ĀBHASSARA (Quang Âm Thiên)

ĀBHASSARA (Quang Âm Thiên), một hạng chúng sanh được mô tả trong văn học kinh điển Pali là cư dân của một thế giới có tên Quang Âm Thiên Giới. Không rõ liệu ngay từ ban đầu hay mãi về sau này họ mới được công nhận là chư thiên (devā), nhưng dường như họ được xếp vào cõi trời trên trời Brahmaloka (Phạm Thiên), về mặt không gian có thể là có tồn tại nhưng chắc chắn là đó là cõi tư tưởng. Xuyên suốt các bài kinh, chúng sanh này được mô tả với đặc điểm chính là có hào quang. Một mô tả lặp đi lặp lại là họ có tâm tạo tác (manomayā), hỷ dưỡng (pīti-bhakkhā), tự phát quang (sayampabhā), bay lượn trong không trung (antalikkhacarā) và sống trong hào quang (subhaṭṭhāyino).[1]

Từ nguyên của “Ābhassara” vẫn chưa được xác định. Tạm thời có thể chấp nhận ý kiến Ābhassara là kết hợp của ābhā + svar (tỏa sáng, tươi sáng), hợp lại tạo thành những gì lấp lánh. Theo truyền thống, Ābhassara được giải thích là tượng trưng cho những vị thần có cơ thể phát ra các tia sáng chớp nháy như ánh chớp; từ đó ý kiến ā + bhā + sar cũng được nêu ra.[2] Cách mô tả truyền thống này tạo ra sự tương phản giữa họ với Biến Tịnh Thiên, là những vị thần có ánh sáng ổn định, thường được nhắc đến ngay sau đó theo thứ tự tăng dần trong các chư thiên của Kinh tạng. Như vậy, theo luận giải, thuộc tính đặc biệt của chư thiên Ābhassara là phát xạ ánh sáng (Quang Âm Thiên)

Quang Âm Thiên dường như có vị trí quan trọng trong tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, thường được khắc họa

trong các bộ kinh Pali. Trong Trường Bộ KinhTrung Bộ Kinh, họ xuất hiện trong bối cảnh của câu chuyện khởi thế, dường như mang tính Phật giáo đậm nét, nhằm mục đích  rõ ràng là phủ nhận những tuyên bố của Bà-la-môn giáo về quyền lực tối cao của Brahmā (Phạm Thiên) với tư cách là thần sáng tạo. Câu chuyện khởi thế này được kể trong kinh Brahmajāla (Phạm Võng), kinh Pāṭika (Ba-lê) và kinh Aggañña[3] (Khởi Thế Nhân Bổn). Bài kinh thứ ba có một thay đổi nhỏ nên việc xem xét nó có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quan điểm của các Phật tử về chúng sanh này.

Cả ba bài kinh đều đồng ý rằng Quang Âm Thiên là thế giới mà các loài được sinh ra khi hệ thống thế giới bắt đầu tiêu vong trong quá trình thành (vivaṭṭa) và hoại (saṃvaṭṭa) của nó. Kinh Khởi thế nhân bổn khác ở chỗ mô tả vai trò của Quang Âm Thiên khi thế giới bắt đầu tái lập lại sau diệt vong. Bài kinh này gọi Quang Âm Thiên là chúng sanh của cõi giới mà khi quá trình tái lập bắt đầu, một số trong đó, chết vì phước đức đã cạn, được tái sanh vào trái đất. Kinh Phạm Võng và kinh Ba-lê lại kể cùng một câu chuyện rằng một chúng sanh sắp chết vì cạn kiệt phước đức trong cõi Quang Âm Thiên sẽ được tái sanh vào cõi Phạm Thiên. Theo hai bài kinh này, một chúng sanh, khi phước đức đã tận trong cõi Phạm Thiên (chứ không phải cõi Quang Âm Thiên), sẽ tái sanh vào trái đất; nếu phát triển tuệ nhãn thấy được quá khứ, người ấy dễ có xu hướng hiểu sai kinh nghiệm của mình, dẫn đến đến thiên kiến sai lầm về sự khởi đầu vạn pháp.

