ĀBHĀSVARA
ĀBHĀSVARA. Từ tiếng Phạn Ābhāsvara tương ứng với Ābhassara tiếng Pali, được dịch sang tiếng Tây Tạng là “hod-gsal” hay “ánh sáng – âm thanh” (Quang Âm). Trong tiếng Hán, nó được phiên âm theo nhiều cách: A-ba-hội-đề-bà (阿波會提婆), A-duy-tỷ (阿維比), A-hội-hỗ-tu (阿會互修), A-bà-toát-la-già (阿婆嘬羅遮), và được dịch sang Hán ngữ theo các cách khác nhau là quang âm (光陰), vô lượng thủy (無量水), thủy vô lượng (水無量), cực quang tịnh (極光淨), cực quang (極光), quang tịnh (光淨), biến thắng quang (遍勝光), hoảng dục (晃昱), quang diệu (光曜). Những cách dịch này dựa trên hai cách hiểu khác nhau của từ. Cách thứ nhất là chia ābhāsvara thành ābhā, ánh sáng và savara, âm thanh. Cách phân tích còn lại là ābhās, ánh sáng và vara, vi diệu.
Ābhāsvara (Quang Âm Thiên) là tên gọi của một cảnh giới siêu nhiên (rūpa-dhātu – sắc giới). Đây là tầng thứ ba hay tầng cuối cùng của đệ nhị thiền (dvitīyadhyāna). Chúng sanh trong thế giới thần bí này, tức những người đã phát triển năng lực thiền đến giai đoạn này, không còn giao tiếp bằng âm thanh mà bằng ánh sáng phát ra từ tâm thiền của họ. Chỉ những chúng sanh thiện lành mới có thể đầu thai trong cõi này, nơi họ sẽ sở hữu sắc vàng tối thượng, thân hình cao lớn (tám do tuần. Xem Die Kosmographie der Inder của Kirfel, trang 332), và có thọ mạng lâu dài (tám mahākalpa – đại kiếp). Thức ăn của họ là hỷ lạc. Họ sống rất thoải mái và tràn ngập ánh sáng nhờ năng lực vốn có của mình.
Hơn nữa, họ có thể bay lượn nhờ thần thông (abhijñā).
Nguồn gốc của thế giới được giải thích như sau: Khi thế giới còn sơ khai, nhiều cung điện Phạm Thiên không có người ở, vì vậy một cư dân của cõi giới này (Quang Âm Thiên), sau khi thọ mạng ở Quang Âm Thiên kết thúc, đã tới sống trong các cung điện Phạm Thiên đó. Vị ấy là Sahampati, Brahmarāja (Vua Phạm Thiên – ND). Sau đó hậu duệ của vị ấy tiếp tục đi xuống thế giới con người, dần dần hình thành nên dân số.
Về mối quan hệ thực sự của thế giới thần bí này với các giai đoạn thiền định của hành giả, Stcherbatsky đưa ra một trình bày súc tích dựa trên cuốn Abhidharmakośa-śāstra (Thắng Pháp câu-xá luận) (Xem tác phẩm Quan niệm về Niết-bàn Phật giáo của ông, trang 11-12).
