ABHIDHAMMĀTHAVATĀRA

ABHIDHAMMĀTHAVATĀRA, một quyển sách, như được gợi ý từ chính cái tên của nó, liên quan đến ‘việc giáng trần của Thắng Pháp’.  Theo tác giả của nó, nó được viết ra nhằm giúp Chư Tăng có được sự thiện xảo quan đến phần cao quý nhất của kinh điển[1], và về bản chất được cho là giống như những điều mà Đức Phật đã thuyết giảng cho hội chúng chư thiên ở trên cõi trời[2].  Tác giả nói, đó là phương thuốc không bao giờ vơi cạn (hatthasāraṃ), dành cho Chư Tăng tuyên xưng Thắng Pháp[3].

Quyển sách này gồm 24 chương, trong đó 16 chương hoàn toàn bằng kệ, 1 chương hoàn toàn bằng văn xuôi và 7 chương là sự kết hợp giữa văn xuôi và kệ.  Nhưng mô hình này không thể hiện trình tự xuất hiện của các chương này.

Các chương thường được gọi là niddesa (nghĩa thích) và như sau:- (1) Citta niddesa; (2) Cetasika niddesa; (3) Cetasikavibhaga niddesa; (4) Ekavibhādi n°; (5) Citupatti n°; (6) Ārammavibhāga; (7) Vipākacittapavatti n°; (8) Pakinnaka n° ; (9) Punnavipdkapaccaya n° ; (10) Rūpavibhāga ; (l1) Nibbāna n° ; (12) Pannatti n°; (13) Kārakaptivedha; (14) Rūpāvacara-samididhi-bhāvanā n° ; (15) Arūpāvacara-samādhi-bhāvanā n°; (16) Abhinnã n° ; ( 17) Abhinnārammana n° ; (18) Ditthivisuddhi n°; (19) Kankhāvitaranavisuddhi n° ; (20) Maggāmagganadasanavisuddhi n° ; (21) Patipadananadassanavisuddhi n° ; (22) Nānadassanavisuddhi n° ; (23) (a) Kilesapahāna kathā; (b) Saccabhisamaya kathā; (24) Paccaya n°.

Chương đầu phân tích tâm (citta) thành 89 loại; 21 loại trong số này được cho là thiện (kusala), 12 bất thiện (akusala), 36 quả (vipāka) và 20 phi quả (kriyā).  Chương 2 liệt kê các tâm sở (cetasīkā) liên quan đến các loại tâm thức cụ thể được phân loại trong chương đầu.  Trong chương 3, mỗi tâm sở này được liệt theo loại tâm thức cụ thể mà nó có liên quan.  Tuy nhiên, số loại tâm thức ở đây được coi là bao gồm tổng cộng 121.

Chương 4 bàn luận về tâm, được xem xét theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như có điều kiện, thiện lành, quả báo, v.v, hoặc như những mặt đối lập của chúng.  Chương 5 phân loại các loại tâm theo địa  (bhūmi) và ngã (puggala) được sinh ra từ chúng.  Chương 6 liệt kê các sở duyên (ārammaṇa) tương ứng với từng loại trong số nhiều loại tâm thức.  Chương 7 đề cập đến các loại tâm quả, cùng sự sinh khởi và tiếp tục của chúng.  Chương 8, mặc dù được gọi là chương pakiṇṇaka hay hỗn tạp, bàn luận về tâm ở khía cạnh Hành của nó, chỉ ra cách trình bày các trần cảnh cho tâm và quá trình hình thành ý tưởng sau đó. Tâm ở đây được ví như con nhện giăng mạng nhện khắp năm hướng.

Chương tiếp theo, chương 9, đề cập đến các tâm hành, cả thiện và bất thiện, 32 loại tâm quả hiện diện vào lúc và xuất hiện ngay cả sau thời điểm tái sinh, cũng như các nhân duyên của chúng liên quan đến các trạng thái hiện hữu liên quan.  Chương 10 phân tích về sắc (rūpa), trong khi chương 11 giảng giải về Chân hay Niết-bàn. Chương mười hai bàn luận về ý nghĩa của paññatti hay nội hàm.  Chương mười ba giảng giải về quan hệ nhân quả và liên quan đến việc phủ nhận một thực thể trường hằng, chẳng hạn như linh hồn, được cho là kẻ thực hiện mọi hành động dẫn đến những quả báo mà nó thọ nhận.


