì thế là tâm linh theo nghĩa đầy đủ nhất. Thắng trí không phải là loại kiến thức tổng hợp, mà là tuệ giác về bản chất của sự vật. Một tri thức hoàn hảo như vậy trở thành một kinh nghiệm có thể mang lại một sự chuyển hóa toàn diện trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể đối với những người đạt được nó. Sau rốt, nó bao gồm việc nhìn thấy vạn hữu đúng như bản chất (yathā bhūtaṃ – như thực tuệ), và đó là sự thấy rõ (abhisamaya –hiện chứng), hay chứng ngộ.
Sự chứng ngộ có thể đạt được bằng nhiều cách, tuy nhiên, những cách này đều có một điểm chung là sự điều phục dòng ý thức lan man và xao lãng bằng sự tập trung suy nghĩ để dẫn vào định (samādhi). Nhiều phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu này đã được liệt kê bởi ngài Phật Âm trong tập Thanh Tịnh Đạo. Nói ngắn gọn, đó là con đường đưa đến sự định tâm (samatha), sự tĩnh lặng của trái tim, và làm dịu
những dục vọng bằng một quá trình thăng hoa mà qua đó, một trạng thái xuất thần, hay thiền (jhāna, q.v) được tạo ra. Đố là nỗ lực để đưa cả thân và tâm vào một trạng thái tỉnh thức hay quán sát cao độ (satipaṭṭhāna -niệm xứ) thông qua khả năng tiếp nhận đã được làm thanh tịnh. Nhờ chánh niệm (sati) mà đạt được sự tĩnh lặng của tâm trí, thắng trí (abhiññā), giác ngộ, và Niết-bàn[1]. Chính trong trạng thái tâm trí thực sự cởi mở này, những năng lực tâm linh có thể phát triển mà đối với người thường, đó là những năng lực siêu nhiên, trong khi trên thực tế, chúng chỉ là lạ thường mà thôi. Những năng lực “siêu nhiên” này chỉ là sản phẩm phụ của sự hiểu biết trực giác nhờ thắng trí (sự hiểu biết trực giác) (abhiññā), và cũng là chủ đề của đầu mục này.
Khi đó, việc đạt được những sức mạnh trực giác này là một trong những mục tiêu của định thông qua nhiều phương pháp thiền định (bhāvanā-tham thiền), nghĩa đen là sự tu tiến hoặc phát triển tâm. Tuy nhiên, trực giác này bản thân nó không phải mục tiêu, mà là một trong những bước đưa đến sự giải thoát Niết-bàn.
Cốt lõi giáo lý của Đức Phật được gói gọn trong Tứ Diệu Đế (cattāri ariya-saccāni) về khổ (dukkha), nguồn gốc của khổ (dukkha-samudaya), sự diệt khổ (dukkha-nirodha) và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau (dukkha-nirodha-gāminī- paṭipadā). Tứ Diệu Đế được cho là được Đức Phật tuyên bố rằng: “vì chúng đem lại lợi lạc (attha-saṃhita), vì chúng chỉ ra sự thật về sự hiện hữu (dhamma-saṃhita), vì chúng là nền tảng của một đời sống thánh thiện (ādi-brahmacariyaka), vì chúng đưa đến sự ly dục hoàn toàn (ekanta-nibbidā), đến sự đoạn diệt dục ái (nirodha), đến sự an tịnh của tâm (upasama), đến thắng trí (abhiññā), đến giác ngộ (sambodha), và đến giải thoát (nibbāna)[2]”. Trong công thức này, thắng trí được đặt ở vị trí gần chót, chỉ theo sau bởi sự giải thoát, cho thấy tầm quan trọng lớn lao của nó.
Sự thỏa mãn (đắc ly) và hạnh phúc (đắc hỷ) (veda-paṭilābha somanassa-paṭilābha) có thể đạt được ngay cả trong thắng lợi khi chiến đấu, như chính thiên chủ Sakka (Đế Thích), vua cõi chư thiên đã thừa nhận nhận, nhưng sự đắc ly đắc hỷ này không mang đến hòa bình, thắng trí, giác ngộ và giải thoát (na upasamāya, na abhiññāya, na sambodhāya, na nibbānāya saṃvattanti)[3]. Chỉ nhờ sự bình an của tâm trí mà trực giác có thể nảy mầm và phát triển thành sự giác ngộ viên mãn. Tuy nhiên, sự bình an tâm trí này cần được hiểu rõ. Đối với người Phật tử (yogāvacara) hướng đến một đời sống tâm linh sâu sắc, không có đấng siêu phàm nào mà người ấy có thể mong muốn hòa chung tâm linh làm một, như trường hợp của nhà thần bí Cơ Đốc giáo hay một hành giả yogi của Ấn Độ Giáo. Đối với người Phật tử, bản thân việc phấn đấu để đạt một thần thông hay thần nhãn (dibba-cakkhu) với tư cách là một sự thay thế tạm thời cho quá trình tư duy phàm tục không bao giờ là mục đích cuối cùng, đó chỉ là phương tiện cho sự phát triển tâm linh và rèn luyện tâm ý, và chúng cần được buông bỏ ngay sau khi thành tựu để ngăn chúng bén rễ hoặc trở thành nguyên nhân của bám chấp. Ngay cả sự tập trung tư tưởng vào một điểm (citt’ekaggatā – nhất tâm) cũng chỉ nên coi là phương tiện để vượt qua sự xao lãng của tâm lang thang, vọng động. Vì ở đây có một nguy cơ rất lớn là khi ngọn lửa tham (lobha) và sân (dosa) được dập tắt tạm thời, khả năng sự ngã mạn của tâm nảy sinh là rất dễ xảy ra. Và sự ngã mạn này sẽ không mang lại những phát triển cao hơn đối với những nỗ lực tinh thần vì nó tạo điều kiện cho sự trì trệ, rất lâu trước khi mục đích có thể đạt tới. Mục đích tối hậu luôn là tận diệt những ngọn lửa đó, đoạn trừ hoàn toàn gốc rễ của mọi bất thiện, đạt được quả vị A-la-hán và giác ngộ viên mãn, điều vốn không thể đạt được trong suốt trạng thái thiền (jhāna) thực sự. Do đó, hành trình tìm kiếm không phải là sự kết hợp vui sướng với Đấng Tối Cao, mà là tính Không. Con đường giải thoát được mở ra (anattānupassanā attābhinivesaṃ muñcanti suññatānupassanā nāma vimokkhamukhaṃ hoti)[4] không phải trong sự định tâm (samatha), nó nằm trong sự quán chiếu về vô ngã (anattā) và về tính không (suññatā), giúp giải phóng tâm ý khỏi khái niệm về cái tôi, về bản ngã, hoặc về linh hồn.
