ĀBHĀ. I. Nghĩa của từ. Ābhā (ánh sáng), có các từ tương đương trong tiếng Phạn, ví dụ: prabhā (hào quang) và raśmi (tia sáng). Đó là ánh sáng phát ra từ thân chư Phật, Bồ-tát và được dịch sang Hán ngữ là quang minh (光明), đôi khi đơn giản là quang (光), cả hai chữ đều có nghĩa là sự sáng hoặc ánh sáng. Trong kinh Sukhāvativyūha (Vô Lượng Thọ) (Nanjio, 27), ý nghĩa này được mô tả như sau: “Ánh sáng uy lực của Đức Phật Amitābha (A-di-đà) là đáng cung kính nhất thế gian”; trong chương 1 kinh Saddharmapundarīka (Diệu Pháp Liên Hoa) (Nanjio, 134): “Đức Như Lai phóng ra hào quang từ ūṛṇā-keśa[1] (bạch hào) chiếu sáng khắp một vạn tám ngàn cõi Phật ở phương Đông.”

  1. II. Các loại Ābhā. Có hai loại ánh sáng. Một là thường quang (常光 hay nityābhā, ánh sáng vĩnh hằng), và một là thần thông quang (神通 hay abhijñābhā, ánh sáng vi diệu).

(1) Thường quang (nityābhā), còn gọi là viên quang (圓光hay kavākārābhā, ánh sáng tròn), là ánh sáng phát ra liên tục suốt ngày đêm. Điều này được giải thích ở chương 3, kinh Buddhadhyāna-samādhisāgara (Quán Phật Tam Muội) (Nanjio, 430) như sau: “Ánh sáng này được gọi là ánh sáng tròn. Nó bao quanh cổ Đức Phật và tỏa ra mỗi phía một tầm.”

Chương hai của “Kinh Hào quang Tối thượng” (Nanjio, 259, Vô Thượng Y Kinh 無上依經) viết: “Nhờ nghiệp lực, kim thân Như Lai có sắc vàng, hào quang phóng chiếu 10 feet (~3,038m)”. Chương 8, Mahā-prajñāpāramitopadeśa (Đại Trí Độ Luận) (Nanjio, 1169) viết rằng chư Phật và Bồ-tát có hào quang trải dài mười feet quanh thân. Các Bồ-tát khi sinh ra đều có ánh sáng này. Đó là một trong 32 hảo tướng của một bậc đại nhân, gọi là Trượng quang tướng (丈光相, ‘đặc tính ánh sáng mười feet”).

Trên đây là tất cả những luận giải liên quan đến hào quang Đức Phật (Ābhā). Nhưng những dấu hiệu này chỉ có thể thấy được với Ứng thân Phật. Với Báo thân Phật thì ánh sáng là vô lượng vô biên. Điều này được xác nhận trong chương 1 cuốn Vãng Sanh Luận Chú (往 生 論 註). Chương 3 của Tuyển Trạch Truyện Hoằng Quyết Nghi Sao (選擇傳弘決疑鈔) viết: tám vạn bốn ngàn tia sáng của Phật A-di-đà không phải là thần thông quang mà là thường quang, bởi những tia sáng này là kết quả đại nguyện đầu tiên của Ngài.

(2) Thần thông quang (abhijñābhā), còn được gọi là Hiện khởi quang (現起光) hay Phóng quang (放光), nghĩa là ánh sáng phát sinh và ánh sáng lan tỏa. Chương 7 cuốn Mahāprajñāpāramitā-śāstra (Đại Bát-nhã-ba-la-mật Luận) (Nanjio, 1169) viết: “Có khi chư Phật phát hào quang để chứng tỏ sức mạnh vi diệu của các Ngài (abhijñā). “Có khi” là lúc nào? Đó là khi Đức Phật đản sanh, khi Ngài giác ngộ, khi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên, khi nhiều vị chư thiên và thánh nhân hội họp nghe Ngài thuyết giảng và khi Ngài trấn áp những kẻ ngoại đạo”.

Hào quang này được cho rằng không chỉ phát ra từ chư Phật và Bồ-tát mà còn từ các vị tiểu thần, nhưng số lượng và lợi ích của ánh sáng không giống nhau.

Chương 7 của Đại Bát-nhã-ba-la-mật Luận viết, “Ánh sáng vi diệu có ba loại là hạ, trung và thượng. Ánh sáng phát ra từ ma thuật và bùa chú là ‘hạ quang’. Ánh sáng của nhiều vị thần và các loài rắn (nāgas) là ‘trung quang’. Ánh sáng đạt được nhờ công đức tu tập là ‘thượng quang’. Hơn nữa, nhiều vị thần có thể phát ra ánh sáng, nhưng hữu lượng. Mặt trời và mặt trăng chỉ có thể chiếu sáng thế gian này. Còn hào quang chư Phật rải khắp tam đại thiên thế giới và lan tỏa xuống hạ giới. Ánh sáng của chư thiên khiến kẻ phàm mừng vui, nhưng hào quang của chư Phật có thể đưa chúng sanh đến giải thoát”.