Chương 14 và 15 lần lượt mô tả phương pháp của định sắc giới (rūpāvacara-samādhi) và định vô sắc giới (arūpāvacara-samādhi), trong khi chương 16 liệt kê năm phép thần thông siêu phàm (pañc’ abhiñña).  Tuy nhiên, chương này còn cung cấp hai phép thần thông khác – anāgataṃsa-ñāṇayathākammūpaga-ñāṇa – được cho là có khả năng được cảm ứng thông qua thiên nhãn thông (dibbacakkhu).  Tiếp theo là chương 17, bàn luận về sự vận hành của cả bảy phép thần thông siêu phàm này.

Tiếp theo là chương 18, giảng giải về sự phát triển trí tuệ  (pañña) hay tuệ giác.  Chương sau (chương 19) giảng giải về cách hành giả dứt trừ mọi nghi ngờ – những nghi ngờ liên quan đến nhân quả về cả danh và sắc được tính theo ba thời kỳ.  Và hành giả sở hữu trí tuệ như vậy được mô tả ở đây là ‘Nhập lưu’ (Tu-đà-hoàn) (culla-sotāpanna).  Chương 20 bàn luận về sự thanh lọc trí tuệ và tuệ giác liên quan đến chánh đạo và tà đạo (maggāmagga), trong khi chương 21 cũng đề cập đến phương pháp hay con đường (đạo) của sự thanh lọc như vậy.  Tiếp theo, trong chương 22, bốn loại trí tuệ liên quan đến con đường giác ngộ được liệt kê và chương 23, gồm hai phần, phần 1 đề cập đến các phiền não nhất thiết phải được gột rửa và sau đó là nhận thức, buông bỏ, chứng ngộ và tu tập nội tâm xảy ra đồng thời liên quan đến mỗi loại trí tuệ có trước sự giác ngộ, và cuối cùng là chương 24, liệt kê các nhân duyên (paccaya) và cách thức mà chúng sinh khởi.

Ở cuối mỗi chương là một bài kệ thúc giục sự cần thiết phải nghiên cứu Thắng Pháp để hành giả có thể chấm dứt thành công nỗi khổ Luân hồi.

Quyền tác giả của quyển này được cho là của ngài Buddhadatta, một người cùng thời với học giả Phật Âm vĩ đại. Theo những bài kệ ở cuối quyển, ngài Buddhadatta đã biên soạn tác phẩm này theo yêu cầu của một tu sĩ tên là Sumati[4] khi cư trú tại Dinh thự phía Đông (pācīna-pāsāda)  tại cảng tên là Kaveri.  Dinh thự rõ ràng là một phần của một cơ sở lớn hơn có hình dạng giống như đỉnh núi Kailāsa (Kelāsasikharākāra) [5] và được xây dựng bởi một Kaṇhadāsa. Cơ sở này rất có thể là tịnh xá Kelāsa mà trong Mahāvamsa đề cập là tịnh xá mà đại trưởng lão Suriyagutta đã đến cùng đồ chúng của Ngài vào thời điểm Đại bảo tháp đang được xây dựng ở Anuradhapura[6].

Theo những truyền thuyết hình thành xung quanh việc biên soạn quyển sách này, Buddhadatta được cho là đã gặp ngài Phật Âm trong khi Vị này đang du hành đến Tích Lan và yêu cầu ngài Phật Âm cho phép ông nhận các bản chú giải sau khi Ngài dịch xong chúng sang tiếng Pali, để ông có thể tóm tắt chúng.  Và cuối cùng, khi ngài Phật Âm thực hiện theo yêu cầu của ông, Buddhadatta được cho là đã tóm tắt trong Abhidhammāvatāra (Dẫn Nhập Thắng Pháp) tất cả những gì có trong chú giải Thắng Pháp[7].               

Abhidhammāvatāra là quyển Thắng Pháp không  phải kinh điển đầu tiên cố gắng hệ thống hóa Thắng Pháp.  Nó không phải là chú giải như Sammohavinodanī hay Atthasālinī mà là một tác phẩm bản gốc nhằm truyền đạt những điều cơ bản của Thắng Pháp cho những người có ý định nghiên cứu chúng.  Nó thoát khỏi những giáo lý ngoại đạo đã len lỏi vào các tông phái khác nhau và dựa trên truyền thống của các tu sĩ ở Mahāvihāra[8].  Như vậy, nó được mô tả là chứa đựng tinh hoa của các Ābhidhammika (Thắng Pháp sư).  Dường như, sau này nó được thay thế bởi Abhidhammattha-saṅgaha mà ngài Anuruddha biên soạn vào thế kỷ 12.

H. S. COORAY.



[1] Buddhadatta’ Manuals, v. 4

[2] ibid, vv. 2 và 3

[3] ibid, v. 7

[4] ibid, vv. 1401, 1413

[5] ibid, vv.1411

[6] Mhv. xxix, 43.

[7] Buddhadatta’ Manuals: Viññāpanam, xix.

[8] ibid, v. 1405