ĀBHĀ DEVĀ
ĀBHĀ DEVĀ, một loại chư thiên được nhắc đến trong Trung Bộ Kinh. Trong bài kinh Saṅkhāruppatti[1] (Hành Sanh), Đức Phật đã thuyết rằng tín (saddhā), giới (sīla), văn (suta), thí (cāga) và tuệ (paññā) là những điều kiện quyết định trạng thái tái sanh của mỗi người vào một dạng sống nhất định tùy theo ước nguyện cụ thể của người đó, người không ngừng tu tập và phát triển năm phẩm chất trên của tâm trong khi chuyên chú thực hiện mục tiêu của mình. Người sở hữu năm phẩm chất ấy, khi nghe biết bất kỳ nhóm chư thiên cụ thể nào có thọ mạng lâu dài, có mỹ tướng và có nhiều lạc thọ, từ đó nuôi dưỡng mong muốn được sinh cộng trú với nhóm chư thiên đó, thì ước nguyện của người ấy được thành tựu. Chư thiên Ābhā (Quang Thiên) là một trong số các nhóm chư thiên được liệt kê theo thứ tự tăng dần đó.
Không rõ các thuộc tính về thọ mạng lâu dài, v.v… mà bài kinh chỉ ra là thực hay chỉ là ảo ảnh cá nhân dựa trên truyền văn, vì kinh Pháp môn căn bản trong cùng tập Trung Bộ Kinh viết: quan niệm cho rằng một số vị thần có thật chỉ là ảo ảnh do sự hiểu biết không đầy đủ[2]. Tuy nhiên, trong đoạn kinh có thể thấy rõ một điều rằng những vui thú của đời sống cộng trú cùng các thiên nhân là không thể sánh được với đời sống an lạc, vô cầu của một bậc A-la-hán.
Việc trình bày được sắp xếp một cách khá thú vị. Mỗi nhóm chư thiên mà một người mong muốn tái sanh cộng trú được nhắc đến theo thứ tự tăng dần, bắt đầu là các giai cấp xã hội, Bà-la-môn, v.v.. lên đến các hạng thần và Phạm thiên khác nhau, đến vua cõi trời Phi tưởng Phi phi tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana). Trong mỗi nhóm này, việc một người mong muốn được sinh cộng trú với các chư thiên khi nghe biết những thuộc tính tốt đẹp của họ được lặp đi lặp lại .
Và gần như với sự hân hoan, tác giả bài kinh nói: “….vị sở hữu năm phẩm chất này ước muốn rằng, bằng sự đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy có thể tại đây và bây giờ phát triển, thể nhập vào sự giải thoát của thân và tâm, với những lậu hoặc đã được vị ấy nhận diện và đoạn trừ. Và với sự diệt tận của lậu hoặc, vị ấy đạt thành tựu. Này các vị, người này không còn được sinh ra ở đâu khác, không còn tái sanh ở chỗ nào khác!”[3]
Sự sắp xếp các tầng trời theo thứ tự tăng dần đã tạo ra hiệu ứng nhấn mạnh đối với đời sống của bậc thánh, được kể ra sau tầng trời cao nhất (ND.) Do đó, mục đích của bài kinh như để chứng minh rằng: cuộc sống không cầu tái sanh, vô lậu hoặc (āsavā) là tối thắng nhất, rằng đời sống đó có thể đạt được tại đây và lúc này, không giống như đời sống trong các cảnh giới thần tiên, chỉ có được sau khi chết.
Chư Quang Thiên được xếp hạng cao trong các tầng trời ở bài kinh này, ám chỉ có lẽ nơi họ sinh ra trong tâm thức đại chúng: cao hơn trời Cātummahārājika[4] (Tứ Thiên Vương), trời Tam Thập Tam Thiên (hay Trời Đạo Lợi),[5] thậm chí cả trời Phạm Thiên. Họ được nhắc đến ngay sau trời Phạm Thiên Trăm Ngàn thế giới (Satasahassassa Brahmā)[6], là cõi trời cao nhất trong hệ thống trời Phạm Thiên được phân loại dựa theo số lượng thế giới có trong cõi trời đó. Một người muốn sanh cộng trú với các tầng Phạm Thiên này đến từ việc nghe biết số lượng thế giới có trong đó và ánh sáng lan tỏa lên vạn vật của nó. Chư Quang Thiên, nghĩa đen là “thần ánh sáng”, gợi đến những mô tả về thần Trí Tuệ Ṛgvedic như những vị thần ánh sáng.
