ABHABBAṬṬHĀNA (trạng thái)
ABHABBAṬṬHĀNA (trạng thái) Thuật ngữ này không xuất hiện trong các chánh kinh Tam Tạng mà nằm trong các luận giải[1], chỉ ra nhiều trạng thái, điều kiện bất lợi mà một Bồ-tát truy cầu sự giác ngộ hoàn toàn sẽ không mắc phải nhờ sơ nguyện của ngài (samiddhābhinīhāra).
Theo đó, một vị Bồ-tát khi đản sanh sẽ không gặp các tình trạng sau: (1) mù, (2) điếc, (3) thiểu năng, (4) câm, (5) tàn tật (pīṭhasappī), (6) sinh ra nơi hẻo lánh (milakkhesu), (7) sinh trong bào thai nữ nô lệ, (8) suốt đời hành tà giáo, (9) thực hiện các hành vi luyến ái (nāssa liṅgaṃ parivattati), (10) phạm bất kì một trong năm tội Ngũ nghịch đưa đến quả báo tức thời (ānantariya-kammāni), (11) bị bệnh cùi hủi (kuṭṭhī), (12) sinh làm súc sanh nhỏ hơn chim cút hay lớn hơn voi (vaṭṭakato pacchimattabhāvo,… hatthito adhikattabhāvo), (13) sinh làm ngạ quỷ đói khát (khuppipāsikā) hay ngạ quỷ bị lửa thiêu (nijjhāmataṇhikā), (14) sinh làm ngạ quỷ trong nhóm loài A-tu-la Kālakañjaka, (15) sinh trong ngục Vô Gián, (16) sinh vào Cư trung ngục Lokantarika, (17) sinh làm Māra (ma vương – vua cõi dục giới), (18) sinh trong cõi trời Vô tưởng (asaññībhava) của trời Sắc giới (rūpa-bhava), (19) sinh trong cõi Tịnh Cư Thiên (suddhāvāsabhava), (20) sinh trong cõi trời Vô sắc (arũpabhava), hoặc (21) sinh ở một cõi vũ trụ khác.
Tuy nhiên, trong các chú giải có liệt kê đầy đủ danh sách này cho rằng chỉ có mười tám (aṭṭhārasa) trạng thái mà thôi và không giải thích cụ thể cách tính. .
Dù vậy, có thể giải thích sự khác biệt từ mười tám trạng thái trở thành hai mốt nếu bốn trạng thái đầu trong danh sách được gộp làm một. Kết luận này cũng có thể được khẳng định từ cuốn Abhidammatthasaṅgaha (Thắng Pháp Tập Yếu) và luận giải, Abhidammatthavibhāvanīṭīkā. Trong kinh nhắc đến trường hợp “của những kẻ sinh ra đui mù và tương tự” (jaccandhādinaṃ), người mà ý thức về sự tái sanh nhất định phải là ahetuka-kusala-vipāka-citta[2] (tâm quả-thiện-vô nhân). Luận giải viết rằng, cụm từ jaccandhā-dīnaṃ có thể
bao gồm không chỉ những kẻ mù bẩm sinh, mà cả người điếc, câm, kẻ khoác lác và khùng điên khi mới lọt lòng, hoạn quan, kẻ lưỡng tính và vô tính[3]. Căn cứ vào giải thích này, bốn trạng thái đầu tiên rất có thể được gộp và và tính thành một nhóm, cộng với các mục còn lại tất cả thành mười tám.
Nhiều trạng thái trong các “bất hảo tướng” này cũng được nhắc đến trong Nidānakathā (Duyên Khởi Luận) của chú giải Chuyện Bổn sanh với tư cách là các bất nhiễm của một Bồ-tát khéo phương tiện[4]. Tuy nhiên, dù được nhắc đến vài lần, từ abhabbaṭṭhāna không được dùng trong bất cứ trường hợp nào để chỉ một hay tất cả các trạng thái, dù đứng riêng lẻ hay theo nhóm.
