ABHIBHŪ SUTTA
ABHIBHŪ SUTTA (1).: Đây là bài kinh kết thúc của chương tám, gọi là Ānanda Vagga (phẩm A-nan-đà), của Tika-nipāta (Chương Ba pháp) thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (I, iii, p. 226). Tên bài kinh xuất phát từ một câu chuyện mở đầu về Abhibhū (số 2), một trong hai đại đệ tử của Đức Phật Sikhī, vị thứ hai trong bảy vị Phật quá khứ: Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Vessabhu (Tỳ-xá-phù), Phật Câu-lưu-tôn
Phật Konāgamana (Câu-na-hàm-mâu-ni), Phật Kassapa Ca-diếp, và Phật Gotama (Cồ-đàm) (D. II, Số 14), ba vị đầu thuộc về một kiếp/chu kỳ thế giới trước đó (Trang Nghiêm kiếp – ND). Người ta cho rằng vị tên Abhibhū đã từng nói rằng dù không cần nói lớn, vị ấy vẫn có thể khiến cả ngàn cõi giới nghe được lời nói của mình (S. I, 154).
Trong bài kinh này, Đức Phật Gotama đã giảng (AA. II, 339) cho A-nan-đà rằng Abhibhū này chỉ là một đệ tử bình thường (sāvaka), người có kiến thức giới hạn (padesañāṇe ṭhito sāvako), còn quyền năng của Như Lai là vô lượng vô biên (appameyya). Khi đó, hàng nghìn cõi giới này được mô tả với tất cả sự rạng rỡ và rộng lớn có thể; tuy nhiên chúng vẫn chỉ là một thế giới trong hàng ngàn thế giới nhỏ hơn (sahassī cūlanikā lokadhātu). Một thế giới bằng một ngàn thế giới như vậy cộng lại gọi là thế giới hạng trung (majjhimikā), và một ngàn thế giới hạng trung sẽ tạo thành một đại thế giới. Nếu cần, Đức Phật có thể làm cho hàng tỷ đại thế giới này nghe thấy mình, thậm chí xa hơn nữa, bằng cách tỏa hào quang của sắc thân Ngài (sarīrobhāsena phareyya: AA. II, p. 342). Khi A-nan-đà thốt lên trong hoan hỉ rằng điều này đã mang lại cho mình rất nhiều lợi ích, người bạn đồng hành của ngài là Udāyin đã hỏi một cách điềm tĩnh rằng: “Làm thế nào mà năng lực của thầy ông lại có thể mang lại lợi ích cho ông?” Đức Phật đã trả lời Udāyin rằng nếu A-nan-đà mạng chung ngay lúc này mà chưa giải thoát hoàn toàn khỏi ham muốn (avīta-rāga), thì nhờ tâm thành (cittappa-sādena) của mình, A-nan-đà sẽ được tái sanh bảy lần làm vua các cõi trời nhờ. “Nhưng”, Đức Phật báo trước, “A-nan-đà sẽ đạt được giải thoát tối thượng ngay trong đời này”. Và điều đó quả thực đã xảy ra ngay trước Đại hội Kết tập Kinh điển đầu tiên.
ABHIBHŪ SUTTA (kinh Abhibhū) (2): liệt kê tám cách kiểm soát tri giác (abhibhāyatana, A. IV, 305) khi thiền định. Với một số điều chỉnh nhỏ, các công thức này cũng xuất hiện trong đại kinh Mahā Sakuludāyi (M. II, 13) và chương thứ 20 của Eka-nipāta (Chương Một pháp) (A. I, 39), nơi chúng được xếp vào 192 cách tu tập, phát triển định tâm, dù chỉ thực hành trong một thời gian ngắn cũng có thể mang lại lợi ích. Thứ cần kiểm soát không phải cơ thể mà là quán tưởng những đối tượng vật chất, nhờ đó đạt được trạng thái xuất thần cần thiết. Những đối tượng vật chất này, nằm ngoài sắc thân của một người, là hữu hạn (đúng hoặc sai), vô hạn (đẹp hoặc xấu) và được trải nghiệm trong khi có ý thức hoặc không có ý thức của cá nhân về tiến trình cơ thể. Bốn phạm trù này hơi khác một chút trong phần giải thích của Thắng Pháp (Dhs. 204) khi sự ý thức về bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình sắc thân đều bị loại bỏ khỏi các biện pháp kiểm soát tri giác (arūpasaññi không phải là “nhận thức phi vật chất”, mà là “không nhận thức vật chất”). Luận giải nhấn mạnh: “một người không có nhận thức về quá trình chuẩn bị (khi thiền định) trong chính cơ thể” (ajjhatta-rūpe parikamma-saññā virahito: DhsA. 188 ff.).
Bốn giai đoạn khác của sự kiểm soát tri giác đề cập đến sự xuất hiện nhiều màu sắc của hình tướng ngoại thân như xanh lam, vàng, đỏ và trắng. Không tồn tại nhận thức cá nhân về chức năng cơ thể tại thời điểm này.
Việc làm chủ tri giác (abhibhāyatana) bao gồm việc nhiếp phục các đề mục thiền định khác nhau (kasiṇa) từ đó đưa đến định (appana samadhi) và nhập định hoàn toàn (jhana), trong đó giai đoạn cuối cùng được thể hiện bằng các từ “ta biết, ta thấy,” ám chỉ rằng người ấy “đi ra từ đó, không còn trong đó, chứng ngộ” (appaña: DhsA. 188).
H. G. A. v. Z.