ABHAYA
ABHAYA (1), tên một vị Phật quá khứ xuất hiện trong kinh Bahubuddha (q.v.) của tập Mahāvastu (Đại Sự) (iii, 20). Ngài được Như Lai Oghaja tuyên bố (vyākārṣīt) và đến phiên mình đã tiên đoán sự xuất hiện của Như Lai Svayamprabha (iii, 237, 1-2).
ABHAYA (2), thị giả của Đức Phật Atthadassī (Kiến Nghĩa) (Buv. 44; J. I, 39; ApA. 43).
ABHAYA (3), được cho là một vị vua cổ đại của Tích Lan vào thời Đức Phật Kakusandha (Câu-lưu-tôn) khi vùng đất này được biết đến với cái tên Ojadīpa. Các câu chuyện về về ông, với mức độ chi tiết khác nhau, xuất hiện trong một số tác phẩm như (Dpv. 1, xv, xvi; Mhv. xv, 56-90; Mhbv. 126-127; VinA. I, 86).
Chuyện về vua Abhaya được trưởng lão Mahinda kể lại cho vua Devānampiyatissa: vua Abhaya cai trị ở Tích Lan (lúc đó gọi là Ojadīpa) từ thủ đô Abhayapura nằm ở phía đông sông Kadamba (Malvatu Oya). Dân chúng trong thành bị mắc một căn bệnh nào đó và để trị bệnh, Đức Phật Câu Lưu Tôn đã đến hòn đảo cùng với bốn mươi ngàn đệ tử. Đức Phật đã đứng trên đỉnh Devakūṭa (là vị trí Bảo Tháp Sơn nơi trưởng lão Mahinda đang đứng lúc đó). Nhờ sức mạnh của Đức Phật, căn bệnh đã biến mất khỏi hòn đảo. Vua Abhaya nghênh đón họ, cúng dường thức ăn và khu rừng Mahāmegha (khi đó gọi là Mahātitthaka) cho Đức Phật Câu Lưu Tôn. Nhà vua cho trồng trong vườn nhánh cây bồ đề của Phật Câu-lưu-tôn do tỳ-kheo ni Rucānandā mang về từ Ấn Độ. (tên của vị tỳ-kheo ni là Rucānanda, theo Dpv. và Mhv., nhưng trong Mhbv. là Rājanandā, biến thể, Gajanandā).
Đức Phật Câu-lưu-tôn trở về Ấn Độ để lại chiếc bình uống nước của mình cho người dân Tích Lan đảnh lễ và cúng dường.
- R. G.
ABHAYA (4), một vị A-la-hán có câu kệ trong tập Trưởng lão tăng kệ (v. 98). Đoạn này có hai dòng giống với khổ thơ đầu tiên trong S. IV, 73. Theo chú giải (I, p. 213) ngài sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở thành Xá-vệ và sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng, ngài gia nhập Tăng đoàn. Một lần khi đang đi khất thực trong làng, ngài nhìn thấy một người phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ nên tâm trí bị xao động. Ngài trở về tự viện, cố gắng đè nén ham muốn của mình với suy nghĩ rằng mình đã hành động đáng hổ thẹn, nhờ đó ngài đã phát triển tuệ giác và trở thành một vị A-la-hán.
Trong câu chuyện tương tự, người ta kể rằng vào thời của Đức Phật Sumedha (Thiện Tuệ), ngài sinh ra là một thành viên của gia tộc. Ngài đã dâng hoa salāla cho Đức Phật, nhờ đó được đầu thai làm chư thiên cho đến lần tái sinh cuối cùng vào thế gian.
Luận sư đã đồng nhất trưởng lão Abhaya với trưởng lão Vaṭamsakiya, người có những câu kệ xuất hiện trong Thánh nhân ký sự (I, p.174). Câu chuyện về tiền kiếp của trưởng lão Vaṭamsakiya trong Chú Giải Thánh Nhân Ký Sự (p. 444) tương tự như chuyện của trưởng lão Abhaya trong tập Chú Giải Trưởng Lão Tăng Kệ nhưng chi tiết hơn. Ngài xuất gia và sống trong rừng như một tu sĩ khổ hạnh. Lúc bấy giờ, Đức Phật Thiện Tuệ vào khu rừng ấy để tìm một nơi thanh vắng. Lúc đó Vaṭamsakiya đã kết một vòng hoa saḷāla dâng lên Phật. Theo cuốn Thánh nhân ký sự, ngài cũng đã được sinh làm một cakkavatti (chuyển luân thánh vương) tên là Nimmita mười sáu lần, cách đây một nghìn chín trăm kappa (kiếp) .
- R. G.
ABHAYA (5), một trưởng lão nổi tiếng về hạnh upaṭṭhita-sati (trú niệm). Khi thảo luận về sati-sambojjhaṅga (niệm giác chi) trong vài luận giải, một trong bốn yếu tố dẫn đến niệm giác chi được gọi là upaṭṭhitasatipuggalasevanatā (trú niệm giả). Trưởng lão Abhaya cùng trưởng lão Tissadatta được coi là những tấm gương điển hình của các trú niệm giả, và đáng được kết giao (DA. III, 786; MA. I, 290; SA. III, 155; AA. II, 54; VbhA. 275).
