ABHAYARĀJAKUMĀRA

ABHAYARĀJAKUMĀRA, cách gọi thường gặp của ‘vương tử’ Abhaya, người, có lẽ quá nổi tiếng nên được dùng để phân biệt với những người có tên Abhaya khác cùng thời.

Ngài là con trai vua Tần-bà-xa-la. Điều này được nhắc tới ở tập Thánh nhân ký sự trong các câu kệ về Abbhaya cũng như một số luận giải (Ap. II v.22; MA.III, p.108; ThagA. I, 87-88). Một trong số các luận giải này cho rằng mẹ của ngài là Padumāvatī, mỹ nhân xứ Ujjeni (ThīgA. xxvi), còn được biết đến với tên Abhayamātā (q. v).

Trong tập Thánh nhân ký sự, Abhaya kể lại rằng sau khi kết giao với những người bạn xấu, ngài đã bị người thầy thuộc phái lõa thể tên Nātaputta lừa gạt. Nātaputta đã đặt cho Abhaya một câu hỏi mà ngài đã hứa sẽ hỏi Đức Phật, câu hỏi mà cả hai nghĩ sẽ làm Đức Phật lúng túng.[1] Nội dung của câu hỏi và câu trả lời của Đức Phật được kể đầy đủ trong kinh Vương Tử Vô Úy (q.v.) của Trung Bộ Kinh (Bài kinh số 58). Sau khi thỉnh Đức Phật tới tư gia, Abhaya đã hỏi Đức Phật rằng liệu Như Lai có sử dụng lời nói khiến kẻ khác khổ sở hay bất mãn không. Câu trả lời của Đức Phật khiến Abhaya ấn tượng đến nỗi ngài hỏi phải chăng Đức Phật đã biết trước câu hỏi và chuẩn bị sẵn câu trả lời hay Người trả lời một cách tự phát. Trước khi từ biệt Đức Phật, Abhaya bày tỏ mong muốn được làm đệ tử tại gia của Người.

Sau đó rõ ràng ngài còn gặp Đức Phật nhiều lần nữa. Trong một lần như vậy ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu), khi ngài hỏi Đức Phật về quan điểm của phái Pūraṇa Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp) cho rằng cả sự vô tri lẫn hữu tri đều không có căn nguyên hay lý do, Đức Phật trả lời rằng cả hai đều là các pháp có điều kiện do chúng là kết quả của các ‘triền cái’ (chướng ngại) (nīvaraṇāni) hoặc ‘các giác chi’ (các yếu tố giác ngộ) (bojjhaṅgāni). Abhaya bị thuyết phục hoàn toàn, và không thể ngăn sự tôn kính đối với Đức Phật, ngài nói rằng sự mệt mỏi cả thể chất và tinh thần trong quá trình lên núi Linh Thứu đã hoàn toàn tan biến, và ngài đã thể nhập được giáo pháp (abhisameto) (S., Bojjhaṅga Saṃyutta (Tương ưng Giác chi), bài kinh số 6).

“Sự thể nhập vào giáo pháp” này có lẽ đồng nghĩa với sự lãnh hội hoàn toàn Tứ Diệu Đế, là mốc đánh dấu sự chứng quả sotapatti (Nhập lưu). Ít nhất đó là ý nghĩa mà cách diễn đạt này thường được sử dụng trong các bài kinh.
Vấn đề là không thể xác nhận chính xác liệu Abhaya có thực sự chứng quả sotāpatti như ngài đã nói hay không vì luận giải không nói tới điều này, bên cạnh đó, cũng có mâu thuẫn giữa hai cách chú giải truyền thống khác về tình huống khi một biến chuyển tâm linh như vậy xảy ra.

Trong chú giải của tập Trưởng lão tăng kệ (I, 58), ngài được cho là đã đạt được quả nhập lưu sau khi nghe thuyết bài kinh Tāḷacchigalūpama[2], trong khi theo chú giải của Dhammapada (Kinh Pháp cú) (III, 166 f.) điều này xảy ra sau ngài được nghe Đức Phật thuyết giảng nhân cái chết của một mỹ nữ chỉ một tuần sau khi nàng được vua cha ban cho Abhaya.

Người ta cho rằng vua đã ban nàng cho ngài làm phần thưởng sau khi ngài dẹp tan một cuộc nổi loạn ở biên giới. Tuy nhiên, tài năng quân sự của ngài không được nhắc đến ngoại trừ trong kinh Vương Tử Vô Uý, chính ngài tự nhận mình là một xà phu có tiếng, thông thạo nhiều bộ phận của một cỗ xe ngựa (M. I, 396). Ghi chép cũng viết rằng nhà vua đã ban cho ngài vương quốc trong bảy ngày, mà ngài đã tận hưởng sự vương giả trong phạm vi dinh cơ của mình.

Tuy nhiên, dù có được vinh hạnh hiếm hoi này, Abhaya chưa bao giờ lên được ngai vàng. Có thể ngài không có tham vọng đó vì đã có hoàng tử A-xà-thế, con trai chính thống của vua, và theo truyền thống chú giải, Abhaya đã vô cùng đau lòng khi vua cha qua đời đến nỗi cuối cùng ngài quyết định trở thành tu sĩ.

