ABHAYA SUTTA
ABHAYA SUTTA (1). Có một số bài kinh có cùng tựa này, nhưng không phải tất cả cùng đề cập đến chủ đề vô úy (không sợ hãi) (abhaya). Ví dụ, bài kinh Abhaya xuất hiện trong Tương Ưng Bộ Kinh, chương nói về các giác chi (yếu tố giác ngộ) (bojjhaṅgasākaccaṃ) trong Bojjhaṅga Saṃyutta (Tương ưng giác chi) (V, 126). Với bài kinh này, cái tên xuất phát từ một hoàng tử Licchavi có tên Abhaya (số 10), người đã hỏi Đức Phật về quan điểm của phái Phú-lan-na Ca-diếp cho rằng các hành động không để lại kết quả (ahetuvāda). Đức Phật đáp rằng sự ngu si và thiếu trí (aññāṇa-adassana), cũng như sự thông thái và trí tuệ (ñāṇadassana), đều có nguyên nhân (hetu) và điều kiện sinh khởi (paccaya). Sự ngu si và thiếu trí bắt nguồn từ tham dục (kāmarāga), sân hận (byāpāda), hôn trầm và thụy miên (thīnamiddha), trạo cử và hối hận (uddhaccakukkucca), hoài nghi (vicikicchā), gọi chung là các chướng ngại (triền cái) (nīvaraṇa). Sự thông thái và trí tuệ có nguyên nhân và điều kiện sinh khởi từ tu tập chánh niệm (sati), quán chiếu chân lý (dhammavicaya), tinh tấn (viriya), hỷ xả (pīti), tĩnh lặng (passaddhi), định (samādhi) và xả (upekkhā), gọi chung là bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi) (sambojjhaṅga).
ABHAYA SUTTA (2), bàn về chủ đề vô úy (abhaya), xuất hiện trong Chương Bốn pháp Tăng Chi Bộ Kinh (II, iv, kinh 184).
Bài kinh bắt nguồn từ tuyên bố của một Bà-la-môn có tên Jāṇussoṇi, mặc dù là một đệ tử Phật và vô cùng tôn kính Người, nhưng cũng muốn nghe các vị khác như Subha Todeyyaputta (M. II, kinh Subha) và Pilotika (M. I, Cūḷahatthipadopama – Tiểu Kinh Dụ dấu chân voi) để so sánh những quan điểm khác nhau hay nghiên cứu các tuyên bố đó. Jāṇussoṇi nói rằng bất kỳ sinh vật nào phải chết đều sợ hãi khi nghĩ đến cái chết. Đức Phật không hoàn toàn bác bỏ suy nghĩ này, nhưng đồng thời với việc thừa nhận một số chúng sanh sợ hãi khi nghĩ về sự chết, Ngài dạy rằng có những chúng sanh tuy cũng phải chịu sự chết nhưng không sợ hãi và run rẩy khi đối diện với cái chết. Quan điểm này sau đó được Đức Phật mở rộng, giải thích một cách chi tiết về bốn hạng chúng sanh sợ hãi khi nghĩ về sự chết và bốn hạng không sợ hãi.
Trước hết, có hạng người đối với những thú vui của giác quan không thoát khỏi tham đắm, dục vọng, ham muốn, bám chấp, đam mê, thèm khát. Khi bệnh hiểm nghèo ập đến, kẻ đó sẽ đau buồn vì phải từ bỏ những thú vui của giác quan nên sợ chết. Tiếp đó, có hạng người không thoát khỏi tham ái và bám chấp với cơ thể (nơi phát sinh cảm giác). Người đó cũng sẽ buồn bã, than thở khi lâm trọng bệnh về việc mất đi phương tiện giải trí này, từ đó đưa đến sợ hãi cái chết. Lại nữa, có hạng người khi bệnh nặng mới nghĩ rằng mình chưa từng làm một việc cao thượng hay tốt lành, tất cả đều là xấu xa, độc ác và dơ bẩn, sau khi chết, mình sẽ đi về nơi xứng đáng với những hành động đó, và như thế người ấy cũng sợ chết. Cuối cùng, có hạng người hoài nghi về sự tôn quý của Đức Phật, giáo Pháp và Tăng đoàn, lợi ích của việc tu tập, sự phụ thuộc vào duyên sinh, con người chất chứa đầy do dự và hoài nghi đến nỗi không thể thành tựu từ việc học hỏi thông qua vấn đáp (AA. III, p. 161), không thể đi đến kết luận về chân đế. Trong cơn trọng bệnh, người đó cũng sợ chết vì sự bất định của mình.
Nhưng cũng có bốn loại chúng sanh không run sợ trước cái chết ngay cả khi lâm trọng bệnh. Có người không còn đắm nhiễm với những thú vui của giác quan, có người không còn đam mê đối với thân thể của mình, có người đã thực hiện những hành động cao thượng và tốt lành để bảo vệ kẻ yếu, và có người không có bất kỳ sự hoài nghi nào mà có niềm tin
vững chắc, nhờ đó dù không thoát khỏi sự chết nhưng người ấy không sợ hãi sự chết.
ABHAYA SUTTA (3): xuất hiện trong Chương Chín pháp (navaka-nipāta: A. IV, 455), được tạo thành từ hai mươi bài kinh nhỏ rút gọn vào một bài kinh lớn có cùng hình thức với một chút thay đổi nhỏ về đề tài. Trạng thái vô úy (abhayaṃ) có thể đạt được nhờ sự nhập định và duy trì bốn tầng thiền sắc giới (rūpa-jhāna), bốn tầng vô sắc (arūpa-jhāna) và sự chấm dứt của tưởng và cảm thọ (saññā-vedayita-nirodha) qua việc diệt trừ hoàn toàn các uế nhiễm tư tưởng (āsava).