Cũng như các tầng thấp của thiền định (jhāna) là những bước đưa đến nhập định sâu hơn, loại bỏ dần những đặc tính riêng của chúng như sự suy nghĩ lan man (vitakka – tầm), tư duy liên miên không dứt (vicāra – tứ), phấn khởi (pīti – hỷ), và an lạc (sukha), thì những chứng đắc tâm linh khác nhau ở cấp độ hiệp thế (lokiya) chỉ nên được coi là những viên đá lót đường để đưa đến năng lực siêu thế (lokuttara), mà với sự từ bỏ hoàn toàn của định (samādhi) và tứ thiền (jhāna), có thể đạt tới tuệ giác thâm nhập (vipassanā – minh sát) vào đặc tính (lakkhana) của vạn hữu, đó là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anattā). Chỉ có tuệ giác này mới có thể giải quyết được vấn đề của sự sống và vòng sanh tử bất tận bằng cách tiêu diệt hoàn toàn mọi tham (lobha), sân (dosa), và si (moha).
Do đó, Thắng trí theo tự nhiên thuộc hai nhóm chính, hiệp thế (thế tục) (lokiya) và siêu thế (lokuttara). Thắng trí thuộc nhóm đầu có thể đạt được nhờ sự hoàn hảo trong định (samādhi) bao gồm năm loại (pañc’ābhiññā – ngũ thắng trí) sau: (1) thần túc thông (iddhividhā) về (a) sự tác ý (adhiṭṭhān’iddhi), (b) sự biến hóa (vikubbana iddhi), (c) sự tạo tác (manomaya iddhi), (d) trí tuệ xuyên thấu (ñāṇavipphāra iddhi), (e) định xuyên thấu (samādhivipphāra iddhi); (2) thiên nhĩ thông, năng lực nghe thấu mọi âm thanh (dibbasota); (3) tha tâm thông, năng lực hiểu thấu tâm chúng sanh (ceto-pariya-ñāṇa); (4) thiên nhãn thông, năng lực nhìn thấu hết vạn pháp (dibbacakkhu) và (5) túc mệnh thông, năng lực nhớ được tiền kiếp (pubbenivāsānussati).
Loại Thắng trí thứ hai thuộc nhóm siêu thế (lokuttara), đạt được nhờ minh sát tuệ (vipassanā), tức sự đoạn diệt mọi lậu hoặc của tâm (āsavakkhaya-lậu tận), đồng nghĩa với sự chứng quả A-la-hán.
Vì vậy, khi xem xét hai nhóm cùng nhau sẽ bao gồm sáu loại thần thông thường được gọi là chaḷ-abhiññā (lục thông)[5].
Còn một loại thần thông nữa được nhắc đến, nâng con số thần thông lên thành bảy (sattābhiññā), đó là năng lực thấy trước tương lai (anāgataṃsa-ñāṇa – vị lai trí)[6].
Tác giả Har Dayal trong cuốn Giáo Lý Bồ-tát trong Văn học Tạng ngữ Phật Giáo (p. 108 ff.) đã làm rõ quá trình phát triển của khái niệm abhijñā (abhiññā). Mặc dù được phần đông chấp nhận rằng lậu tận thông là năng lực thứ sáu được thêm vào danh sách ngũ thông trước đó (pañcannam abhiññānam: S. II, 216, §§ 16-29), vốn bị loại bỏ khỏi bộ Pháp Tụ (xx, p.4), bộ Dasabhūmika (Kinh Thập Địa) (p. 34-35, J. Rahder, Paris, 1926) và Thắng Pháp Tập Yếu Luận (p. 209). Har Dayal khẳng định rằng lậu tận thông thuộc nhóm ngũ thông nguyên bản, nhưng đã bị hạ xuống vị trí thứ sáu bởi sự xâm phạm của khái niệm ṛddhi-vidhā- jñāna (iddhi-vidhā), thần thông.