Nhưng điều dường như là sự khác biệt này có thể được giải thích bởi mục đích khác nhau của ba bài kinh, với cùng bối cảnh liên quan đến câu chuyện khởi thế. Kinh Khởi thế nhân bổn cố gắng bác bỏ những tuyên bố của những người Bà-la-môn về sự ưu việt của tầng lớp Bà-la-môn qua việc họ được sinh ra từ miệng của Phạm Thiên. Theo bài kinh, “quan niệm sai lầm” này đến tự sự thiếu hiểu biết về lịch sử tiến hóa của trái đất và xã hội, rằng đẳng cấp chỉ là thứ do con người tạo ra, điều có thể truy vết từ các yếu tố tâm lý trong quá trình tiến hóa. Kinh Phạm Võng sử dụng câu chuyện khởi thế để trình bày tâm sinh lý trong quan điểm của một số triết gia đương thời rằng thế giới và linh hồn vừa vĩnh cửu vừa không vĩnh cửu. Quan niệm về một đấng Brahma vĩnh cửu được cho là nền tảng của quan điểm này, một nền móng mà trên đó lý thuyết này được xây dựng, là mục tiêu nhắm đến trong bài kinh. Thực tế thì theo bài kinh, Brahmā (Đại Phạm Thiên -ND) là một chúng sanh đã chết trong cõi Quang Âm Thiên do thọ mạng hết hay phước đức tận được tái sanh vào cõi Phạm Thiên. Việc vị ấy nghĩ mình là đấng sáng tạo bất tử v.v… chỉ dựa trên một kết luận vội vàng, được đưa ra mà thiếu hiểu biết đầy đủ do những hạn chế trong nhận thức của chính vị ấy. “Quan niệm sai lầm tương tự cũng xảy ra với các Phạm Thiên khác, tức những vị cộng trú với vị ấy, những vị xuất hiện sau đó, những vị không thể hình dung được rằng chính bản thân Brahmā (Đại Phạm Thiên – Phạm Thiên đầu tiên – ND) cũng được tái sanh từ một cõi khác, cõi Quang Âm Thiên, giống họ. Những người giữ quan điểm Bà-la-môn giáo về sự bất tử của Brahmā và cõi Phạm Thiên là những tư tưởng gia phàm phu, không thể hình dung được tiến trình mà bản thân các Phạm Thiên phải trải qua, không thể hình dung được cuộc sống trước đó của các Phạm Thiên trong cõi Quang Âm Thiên, không thể thấy rằng chính họ đã có lúc đứng ngang hàng với Phạm Thiên trong tiền kiếp của họ ở cõi Quang Âm Thiên và sau đó ở cõi Phạm Thiên, không thể nhớ lại xa hơn kiếp sống ở cõi Phạm Thiên, tức từ cõi Quang Âm Thiên mà họ đã rớt xuống. Do chỉ có thể nhớ lại một kiếp sống ngay trước đó, họ đi đến kết luận rằng Brahmā (Đại Phạm Thiên) và cõi Phạm Thiên là vĩnh cửu, còn bản thân họ là phù du, đã chết từ cõi Phạm Thiên. Bài kinh hiển nhiên đang giải thích những tuyên bố của Bà-la-môn giáo về mối quan hệ từng có hay sự liên kết của con người với Phạm Thiên, quan điểm về cõi giới Phạm Thiên là vĩnh cửu và đáng ao ước, có lẽ đã xuất hiện trước những ý niệm sau này về Phạm Thiên. Cõi Quang Âm Thiên hiển nhiên được đưa vào để chứng minh rằng có những cõi giới khác cao hơn cõi của Phạm Thiên.