Một bản so sánh của danh sách này dưới dạng thể kệ trong Duyên Khởi Luận với danh sách trong Thắng Pháp Tập Yếu đã chứng minh rằng các trạng thái này xuất phát từ các truyền thống khác nhau. Danh sách trong Duyên Khởi Luận có ít mục hơn, ngay cả các thuật ngữ thường xuất hiện trong cả hai cuốn cũng không có sự đồng nhất. Điều này có thể giải thích là do yêu cầu của thể kệ. Nhưng, có những sự bất đồng đưa đến kết luận rằng Duyên Khởi Luận đại diện cho truyền thống nguyên thủy. Ví dụ, trong khi danh sách trong Duyên Khởi Luận phát xuất từ truyền thống Chuyện Bổn sanh tính một trạng thái mà một Bồ-tát sẽ không gặp phải là nhóm chỉ có “vi sinh vật”, thì Thắng Pháp Tập Yếu lại coi đó là nhóm rộng bao gồm cả các sinh vật cỡ lớn, thậm chí đưa ra các ví dụ từ kích thước từ lớn nhất đến nhỏ nhất có thể.
Thêm vào đó, chính khái niệm abhabbaṭṭhāna vốn không xuất hiện trong Duyên Khởi Luận lại được nhắc đến một cách cụ thể trong các chú giải đã trở thành nội dung khá rộng bao gồm mười tám tướng bất lợi mà một Bồ-tát toàn thiện miễn nhiễm.
Bản thân thuật ngữ bằng tiếng Pali abhabbaṭṭhāna cuối cùng bị thay thế bằng abhavyasthāna của Phạn ngữ tính đến thời điểm tập Chuyện Bổn sanh cùng bản dẫn nhập của nó được chuyển ngữ hoàn toàn qua tiếng Sinhala. Danh sách trong bản tiếng Sinhala có số lượng mục xấp xỉ trong các chú giải Pali.
Trong việc truy vết sự phát triển mở rộng của thuật ngữ này, cần lưu ý một điều thú vị rằng mặc dù từ ghép abhabbaṭṭhāna không hề xuất hiện trong Tam tạng, thì dạng phân tách của nó có thể bắt gặp trong Kinh tập[5] làm vị ngữ cùng với khīnāsava mà đến lượt nó lại được theo sau bởi danh từ thānāni, từ đó mà có “Yo āvuso bhikkhu arahaṃ khīnāsavo… abhabbo nava ṭhānāni ajjhācarituṃ.” Theo ngữ cảnh này, một vị A-la-hán, hay khīnāsava như thỉnh thoảng được gọi, được cho là không có thể (abhabbo) hành chín điều bất thiện (navaṭhānāni). Chín điều bất thiện đề cập trong kinh bao gồm: (1) tước đoạt mạng sống của một chúng sanh, (2) trộm cắp, (3) tà hạnh, (4) nói dối có chủ ý, (5) ham thích các thú vui (kāme) như một cư sĩ tại gia và hành theo
đó, (6) ham thích dục trần (chanda), (7) sân (dosa), (8) si (moha) và (9) sợ hãi (bhaya). Đôi khi chỉ năm điều đầu tiên trong số chín điều này được đề cập, được gọi là pañca ṭhānāni.[6]
Các ‘thí dụ” nói trên chắc chắn là quan trọng đối với một vị A-la-hán cũng như abhabbaṭṭhānāni đối với một vị Bồ-tát. Theo nghĩa tối thượng, cả A-la-hán và Bồ-tát đều có các quy tắc về mặt đạo hạnh, chỉ thay đổi tùy vào nhóm người liên quan. Do đó, khái niệm ban đầu trong Kinh Tập chỉ những bất nhiễm nhất định của một vị A-la-hán đã trở thành một từ ghép được cách điệu hóa để biểu thị những bất nhiễm tương tự của một Bồ-tát về sau này. Và tất cả bất nhiễm đều có ở một Bồ-tát, trừ một điểm là không bao giờ phạm bất kỳ một trong Ngũ nghịch tội (ānantariya-kamma). Đây cũng là phẩm chất của một người có chánh kiến,[7] nghĩa là, người đã chứng ngộ thánh quả đầu tiên.
H. S. COORAY.
[1] SnA. II, 1, p. 50; Apa. P. 141.
[2] Abhs. P. 22.
[3] Abhs. (cùng luận giải Abhidhammattha-vibahāvanīṭīkā, biên tập bởi trưởng lão Vāligama Paññānanda, 1898) p. 327.
[4] J. I. p. 45, chỉ có 16 mục được đề cập.
[5] D. III, p. 133; A. IV, pp. 370-371.
[6] A. IV, p. 370.
[7] S.v. ABHIṬHĀNA.