Có một vài trưởng lão tên Abhaya nên không dễ xác định vị nào đang được nói đến. Trong kinh Mahāparinibbāna sutta-vaṇṇanā (Đại Bát Niết-bàn) thuộc Chú giải Trường Bộ Kinh (II, 530) nơi khái niệm upaṭṭhita-sati được đề cập, ý nghĩa của nó được giải thích là “trí nhớ uyên thâm”, ví dụ về các tỳ-kheo có phẩm chất này là trưởng lão Mahāgatimba Abhaya, trưởng lão Dīgha-bhāṇaka Abhaya và trưởng lão Tipiṭaka Cūḷābhaya. Trưởng lão Abhaya đang được xem xét thường được cho là một người trong số ba vị này (DPPN. I, 129). Tuy nhiên, có một thực tế cần chú ý là, trưởng lão Tissadatta, người luôn được nhắc đến cùng vị Abhaya đang đề cập lại không xuất hiện trong các trường hợp này.
- R. G.
ABHAYA (6), một tu sĩ Tích Lan, người nổi tiếng có diện mạo đẹp đến nỗi người dân trong thành bắt đầu so sánh vị ấy với con trai một vị quan. Gia đình con trai vị quan đã phục sức cho chàng và đưa đến Đại bảo tháp để tiện bề so sánh. Mẹ của vị trưởng lão, quyết tâm không chịu thua, đã gửi cho con trai một chiếc y đẹp và yêu cầu con cạo đầu, khoác y và đến bảo tháp cùng các tỳ-kheo khác. Hai người họ đã giáp mặt trong sân. Trưởng lão được cho là đã nói với chàng trai một cách khá mỉa mai về một sự kiện đã xảy ra với họ trong một tiền kiếp. Khi đó, vị trưởng lão đã có được công đức nhờ việc quét dọn sân trong của một ngôi tháp, trong khi chàng trai chỉ hốt và đổ rác.
Câu chuyện kể rằng trưởng lão Abhaya đã khinh khỉnh hỏi chàng trai rằng có phải anh ta, người đã hốt rác, xuất hiện lúc này để thách thức với ngài hay không! (VinA. III, p. 1336 f.).
- T. D.
ABHAYA (7), một trưởng lão chuyên về Thắng Pháp, thuộc tự viện Vālikapiṭṭhivihāra (có lẽ ở Tích Lan). Ngài được gọi là Ābhidhammika Abhaya (Thắng Pháp sư Abhaya). Vào đầu mùa mưa (vassa / an cư), ngài tụng kinh Mahāsuññata (Đại Không) cùng nhiều tu sĩ khác và trước khi mùa mưa kết thúc, tất cả đều chứng quả A-la-hán khi sống cách biệt nhau trong suốt thời gian này (MA. IV, p. 157).
ABHAYA (8), một trưởng lão vùng Pagan, Miến Điện. Ngài là tác giả của cuốn Mahāṭīkā, chú giải của bộ Saddatthabhedacintā của tu sĩ Saddhammasiri. Ngài cũng được cho là đã viết cuốn Sambhandha-cintāṭīkā, luận giải về tập Sambhandhacintā của ngài Saṅgharakkhita (Tăng Hộ). Vị trưởng lão Abhaya này được cho là sống vào khoảng thế kỷ thứ 14, nhưng cũng có thể đã thành tựu từ trước đó.
ABHAYA (9), vua xứ Kaliṅga. Trong khi luận bàn về các danh hiệu của chư Phật, tôn giả Mahā Kātyāyana (Đại Ca-chiên-diên) đã nói với tôn giả Mahā Kāśyapa (Đại Ca-diếp) rằng, vì lợi ích của loài người, chư Phật đã nhiều lần hóa hiện (upahāras: xem nghĩa của từ ở Mhvu., Jones, I, 140 n. 2). Trong số những câu chuyện mà tôn giả trích dẫn để khẳng định cho lời nói của mình này có câu chuyện về vua Abhaya xứ Kaliṅga thời Đức Phật (Mhvu. I, 178-180).
Vị vua ấy nói rằng mọi hành động dù tốt hay xấu đều không để lại hậu quả. Cũng không có thế giới bên kia, hay phần thưởng cho thiện nghiệp ở bất cứ đâu. Không có ai thoát khỏi đam mê, sân hận và ngu si. Với niềm tin này, vua đã tập hợp dân chúng, tuyên bố điều này và duy trì quan điểm đó mãi về sau. Nhà vua nói: “Nếu người cha đã khuất của ta có thể tùy ý xuất hiện trước mặt ta và nói chuyện với ta lúc này, khi đó ta mới tin rằng thế giới khác tồn tại.”
Biết được điều này, Đức Phật đã hiện ra trong cung với tư cách là cha của Abhaya, khuyên nhà vua từ bỏ tà kiến cùng các bất thiện nghiệp của mình. Abhaya bày tỏ sự hối hận, xin được tha thứ và chỉ dẫn con đường cho mình.
