ABEGG, Giáo sư Emil thuộc Đại học Zürich, tác giả cuốn Der Pretakalpa des Garuḍa-Purāṅa (Berlin, 1921), Der Messiasglaube in Indien und Iran (Berlin, 1928), Die Indiensammlung der Universität Zürich (Zürich, 1935), Die Berner Tafeln zur Krishna-Legende (Berne, 1935), Krishnas Geburt und das Indische Weihnachtsfest (Zürich, 1938), Indische Psychologie (Zürich, 1945).

Trong cuốn Lịch sử Văn học Ấn Độ (II, p. 273 và 289) của M. Winternitz, ông được trích dẫn trong phần liên quan đến cuộc đời tương lai của Đức Maitreya (Phật Di-lặc) và các bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Đức như Maitreyavyākaraṇa (Di-lặc Hạ Sanh) và Maitreyasamiti (Di-lặc Hội Kiến); ngoài ra có thêm cuốn Divyāvadāna (Thiên Thí Dụ) liên quan đến sự xuất hiện của Phật tương lai Di-lặc, kết hợp với truyền thuyết về vua Praṇāda (Die Messiasglaube in Indien und Iran, lần lượt trang 132 ff. và 153 ff).

Trong cuốn Indische Psychologie của mình, Abegg dành riêng một vài trang cho đạo Phật (ch. V, p. 107–121).  Ông lấy thuyết duyên khởi (pratītyasamutpāda) làm nền tảng tâm lý đối với sự hình thành tính cách con người, và so sánh mười hai nhân duyên với bốn uẩn là vedanā (thọ), saṃjñā (tưởng), saṃskāra (hành) và vijñāna (thức). Các uẩn này đã được chỉ ra một cách chính xác là vô thường (anitya) và không ngừng thay đổi. Do không có một thực thể vĩnh hằng nên khái niệm về linh hồn bị phủ nhận (anātma-vāda). Chủ nghĩa cá nhân của ngoại đạo được so sánh với Ahaṃkāra (ngã mạn) trong triết học Sāṅkhya (Số luận). Hoài nghi nảy sinh từ thuyết phi linh hồn liên quan đến các vấn đề đạo đức được giải quyết bằng giáo lý về nghiệp.

Cuốn Milindapañha (Milinda vấn đạo) thường được nhắc đến là một  tác phẩm hậu kinh điển, dù nó được đánh giá rất cao trong Phật giáo Nguyên Thủy. Nó được so sánh với triết học Nyāya (Chánh lý), đặc biệt về vai trò của trí nhớ trong những giấc mơ.

Như vậy, Phật giáo đã được trình bày như một môn tâm lý học với mục đích làm cứu cánh tôn giáo, xuất phát từ tính siêu hình xuất hiện trong Upanishads (Áo Nghĩa Thư) của Ấn Độ giáo. Abegg cũng giải thích trong cuốn Der Messiasglaube in Indien und Iran auf Grund der Quellen dargerstelt (Berlin và Leipzig: Walter de Gruyter and Co., 1928) các khái niệm của Ấn giáo liên quan đến thần Kalki, quan niệm của Phật giáo về Phật Di-lặc, các học thuyết Hỏa giáo Zoroastrian về sự trở lại của người sáng lập Hỏa giáo (JRAS. 1932, pp. 447 ff.). Giáo lý Phật giáo đã được đề cập (pp. 145-202) với các nguồn tham khảo chính là bài Kinh Pali Cakkavattisīhanāda (Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống) (D. III, 58-79), thi tụng Anāgatavaṃsa (Vị Lai Sử), Thiên Thí Dụ và nhiều tài liệu về ngài Di-lặc còn sót lại trong các bản Tạng ngữ và Hán ngữ, trước đó đã được Leumann tập hợp, nghiên cứu cho ấn bản Di-lặc Hội Kiến bằng ngôn ngữ Saka-Khotanī. Abegg thấy gần như không có bằng chứng về sự trao đổi tư tưởng giữa ba tôn giáo này. Ông chỉ xác nhận sự vay mượn từ Hỏa giáo qua một vài nét đặc trưng của Phật Di-lặc như sự phóng hào quang và thiên nhãn thông của Phật. Abegg cho rằng ở Trung Á, Phật giáo Đại thừa có thể đã bị ảnh hưởng không chỉ bởi tôn giáo Parsi của Hỏa giáo mà còn bởi Thuyết Maniche, Thuyết Ngộ đạo và Thuyết Nestorian của Cơ đốc giáo.

H. G. A. v. Z.