ABHIMUKĪ (Hiện tiền địa)
ABHIMUKĪ (Hiện tiền địa), (“mặt đối mặt”; “hướng về”) là tên cho quả vị tu chứng thứ 6 trong mười Bồ-tát địa, (Thập Địa Bồ-tát) hoặc là những bậc trong quá trình phát triển tâm linh của những vị Bồ-tát (Daśabhūmika Sūtra (Kinh Thập Địa), 5; Mhvyut. 31. 6; Dhsṃg. v. 64). Kinh Sūtralaṅkāra giải thích rằng bhūmi (Địa), này được gọi tên là Abhimukī vì vị Bồ-tát nào, khi hành trì Trí Tuệ Ba-la-mật-đa, thì đang đứng mặt đối mặt với cả hai Samsāra (vòng luân hồi) và Niết-bàn (giải thoát) (so sánh với bộ The Bodhisattva Doctrine (Giáo Lý Bồ-tát), H. Dayalal, 289). Nhưng vị luận sư Chandrakirti (Nguyệt Xứng) cho rằng Địa, này được gọi là Abhimukī vì ai đạt được quả vị tu chứng này hiểu được “bản chất sự vật như là nhìn vào sự phản chiếu của một tấm gương”; và vì “cấp bậc tu chứng này hướng về bản chất của những Đức Phật hoàn hảo” (Madhyamakāvatāra, Le Muséon, 272).
Cấp bậc này trong quá trình phát triển tâm linh của một vị Bồ-tát chứng đắc được khi vị hiểu mười khía cạnh bình đẳng và giống nhau của tất cả vật thể và hiện tượng (dharmasamatā-pháp bình đẳng), tức là tất cả vật thể và hiện tượng đều vô tướng (animitta), vô tánh (alakṣaṇa); không có nguồn gốc (anutpāda) và không sanh (ajāta); tịch tịnh (vivikta) và bổn tánh thuần khiết (ādiviśuddhi); không thể diễn tả bằng ngôn từ (niṣprapañcā); không được chấp nhận hay ruồng bỏ (anāvyūhānirvyūha); như là một giấc mộng, một ảo giác, một âm vang, hình ảnh mặt trăng trên mặt nước, một hình tượng, và ảo thuật (māyāsvapnapratibhāsaptiśrutkodakacandrapratibimbirmāṇa); và chúng vượt khỏi quan điểm nhị nguyên phân chia vạn pháp thành hiện hữu và vô hiện hữu (bhāvābhāva). Khi một vị Bồ-tát khi nhìn mọi thứ bằng pháp bình đẳng, vị ấy có một khả năng lãnh thọ được trí tuệ sâu xa (anulomikākṣānti). Vị đã nắm bắt hoàn toàn lý duyên khởi (pratītyasamutpāda). Vị ngộ được rằng tất cả pháp bất thiện đều do tâm sanh ra. Vị hiểu được rằng tất cả sự vật đều vô tánh và vô tướng. Vị đã hoàn toàn không còn tham ái. Vị đã từ bỏ được tất cả những khái niệm “Ta” và “Họ,” “Người Làm,” “Người Biết,” “Hiện Hữu, và “Vô Hiện Hữu.” Vị đó đã cắt đoạn tất cả liên kết với những yếu tố “hợp thành” và đạt được định (samādhi) nhìn thấu được tánh “không” (śūnyatā). Tâm trí của vị vững chắc, kiên định, thâm thúy, và tinh khiết; và vị kiên quyết đặt mình về hướng trí tuệ của chư Phật. Đặc biệt vị tập trung phát huy Trí Tuệ Ba-la-mật-đa (prajñā-pāramitā), tất nhiên là không sao lãng những hạnh Ba-la-mật-đa khác (so sánh với Daśabhūmika Sūtra (Kinh Thập Địa), 47-54). Sự chuẩn bị cho sự chứng đắc cấp bậc này trong quá trình phát triển tâm linh gồm 12 thành phần, gồm có thành tựu sáu hạnh Ba-la-mật-đa (prapurāṇa), Bố Thí Ba-la-mật-đa (dāna), Trì Giới Ba-la-mật-đa (silā), Nhẫn nhục Ba-la-mật-đa (kṣama), Tinh Tấn Ba-la-mật-đa (vīrya), Thiền Định Ba-la-mật-đa (dhyāna), Bát Nhã Ba-la-mật-đa (prajñā); từ bỏ việc muốn trở thành Thanh Văn (śrāvakas) và Độc Giác Phật (pratyeka-buddhas); sự xua tan nỗi sợ phát sinh từ sự nhận biết tánh không (svabhāvānupalambhottrāsacittasya varjanena); sự hủy bỏ sự hạn chế trong việc độ tất chúng sanh; sự hủy diệt sự nản lòng về việc phải buông bỏ hết tất cả những tư hữu; và sự kìm nén suy nghĩ từ chối độ chúng sanh, mặc dù nghèo khổ (Abhisamayālaṅkārāloka, GOS. LXII, trang 97).
Tuy nhiên, nến được lưu ý rằng theo như bộ Mahāvastu (Đại Sự) cái tên của bhūmi (Địa), thứ sáu này là Rūpavatī (‘Đẹp,’ ‘Yêu Kiều,’ ‘Có Hình Tướng’: Mhvu. I, 76). Khi vị Bồ Tát đi từ Địa thứ 5 đến Địa thứ 6, vị nhận ra ‘dòng xoáy’ thế gian là quá ư đau khổ, và quá ít niềm vui và sự thỏa mãn (ibid. 121). Có hai cách mà những vị Bồ-tát quyết tâm chứng Giác Ngộ có thể sa ngã và thất bại trong việc chuyển tiếp từ Địa thứ 6 sang Địa thứ 7, đó là đố kỵ với những ai chứng đắc được quả Diệt Tận Định (nirodha-samāpatti), trong đó những cảm giác và sự phân biệt thô thiển liên quan đến tâm thức sơ cấp tinh thần đã chấm dứt. Cách thứ hai là, trong trường hợp không có những Vị Phật hoàn bị ở tại thế, không lắng nghe một cách cung kính và chú tâm đến những vị thánh thần, và cho rằng, “Ta là người đại lượng đem lại hòa bình” (ibid. 127).