Kinh Ba-lê lại liên quan đến việc giải quyết các phàn nàn của tỳ-kheo Sunakkhatta về việc Đức Phật không thi triển thần thông hay tuyên bố nguồn gốc vạn vật, bài kinh đã chỉ ra rằng trên thực tế, Ngài đã làm cả hai điều đó. Đức Phật đã trích dẫn một ví dụ[4] khi Ngài thuyết về nguồn gốc của vạn vật để đáp lại tuyên bố của một số ẩn sĩ và giáo sĩ Bà-la-môn về giáo lý truyền thống của họ, rằng thế giới là sản phẩm thủ công của một đấng sáng tạo tối cao. Câu chuyện khởi thế của họ, vốn cho rằng thế giới được tạo ra theo lệnh của Đại Phạm Thiên, giờ đây được làm sáng tỏ trong ánh sáng Phật giáo. Câu chuyện khởi thế mà Đức Phật đã kể lại có nguồn gốc tâm lý. Thực tế là, như được khẳng định trong Kinh Phạm Võng, vạn vật đều thay đổi và biến chuyển, bản thân Đại Phạm Thiên cũng phải tái sanh và thay đổi; vị ấy có thể sai lầm, bất như lý tác ý (nhìn nhận sự việc không đúng như thật -ND) (ayoniso manasikāra), có thể duy trì nhờ phước đức hay rớt xuống khi tận phước, nghĩa là chịu sự chi phối của luật nghiệp báo. Quang Âm Thiên là cõi giới vị ấy được sinh ra và đã sống trước khi đầu thai vào cõi Phạm Thiên vào thời điểm thế giới hoại diệt. Đó cũng là cõi giới mà những vị coi Đại Phạm Thiên là đấng sáng tạo đã được sinh ra hai lần trước khi làm người, nhưng những vị đã quên lần tái sanh đó thì không thể nhớ lại kiếp sống ấy, và do chỉ nhớ được cõi Phạm Thiên, họ bất tử hóa cõi Phạm Thiên và coi Đại Phạm Thiên là khởi đầu tất cả.

Như vậy, những so sánh về câu chuyện khởi thế trong ba bài kinh cho thấy không có cơ sở nào để coi Quang Âm Thiên là một dạng con người đầu tiên nào đó, quan điểm có thể gợi ra các cõi giới tương đương nơi họ không tồn tại. Có thể thấy rằng kinh Khởi thế nhân bổn gọi Quang Âm Thiên là cư dân của cõi giới mà chúng sanh được đầu thai trong sự tái lập lại của trái đất đã hoại diệt trước đó. Khi đề cập đến các chúng sanh này, bài kinh đã lần ra nguồn gốc của quan niệm về đẳng cấp và chứng minh sự sai lầm của nó bằng việc khẳng định dứt khoát rằng, ban đầu, chúng sanh chỉ là một dạng tồn tại đơn thuần, rằng đây mới là quan điểm thông thường và tự nhiên, sự phân biệt đẳng cấp và chủng tộc là do những sai sai lầm, mục ruỗng xuất hiện về sau này.

Kinh Phạm Võng và kinh Ba-lê cũng trình bày nguyên nhân đưa đến quan điểm đó của giáo sĩ Bà-la-môn và các ẩn sĩ. Những bài kinh này, dù thế nào đi nữa, cũng không cho rằng các Bà-la-môn và ẩn sĩ là những người con người đầu tiên. Quang Âm Thiên đơn thuần là cõi giới mà họ đã quên dù từng sống ở đó. Họ chỉ nhớ lại được cõi Phạm Thiên trong trực giác về quá khứ. Quang Âm Thiên không nhất thiết là cõi giới đầu tiên của họ. Ông vua triết học Plato, trong cuốn Republic (Cộng hòa) của mình, chỉ công nhận các khái niệm thấp hơn trong hệ thống cấp bậc Dạng thức (Platonic Forms), trong khi thực tế, ông đã liên hệ và ghi lại trong trí nhớ của mình tất cả các Dạng thức. Các triết gia Bà-la-môn thì phủ nhận sự tồn tại của các tầng cao hơn vì họ chỉ nhớ lại được các tầng thấp, không thể nhớ các tầng cao. Phạm Thiên là cõi thấp, Quang Âm Thiên là cõi cao hơn.

Như vậy, có vẻ như không tồn tại xung đột nào về mặt logic trong điều có vẻ như là mâu thuẫn về chuyện khởi thế, nếu các Phật tử đồng nhất trí rằng, một mặt, chúng sanh trên trái đất này được tái sanh từ cõi giới Quang Âm Thiên, mặt khác, những chúng sanh tự nhận mình là các Phạm Thiên, hay những giáo sĩ Bà-la-môn tôn thờ Brahmā, và các ẩn sĩ xuất hiện trên trái đất này đều đến từ thế giới đó dù bằng một con đường quanh co hơn. Mâu thuẫn sẽ chỉ tồn tại khi Quang Âm Thiên được cho là những con người đầu tiên bởi những đại diện Phật giáo.

