ABHIDHAMMATTHA-SAṄGAHA
ABHIDHAMMATTHA-SAṄGAHA. (Thắng Pháp Tập Yếu Luận Luận) Tác phẩm này là một bản tóm tắt (saṅgaha) về ý nghĩa (attha) của triết lý Phật giáo (Thắng Pháp). Nó là một cuốn sách hướng dẫn được biên soạn bằng tiếng Pali từ thế kỷ thứ 8 A.C., nhưng chỉ được sử dụng như một cuốn sách giáo khoa cho các học viên của Thắng Pháp vào thế kỷ 12. Tác phẩm là một chuyên luận hết sức cô đọng và được dùng phổ biến như một cuốn sổ tay. “Thậm chí cho đến ngày nay, cuốn cẩm nang này vẫn được đánh giá có thể là cao nhất ở cả Tích Lan lẫn Miến Điện, được luận giải và dịch ra tiếng Miến Điện nhiều hơn bất kỳ văn bản nào khác của Thắng Pháp.”[1] Tên của tác giả luôn được ghi là A-nậu-lâu-đà, theo truyền thống của người Miến Điện, là một trưởng lão (thera) Tích Lan trú tại thành Polonnaruwa trong tịnh xá Mūlasoma. Người ta không biết gì thêm về ông ngoại trừ việc ông là tác giả của hai cuốn sách khác, Paramatthavinicchaya và Nāmarūpapariccheda, và có thể là cả cuốn Anuruddha Śataka.[2]
Bốn bản phụ chú giải đã được soạn về cuốn tập yếu này, hai bản ở Tích Lan gồm Porāṇa-ṭīkā của trưởng lão Nava Vimalabuddhi và Abhidhammattha-vibhāvanī của trưởng lão Sumaṅgala, hai bản ở Miến Điện, Saṅkhepa-vaṇṇanā của ngài Saddhamma Jotipāla và một gần đây, Paramatthadīpanī Ṭīkā, của Ledi Sayadaw.[3]
Mặc dù Thắng Pháp Tập Yếu Luận Luận trong chương cuối ít nhiều có cùng phạm vi chủ đề giống cuốn Thanh Tịnh Đạo của ngài Phật Âm, khó có thể so sánh hai tác phẩm với nhau được. Bởi vì, trong khi Thanh Tịnh Đạo xử lý chủ đề bằng việc sử dụng nhiều thần thoại cùng vô số chi tiết lịch sử và tưởng tượng, thì Thắng Pháp Tập Yếu Luận lại được biên soạn một cách rất súc tích về chủ đề, khó có thể gọi người biên soạn bộ sách là một “tác giả” của bản tập yếu, bởi tác phẩm giống một mục lục khái quát hơn nhiều. Hơn nữa, trong Thanh Tịnh Đạo, ngài Phật Âm đã mang đến một tác phẩm thực hành chuẩn mực về phương pháp tu tập đến đắc thánh quả nhờ giới hạnh và thiền định. Suy cho cùng đó chính là đạo đức, dù cách ngài đề cập đến vấn đề theo hướng tâm lý học. Ngược lại, ngài A-nậu-lâu-đà trong tập Thắng Pháp Tập Yếu Luận lại đưa ra một phân tích thuần lý thuyết với sự ngắn gọn gần như tối giản.
Tác phẩm có thể được gọi là một Tập san, nhưng vì bản tóm tắt này quá ngắn gọn nên dễ gây khó hiểu. Trong một cuốn sách nhỏ, toàn bộ chủ đề chứa trong bảy tập sách về luân lý học của Thắng Pháp đã được đúc kết và tổng hợp, đề cập đến cả nhận thức đạo đức và phi đạo đức, được kinh nghiệm bằng các giác quan, sắc, vô sắc và siêu việt; các tâm sở (cetasika), được phân tích và sắp xếp theo trạng thái tinh thần mà chúng xảy ra; tiến trình nhận thức được trình bày chi tiết trong mười bảy khoảnh khắc tư tưởng; đời sống trong các cảnh giới khác nhau do nghiệp quả và tái sanh ; nhiều dạng tướng, nguyên nhân, nhóm và đặc tính của vật chất có thể vi tế đến mức chỉ còn là sắc (rūpa); các quy luật chi phối nhân duyên và quan hệ qua lại; và phương tiện rèn luyện tâm trí và phát triển tâm linh khác nhau.
Tất cả điều này được cô đọng trong chưa đầy 50 trang giấy. Sự ngắn gọn này gây khó hiểu với những độc giả cư sĩ không chuyên, nhưng cần nhớ rằng cuốn sách này không phải là một cuốn sách diễn giải. Chính người biên soạn đã nói trong những câu thơ mở đầu:
“Bây giờ xin phép tóm tắt ngắn gọn những tri thức chứa trong Thắng Pháp”.[4]
Và ngài tiếp tục liệt kê bốn phạm trù được đề cập trong bản tóm tắt này: thức (viññaṇa), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) và giải thoát (nibbāna). Bên cạnh đó, mỗi chương và mục mà từng phần trong bốn phạm trù này được chia nhỏ, được tổng hợp bằng một câu kệ đưa ra điểm cốt yếu nhất nhằm mục đích ghi nhớ nội dung. Như vậy, mười hai loại tâm bất thiện (akusala citta) sẽ được ghi nhớ như sau:
Aṭṭhadhā lobhamūlāni dosamūlāni ca dvidhā
mohamūlāni ca dve’ti dvādasākusalā siyuṃ.