Theo Jones, (Mhvu. trsl. I, 141 và II, 2), khi đề cập đến vị Abhaya này, tức vua của Kaliṅga, đã đặt câu hỏi: nếu trong trường hợp vị vua này không được biết đến, thì người có tên Abhaya đang nhắc đến phải chăng là Abhaya, một trưởng đoàn thương nhân (Số 11).
- R.
ABHAYA (10), một người Licchavi đã từng viếng thăm Đức Phật và tôn giả A-nan-đà tại giảng đường Kūṭāgārasālā (Trùng Các) ở Mahāvana (Đại Lâm) gần thành Vesāli (Tỳ-xá-ly) và thỉnh hỏi về các vấn đề giáo lý. Abhaya có vẻ rất hoan hỉ với những lời giảng nghe được (đặc biệt với các bài thuyết của A-nan-đà); nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy anh ta đã trở thành một đệ tử của Đức Phật.
Một lần vị ấy đến gặp A-nan-đà cùng một người Licchavi khác là Paṇḍitakumāraka. Abhaya kể cho A-nan-đà về tuyên bố của tu sĩ Nigaṇṭha Nātaputta (Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử) tự nhận mình có trí tuệ hoàn hảo và thuyết về việc hành trì khổ hạnh cùng bất hành động để thay đổi nghiệp sẽ đưa đến sự chấm dứt khổ đau. Abhaya đã hỏi A-nan-đà quan điểm của Đức Phật về việc này, và A-nan-đà giảng về cách thanh tịnh hóa tam đạo (Kiến đạo, Tu đạo, và Vô học đạo – ND) mà vị tỳ-kheo nên thực hành để chứng ngộ Niết-bàn (A. I, 220 f.).
Một lần khác (A. II, 200 f.), Abhaya đã im lặng lắng nghe khi Đức Phật giảng giải cho bạn đồng hành của ông là Sāḷha về sự vô nghĩa của việc hành xác để đạt giải thoát.
Abhaya đã bị nhầm lẫn với Abhaya-rājakumāra (Vương tử Vô Uý) (Tăng Chi, I, 200, n. 2; II, 211, n. 2; Tương Ưng, V, 107, n. 1). Abhaya-rājakumāra là con trai của vua Tần-bà-xa-la nước Ma-kiệt-đà và Padumāvatī, mỹ nữ thành Ujjeni nên không phải là người Licchavi.
Người ta cũng cho rằng Abhaya thuộc về hoàng tộc Licchavi (SBE. XLV, p. xv) nhưng điều này không có bằng chứng. Trong các văn bản, Abhaya chỉ được gọi là ‘Người Licchavi tên là Abhaya’.
- R. G.
ABHAYA (11), một chủ đoàn thương nhân. Ông là một trong những người đã rời cung trời Tusita (Đâu-xuất) cùng lúc với Bồ-tát (cách gọi ngài Gotama trước lúc thành Phật – ND) (Mhvu. II, 2, 7-17). Ông sinh ra ở thành Vương Xá và trở thành một gia chủ giàu có, nghiêm chỉnh và có ảnh hưởng tốt với các đồng sự. Câu hỏi đặt ra (Jones, Mhvu. trsl.) là liệu Abhaya, chủ đoàn thương nhân, có phải là Abhaya, vua xứ Kaliṅga (Số 9 ở trên) hay không. Tuy nhiên, điều này là không thể vì một người đến từ Vương Xá, một người là vua xứ Kaliṅga, tên hiệu của một người là sārthavāha (thương nhân), người kia là rājā (vương). Dù vậy, có một lưu ý thú vị là Abhayārajakumāra, người tự xưng là một xà phu (rathika) có tiếng, thông thạo mọi chi tiết bộ phận của một chiếc xe ngựa (M. I, 396), cũng là người cùng thời với Đức Phật. Tuy nhiên vẫn khó có thể kết luận chắc chắn về danh tính của họ.
ABHAYA (12), tên một tu sĩ đã từng là lãnh đạo nhóm tu khổ hạnh trú tại một tự viện ở Tích Lan gọi là Pañcapariveṇamūla. Tên vị này xuất hiện trong một nhiệm vụ bí mật của vua Kittisirimegha (khoảng thế kỷ 12), người được cho là đã phái ông cùng một cư sĩ có ảnh hưởng lớn khác đi đón cháu trai mình là Parakkamabāhu sau những chiến công của chàng trên lãnh thổ kẻ thù (Mhv. lxvii, 61, 80).
ABHAYA (13), tên một trong hai ni viện được vua Mahāsenā xây dựng ở Tích Lan (Mhv. xxxvii, 43; MhvA. ii, 685). Xem ABHAYUPASSAYA.
Với một số người khác thỉnh thoảng được nhắc đến với tên Abhaya, xem tên đầy đủ của họ, ví dụ: CORĀ-BHAYA, CÜLĀBHAYA, DĪGHABHĀṆAKA ABHAYA, DUṬṬHAGĀMAṆI ABHAYA, MAṬṬ-ĀBHAYA, VAṬṬAGĀMAṆI ABHAYA, v.v..