ABHAYA-DĀNA

ABHAYA-DĀNA. Trong tiếng Phạn, từ này có nghĩa đen là ‘món quà của sự không sợ hãi’, dịch sang tiếng Tây Tạng là “mi-ḥjigs-sbyiṅ”, nghĩa là cho cái không sợ hãi. Tiếng Hán có nhiều cách dịch khác nhau cho thuật ngữ này như sau: “Thí Vô Uý” (施無畏:  cho sự không sợ hãi), “Vô Uý Xả” (無畏捨: ban cho sự không sợ hãi), “Vô Uý Thí”(無畏施 cho sự không sợ hãi). Đó là một loại bố thí (dāna). Ý nghĩa của nó là lấy đi sự sợ hãi của một người và mang lại cho người đó cảm giác an toàn.

Chương xxv của Kinh Pháp Hoa (Nanjio, 134) viết: ” Bồ-tát Quán Thế Âm có thể ban sự vô úy cho những người đang chịu đựng những khổ đau khác nhau. Vì vậy, Ngài được gọi là Thí Vô úy Giả (Abhayaṃdada)”.

Ngoài ra, trong phẩm 39. Cuốn Yogācārabhūmi (Du-già sư địa) (Nanjio, 1170) có câu sau: “Diệt trừ sự sợ hãi với cọp, beo, chó sói và yêu ma được gọi là Vô úy thí. Nó cũng có thể xua tan sự sợ hãi vua chúa, nước và lửa”.

Những đoạn kinh làm rõ sức mạnh của chư Phật và Bồ-tát trong việc tiêu trừ mọi sợ hãi và khổ đau của nhân loại.

Khái niệm này về sau trở nên phổ biến trong Phật giáo bí truyền với một cử chỉ tượng trưng quan trọng (mudrā – thủ ấn), ám chỉ vô úy thí. Theo chương ix của kinh Mahāvairocana (Đại Nhật) (Nanjio, No. 530), thủ ấn này là của De-hshin-gśegs-pa rin-dbyaṅs-can và được mô tả như sau: “Giơ bàn tay phải và năm ngón tay lên, xoay lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đây là dấu hiệu của sự ‘vô úy’. (Xem Pl. I.) Người thực hiện thủ ấn này được gọi là ‘vô úy thí giả’ (người ban sự vô úy) (mi-ḥjigs-phyag-rgya).” Tu sĩ Nghĩa Tịnh (683-724 A.C.), (trong cuốn Đại Nhật Kinh Sớ 大日經疏 hay luận giải kinh Đại Nhật của mình, phần B) đã nói như sau: “Tư thế này tượng trưng cho hành động một người đang vẫy tay và gần giống với thủ ấn Sākya của hệ Yogācāra (Du-già). Người thực hiện thủ ấn này có thể xua đuổi mọi bất tịnh và xóa tan mọi sợ hãi.” Trong cùng tập sách có câu: “thủ ấn này tượng trưng cho năm đặc tính thành tựu của chư Phật và Bồ-tát, đó là tín (śraddhā), tấn (vīrya), niệm (smṛti), định (dhyāna) và tuệ (prajñā).”

Thủ ấn này cũng được đề cập khi nhắc đến Bhaiṣajyaguru (Dược sư) Như Lai, Amoghapāṣāvalokiteśvara Bồ-tát, Ekādaśamukhāvalokiteśvara Bồ-tát, Bồ-tát Āvalokiteśvara Cundī (Quán Thế Âm Bồ-tát Chuẩn đề) và những vị khác. Bên cạnh đó, một trong bốn mươi cánh tay của Sahasrabhujāvalokiteśvara Bồ-tát đã thực hiện thủ ấn này và thần chú được đọc như sau: “Oṃ vajra ānaya hūṃ phaṭ”.

Trong Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ-tát Bí Mật Pháp Kinh (千光眼觀自在菩薩祕密法 hay Kinh bí truyền của Bồ-tát Sahasrabhujāvalokiteśvara), thủ ấn của Abhayadānāvalokiteśvara Bồ-tát được mô tả như sau: “Muốn không sợ hãi phải tu tập vô úy… Bàn tay phải giơ năm ngón lên, lòng bàn tay xoay ra ngoài. Bàn tay trái đưa lên trước ngực, duỗi năm ngón tay và xoay lòng bàn tay ra bên ngoài.”

Theo một truyền thống, thủ ấn này được cho là bắt nguồn từ tư thế của Đức Phật khi Ngài đối mặt với voi say Nālāgiri bị thả trên đường lộ theo âm mưu của Devadatta (Đề-bà-đạt-đa)

Tiếp theo cần chỉ ra rằng Vô úy thí đã được một số vị vua của các quốc gia theo truyền thống Theravāda (Phật giáo Nguyên thủy) thực hiện theo cách riêng. Ví dụ có thể tìm thấy trong các bản khắc của vua Asoka (A-dục) (thế kỷ thứ 3 A.C.) như các Sắc lệnh trụ đá thứ hai và thứ năm (CII. Vol. I, pp. 127, 121). Các bản khắc trước đây gần như được dành toàn bộ cho ý tưởng mà ngày nay được biết đến với tên gọi: “Phòng

chống ngược đãi động vật”. Dù  trên thực tế, điều này không hoàn toàn cấm việc giết mổ động vật mà chỉ đưa ra quan niệm thiết thực về đề tài vô úy, nhưng đây chắc chắn là một trường hợp tích cực về Vô úy thí. Điều này cũng rõ ràng trên những bia đá được khắc bằng hai thứ tiếng (Hy Lạp-Aramaic) của cùng vị vua này được phát hiện gần đây ở Afghanistan (EW., New Series, IX, 1, 3).

Cuốn Đại sử đề cập rằng một số vị vua của Tích Lan đã cấm giết mổ động vật, có lúc là cấm tuyệt đối, đôi khi trong những trường hợp nhất định. Ví dụ như thời vua Amaṇḍagāmaṇi Abhaya (thế kỷ thứ 1 A.C.) và vua Kassapa (Ca-diếp) V (thế kỷ thứ 10 A.C. ) (xxv, v. 6; lxii, v.15). Giai đoạn sau này thì có những tài liệu dạng bản khắc, chẳng hạn như những bia ký của vua Nissaṅka Malla thế kỷ 12, người đã bảo vệ sinh mạng cho các loài vật như cá trong bể, chim và các loài thú trong rừng. Cần lưu ý rằng ở đây, không giống các bia ký của vua A-dục, cụm từ được dùng là “vô úy thí” (ví dụ, EZ. II, trang 110, 155).

Truyền thống này vẫn được duy trì ở Tích Lan cho đến ngày nay. Theo các quy định của Cục Động vật Hoang dã, việc tiêu hủy động vật ở những khu vực được quy định là “Khu bảo tồn” là bất hợp pháp. Trong số này có thành phố đổ nát Anurādhapura (A-nô-la-đà) và Polonnaruva, với các liên hội Phật giáo thân hữu, cũng như những vùng hồ lớn nơi có vô số động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim. Ngoài ra còn có các quy định tương tự được thông qua bởi chính quyền các địa phương như các Hội đồng thành phố hay đô thị. Với Tích Lan, trong khi các quy định được soạn thảo để bảo vệ cho hệ động thực vật của quốc gia, các tập tục truyền thống cũng đã được chú ý và xem xét, ở một vùng đất mà những người theo chủ trương hòa bình (ahimsā-bất hại) chiếm ưu thế.

SHŪYŪ KANAOKA.