ABHABBA SUTTA (kinh Abhabba)
ABHABBA SUTTA (kinh Abhabba) (1) Giống nhiều bài kinh khác, đây là một bài kinh nhị nguyên, tiếp cận đề tài theo hai hướngtrái ngược, tích cực và tiêu cực, do đó sự trùng lặp thường xảy ra. Bài kinh nằm trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương Mười Pháp (A.V, 146). Bài kinh không đề cập nơi chốn hay thời gian cụ thể. Lúc đó, Đức Phật dạy các tỳ-kheo rằng: bản thân Phật và các giáo huấn của Ngài cũng phụ thuộc vào duyên sanh. Bởi vì, “nếu trong thế giới hiện tượng này không có sinh, hoại và diệt, thì một đức Như Lai, một vị Phật toàn giác cũng không thể xuất hiện để tuyên thuyết chân lý và giới luật (dhamma-vinaya)”.
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng một người không thể (abhabba) vượt thoát khỏi các duyên đó. Có điều, nếu không dứt bỏ một số điều kiện nhất định, một người sẽ không thể thoát khỏi vòng tròn sinh, hoại, diệt. Các điều kiện này được gộp thành các nhóm ba pháp, sự thành hoại của mỗi nhóm phụ thuộc vào sự thành hoại của nhóm còn lại. Vì vậy trình tự logic trong các nhóm có thứ tự như sau: vô tàm (ahirika), vô quý (anottappa) và bất cẩn (pamatta); bất cần (anādariya), nan giáo (dovacassatā) và hữu ác hữu (pāpamittatā); không tín (assaddhiya), không hào phóng (avadaññutā) và lười biếng (kosajja); xao lãng (uddhacca), không thu thúc (asaṃvara) và thọ trì tà giới (dussīlya); không ưa thân cận các bậc trí (ariyānam adassanakamyatā), không ưa nghe pháp (ariyadhammaṃ asotukamyatā) và có tâm tìm lỗi người (upārambhacittatā); thất niệm (muṭṭhasacca), bất tỉnh giác (asampajañña) và tâm tán loạn (cetaso vikkhepa); không khéo tác ý (ayonisomanasikāra), hành tà đạo (kummaggasevana) và tâm biếng nhác (cetaso līnatta); thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbata – parāmāsa); dục tham (rāga), sân (dosa) và si (moha).
Sau đó, bài kinh đặt vấn đề ngược lại, cho thấy nếu trừ bỏ được dục tham, sân và si, một người có thể (bhabba) chấm dứt sinh (jāti), hoại (jarā) và chết (maraṇa), lặp lại
theo trình tự đầy đủ.
Chú giải không giải thích gì thêm.
- G. A. v. Z.