Theo tập Đại Sự (chương về sự giác ngộ, I, 228-9) và bài kinh đầu tiên, kinh Avalokita (Quán Âm) (II, 283-4), chỉ có thiên nhãn thông (divyacakṣu), túc mệnh thông (pūrvanivāsānusmṛti) và lậu tận thông (āśravakṣaya) được đề cập, tương tự như truyền thống của cuốn Kinh Tập (M. I, 22-23). Truyền thống này cũng được ghi lại trong kinh Đại Trang Nghiêm (pp. 344-5), nhưng không có điều gì trong các tài liệu này cho thấy nhóm tam thông này hoặc đã bao quát hoặc được gọi chung là thắng trí. Bài kinh Tương ưng Ca-diếp (S. II, 212-3) nhắc đến tam thông sau cùng trong thứ tự lục thông cũng không cung cấp chứng cứ nào về việc ba thần thông đầu tiên được thêm vào sau đó, hay chứng tỏ được thần thông đó “được vay mượn từ những tông phái của các tu sĩ khổ hạnh hay những kẻ mạo danh, những kẻ vốn đầy rẫy ở xứ Ấn”. (op.cit, p.110).
Sau đây là trình bày chi tiết hơn một chút về những loại nhận biết trực giác và thần thông. Phân loại thứ nhất được gọi là hiệp thế (lokiya) vì những loại trí tuệ và năng lực được xếp vào thể loại liên quan đến sự phát triển về tâm trí mà vẫn chưa vượt lên khỏi cấp độ hiệp thế, trong khi phân loại thứ hai được gọi là siêu thế (lokuttara) vì sự liên kết độc nhất giữa những loại trí tuệ và năng lực với Thánh Đạo (ariya-magga).
Những thần thông được gọi là iddhi-vidhā thường được gọi là những sức mạnh thần kỳ, vì chúng bao gồm những sức mạnh thần kỳ của những nhà ngoại cảm thời nay. Lời của Đức Phật được ghi lại rằng: “Chính vì ta thấy sự nguy hiểm trong sự biến hóa thần thông mà ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ biến hóa thần thông”[7].
Việc sở hữu sức mạnh thần kỳ bản thân nó không phải là biểu hiện của giới hạnh, vì kể cả Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) cũng đã có thể tận dụng thần thông để thuyết phục hoàng tử A-xà-thế (xem mục cùng tên) để hai người toan tính hại Đức Phật.[8] Sự thể hiện thần thông được cho là một phạm giới luật được đặt ra cho Tăng chúng,[9] và song song đó sự tuyên bố có thần thông mà không có căn cứ là một trọng tội (pārājika) bao gồm hình phạt là bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn.[10]
Những thần túc thông hoặc sức mạnh thần kỳ (iddhi) được phân tích chi tiết trong bộ Thanh Tịnh Đạo, bộ Paramattha-mañjūsā (Thanh Tịnh Đạo Chú Giải) và bộ Phân Tích. Trên phương diện chứng đắc được những năng lực phi thường, thần túc thông còn được gọi “như ý thông” (iddhi-vidhā).[11] Và chúng được phân chia dựa trên những loại như ý hoặc thành công, như sau:
Adhiṭṭhāna-iddhi là sự như ý đạt được bởi sự tác ý, vì bằng một sự quyết tâm hoặc một hành động xuất phát từ ý muốn mà những hiện tượng được tạo ra ngoài bản thân và chúng là những hình thể bản thân được tạo bởi tâm và được phát ra ngoài: một thân biến hóa thành nhiều thân.[12] Ở hai nơi một lúc hoặc nhiều nơi một lúc, mặc dù là chưa được xác nhận là khả thi bởi khoa học vật lý hiện đại, nhưng khái niệm này cũng không chứa sự mâu thuẫn, vì trên mặt lý thuyết việc và về mặc định không có gì là không tưởng tượng được việc một cơ thể cùng một lúc ở một nơi và chắc chắn ở một nơi khác. Tuy nhiên, trong trường hợp hình thể được phát ra ngoài, vì độ giãn cục bộ, hoặc là sự chiếm không gian (paṭhavī) là một tính chất sẵn có và cơ bản (bhūta) của vật chất (rūpa), những bản sao tạo bởi thần thông sẽ không có những tính chất vật chất và do đó sẽ chỉ là những ảo ảnh, hoặc những hình ảnh được phát ra.
Vikubbana-iddhi là sức mạnh biến hóa bản thân sang một hình thù khác, như là một đứa trẻ hoặc một con rắn, trong đó hình thù bình thường được bỏ và chuyển đổi mà không dẫn đến sự nhân đôi tính cách. Chính sức mạnh này được sử dụng bởi Đề-bà-đạt-đa để thuyết phục hoàng tử trẻ A-xà-thế[13]. Ngài Mahā Moggallāna (Đại Mục-Kiền-Liên) đã nói riêng về sức mạnh này khi ngài:
“…Ta có thể tức khắc, vô số lần, tạo một hình thể sống động; tinh thông sức mạnh biến hóa. Với những sức mạnh thần kỳ khác, chính xác là vậy, tất cả thần thông đều trong tầm tay ta”[14].
Manomaya-iddhi là thần thông tạo tác hiện tượng được tạo ra bởi tâm lực trong sự tác ý.[15] Những hình thể được tạo ra không có sự nhạy cảm và cũng không có chức năng giới tính hoặc chức năng duy trì sự sống[16]. Nhưng, nếu người sở hữu sức mạnh phi thường này di chuyển, ví dụ như đi lên đi xuống, thì bản sao của họ cũng đi lên đi xuống như họ. Nhưng, nếu người sở hữu muốn những bản sao của mình với hình thù khác nhau, họ cần phải rời trạng thái định, tác ý theo ý muốn của mình, trước khi quay lại trạng thái định và một lần nữa nhập vào từ trường thần thông[17].
