ABHAYARĀJAKUMĀRA SUTTA
ABHAYARĀJAKUMĀRA SUTTA, bài kinh Đức Phật giảng cho Vương Tử Vô Uý khi Người đến tư gia của Abhaya nhận thọ trai theo lời thỉnh (M. số 58), khi đó Đức Phật đang trú tại tịnh xá Veḷuvana (Trúc Lâm) ở thành Vương Xá. Tuy nhiên lời mời thực chất là nhằm mục đích gây bối rối cho Đức Phật bằng một câu hỏi khó trả lời.
Abhaya biết được câu hỏi này từ tu sĩ phái lõa thể tên là Nātaputta, người đã thuyết phục ngài nếu hỏi Đức Phật, ngài sẽ nổi danh khi người ta biết rằng ngài có thể gây khó dễ được cho Sa-môn Gotama.
Câu hỏi là : liệu Như Lai có nói lời khó chịu và gây bất mãn cho người khác hay không. Người tu sĩ phái loã thể đoán rằng nếu Đức Phật trả lời là có, chứng tỏ Ngài không khác gì một phàm phu (puthujjana), nhưng nếu Ngài trả lời không, Ngài có thể bị gọi là kẻ nói dối vì Ngài đã nói những lời như vậy khiến Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) bị kích động và phát điên.
Nhưng ngay khi được hỏi, Đức Phật đáp ngay rằng không thể có câu trả lời trực tiếp (ekaṃsena)[1]. Chỉ điều này thôi cũng đủ để Abhaya thừa nhận sự vĩ đại của Đức Phật so với với các tu sĩ lõa thể. Sau đó, Đức Phật tiếp tục giải thích rằng dù lời nói của Ngài có nhu nhuyến và dễ chịu với người nghe hay không, hay dù đó là thời điểm thích hợp (kālaññū) Ngài cũng sẽ không nói ra nếu không có đủ các điều kiện cần thiết, bao gồm việc Ngài biết những lời mình nói ra là chân thật (bhūtaṃ), đúng đắn (tacchaṃ) và mang lại lợi ích cho người khác (atthasaṃhitaṃ). Ngài sẽ sẽ không nói nếu thiếu bất kỳ một trong những điều kiện này. Điều này, Đức Phật nói, là do lòng từ bi của Ngài với chúng sanh (settesu anukampā), và Ngài đã lấy ví dụ về sự thương cảm của Abhaya đối với một đứa trẻ vô tình nằm trong vòng tay của mình.
Abhaya ấn tượng với cách Đức Phật trả lời câu hỏi của mình đến nỗi ngài hỏi rằng phải chăng Đức Phật đã biết trước những câu hỏi đó và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, hay đó chỉ là câu trả lời tự phát. Đức Phật đáp rằng vì Ngài đã chứng ngộ dhammadhātu[2] (pháp giới), nên Ngài trả lời chúng một cách tự nhiên, như cách Abhaya, một xà phu điêu luyện, sẽ tự động gọi tên các bộ phận khác nhau của cỗ xe khi được hỏi về chúng.
Bài kinh kết thúc với việc Abhaya xin Đức Thế Tôn được làm một đệ tử cư sĩ tại gia (upāsaka).
H. S. C.
[1] Na kho’tha rājakumāra ekaṃsenāti. Nghĩa là, luận giải nói, câu hỏi không thể trả lời một cách tuyệt đối, vì Như Lai có thể không thể thốt ra những lời như vậy, trong trường hợp Ngài nói ra, đó chỉ vì Ngài thấy điều đó có lợi ích. Nếu không ngài sẽ im lặng.(MA. III, 109).
[2] Chú giải giải thích từ này là đồng nghĩa với omniscience-sabbaññuta ñānassa etaṃ adhiva-canaṃ… (MA. III, 113).