ABHIBHŪ

ABHIBHŪ (1), một vị Bồ-tát, nhắc đến trong kinh Anāgatavaṃsa (Vị Lai Sử) ở cuối kinh Metteyya (JPTS. 1886, p. 37). Ngài được cho là đã được Đức Phật Gotama thọ ký (vivaraṇa) về sự thành đạo trong tương lai, ngài sẽ là vị Phật thứ sáu tính từ ngài Metteyya (Di-lặc).

 

ABHIBHŪ (2): một tu sĩ, đệ tử của Đức Phật Sikhī (Thi-khí). Tăng Chi Bộ Kinh (III, 80) chỉ gọi ngài là một đệ tử (sāvaka) nhưng trong Tương Ưng Bộ Kinh (VI, 2, 4), tập Phật Sử (xxi, 20) và các luận giải, ngài được mô tả là một trong hai đại đệ tử của Phật Sikhī. (J. I, p. 41; DA. II, p. 417; ApA. p. 45).

Theo Tương Ưng Bộ Kinh, Abhibhū đi cùng Phật Thi-khí đến một trong những cõi giới của Phạm Thiên, ở đó, theo yêu cầu của Đức Phật, Abhibhū đã thuyết pháp cho toàn bộ các Phạm Thiên nghe, khiến họ rất ngạc nhiên khi một đệ tử lại giảng Pháp cho chúng sanh khác ngay trước mặt thầy mình là Đức Phật. Theo yêu cầu của Đức Phật, Abhibhū đã khiến các Phạm thiên sửng sốt hơn nữa bằng việc thi triển nhiều phép lạ, đỉnh điểm là khiến giọng nói của mình vang lên trong hàng ngàn thế giới. Theo một luận giải, ngài thậm chí còn biến hóa khiến thính giả mọi nơi nhìn thấy được mình (DA. II, p. 417).

Những lời nói của ngài, chứa đựng trong hai câu kệ, khuyến khích người nghe phát tâm quy phục giáo lý của Đức Phật và luôn luôn tinh tấn để chấm dứt khổ đau. Những câu kệ tương tự cũng xuất hiện trong một số bối cảnh khác, đôi khi được gán cho Đức Phật Gotama, đôi khi cho một trưởng lão tên là Abhibhūta (q.v.) và cho các chư thiên.

Theo truyện kể, trong chuyến đi đó, Phật Sikhī đã gọi Abhibhū là brāhmana, trong khi luận giải gọi ngài là rājaputta (BuvA. p. 202). Sự mâu thuẫn này có lẽ là do brāhmaṇa ở đây nghĩa là một vị thánh[1], còn rājaputta biểu thị tầng lớp hoặc đẳng cấp xuất thân của ngài. Luận giải nguyên thủy cũng nói ngài là người đã đạt trí tuệ ba la mật (paññāpāramiyā matthakaṃ patto: DA. II, p. 417).

Tập Thánh nhân ký sự (I, 84) viết rằng có lần, Abhibhū đã được cúng dường bảy bông hoa thơm rực rỡ bởi một ẩn sĩ, người sau này trở thành trưởng lão Adhopupphiya.

H. S. C.

 

ABHIBHŪ (thắng giả) (3). Từ này đôi khi được dùng như một từ ghép[2] một cách ẩn dụ, có nghĩa là “vượt qua, đánh bại”, được sử dụng trong bài kinh Phạm Võng và kinh Ba-lê thuộc Trường Bộ Kinh như một danh hiệu của Phạm Thiên trong cụm từ quen thuộc abhibhū anabhibhūto, nghĩa là “kẻ chiến thắng, người đã không bị đánh bại bởi chính mình” (D. I, 188; III, 29; It. 122). Cụm từ này một lần nữa được Đức Phật sử dụng trong kinh Pāsādika (Thanh Tịnh) (D. III, 135) để mô tả phẩm chất thiết yếu của vị Như Lai.