Ñāṇa-vipphāra-iddhi là sức mạnh lan tỏa sự nhận biết khắp nơi (ñāṇa), mà theo đó can thiệp quy trình tự nhiên của tất cả sự kiện, như là việc ngăn chặn cái chết trong trường hợp của Bakkula (Bạc-câu-la), người nếu mà trong trường hợp khác đã không thể chứng ngộ thánh quả[18].
Samādhi-vipphāra-iddhi là sức mạnh tỏa ra của định (samādhi), mà theo đó không sự đau đớn nào có thể được cảm nhận và cái chết không thể xảy ra trước khi rời khỏi trạng thái thiền định (jhāna). Do đó, không một sự sát thương nào đã đến với ngài Xá Lợi Phất, khi ngài bị đánh vào đầu từ một quỷ thần quậy phá vì tại thời điểm đó ngài đang nhập định[19].
Hai sức mạnh lan tỏa của trí và tỏa ra của định, do đó, là phương tiện ngăn chặn những diễn biến của sự việc trước khi nó xảy ra, và vì vậy chúng được gộp lại một cách hợp lý thành những thần thông (iddhi), Khi đức phật liệt kê cho A-xà-thế những quả vị của cuộc đời tu tập,[20] trong phẩm Sāmañña-phala Sutta (Quả Báo của Sa-Môn), ngài nói thêm về sức mạnh thần thông xuất phát từ sự tác ý (adhiṭṭhāna-iddhi) mà ở một chỗ khác[21] cũng được miêu tả rất chi tiết: “Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và sờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên; như một nghệ nhân nặn đất khéo léo có thể tạo bình chậu bất cứ hình dạng nào từ đất sét.”
Nhưng cho dù trong số loại thần thông chỉ có adhiṭṭhāna-iddhi được nhắc đến, hai loại thần thông biến hóa (vikubbana) và tạo tác (manomaya) cũng nên được nhắc đến cho công bằng[22]. Những năng lực được gọi là iddhi được gộp thành một hạng mục thuộc trí tuệ phi thường (abhiññā) và chỉ riêng một hạng mục này mà chứa đến năm loại sức mạnh được nhắc đến. Nhưng chúng ta cũng gặp phải những cách cắt nghĩa chi tiết hơn như sau[23]:
Ariyā iddhi là sức mạnh của những bậc Chánh Giác, tức là sức mạnh của những ai đã chứng Thánh quả, những người có thể nhìn những gì mà người thường cho là hợp ý và thấy được sự bất hợp ý trong chúng, những người mà có thể nhìn thấy mặt phản cảm của sự vật với một tâm thế buông xả. Đây là sức mạnh chỉ có thể chứng đắc được bởi những ai đã hoàn toàn kiểm soát và là chủ nhân tâm của họ.
Kamma-vipākaja-iddhi là một sức mạnh sẵn có hoặc bẩm sinh, là quả của nghiệp quá khứ, như là sức mạnh bay lượn trong không của loài chim mà không cần một sức mạnh đặc biệt.
Puññavato iddhi là một sức mạnh sẵn có trong sự hiện hữu, mà đạt được như là quả của những việc làm phước thiện ở một tiền kiếp. Do đó, sự đầy đủ và sự giàu có là những ví dụ thuộc về “sự như ý” thuộc thể loại này; cũng vậy sức mạnh bay lên ở loài người, v.v…
Vijjamaya-iddhi (Minh sở thần thông) cũng là một sức mạnh do tu tập mà có, không phải nhờ phước đức mà từ kiến thức hoặc khoa học. Phi thiên là một sức mạnh tiêu biểu của loại thần thông này; tương tự với thôi miên, bùa chú, & c.
Tattha-tattha-sammappayoga-paccayāijjhanaṭṭhena iddhi là sức mạnh đem lại những sự như ý, là quả của sự biết tận dụng những cơ hội một cách đúng đắn. Đây là sức mạnh bình thường có thể rèn luyện được bởi những người bình thường trong cuộc sống. Do đó, việc áp dụng sức mạnh buông bỏ chấp trước dẫn đến sự như ý trong sự nỗ lực từ bỏ những dục vọng.
Tất cả những sức mạnh này (iddhi) cấu tạo nên loại đầu tiên trong năm loại nhận biết trực giác hay trí tuệ nhìn thấu trực tiếp (abhiññā). Nhưng sẽ không đầy đủ nếu chúng ta chỉ nói về những thần thông (iddhi) mà lại không nhắc đến đến bốn nền tảng của thần thông (iddhi-pāda, Tứ như ý túc), mà nếu được nuôi dưỡng và phát huy, bốn nền tảng này không chỉ đóng góp đơn thuần vào cái được gọi sự tiến bộ trong hiện kiếp và hậu kiếp[24], mà chúng đưa đến sự tận diệt tất cả những gì liên quan đến sanh tử luân hồi. Bốn cơ sở này gồm mong muốn hành động (chando, dục như ý túc), năng lượng tinh tấn (viriya, tấn như ý túc), tâm thức (citta, tâm như ý túc), và tư duy phân tích (vīmaṃsa). Mỗi nền tảng trong bốn loại này đều đi kèm với sự tập trung và chiến đấu (samādhi-padhāna- saṅkhāra-samannāgata) với ý định không để cho bản thân quá chậm chạp mà cũng không quá căng thẳng, không quá gò bó ở bên trong mà cũng không quá bị phân tâm ở bên ngoài, để cho tâm luôn tỉnh giác và không bị kìm hãm[25]. Là những kim chỉ nam, chúng chỉ ra lối đi; chúng cũng là tiền đề cho sự như ý và là nguyên nhân trước, chúng trải đường[26] dẫn đến sự tận diệt hoàn toàn của sự đau khổ phiền não[27]
Vì vậy, iddhi là loại nhận biết trực giác (abhiññā) đầu tiên trong danh sách.
