ABHIBHŪTA

ABHIBHŪTA: một rājā (ông hoàng) của thành Veṭṭipura. Một lần nọ, khi Đức Phật đang ở trong thành, vị rājā đã đến thăm Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp và cúng dường Ngài vào ngày hôm sau. Sau khi thọ trai, Đức Phật khiến ông hoàng hoan hỉ về công đức việc làm của mình và thuyết giảng cho ông nhiều điều. Abhibhūta rất hoan hỉ với những điều được nghe được nên đã từ bỏ vương quốc, xuất gia theo Tăng đoàn và đắc quả A-la-hán.

Ba câu kệ được cho là của ngài xuất hiện trong Trưởng lão tăng kệ (vv. 255-257). Những câu kệ này trở thành sự khuyến khích với hoàng tộc về việc chuyên cần đối với giáo pháp và giới luật của Đức Phật để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Luận giải viết rằng những điều này được thốt ra khi họ hàng, quan lại, đệ tử và thần dân đến gặp ngài than thở rằng đất nước giờ không có người cai trị do ngài đã xuất gia (ThagA. II, tr. 104).

Hai câu kệ cuối cuối cũng xuất hiện trong một số kinh khác. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (I, 156), Abhibhū, một đại đệ tử của Đức Phật Thi-khí, trước sự có mặt của Đức Phật, trong khi thi triển thần thông, đã thốt ra hai câu kệ này khi họ đang ở cõi trời Phạm Thiên. Câu kệ cuối cũng được ghi lại như lời Đức Phật Gotama trong kinh Mahā Parinibbāna (Đại Bát Niết Bàn) (D. II, p. 121), trong khi câu kệ thứ hai được tỳ-kheo Nāgasena (Na-già-tê-na hay Na Tiên) trích dẫn như một Phật ngôn (Miln. Tr. 245). Phiên bản tiếng Phạn của các câu kệ này được tìm thấy trong tập Thiên Thí Dụ (p. 300).

Học giả Malalasekera cho rằng rõ ràng vị Abhibhūta này được đồng nhất với trưởng lão Citakanibbāpaka của tập Thánh nhân ký sự, người, như chính danh hiệu đã biểu thị, đã dập tắt ngọn lửa trên giàn trà tì thân Phật Tỳ-xá-phù (DPPN. I, 142). Thực tế, luận giải cuốn Trưởng lão tăng kệ, trong câu chuyện ngắn về Abhibhūta, đã trích dẫn câu kệ có liên quan từ tập Thánh nhân ký sự, ám chỉ đến việc dập lửa. Luận giải thêm rằng trong khi mọi người cố gắng thu gom xá lợi, một mình Abhibhūta đã dập tắt ngọn lửa của giàn hỏa thiêu bằng nước thơm. Nhờ hành động công đức này, ngài đã được đầu thai cộng trú giữa chư thiên và con người, cho đến khi cuối cùng được tái sinh trong hoàng tộc Veṭṭhipura.

H. S. C.