Trong bài kinh Pháp Môn căn bản thuộc Trung Bộ Kinh (I, 2), ý nghĩa của nó không được giải thích rõ ràng, có thể áp dụng cho một loài hay một trạng thái tồn tại. Ở đây, Đức Phật đã chỉ ra những trạng thái mà một người không thông hiểu giáo pháp thường nhầm lẫn là thực thể, bao gồm : chất lỏng, nhiệt độ, sự chuyển động, sự tồn tại, chư thiên, Pajāpatī (thần Vệ-đà), Phạm thiên, Quang Âm thiên, Biến Tịnh Thiên, Quảng Quả Thiên, trời Thắng Giả, trú giả trong các cõi hư không vô tận (Không vô biên xứ), tâm thức vô tận (Thức vô biên xứ) và cứ thế đến Niết-bàn. Trong kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, Đức Phật nhắc lại danh sách tương tự, và thuyết rằng Ngài biết mọi cõi giới đều là “vô ngã” và không đưa đến mục đích tối hậu, vì thế Ngài đứng ngoài và không phụ thuộc vào các cõi đó (M. I, 329; bài kinh cũng cho thấy Phạm Thiên Baka đã tưởng lầm mình là abhibhū anabhibhūto).

Ở đây có thể hiểu Abhibhū theo nghĩa là chúa tể, Issara (Tạo hóa) hoặc Phạm Thiên. Việc abhibhū được dùng như một danh hiệu của Phạm Thiên trong những bài kinh Nikāya đầu tiên cũng củng cố thêm cho quan điểm này, vì thực tế Phạm Thiên đã được nhắc đến trong cùng một danh sách.

Mặt khác, luận sư của kinh Pháp môn căn bản lại ủng hộ quan điểm đây là một loài chúng sanh (MA. I, 35). Luận sư khẳng định Thắng Giả thuộc cùng một tầng với Quảng Qủa Thiên. Điều này được khẳng định bởi việc Thắng Giả được nhắc đến ngay sau Quảng Qủa Thiên trong danh sách của kinh Pháp môn căn bảnPhạm Thiên cầu thỉnh. Luận sư thêm rằng những chúng sanh này thuộc về trạng thái Asaññasatta hay ‘vô thức’, nhưng cũng nhắc đến một truyền thống khác cho rằng Thắng Giả là tên gọi chung cho mọi Phạm Thiên đang cai trị, bắt đầu từ Phạm Thiên Sahassa. Tuy nhiên, truyền thống này, mà luận sư cho là không chính xác, có thể liên quan với quan niệm trong kinh Pháp môn căn bản, Thắng Giả ám chỉ Phạm Thiên là “Chúa tể, vô song” (Abhibhū anabhibhūto). Nhưng một lần nữa, việc luận sư khẳng định Thắng Giả là các chư thiên thuộc tầng chúng sanh hay tầng nhận thức thứ chín, là các chúng sanh vô thức (asaññasatta) không phù hợp với danh sách trong những bài kinh khác (D. II, 68; III, 253, 263; A. IV, 41), đặc biệt là về Sattāvāsa (chúng sanh trụ) trong Tăng Chi Bộ Kinh (IV, 401).

Do đó, không thể đưa ra kết luận chắc chắn nào về những bằng chứng hiện có. Chỉ có thể khẳng định một điều rằng vào thời điểm của các luận giải, Abhibhū đại diện cho một loài chúng sanh, chắc chắn là các chư thiên cùng với Quảng Qủa Thiên và thuộc nhóm vô thức. Xem thêm AGGAÑÑA SUTTA, ASAÑÑASATTA, BRAHMĀ, SATTĀVĀSA, VEHAPPHALA.

B.J.



[1] Cp. Định nghĩa bāhitapāpadhammabrāhmaṇa trong Ud. p. 4 và Brāhmaṇavagga của Dhp.

[2] A. IV, 95, kodhābhihūto; Sn. 99, tuvam mārābhibhū muni; Sn. 212, kāme abhibhuyya; Sn. 122, sabbalokābhibhuṁ vīram.