Trước khi gia nhập Tăng đoàn, Abhaya có thể là cha của lương y danh tiếng Jīvaka. Tuy nhiên, điều này bị phủ nhận trong Vinaya ở một tình tiết khi chính Jīvaka đã hỏi ngài về thân phận của mình. Abhaya, dù nói rằng chính bản thân cũng không biết gì về chuyện đó, nhưng thừa nhận việc đã nuôi dưỡng cậu trưởng thành (I, 269). Ngược lại với tuyên bố của tạng Vinaya, luận giải của Tăng Chi Bộ Kinh ghi rằng cha của Jīvaka là Abhaya và mẹ ông là mỹ nhân Sālavatī (AA. I, 399).

Có vẻ như truyền thống Vinaya cố gắng bảo vệ danh tiếng của Abhaya và vua Tần-bà-xa-la một cách có chủ đích. Không những nói rằng Abhaya không biết gì về thân phận của Jīvaka, Vinaya còn còn nói sau khi vô tình phát hiện ra Jīvaka khi còn là một đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trên đống rác và sắp bị quạ mổ, ngài đã thương xót cứu giúp đứa trẻ và đưa nó vào thành cho các bà vú nuôi dưỡng (I, 269). Không có đề cập nào về quan hệ cha con của đứa trẻ. Hành động của Abhaya có thể được thôi thúc từ ý thức cống hiến cho xã hội, cũng có thể do cảm giác tội lỗi rằng đứa trẻ chính là con của mình. Truyền thống Vinaya ám chỉ lý do thứ nhất; tuy nhiên, khả năng cao hơn là lý do thứ hai do bản thân Abhaya, từ năm bảy tuổi đã được vua Tần-bà-xa-la nuôi dưỡng vì ngài chính là con ngoài giá thú của vua (ThigA. xxvi, 39). Điều quan trọng nữa là sự kiện này chỉ  được nhắc đến trong một luận giải thuộc truyền


thống kinh điển. Vinaya thì không hề đề cập đến chuyện này dù là mơ hồ – dấu hiệu cho thấy để tránh ảnh hưởng đến đến danh tiếng của nhà vua.

Trong kinh Vương Tử Vô Uý, Abhaya cũng được cho là có một mối liên hệ đặc biệt với một đứa trẻ, có thể là Jīvaka, tuy nhiên không có bất cứ thông tin nào về danh tính cũng như cha mẹ của Jīvaka được tìm thấy trong bản kinh lẫn chú giải.

Abhaya được cho là đã đắc quả A-la-hán không lâu sau khi xuất gia. Đây là nhờ kết quả của việc ngài đã lắng nghe những lời giảng của Đức Phật, được ghi lại trong câu kệ duy nhất viết về ngài trong Trưởng lão tăng kệ (chương 1, v. 26). Trong Trưởng lão ni kệ (chương 2, v. 33) cũng tình cờ xuất hiện một câu kệ khác của ngài dành cho mẹ, người sau khi gia nhập Tăng đoàn được gọi là Abhayamātā. Bài kệ đó là khuyến dụ của ngài với mẹ rằng bà nên quán chiếu thân thể này từ đầu đến chân là giả tạm, hư thối. Mẹ ngài thừa nhận rằng lời khuyên này đã mang đến cho bà sự giải thoát.

Mối quan hệ đầu tiên của Abhaya với một vị Phật được cho là có từ thời Phật Padumuttara (Thắng Liên Hoa Phật) (Ap. II, 502 f.). Khi đó, ngài là một giáo sĩ chuyên giảng dạy các giáo pháp của Đức Phật. Vì lòng tôn kính của mình, ngài luôn bắt đầu các bài giảng bằng cách đọc bốn câu kệ tán Phật. Nhờ công đức tích lũy như vậy, ngài không bị đầu thai vào ác đạo trong một trăm ngàn kiếp. Luận giải của Trưởng lão tăng kệ cũng liên hệ ngài với Đức Phật Vipassi (Tỳ-bà-thi), rằng ngài đã cúng dường hoa keṭaka cho Phật (I, 87). Tuy nhiên, những câu kệ tương tự ám chỉ việc làm này cũng xuất hiện trong tập Thánh nhân ký sự, nơi chúng được cho là của một trưởng lão có tên Keṭakapupphiya (II, 449 f.). Người ta đặt câu hỏi liệu Keṭakapupphiya có phải là tên gọi khác của Vương Tử Vô Uý hay không. Theo gợi ý của Malalasekera, Keṭakapupphiya có lẽ chỉ là danh hiệu của một trưởng lão khác tên thật là Abhaya (số 2 trong DPPN.). Những danh hiệu như vậy rất phổ biến thời xưa, được sử dụng để biểu thị một đức tính hoặc phẩm chất đặc biệt của một người, ví dụ: Abhaya Sārthavāha, Abhaya Dīghabhāṇaka, Abhaya Duṭṭhagāmaṇi, Abhaya Cora, v.v…, tuy nhiên cũng chính vì vậy mà không dễ để phân biệt Abhaya này với Abhaya khác.

H. S. C.



[1]Jacobi cho rằng người tên Abhaya này thường được nhắc đến trong thần thoại và các kinh điển của đạo Jain (lõa thể) (SBE. XLV. Dẫn nhập. xc. n. 1).

[2] Đây có thể là một lỗi in ấn của kinh Ṭāla-chiggalpama.