“Trí tưởng tượng đã dựng lên một loạt cõi giới huyền bí trên thiên đàng của các vị thần có thực thể. Các cõi giới này tương ứng chính xác với những tầng định mà nhà tu hành đang hoặc sẽ đạt được…
“Thế giới vật chất của chúng ta có 18 loại nguyên tố, bốn loại trong số đó không tồn tại trong thế giới của các thể dạng thanh nhẹ. Sự tiếp nhận thông tin về khứu giác, vị giác và 2 cơ quan cảm giác tương ứng với nó không tồn tại. Đó là do những chúng sanh này không sử dùng đồ ăn cứng hay loại thức ăn phải chia nhỏ để nhai và nuốt. Dinh dưỡng của họ là tinh thần. Ở đây, rõ ràng trí tưởng tượng được xây dựng dựa trên việc nhà tu hành quên tất cả chuyện ăn uống khi đắm mình trong thiền định. Vì thế, khứu giác và vị giác không còn lý do tồn tại. Chúng bị sức mạnh thần bí của yoga tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, các cơ quan vật lý như mũi, lưỡi thì vẫn có, vì một cơ thể nếu thiếu chúng sẽ khá khó coi. Mọi thân thể đều đẹp đẽ, không có cơ quan nào bị cắt xén. Khả năng thị giác và thính giác trở nên vô hạn, họ sở hữu divya-cakṣuḥ (thần nhãn -ND) và divya-śrotram (thần nhĩ-ND). Xúc giác có sự dễ chịu đặc trưng của sự khinh an – cảm giác nhẹ nhàng, an ổn (prasrabdhi) mang đến sự phi thăng trong cõi huyền ảo. Do đó, chuyển động của họ cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo. Tuy nhiên, các chức năng khứu giác và vị giác hoàn toàn không có, bởi vì thức ăn của họ là phi vật chất. Họ không cần trang phục vì họ được sinh ra với lớp bao phủ thanh tao nhẹ nhàng kéo dài suốt cuộc đời rất dài của họ. Họ cũng không cần nơi trú ngụ. Mọi trẻ sơ sinh đều có một ngôi nhà được karma mang lại, tức là do tự nhiên mà có. Sự luyến ái được tinh thần hóa. Cơ thể không có các cơ quan sinh sản vật lý nhưng điều này không có nghĩa là chúng bị cắt xén. Cảm giác ái dục thô lậu không hề tồn tại nhưng không phải sự thờ ơ hoàn toàn. Đó là những cảm xúc rất tinh tế. Sự ra đời của một chúng sanh hoàn toàn không có đau đớn và dơ bẩn. Đứa trẻ không được sinh ra từ cơ thể người nữ, mà bằng hóa sanh (upapāduka). Những người tình cờ ở gần nơi đứa trẻ sinh ra nhất sẽ trở thành cha mẹ. Trong một cộng đồng như vậy tất nhiên sẽ không cần có chính phủ, vì ở đó không có tội ác, không có những đam mê thô lậu. Hoàn toàn không có đam mê nghĩa là hoàn toàn không có ham muốn, theo quan niệm Ấn Độ, điều này sẽ chấm dứt hoàn toàn sự sanh, và đó là Niết-bàn. Tuy nhiên, tất cả các cảm giác đều ở dạng vi tế. Sự sân hận (pratigha) hoàn toàn không tồn tại. Những cảm giác khác được bao phủ bởi sự thờ ơ (nivṛta-avyākṛta)”.
Trong Phật giáo bí truyền, Quang Âm Thiên dường như được nhân cách hóa thành một con người từ ý tưởng trên. Theo đó, Ngài được miêu tả cùng hai đệ tử tại phía bắc của phần Ngoại Kim cang (Outer-Vajra) của Garbha-dhātu-maṇḍala (Thai tạng giới Mạn-đà-la). Chân dung của Ngài cơ bản giống chư Bồ-tát. Tuy nhiên, khác với các vị Bồ-tát khác, Ngài được minh họa bằng hình ảnh tay phải cầm một bông sen, bàn tay trái nắm lại đặt trên eo. Xem thêm ĀBHASSARA.
- K.
THAM KHẢO: Kinh Trường A-hàm (長 阿 舍 經), chương xx; Kinh Khởi Thế (起世經), chương vii; Ta-lou-t’an-ching (*), chương iv; Tao-hsing-n’an-jo-ching (*), chương ii; Tou-sha-ching (*); Buddhavatamsaka- nama-mahāvaipulya-sutra (Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm), chương xx; Đại Tỳ-bà-sa luận, chương. cxxxvi; Lập thế A-tỳ-đàm luận (立世阿毘曇論), chương vi; Abbidharmakosa-sastra (Thắng Pháp câu-xá luận), chương xi . Chướng Sở Tri Luận (彰所知論), chương x; Câu-xá luận quang ký (俱舍論光記) chương xi; Tứ A hàm mộ sao giải (四阿含暮抄解), chương II, ; Hsuan- ying-yin-i (*) chương iii; Mahāvyutpatti (Đại tập lý giải chính yếu), chương iv; Pi-tsang-chi (*); Shosetsu-Fudo-ki(諸說不), chương x; Taizokai-shi hishu (*) chương ii; Taizokai- mandala-genzu-sho(*), chương vli, S. Mochi-zuki, Jodokyo-no kigen-to-hattatsu (浄土教の起原と発達 hay ) Sự khởi nguồn và phát triển của Tịnh độ tông).