Thuộc tính ánh sáng này dường như được nhấn mạnh hơn trong các tiểu nhóm thuộc chư Quang Thiên. Parittābhā (Thiểu Quang Thiên), chư thiên có hào quang hữu lượng và Appamāṇābhā (Vô Lượng Quang Thiên), chư thiên có hào quang vô lượng rõ ràng thuộc nhóm chư thiên này như trong kinh đã đề cập [7]. Còn Ābhassara (Quang Âm Thiên) xếp kế tiếp được tính vào nhóm này hay nhóm nào khác không được xác định rõ ràng. Tên họ nghĩa là thần phát sáng, hay tự phát quang, có thể ám chỉ chư thiên này thực sự thuộc nhóm chư Quang Thiên. Tiếp theo, trời Subhā (Tịnh Thiên), cũng có hai tiểu nhóm mang tên theo cõi này là Paritta-subhā (Thiểu Tịnh Thiên) và Appamāṇa-subhā (Vô Lượng Tịnh Thiên), một lần nữa, trời Subhakiṇṇā (Biến Tịnh Thiên) xếp kế trên đó có phải tiểu nhóm thứ ba hay không cũng không rõ ràng.
Một số tài liệu khác đề cập đến chư Quang Thiên hay các tiểu nhóm cũng không có thêm thông tin gì hơn. Trong kinh Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) cùng thuộc Trung Bộ Kinh, tuy không nhắc đến tên chư Quang Thiên trong ngữ cảnh này, có liệt kê hai tiểu nhóm là Thiểu Quang Thiên và Vô Lượng Quang Thiên nhưng không tính Quang Âm Thiên. Thay vào đó, kinh kể thêm hai nhóm khác là chư thiên Sankiliṭṭhābhā (hào quang tạp nhiễm) và chư thiên Parisuddhābā[8] (hào quang thanh tịnh).
Các tiểu nhóm cũng không được đề cập đồng thời với chư Quang Âm Thiên trong bất kì tài liệu[9] hay bài kinh nào khác sau này thuộc tạng Kinh, khi mà Quang Âm Thiên được giải thích chi tiết hơn và có một số vai trò nhất định. Một so sánh thú vị là danh sách trong Mūlapariyāya (Kinh Pháp Môn căn bản) (xem lại phần trước).
Có vẻ như về mặt truyền thống[10], chư Quang Âm Thiên được xem là một tiểu nhóm của chư Quang Thiên. Trong tác phẩm sau này Thắng Pháp Tập Yếu, cuốn sách hệ thống hóa giáo lý Tam Tạng từ khía cạnh tâm lý, đã xếp Quang Âm Thiên thuộc trời Nhị Thiền jhāna cùng Thiểu Quang Thiên và Vô Lượng Quang Thiên,[11] tương tự trời Biến Tịnh Thiên cùng nhóm với trời Thiểu Tịnh Thiên và Vô Lượng Tịnh Thiên thuộc trời Tam Thiền jhāna, dù hai cái tên này (Quang Âm Thiên – Ābhassarā và Biến Tịnh Thiên – Subhakiņņā) không có chung đặc điểm về tên, Ābhā-Quang hay Subhā-Tịnh, với các tiểu nhóm còn lại.
