ABBHOKĀSA
ABBHOKĀSA (Skt. Abhyavakāśa) nghĩa là “ngoài trời, không gian trống”. Khái niệm thường được sử dụng thuần túy theo nghĩa này, không mang ý nghĩa tôn giáo, ví dụ: Tena kho pana samayena āyasmā Mahāmoggallāno abbhokāse caṅkamati (Lúc đó Đại Mục-kiền-liên đang đi dạo ngoài trời: M. I, 332), hoặc Tena khalu samayenāyuṣmānando bahirvihārasyābhyavakāśe caṅkrame caṅkramyate (Lúc đó A-nan-đà đang đi kinh hành bên ngoài tịnh xá: Avś. I, 228).
Nhưng thuật ngữ này lại mang ý nghĩa đặc biệt khi sử dụng trong phép ẩn dụ kinh điển và thường được trích dẫn là: sambādho gharāvāso rajāpatho abbhokāso pabbajjā (D. I, 63; M. I, 179, v.v…). Ở đây, cuộc sống không nhà cửa được cho là thoải mái, không ràng buộc giống như không gian trống trải, trái ngược với cuộc sống tại gia đầy lo toan như một con đường đầy bụi đất. Cách nói này thường được thốt ra bởi những cư sĩ đang suy nghĩ về việc cắt ái từ thân.
Tương đương trong Phạn ngữ cũng có: sambādho punarayaṃ gṛhavāso rajasāmāvāso abhyavakāśaṃ pravrajyā (M hvu. III, 50; và II, 117).
Các bản chú giải giải thích làm rõ ẩn dụ này và đưa ra những lý do cho việc so sánh cuộc sống của một ẩn sĩ với không gian rộng mở. Trong một số luận giải, cách giải thích được diễn đạt bằng những ngôn từ giống nhau. Đời sống người xuất gia giống như không gian tự do, không dính mắc vào bất cứ điều gì. Ngay cả khi một ẩn sĩ sống trong một căn nhà có đầu hồi vững chắc, một bảo điện hay một thánh cung với cửa chính và cửa sổ đóng kín, vị ấy cũng không bị chúng làm xao lãng hay chướng ngại. Thêm vào đó, trái ngược với những ràng buộc trong đời sống của một cư sĩ, đời khổ hạnh của tu sĩ tự do như không gian rộng mở vì có rất nhiều cơ hội để hành thiện (DA. I, 180; MA. II, 204, v.v…). Giống như ngoài trời, đời sống ấy cũng miễn nhiễm khỏi mọi chướng ngại. Dù ngay cả khi hai vị tỳ-kheo cùng ngồi trong một căn phòng làm bằng tứ bảo vật, những thứ ấy cũng vô nghĩa với họ và không tạo ra ràng buộc hay chướng ngại nào với các vị ấy..
Trong văn chương Phật giáo sơ khởi, abbhokāsa còn mang ý nghĩa tôn giáo lớn hơn khi được coi là một trong những nơi thích hợp cho việc thiền định. Một tỳ-kheo truy cầu thiền định sẽ tìm kiếm một nơi trú ẩn (vivittaṃ senāsanaṃ); những địa điểm phù hợp được nhắc đến là araññaṃ, rukkṅamūlaṃ, pabbataṃ, kandaraṃ, giriguhaṃ, susānaṃ, vanapatthaṃ, abbhokāsaṃ, palālapuñjaṃ (một khu rừng, một gốc cây, một sườn núi, chốn hoang vu, hang động, nghĩa trang, một khu rừng âm u, bãi đất trống, hay một đống rơm: D. I, 71; M. I, 181; A. II, 210, v.v…).
Thậm chí ngoài văn cảnh này, abbhokāsa còn được gợi ý cho những địa điểm khác, chẳng hạn một cội cây làm nơi năng lui tới thích hợp với một tỳ-kheo. Các ví dụ xuất hiện trong cả văn học Pali và Phạn ngữ (SA. I, 28; Laṅk. I, 308).
Dạng biến thể ajjhokāsa (từ adhi + okāsa) với ý nghĩa tương tự cũng xuất hiện, thường là ở dạng phương ngữ ajjhokāse (S. I, 212; Vin. I, 15) và đôi khi làm tiếp vị ngữ trong một số trường hợp (ajjhokāso: Vin. III, 200; IV, 270; ajjhokāsā: Vin. II, 146; ajjhokāsagato: S. II, 230).
Kinh Abbhokāsa đưa ra một số cách để trở thành một abbhokāsika — “Một vị sống ở ngoài trời chỉ bởi vị ấy có rất ít nhu cầu, để toại ý, để kiểm điểm (thói hư của chính mình), để lánh đời….” (A. III, 220).
Nhưng, sống một mình ngoài trời không khiến một người trở thành ẩn sĩ. Vị ấy cần có những phẩm chất khác của một tỳ-kheo (M. I, 282).
Khái niệm được dùng một cách rốt ráo trong mối quan hệ với hạnh số mười trong mười ba dhutaṅgas (hạnh đầu đà) là abbho-kāsikaṅga (khoảng trống)
Những lợi ích của việc sống ngoài trời được thuật trong cuốn Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) như sau: “Trở ngại về nơi ở bị tiêu trừ; hôn trầm và thụy miên bị loại bỏ; hành vi của vị ấy xứng đáng được tán thán “Giống như con nai, vị tỳ-kheo sống không ràng buộc và không nhà cửa” (S. I, 199); vị ấy vô ưu; vị ấy (tự do) đi mọi hướng; vị ấy sống hài hòa với (nguyên tắc) thiểu dục (tri túc), v.v.” (Vism. p. 61).
Việc thực hành sống ngoài trời không chỉ có trong đạo Phật. Cùng một số hạnh đầu đà khác được các tỳ-kheo hành trì, việc an trú ngoài thiên nhiên cũng được thực hiện bởi những tu sĩ khổ hạnh ngoại đạo. Điều này được suy ra từ đoạn kinh liệt kê các khổ hạnh phổ biến của các tu sĩ ngoại đạo (D. I, 166 f).
LASKSHMI R. GOONESEKERE