III. Sự biến đổi của ánh sáng. Ánh sáng của Đức Phật đôi khi tự chuyển hóa và có thể đưa con người đến giác ngộ.

Chương đầu tiên của kinh Pañcaviṃśati-sāhasrikā-prajñāpāramitā  (Nhị Thập Ngũ Thiên Tụng Bát-nhã-ba-la-mật) (Nanjio, 2) viết: “Một ngàn tia sáng phóng ra từ lưỡi Phật. Mỗi tia sáng tự biến thành một ngàn lá hoa báu, ánh sáng là vàng ròng. Trên mỗi lá hoa có một vị Phật ngồi thuyết pháp lục độ ba-la-mật, đánh thức trong chúng sanh niềm tin về sự giác ngộ tuyệt đối”. Kinh Buddhabhāṣitāmitā-yurbuddha-dhyāna (Nanjio, 198) viết: “Mỗi hạt bảo châu (maṇi) có tám vạn bốn ngàn tia sáng. Mỗi tia sáng phát ra tám vạn bốn ngàn loại vàng khác nhau và mỗi loại loại vàng lại tự biến đổi, tạo ra vô số hình tướng, như thể một đài kim cang (vajra), một lưới trân châu hay một đám mây hoa”. Như đã đề cập, những tia sáng này biến hiện nhiều hướng để thực hiện các Phật sự. Chương đầu tiên của kinh Sukhāvativyūha (Vô lượng thọ), viết: “Nếu một chúng sanh đến trong ánh sáng này, mọi phiền não sẽ lập tức biến mất, ý chí và thân thể trở nên nhu nhuyến, sảng khoái. Trong tâm chúng sanh ấy sẽ khởi lên niệm lành. Nếu chúng sanh nào đến trong ánh sáng này ở một trong các địa ngục, khổ đau sẽ chấm dứt, được an ổn và khi hết thời gian ở địa ngục sẽ được giải thoát”.

Còn nhiều ví dụ về lợi ích và công đức của ánh sáng được đề cập trong nhiều bài kinh khác.

  1. Các dạng hào quang từ thân và tâm Phật. Đối với thần thông quang, tùy vào vị trí ánh sáng phát ra mà có vài loại hào quang. Ánh sáng phát ra từ toàn thân Phật gọi là Cử thân quang (舉身光), từ một đặc tính của Phật (Buddhatā) là Tùy nhất tướng quang (隨一相光), từ ūrṇā-keṣa là Bạch Hào quang (白毫光, Hào quang 毫光, có khi là Mi gian quang 眉間光 hay ánh sáng xuất sanh). Ánh sáng từ lỗ chân lông trên da là Mao Khổng Quang (毛孔光). Ánh sáng tròn trên đầu Phật là Đầu Quang (頭光), sau lưng Phật là Hậu quang (後光).

Hào quang phát ra từ pháp thân chư Phật và Bồ-tát thường được gọi là Thân Quang (身光) hoặc Sắc Quang (色光), có khi là Ngoại Quang (外光). Ngược lại, trí tuệ bát nhã gọi là Trí Huệ Quang (智慧光, Trí quang 智慧) hay Nội Quang (内光).

Điều này được giải thích trong nhiều bài kinh. Theo đó, chương 47 của kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật Luận viết: “Có hai loại hào quang. Một là ánh sáng từ thân (Sắc Quang 色光), loại còn lại là ánh sáng của trí tuệ (Trí Huệ Quang 智慧光).

Chương 3 cuốn luận giải của Pháp Tạng (法蔵) về bài Gandavyūha Sūtra (Hoa Nghiêm Kinh Tham Huyền Ký華嚴經探玄記) giải thích chi tiết hơn: “Có hai loại ánh sáng, một là ánh sáng từ thân (Thân quang 身光), loại còn lại là ánh sáng trí tuệ (Trí quang 智慧), mỗi loại lại tiếp tục chia làm hai. Với Trí Quang, là ánh sáng của trí tuệ, tỏa sáng cho dharma (pháp), tức Chân lý, cả chân đế và tục đế. Trong khi đó, hào quang thứ nhất, tức Thân quang, được
phát ra và ban rải cho chúng sanh, mỗi chúng sanh được giải thoát theo nỗ lực tự thân. Tương tự, Thân quang cũng có hai loại: một là hào quang vĩnh cửu (viên quang 圓光), bất diệt và viên mãn. Loại còn lại là ánh sáng lan tỏa (phóng quang 放光), làm kinh động phàm nhân.”

Chương hai của A-di-đà Kinh Thông Tán Sớ (阿彌陀佛通贅疏), luận giải của cuốn kinh Vô Lượng Thọ viết: “Có hai loại hào quang. Loại thứ nhất là ánh sáng bên trong (Nội quang 内光) chiếu sáng nội tại, là trí tuệ. Loại thứ hai, Ngoại quang (外光), chiếu sáng thân thể, nên còn gọi là Thân quang (身光) hay ánh sáng của thân.