Dù phân loại chưa minh bạch, nhưng chư Quang Thiên và các tầng trời khác cùng nhóm có điểm chung là sự liên quan chặt chẽ đến quan niệm về hào quang, ánh sáng. Điều này được đưa ra rõ ràng hơn trong Kinh A-nậu-lâu-đà[12], đã nhắc tới khi đặc tính này được dùng làm đề tài tranh luận[13] vốn quen thuộc với thiên kiến của các học giả châu Âu về vấn đề số lượng các thần có thể đứng trên đầu kim (tranh luận không có hồi kết -ND). Những câu hỏi đặt ra về bài kinh dạng như: Dù là Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Hào Quang Tạp Nhiễm, hay Hào Quang Thanh Tịnh, thì khi họ đứng cạnh nhau, sẽ có khác biệt về màu sắc chứ không phải độ sáng, dù tất cả cùng thuộc nhóm có hào quang hữu lượng hay vô lượng, v.v… Câu hỏi đầu tiên gợi nhớ đến bảy trạng thái tồn tại (sattaviññāṇaṭṭhiti) nhắc đến trong Trường Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh[14], theo đó chúng sanh được phân loại theo hình dạng và tư tưởng. Câu trả lời rất lý thú. Lấy một ví dụ điển hình về ánh sáng của ngọn đèn dầu với hào quang của chư thiên Ābhā để giải thích. Khi tập hợp lại một chỗ, các chư thiên có sự sai khác về màu sắc, không có sai khác về hào quang, giống như những ngọn đèn dầu khi đặt cạnh nhau, chúng có sự khác biệt về màu sắc, không có khác biệt về ánh sáng. Khi chư thiên đi ra khỏi chỗ đó, họ khác nhau cả về màu sắc và ánh sáng, cũng giống ngọn đèn dầu khi mang ra khỏi phòng[15].
Câu hỏi thứ hai, theo tôn giả A-nậu-lâu-đà (người được cho là đã thuyết bài kinh này), một chư thiên có hào quang hữu lượng (Parittābhā) hay vô lượng (Appamāṇābhā) được quyết định bởi trạng thái tái sanh do sự khác biệt nghiệp của họ[16].
Trong kinh A-nậu-lâu-đà, chư Quang Thiên được mô tả như sau:
“Chư thiên ấy không nghĩ cuộc sống hiện tại của mình là mãi mãi, bất biến và thường hằng; tuy nhiên chỗ nào chư thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, họ sống tự tại. Ví như các con ruồi bị mang đi trong đòn gánh hay cái giỏ, chúng không nghĩ cuộc sống của chúng hôm nay sẽ kéo dài mãi, bất biến và thường hằng, nhưng chỗ nào các con ruồi ấy an trú, tại chỗ ấy, chúng sống thoải mái”.[17]
Bài kinh cũng được cho là của Đức Phật dù mang tên A-nậu-lâu-đà. Đó rõ ràng là cùng một vị tôn giả A-nậu-lâu-đà người được cho là đã trùng tuyên các bài giảng Abhidhamma (Thắng Pháp) của Đức Phật. Nếu quả đúng là vậy, có lẽ tôn giả nên tuyên bố rằng những kiến thức của Ngài về chư thiên Ābhā là có từ kinh nghiệm trực tiếp, rằng ngài đã từng sống và trò chuyện với họ, vì theo truyền thống, Abhidhamma được cho là các bài giảng của Đức Phật thuyết cho chư thiên. Trên thực tế, khi tôn giả Abhiya Kaccāna (Ca-chiên-diên) hỏi tại sao ngài không dùng cách nói theo thông lệ “Như vậy tôi nghe” làm lời dẫn nhập cho bài thuyết của mình, A-nậu-lâu-đà đã trả lời đó là do ngài đã dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân mình để nói ra câu chuyện. [18]
BANDULA JAYAWARDHANA.
[1] M. III, 99 f.
[2] M. I, 5 f.
[3] Theo bản dịch của Chalmers: Further Diologues, 11, 214.
[4] M. III, 101.
[5] ibid.
[6] ibid. 102.
[7] ibid.
[8] M. III, 147.
[9] Xem ĀBHASSARA.
[10] Xem thêm MA. II, 902; Kvyū. 207; VbhA. 520.
[11] Abhs. 21.
[12] ibid. 144f.
[13] ibid. 147-148.
[14] D. II, 68; A. IV, 41.
[15] M. III, 147.
[16] ibid. 149-150.
[17] Theo bản dịch của Chalmers, op. cit., Pt. IJ. 241.
[18] M. III, 152.