Loại nhận biết trực giác hoặc trí tuệ nhìn được xuyên thấu sự vật thứ hai được gọi là thiên nhĩ (dibba-sota-dhātu). Nó được gọi là thiên hoặc là thần thánh vì nó là sự nhạy cảm liên quan đến âm thanh, một sức mạnh tương xứng với bản chất siêu phàm của thần linh, và họ đạt được khả năng này qua những nghiệp thiện[28]. Trên phương diện là một loại trí tuệ thuộc trực giác (abhiññā), nó có thể đạt được qua sự tinh luyện năng lượng và được gọi là yếu tố thính giác (sota-dhātu) vì loại trực giác này không có thể hiện qua hình thức mà đúng hơn nó là một loại nhận thức âm thanh. Với phương tiện thần thông này, đạt được là sự nhận biết về vạn vật, thanh khiết và vượt trội hơn nhận biết của người phàm tục, nhận biết được tất cả âm thanh của chư thiên và loài người, gần hoặc xa[29]. Thần thông này đôi khi được dịch ra thành thuật ngữ nói về khả năng ngoại cảm đó là thấu thính. Vì là năng lực nghe được âm thanh vượt khỏi thế giới vật lý, nó là một năng lực ngoại cảm. Khả năng nghe này có thể được hướng vào trong hoặc hướng ra ngoài. Tiếng có thể được nghe như được phát ra ngoài mặc dù nó nằm trong đầu một ai đó. Khi mà những tiếng nói được nghe dường như thường là chúng sẽ đưa ra những lời chỉ dẫn. Nhưng, trong đa số trường hợp, nếu soi xét những sự tương tác đó kỹ thì sẽ nhận thấy được rằng những người nghe được tiếng nói là những người tự đánh lừa bản thân và họ làm to tác nội dung xuất phát từ chính vô thức của họ.[30] Những ai thành thạo khả năng này hoặc những ai thật sự là ngoại cảm biết rằng những âm thanh hoặc những lời nói mà họ nghe được chỉ là phương pháp tự nhiên để chuyển hóa những thông tin mà họ tiếp nhận được bằng trực giác.
Loại nhận biết trực giác (abhiññā) thứ ba có thể được gọi là “khả năng đọc suy nghĩ” vì nó là khả năng nhận biết suy nghĩ của người khác (paracitta-vijānana). “Với tâm thức của mình, người ấy bao trùm và biết được những suy nghĩ của những chúng sanh khác, của những người khác (parasattānaṃ parapuggalānaṃ cetasā ceto paricca pajānāti[31]). Họ biết tâm dục vọng là như thế nào, và tâm vô dục vọng như thế nào; họ đọc được tâm độc ác, tâm mê đắm, và tâm thoát khỏi những tâm bất thiện đó; tâm cao thượng và tâm thô thiển; tâm trượng phu và tâm tiểu nhân; tâm kỷ luật và tâm buông thả; tâm giải thoát và tâm chưa giải thoát.” Khả năng này đúng là một sự thâm nhập đầu óc (cetopariya) và thâm nhập con tim (cetaso pariya), và nó chỉ nhắm tới suy nghĩ của những chúng sanh khác, tức là “của những chúng sanh còn lại, ngoài người đó ra” (parasattānaṅ ti attānaṅ ṭhapetvā sesasattānaṃ[32]). Ngài Phật Âm tiếp tục giải thích phương pháp để phát huy trí tuệ đó. Từ sự đạt được định bằng đề mục thiền ánh sáng (āloka), người ấy nên quan sát bằng thiên nhãn (dibba-cakkhu) màu sắc của máu trong quả tim vật lý (hadaya-rūpa). Những màu khác nhau chỉ ra những tâm trạng khác nhau. Theo đó, sự vui mừng (somanassa) được thể hiện là màu đỏ như màu của trái mọc trên cây banyan (cây đa); còn sự xót thương (domanassa) làm sậm màu đó lại như màu trái roi; và sự buông xả (upekkhā) cho ra màu vàng như là màu dầu mè.