Dù sao đi nữa, trong cả ba bài kinh, thế giới chỉ đơn thuần là ở trạng thái thành và hoại. Những lần đầu thai và tái sanh trong cõi Dục giới hay những cõi giới khác chỉ là những giai đoạn của quá trình bất tận đó mà thôi. Việc phủ định sự tồn tại của những cõi giới cao hơn Quang Âm Thiên được nhắc đến trong các bài kinh này không đủ để nói lên rằng những với những người theo đạo Phật, Quang Âm Thiên là một cõi giới đầu tiên hay bất diệt.

Có một số bằng chứng cho thấy câu chuyện khởi thế trong các bài kinh không hoàn toàn là quan niệm của riêng Phật giáo. Có thể thấy trong đó các yếu tố của Bà-la-môn giáo được thể hiện rất rõ ràng.[5] Hơn nữa, chính Đức Phật tiết lộ rằng một số người Bà-la-môn từng nói trước đây họ đã nghe về câu chuyện này.[6] Cách nói đơn giản của các Bà-la-môn này là: “Dù chúng tôi đã nghe như vậy, ngay cả khi tôn giả Gotama nói với chúng tôi” củng cố cho lập luận này. Kinh Khởi thế nhân bổn cũng cho thấy điều tương tự khi Đức Phật nói rằng sự tự phụ của giai cấp Bà-la-môn là do sự thiếu hiểu biết của họ về nền minh triết cổ xưa,[7] và Ngài tiếp tục câu chuyện khởi thế ta đang xem xét. Bài kệ lặp đi lặp lại, tạo thành xương sống của kinh Khởi thế nhân bổn, được Đức Phật gán cho Phạm thiên Sanaṅkumāra (Thường Đồng Tử), và rất có khả năng rằng bài kệ này là một phần của nền minh triết cổ xưa đó.[8] Vì vậy, liệu trong câu chuyện này có điều gì nguyên bản hơn những gì mà Phật giáo đưa ra hay không thì vẫn chưa chắc chắn. Cũng không thể xác định Quang Âm Thiên có từng được nhắc tên trong câu chuyện khởi thế trước đó hay không, họ có được coi như những vị thần mà các Phật tử đã đặt tên hay không, hay họ chỉ được các Phật tử nghĩ ra để khẳng định sự tồn tại của những cõi giới trên Brahma. Nếu họ là các vị thần mà các Phật tử đặt tên, có khả năng trong phiên bản này, họ được coi là những chúng sanh đầu tiên và điều này tạo nên một số đặc tính và vai trò cho họ.

Dù thế nào đi nữa, việc bản thân các Phật tử không coi các Quang Âm Thiên là các chúng sanh đầu tiên được khẳng định trong kinh Mūlapariyāya (Pháp môn Căn bản), bài kinh đưa ra một danh sách[9] các khái niệm thường bị những người không chuyên hiểu lầm là các thực thể. Danh sách này gồm có, trong số những khái niệm khác, trời Tứ Thiên Vương, Prajāpati (Sanh Chủ) và Phạm Thiên, những vị được công nhận là các vị thần bởi thần học đương đại. Quang Âm Thiên cũng được nêu tên trong danh sách này. Nhưng, có hai khái niệm khác xếp sau Quang Âm Thiên là Biến Tịnh Thiên và Vehapphala (Quảng Quả Thiên) được coi là tên của các chư thiên trong những hoàn cảnh khác.[10]  Các danh xưng này được theo sau bởi một số tên khác mà ở  một số văn cảnh[11] được coi là trạng thái tồn tại, trạng thái nhận thức hay các chư thiên (devā) trong một số kinh như kinh A-nậu-lâu-đà[12]Saṅkhāruppatti (Ý Hành)[13]. Bằng chứng này cho thấy với các Phật tử, có những cõi giới khác cao hơn Quang Âm Thiên, thừa nhận rằng Quang Âm Thiên chỉ là một cõi trong vũ trụ rộng lớn.