Đôi khi, ánh sáng trí tuệ được gọi là ánh sáng của tâm (citta, Tâm quang 心光) ngược lại với ánh sáng của rūpa (sắc). Trong Quán Niệm Pháp Môn (觀念法門 hay giáo lý về smṛti – niệm), tâm quang được giải thích như sau: “Hào quang pháp thân chiếu khắp thế gian. Hào quang tâm Phật A-di-đà chỉ chiếu cho những chúng sanh niệm Phật A-di-đà”. Trong Chương 3 của Tuyển Trạch Truyện Hoằng Quyết Nghi Sao (選擇傳弘決疑鈔) luận  thêm: “Gọi là ánh sáng của tâm vì ánh sáng này phát ra từ tâm của Đức Phật. Nó còn được gọi là ánh sáng của trí tuệ.”

Chương 11 bộ Yogācārabhūmi (Du-già sư địa) (Nanjio, 1170) viết: “Có ba loại ánh sáng là: ánh sáng chiếu xuyên màn đêm, ánh sáng của chân lý, và ánh sáng của thân. Ánh sáng chiếu xuyên màn đêm lại chia làm ba loại. Một là ánh sáng trong đêm, tức mặt trăng và các vì sao. Loại thứ hai một ánh sáng ban ngày, tức mặt trời. Loại thứ ba là ánh sáng thông thường, như ngọn lửa. Ánh sáng chân lý là tên gọi khác của trí tuệ dùng để quán sát thế gian. Ánh sáng của thân là ánh sáng tự nhiên phát ra từ cơ thể chúng sanh.”

  1. Các loại hào quang khác. Trong chương đầu của cuốn Vô Lượng Thọ (Nanjio, 27) có đề cập 12 danh xưng của Hào quang Phật A-di-đà. Bên cạnh đó, chương 30 của Ratnakūṭa (Bảo Tích Kinh) (hay Sumati-dārikā-paripṛcchā, Nanjio, 23) liệt kê 41 loại ánh sáng liên quan đến Đức Phật Śākyamuni (Thích-ca-mâu-ni). Trong Kệ Tán Phật A-di-đà (讚阿彌陀佛偈), kinh niệm Phật A-di-đà, nhiều loại hào quang được nhắc đến bao gồm: bánh xe ánh sáng (quang luân 光輪), ánh sáng bình minh (quang hiểu 光曉), ánh sáng nhận diện bằng giác quan (quang xúc 光觸), đám mây sáng (quang vân 光蕓), ánh sáng lấp lánh (quang trạch 光澤), ánh sáng rực rỡ (quang chiếu 光照), sức mạnh của ánh sáng (quang lực 光力), ánh sáng nhân từ (từ quang 慈光), ánh sáng đồng cảm (bi quang 悲光), ánh sáng thiêng liêng (thần quang 神光), ánh sáng uy lực (uy quang 威光), ánh sáng lớn (đại quang 大光), ánh sáng vàng (kim quang 金光), ánh sáng vô lượng (bất khả tư nghì quang 不可思議光) và nhiều loại khác.

Trong  các sách của tam tạng kinh nguyên thủy, không có nhiều loại ánh sáng được đề cập. Ví dụ trong Tăng Chi Bộ Kinh, chỉ có 4 loại ánh sáng (II, p. 129, No. 141) là ánh sáng của

mặt trăng, mặt trời, ngọn lửa và trí tuệ, trong đó ánh sáng trí huệ là tối hậu.

SHŪYŪ KANAOKA

THAM KHẢO: Kinh Mahāprajñāpāramitā-śāstra (Đại Bát-nhã-ba-la-mật Luận) (Nanjio, 1169) chương 34; Du Già Luận Lược Toản (瑜伽論略纂 hay Tóm Lược Du Già Sư Địa Luận) chương 5; Khởi Tín Luận Sơ Bút Tước Ký (起信論疏筆削記  hay luận giải về Mahāyāna-prasāda-prabhāvana) chương 7; Ojō yōshu (Vãng Sanh Yếu Tập  往生要集 của Genshin – Nguyên Tín 985 A.C.); Vãng Sanh Luận Trú Ký (往生論註記 hay luận giải của ngài Thế Thân về kinh Sukhāvativyūhaupadeśa) chương 3; Giáo Hành Tín Chứng Lục Yếu Sao (教行信證六要鈔 hay luận giải của ngài Shinran (Thân Loan 親鸞1173- 1262) về Kyōgyoshinsho (Giáo Hành Tín Chứng) hay Cẩm Nang Về  Phái Shinshū); Quang Minh Danh Hiệu Nhân Duyên (光明名号因縁); Đại Quang Phổ Chiếu Tập (大光普照集); Tán Phật A-di-đà (讚阿彌陀佛).

[1] Sợi tóc xoắn theo chiều kim đồng hồ nằm giữa hai lông mày. Được đề cập là tướng cuối cùng trong ba hai hảo tướng của bậc đại nhân (mahāpuruṣa), dịch sang Hán văn là Bạch hào tướng (白毫相) hay “dấu sợi tóc trắng phát sáng”.