Loại trí tuệ trực giác thứ tư là thiên nhãn (dibba-cakkhu). Tầm nhìn rõ rệt này vượt trội người thường và nó nhìn thấy được “những chúng sanh đi qua bên kia thế giới và tái sanh, có chúng sanh bị đọa, có chúng sanh thì về cõi lành, có chúng sanh đẹp đẽ, còn chúng sanh khác thì xấu xí, có vui, và cũng có khổ.” [33] Với khả nhìn năng phi thường này mà chúng ta biết rằng chúng sanh rời khỏi cuộc sống kiếp này cùng với nghiệp của họ (yathākammūpage satte pajānāti), những ai đã hàng phục tà đạo trong hành động, lời nói và suy nghĩ được cho là sẽ tái sanh vào cõi địa ngục và những ai có những hành vi đúng đắn trong hành động, lời nói, và suy nghĩ được cho là sẽ tái sanh ở những cõi đầy niềm vui sướng. Do đó, thiên nhãn là một loại nhận biết mà nhờ nó chúng ta biết được sự chuyển kiếp và tái sinh của chúng sanh (cutūpapātañāṇa[34]). Loại nhận biết này là một tác nhân cho sự thanh lọc tầm nhìn của bản thân thành chánh kiến (diṭṭhi), vì những ai chỉ thấy được cái chết của chúng sanh mà không thấy được sự tái sinh của chúng thì sẽ cho rằng quan điểm vật chất huỷ diệt thuần túy là đúng, trong khi những ai chỉ nhận thức được sự hiện hữu của chúng sanh có thể sẽ kết luận rằng chỉ có kiếp sống này và một kiếp sống duy nhất. [35]
Cũng cùng chương đó, ngài Phật Âm đã đưa ra một số lời nhận xét mở đầu về những tiêu chuẩn sơ bộ và cần thiết cho sự phát triển thiên nhãn thông. Chỉ có ba đề mục thiền (kasiṇa, xem mục cùng tên) được cho là phù hợp cho mục đích trên: đề mục lửa (tejo–kasiṇa), đề mục màu trắng (odāta-kasiṇa), và lỗ hổng ánh sáng (āloka–kasiṇa).[36] Tuy nhiên, sự nhập định (jhāna) không nên được xảy ra, vì trong trạng thái nhập định sâu như vậy sự nhận biết trực giác sẽ không phát sinh. Nhưng, sự tập trung tập trung tâm trí vào đề mục ở viền ngoài (tiếp cận định chứ không nhập định) (upacārajjhāna), nên được làm nền tảng cho sự phát triển thiên nhãn. Tuy nhiên, công việc tiếp cận nhưng không nhập vào định chỉ kéo dài trong vòng một thời gian ngắn, và khi sự nhập định bị ngăn chặn thì việc tiếp cận định cũng sẽ nhanh chóng bị gián đoạn. Vì thế, công việc hành thiền căn này cần thiết cho sự thiền quán (pādakajjhāna) phải được thực hành lập đi lập lại cho đến ánh sáng từ từ thu vào một chỗ và nằm ở một chỗ được xác định trước. Sau đó, những vật thể không nằm trong phạm vi tập trung của con mắt vật lý (maṃsacakkhu) sẽ xuất trong phạm vi tập trung của con mắt trí tuệ (ñāṇacakkhu).
Thiên nhãn có thể được tiếp nối với yathā-kamūpaga-abhiññā là một sự nhìn thấu phi thường thấy được sự kiện diễn ra theo dòng nghiệp, theo đó một sự kiện cụ thể diễn ra trong quá khứ được nhìn ra; hoặc thiên nhãn thông phát triển thành anāgataṃsa-abhiññā, một loại nhận biết trực giác, mà với nó một sự kiện về tương lai có thể được nhìn ra.
Không nên nhầm tưởng anāgataṃsa-abhiññā với khả năng tiên tri (anāgataṃsa-ñāṇa), một năng lực chỉ dành riêng cho Đức Phật, người duy nhất có thể cân nhắc tất cả khả năng có thể xảy ra. Năng lực tiên tri này có đôi khi được xem là một abhiññā, và vì vậy mới có trường hợp bảy thần thông: sattābhiññā[37] không chỉ là sáu. Đức Phật, trong lúc Ngài kể về những trải nghiệm của Ngài những ngày trước khi Ngài giác ngộ[38], đã nói về việc khi mà sự tổng giác và sự nhận biết phai dần, Ngài đã phát hiện ra nguyên nhân là do sự nghi ngờ phát sinh trong tâm Ngài và điều đó phá sự tập trung vào định của Ngài, rồi Ngài lần dần dần ra được những vấn đề khác như sự thiếu sót trong tư duy, sự bối rối và lo âu, sự sợ hãi, sự hưng phấn, những suy nghĩ không trong sạch, đến sự nỗ lực quá trớn hoặc là quá buông lơi. Chỉ sau khi Ngài đã loại trừ được tất cả những phiền não (kilesa) này, lúc đó Ngài mới có thể phát huy định của mình trong nhiều cấp độ quán chiếu.
Khả năng nhớ lại vô lượng kiếp (pubbenivāsānussati) là sự nhận biết trực giác thứ năm và cuối cùng của những sự nhận biết hiệp thế (lokiya-pañcābhiññā). Với sức mạnh thần kỳ này, một người có thể triệu về tâm trí những kiếp sống trước qua nhiều đại kiếp tiến hóa (saṃvaṭṭakappa) và những đại kiếp suy tàn (vivaṭṭakappa), và với mỗi kiếp người đó có thể nhớ được tên, thị tộc, giai cấp, những thú vui và nỗi buồn, và nhớ toàn bộ chi tiết và hoàn cảnh của kiếp đó.[39] Giác quan ngoại cảm này, cho dù là phi thường, nhưng không phải là một thứ gì đặc biệt. Kể cả ngài Phật Âm năng lực này cũng được tìm thấy ở trong những bộ giáo tôn phái khác (titthiyā[40]), nhưng với một số giới hạn và hạn chế riêng. Để phát triển khả năng này, người mới bắt đầu cần phải lần ngược lại trật tự của dòng nghiệp, những hành động được làm mỗi ngày. Mức độ ý thức bình thường của người này, do được rèn luyện khả năng quan sát những gì thấy được, sẽ trở nên nhạy cảm hơn sau sự rèn luyện sơ bộ này; và, khi ý thức được phát triển thành sự nhật biết trực giác, tư duy có thể nhìn nhận xa hơn đoạn liên kết giao nhau giữa sự sống và cái chết, là điểm mấu chốt của sự tái sanh, bằng cách hướng sự tập trung vào điểm “danh sắc” (nāma-rūpa) là vật chất chuyển thể thành tâm thức, xảy ra lúc lâm chung. Vì quá trình quan sát ở trên mà sự nhận biết này còn được gọi là nhận biết cái chết và tái sinh (tiếp theo) của bản thân (sattānaṃ cutūpapāte ñāṇa[41]), và điểm này nhận biết này giống với thiên nhãn (dibba-cakkhu), nhưng với sự khác biệt là khả năng nhớ tiền kiếp áp dụng lên vòng sanh tử của bản thân (saṃsāra), trong khi thiên nhãn có thể nhìn lướt qua quá trình tái sinh của những chung sanh khác chỉ trong thời điểm hiện tại.