Danh sách[14] này cũng được bắt gặp trong một số bài kinh đề cập tới các chư thiên trên cõi Quang Âm Thiên. Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh[15] đưa ra danh sách giống kinh Pháp môn căn bản đến tận cung trời Abhibhū (Thắng giả) và bao gồm cả cung trời này. Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, cũng như kinh Pháp môn căn bản, coi Biến Tịnh Thiên cao Quang Âm Thiên. Tuy nhiên, ba bài kinh Sāleyyaka[16], Ý Hành A-nậu-lâu-đà có liệt kê hai hai tầng khác là Thiểu Tịnh Thiên và Vô Lượng Tịnh Thiên kế sau Quang Âm Thiên trước khi nhắc đến Biến Tịnh Thiên, cũng tương tự như Thiểu Quang Thiên và Vô Lượng Quang Thiệt được liệt kê trước khi nhắc tới Quang Âm Thiên.

Những khác biệt trong các danh sách cộng thêm việc bổ sung tên chư thiên ở một số danh sách khác cho thấy khả năng có sự phân tầng trong quan điểm vũ trụ học của những người theo đạo Phật, quá trình này được mặc định là một sự bổ sung tịnh tiến. Trường Bộ Kinh chỉ đề cập một lần duy nhất các cảnh giới cao hơn Quang Âm Thiên trong bài kinh Saṅgīti (Phúng Tụng)[17], giải thích rõ ràng về sự bổ sung các khái niệm đơn giản của Quang Âm Thiên ở các tài liệu tham khảo trước đó, sự bổ sung bằng việc thêm Quang Âm Thiên giữa các tầng nhận thức, sự phân chia thành các trạng thái jhāna mà Quang Âm Thiên là một trong số đó, tính siêu hình cao độ của bài kinh như một tổng thể, vốn là đặc điểm của tư tưởng Phật giáo sau này, và phong cách văn chương Abhidhamma (Thắng Pháp) trong cách trình bày. Việc bổ sung tên mới cho

các chư thiên trong kinh Ý Hành và một số kinh khác càng khẳng định thêm cho điều đó.

Do đó, thay vì bác bỏ, nên chấp nhận khả năng và chỉ ra rằng trong kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, vốn tìm cách minh họa một cách cụ thể lý thuyết chung về nguồn gốc tâm lý của khái niệm đấng sáng tạo xuất hiện trong kinh Phạm Võng, Ba-lêKhởi thế nhân bổn, đã khẳng định rằng có những cảnh giới khác cao hơn Brahmā, đó là Quang Âm Thiên, Biến Tịnh Thiên và Quảng Quả Thiên.[18] Đức Phật đã khẳng định một cách chắc chắn rằng, chính sự thiếu hiểu biết của  vị Đại Phạm Thiên Baka trong bài kinh này về ba cõi giới còn lại là nguyên nhân của sự tự phụ cũng như nhận thức sai lầm của ông về sự bất tử của mình. Mối quan tâm của Đức Phật thể hiện trong bài kinh là giảng giải cho vị Đại Phạm Thiên về sự tồn tại của các cõi giới khác.

Bên cạnh đó, việc không đề cập đến một hay nhiều cõi giới cao hơn Quang Âm Thiên trong Trường Bộ Kinh, ngoại trừ trong bài kinh Phúng Tụng, là bằng chứng không đầy đủ để kết luận ban đầu, Quang Âm Thiên được coi là một loại chúng sanh khởi thủy, các vị thần khác được thêm vào sau đó nhằm tạo sự bổ sung. Điều này có thể thấy được trong kinh Phạm Thiên cầu thỉnh. Có lúc [19], tác giả liệt kê ba nhóm, lúc khác lại đề cập thêm một số nhóm nữa. Nhưng, cả hai trường hợp đều được nhắc đến trong cùng một bối cảnh. Ở đây, tác giả có lẽ đã vận dụng phương tiện một cách linh hoạt để phục vụ cho mục đích của bài kinh và bối cảnh của nó. Điều này giải thích cho sự thiếu vắng các cõi giới khác ngoại trừ cõi Quang Âm Thiên trong các bài Trường Bộ Kinh.