(Tám có gốc từ tham,
Hai là hạt giống sân,
Hai do si mê buộc ràng,
Mười hai tâm bất thiện có trong mọi sự).
Sau khi đề cập một cách tóm tắt đến tám mươi chín loại thức (có thể phát triển thành một trăm hai mốt bằng cách phân chia từng loại trong tám thức siêu việt thành năm tiểu loại, từ đó tạo thành bốn mươi loại thức thay vì tám), tiếp đó,
Thắng Pháp Tập Yếu Luận chuyển sang phân loại năm mươi hai tâm sở (cetasika), bảy trong số đó là chung cho mọi suy nghĩ, sáu tâm ngẫu nhiên, mười bốn tâm luôn gắn với suy nghĩ không thiện xảo và hai mươi lăm là chung cho mọi các trạng thái thẩm mỹ của tâm. Những sự kết hợp khác nhau của các tâm sở tạo ra vô số trạng thái tâm thức hoặc tiến trình suy nghĩ phong phú, điều khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ óc phân tích tâm lý nhạy bén vào thời điểm sơ khai như vậy. Xem giải thích đầy đủ về các tâm sở tại CETASIKA.
Phần tiếp theo của cuốn sách đề cập đến những yếu tố đi kèm với từng trạng thái thức khác nhau. Theo đó, các ấn tượng giác quan có thể được chia thành sáu giác quan hoặc theo bản chất của ấn tượng là thích thú, đau đớn, vui mừng, đau khổ hoặc thờ ơ, điều này lại đưa đến một sự đa dạng trong các cách kết hợp và loại trừ lẫn nhau. Như vậy “trong số ấn tượng giác quan là kết quả của những việc làm đạo đức (thực hiện trong một tiền kiếp), chỉ có một loại được đi kèm bởi cảm giác dễ chịu (kāyika-sukha), đó là ấn tượng xúc giác” (III, 2).
Còn có một cách phân loại tư tưởng khác dựa vào nguồn gốc mà một tư tưởng khởi sanh: tham lam, sân hận, ngu si, thờ ơ, cảm tình và khôn ngoan, dù mười tám loại thức được đề cập không phụ thuộc vào bất kỳ gốc rễ nào kể trên, tức khi tư tưởng chưa chín muồi. Chi tiết, xem HETU.
Tiếp theo là phần tóm lược về thức dưới khía cạnh chức năng (kicca), cửa giác quan hay căn (dvara), đối tượng giác quan hay trần (arammana), và xứ (vatthu).
Phần IV của Thắng Pháp Tập Yếu Luận đề cập đến tiến trình nhận thức và các giai đoạn mà một đơn vị hoạt động riêng lẻ của tâm hay sát-na tư tưởng diễn ra, đó là sơ khởi, phát triển và đoạn diệt. Mười bảy sát-na tư tưởng của ba giai đoạn đó trở thành khoảng thời gian diễn tiến thông thường của một hiện tượng vật chất. Thật thú vị khi lưu ý rằng “Các Phật tử từng nói rằng vật chất kéo dài trong mười bảy sát-na tư tưởng”.[5] Cái kéo dài đó là vật chất, không phải tư tưởng!
Theo sau quá trình phân tích về sự sanh diệt của tư tưởng là phần đề cập đến sự tái sinh, tức là các cảnh giới khác nhau của đời sống, bốn trạng thái tái sanh và mười sáu loại nghiệp dẫn đến tái sanh.
Vật chất và 28 đặc tính của vật chất được phân tích trong Phần VI. Chi tiết xem RŪPA.
Tất cả các trạng thái khác nhau nêu ra trong tác phẩm cho đến lúc này này thuộc Phần VII và được phân loại vào các nhóm. Đầu tiên có các nhóm ác, nhóm hỗn hợp và những nhóm liên quan đến giác ngộ (bodhi).
Phần VIII đề cập đến các mối quan hệ, đầu tiên là sự sinh khởi và hoại diệt của các mối quan hệ theo luật duyên khởi (paṭicca aamuppāda) như thường bắt gặp trong Kinh tập, sau đó là hệ thống tương quan tương hỗ, tạo thành chủ đề của bộ Patthana (Vị Trí), tập cuối cùng hay “Đại Thư” của Thắng Pháp Tạng.
Phần kết luận đề cập đến việc tu dưỡng tâm trí, bốn mươi bài tập thiền định (bhāvanā), các trạng thái thiền định (jhāna) và thắng trí (abhiññā), tất cả đều mang đến sự chỉ tịnh (samatha) của tâm. Tuy nhiên, tuệ giác thực sự (vipassanā) chỉ đạt được trên con đường thanh tịnh đạo đức, tư tưởng, tri kiến, hoài nghi, nhận thức sáng suốt, kiến thức và tuệ giác, bằng cách tập trung vào những dấu hiệu nổi bật hay tính chất của vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā).
Sự giải thoát (vimokkha) có thể đạt được thông qua sự thấy rõ hay tuệ giác khi quán chiếu một trong ba yếu tố này, được gọi là ba cánh cửa giải thoát (vimokkhamukha).
H. G. A. v. Z.