Bốn tốc độ tiến triển (paṭipadā) được liệt kê, dựa trên việc sự tiến triển diễn ra một cách khó khăn (dukkhā-paṭipadā) hoặc dễ dàng (sukhāpaṭipadā), và sự xuất hiện của trí tuệ nhìn thấu chậm (dandhābhiññā) hoặc nhanh (khippābhiññā).[42] Sự tiến triển này được giải thích trong Atthasālinī (Luận Thù Thắng Nghĩa) và nó được liên kết với sự tiến triển trong thiền định (jhāna). Sự nhìn thấu mà là kết quả của sự rèn luyện hướng dẫn tâm đi từ tiếp cận định đến nhập định hoàn toàn được gọi là trí tuệ nhìn xuyên thấu trực tiếp hoặc là trực giác hoặc là sự nhận biết phi thường (abhiññā). Sự xuất hiện của sự nhận biết này có thể chậm chạp, yếu ớt, và cần nhiều thời gian công sức đối với một số người, trong khi nó thể xuất hiện nhanh chóng, mạnh mẽ, và không cần quá nhiều thời gian công sức. Những người thuộc nhóm đầu cần rất lâu để đạt được những quả của thiền định, trong khi nhóm người thứ hai chứng đắc nhanh”[43]. “Đây không chỉ đơn thuần là một quá trình tư duy, là một quá trình rèn luyện theo một hệ thống khái niệm khách quan và xác thực.”[44] Trong quá trình này, đòi hỏi trí tuệ hơn là lý luận, nhận biết hơn là kiến thức, thấu hiểu hơn học hỏi, đón nhận vào bên trong hơn là chỉ tiếp nhận thông tin nông cạn, và do vậy nhiều thực hành áp dụng hơn là suy đoán.
Việc sử dụng thần thông một cách tích cực là một phần của tổng thể một cá nhân có phát triển về mặt tâm linh. Nhưng nó chỉ là một phần của cái tổng thể. Là một điều phải, khi những đệ tử Đức Phật đã được cảnh báo về sự mưu cầu phát triển thần thông như một mục đích cứu cánh. Những thần thông chỉ là một phần phụ trong một hành trình to lớn hơn, đó là hành trình tìm chân lý. Đã có những trường hợp mà đỉnh cao của sự Thánh Thiện đã đặt chân đến mà không cần tập trung phát triển bất cứ thần thông nào. Ngài Cakkhupāla (Hộ Nhãn), một vị A-la-hán mù, là một ví dụ kinh điển[45] cho việc thần thông chỉ là một phương tiện chứ không phải cứu cánh, trong khi Đề-bà-đạt-đa là một ví dụ kinh điển về một người có thần thông nhưng đã phí phạm nó bởi sự thiếu sự kiểm soát chính mình.
Nhưng sự chứng đắc đỉnh cao của sự toàn giác qua sự tận diệt tất cả lậu hoặc (āsavakkhaya), lậu tận thông, là trí tuệ xuyên thấu (abhiññā), mà không chỉ là một khả năng phi thường mà còn có thể được gọi là siêu thế, trên phương diện trí tuệ siêu thế này đã vượt lên trên tất cả những hạn chế và những sự nhu nhược thuộc bản chất con người. Vì thế, sự nhận biết về sự tiêu diệt hoàn toàn của tất cả lậu hoặc (āsavakkhaya-ñāṇa[46]) thường được kèm vào danh sách sáu năng lực trực giác phi thường, lục thông (chaḷ-abhiññā). Những lậu hoặc (āsava), sự mê lú của tâm, thường được liệt kê bao gồm bốn loại: dục lậu hoặc mê lú bởi sự vui thú giác quan (kāma), hữu lậu hoặc sự mê lú bởi sự sống hoặc ham muốn tái sanh (bhava), kiến lậu hoặc sự mê lú bởi quan điểm hỗn loạn (diṭṭhi), và vô minh lậu là sự mê lú bởi sự vô minh (avijjā)[47]. Sự hủy diệt những lậu hoặc tức khắc dẫn đến quả vị A-la-hán, là quả vị tối cao của đạo siêu thế (lokuttara-magga). Vì vậy, thần thông thứ sáu thuộc về thể loại trực giác siêu thế thứ hai (lokuttara-abhiññā). “Lậu thông được tận diệt, người ấy vào và an trú trong sự giải phóng của tâm thức, trong sự giải phóng của nhận biết không bị trói buộc bởi lậu hoặc và được chứng đắc bởi chính trí tuệ của người ấy ngay trong kiếp này” (āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññā-vimuttiṃ diṭṭhe va dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati)[48]. Trí tuệ trực giác tâm linh này cung cấp sự thấu hiểu về năm yếu tố dẫn đến sự bám víu (pañcūpādānkkhandhā, năm thủ uẩn), tức là khi sự hiện hữu bị đồng hóa với sự chấp trước; sự thấu hiểu này dẫn đến sự từ bỏ sự vô minh và sự khao khát sự tái sinh; nó cũng dẫn đến sự nảy mầm tâm bình an (samatha) và sự nhìn xuyên thấu (vipassanā); và nó cũng đem lại sự thành tựu của trí tuệ và sự giải thoát.[49]
Trong số bốn mươi đề mục thiền, mười đề tài tùy niệm (anussati) gồm có Phật, Pháp, Tăng, giới hạnh, sự buông bỏ, chư thiên, hơi thở, cái chết, thân thể, sự tĩnh lặng, và mười đề mục này đã được Đức Phật tuyên bố là dẫn đến trí tuệ trực giác (abhiññā), đến sự giác ngộ viên mãn (sambodha), và Nibbāna (Niết Bàn)[50]. Sáu loại thần thông (abhiññā) cũng là một phần của tám loại vijjā (chánh tri), hai loại kia gồm trí tuệ xuất phát từ sự xuyên thấu (vipassanā-ñāṇa) và sự hiệu lực (iddhi) của những hình ảnh tâm thức. Gộp tất cả lại chúng hình thành những trạng thái cùng có phần và liên kết với trí huệ (vijjābhāgino)[51] vì chúng khởi như là những bộ phận và phần của trí huệ[52], cho dù có đôi khi chỉ có trí tuệ xuất phát từ sự nhìn thấu được nhắc đến, thay vì là nguyên chuỗi tám thành phần[53].