Điều này không nhằm phủ nhận khả năng bổ sung chi tiết đã xảy ra trong vũ trụ học Phật giáo. Sự bổ sung được thừa nhận trong kinh Phúng Tụng, thậm chí với hai cái tên cụ thể là Thiểu Quang Thiên và Vô Lượng Quang Thiên. Một số tham khảo trong Tăng Chi Bộ Kinh[20] cũng có thể trích dẫn để chứng minh cho điều này. Sự gia tăng thành bảy hoặc chín cõi với Quang Âm Thiên là một trong số đó, thuộc tầng thứ ba của Đệ nhị thiền jhāna của trời Sắc giới, là một sự phát triển mà sau này được hệ thống hóa đầy đủ trong tập Thắng Pháp Tập Yếu (v. 3).

Những bằng chứng ở trên cho thấy chúng sanh cõi Quang Âm Thiên không được coi là những con người đầu tiên, những chúng sanh nguyên thủy, cũng như thế giới của họ không được coi  là thế giới đầu tiên và bất diệt.

Một điểm đáng chú ý khác là trong Trường Bộ Kinh, Quang Âm Thiên được gọi một cách nhất quán là các chúng sanh (sattā) chứ không phải chư thiên (devā). Ngay cả sau khi tái sanh trên trái đất, họ cũng không được gọi là con người mà vẫn chỉ là “chúng sanh”. Tuy nhiên trong Trung Bộ Kinh và một số kinh khác,[21] định danh “devā” lại được gắn cho họ. Có một điều thú vị là bài kinh Khởi thế nhân bổn rất nhất quán trong việc sử dụng sattā cho những chúng sanh này xuyên suốt toàn bộ bối cảnh, ngay cả khi các chúng sanh được nhắc đến trong các giai đoạn tiến hóa sau này được thấy rõ ràng là những con người.

Các thông tin thêm về Quang Âm Thiên được đưa ra trong các bài kinh Pali sau này. Họ được cho là luôn vui vẻ, sống bằng hỷ lạc, trường thọ, có mỹ tướng, là các vị thần từ bi. Thỉnh thoảng họ thốt lên những tiếng reo vui, “A! Hạnh phúc biết bao! (aho sukhaṃ)”, vốn là âm thanh tuyệt diệu nhất.[22] Nhưng sự vô thường và khổ đau cũng xảy ra với họ;[23] phước đức của họ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và họ bị rớt khỏi trạng thái đó. Họ giống nhau về hình dáng và khác biệt về trí tuệ.[24] Tập Jātakas (các chuyện bổn sanh) nói rằng chư Bồ-tát được sinh ra ở đó trong thời kỳ thế giới hỗn loạn. Nhóm chư thiên mà họ được cho là thuộc về (ít nhất là trong các bài kinh sau này), là chư thiên Ābhā (thần ánh sáng), thuộc loại sinh vật  giống như đàn đom đóm đựng trong trong giỏ hoặc lồng, không biết đến sự phù du ngắn ngủi của niềm vui của mình. Xem thêm ĀBHĀDEVĀ, ĀBHĀSVARA, AGGAÑÑA SUTTA, BRAHMĀ.

BANDULA JAYAWARDHANA

[1] e.g., D. I, 17; III, 28, 86.

[2] Triết học toát yếu, 138, n. 4.

[3] D. I, 17; III, 28, 84.

[4] D. III, 28.

[5] Xem BRAHMĀ.

[6] D. III, 31.

[7] Xem s.v. BRAHMĀ SANAṄKUMĀRA.

[8] Xem BRAHMĀ.

[9] M. I, 2-4.

[10] ibid. 289.

[11] Xem SATTĀVĀSA, VIÑÑĀṆAṬṬHITI.

[12] M. III, 144.

[13] ibid. 99.

[14] E.g., A. III, 202; IV, 40; V, 60.

[15] M. II, 326.

[16] ibid. 285.

[17] D. III, 253.

[18] M. I, 329.

[19] ibid.

[20] e.g., III, 202; IV, 40; V, 60.

[21] M. I, 289; A. II, 127; S. I, 114.

[22] A. III, 202.

[23] A. V, 60.

[24] D. III, 253.