Có lúc được nhắc đến (ví dụ như, A. III, 334) về phương diện liên quan đến đề tài trí tuệ siêu thế là sáu trạng thái của trí huệ: khái niệm về vô thường (anicca-saññā), về phiền não bởi sự vô thường (anicce-dukkha-so), về sự vô ngã của phiền não (dukkha-anatta-so), những khái niệm về sự buông bỏ (pahāna-so), về sự không dục vọng (virāga-so), và về sự chấm dứt (nirodha–so). Những nhân tố này tạo thành một tập hợp khác với công thức trong hệ thống Thắng Pháp và không có nhắc gì đến abhiññā.
Tầm quan trọng của sự phát triển trí tuệ trực giác có thể được thấy trong những danh sách những đức hạnh hay được nhắc đến, và chúng được miêu tả với mục đích là sự buông bỏ và những sự miêu tả về sự phát triển tâm linh cũng không nằm ngoài mục đích đó, và sự phát triển đó đi theo thứ tự từ sự buông bỏ chấp dần dần những quả vị của thiền định (jhāna), dẫn đến sự giải thoát tột đỉnh thông qua sự vô chấp hoàn toàn (ekanta-nibbidā), sự phai dần (virāga), sự chấm dứt (nirodha), sự bình an (upasama), trí tuệ nhìn xuyên thấu trực tiếp (abhiññā), đến giác ngộ (sambodha) và đến Niết Bàn.[54]
H. G. A. VAN ZEYST.
[1] S. V, 179.
[2] D. III, xxix, Pāsādika Suttanta, trang 137; S. II, 223 .
[3] D. III, xxi, Sakka-pañha Suttanta, trang 285.
[4] Abhs. JPTS. 1884, trang 45
[5] Vbh. 334
[6] Abhvt. 108.
[7] D. I, 213
[8] Vin. II, 185 ; DhA. I, 139.
[9] Vin. II, 112.
[10] Vin. III, 91.
[11] Vism. xü, §§ 20-26, trang 318-9.
[12] S. III, 15.
[13] Vin. II, 185 ; DhA. I, 139.
[14] Thag. câu kệ 1183.
[15] Vism. xii, § 135, trang 341.
[16] Vism A. 398.
[17] Vism. xii, § 67, trang 327 ; Vism A. 390
[18] MA. IV, 190 ; Vism. xii, § 27, trang 319.
[19] Ud. 39.
[20] D. I, 78
[21] S. Ill, 15-18.
[22] Vism. xii,, § 45, trang 323
[23] Ps. I, 112 ; II, 205 ; Vism. xii.
[24] S. V, 252.
[25] S. V, 264 f
[26] Vism. xxii, § 36, trang 583.
[27] S. V, 255.
[28] Vism. xxii, §2, trang 343.
[29] D. I, 79; III, 281; A. III, 15.
[30] Phoebe Payne: Man’s Latent Powers, trang 153.
[31] D. I, 79; III, 281; A. III, 16.
[32] Vism. xiii, §8, trang 344.
[33] D. III, 281; A. III, 17.
[34] Vism. xiii, §72, trang 357.
[35] ibid, §74.
[36] Vism. xiii, §95, trang 361.
[37] Abhvt. 108.
[38] Upkkilesa Sutta: M. III, trang 158-162.
[39] D. I, 81; III, 281; A. III, 16.
[40] Vism. xiii, §15, trang 346.
[41] Vtk. 334
[42] D. III, xxxiii, Saṅgīti Suttanta, trang 228; D. III, xxviii, Sampasādanīya Suttanta, trang 106.
[43] Expositor, I., 244
[44] C. A. F. Rhys Davids: Buddhist Manual of Psychological Ethics, trang 17-18, note 2.
[45] DhpA. I, 1.
[46] Vbh. 334.
[47] Dhs. § 1448.
[48] D. III, 281; A. II, 246.
[49] A. II, 246.
[50] A. I, 30.
[51] Dhs § 1296.
[52] Dhs A. 50.
[53] D. I, 76.
[54] D. III, xxix, Pāsā Suttanta, trang 132: Ps. I, 47.