ABAHAYAGIRIVĀSINS

ABAHAYAGIRIVĀSINS, Tên gọi này được đặt cho các tu sĩ thuộc hoặc có liên hệ với phái Vô Úy Sơn Tự ở thành A-nô-la-đà, Tích Lan, đặc biệt quan tâm về những khác biệt trong giáo lý và nhiều điểm khác so với các tu sĩ chính thống của phái Đại Tự Viện, từ thế kỷ thứ nhất B.C. đến thế kỷ 12.

Theo truyền thống Sinhala[1], xu hướng dị giáo của họ có thể bắt nguồn từ một tu sĩ Mahātissa nào đó, người đã bị trục xuất khỏi Đại Tự Viện theo các giới luật của Luật Tạng do thường xuyên lui tới tư gia của cư sĩ. Một đệ tử của ông, Bahalamassutissa, với sự tức giận đã tới gia nhập Vô Úy Sơn Tự, nơi ông thành lập một bộ phái riêng biệt. Sự hoan nghênh công khai dành cho vị tỳ-kheo tức giận này cho thấy rằng ngay cả trước sự kiện này diễn ra, mối quan hệ của hai phái chắc hẳn không tốt đẹp gì, nếu không muốn nói là căng thẳng. Thái độ tách biệt và chủ nghĩa cá nhân của Vô Úy Sơn  có thể xuất phát từ những điều khoản đặc biệt dành cho các tù nhân qua sự bảo hộ đặc biệt của hoàng gia của vua Vaṭṭagāmaṇi Abhaya (được đề cập trong bài viết trước ABHAYAGIRI.)

Dưới triều đại của vua  Vohārika Tissa (209-301 A.C.), tông phái này, trước đó đã kết nạp một nhóm tu sĩ Vajjiputta từ Pallārāma ở Ấn Độ do thầy của họ là Dhammaruci (Pháp Vị) dẫn đầu, được cho là đã tiếp nhận một số quan điểm của thuyết Vetulya-vāda (q.v.) , dù không có tài liệu nào chỉ ra sự khác biệt cơ bản về giáo lý của họ và các tu sĩ Đại Tự Viện. Vào thế kỷ thứ hai, một cách diễn giải khác về một điều luật Vinaya đã gây tranh cãi liên quan đến sự phạm quy của một tỳ-kheo ni tên là Mettiyā, vụ việc được quyết định bởi học giả Bà-la-môn Dighakārāyana với sự ủng hộ dành cho Đại Tự Viện. Nhưng việc Vô Úy Sơn  tiếp nhận thuyết Vetulya-vāda sau đó dưới tên Pháp Vị cùng sự gia tăng ảnh hưởng của họ mới là nguyên nhân dẫn đến lệnh trục xuất sáu mươi tu sĩ của vua Goṭhābhaya, còn gọi là Meghavaṇṇābhaya (đầu thế kỷ thứ 4). Các tu sĩ không chỉ bị đuổi khỏi Tăng đoàn, mà còn bị đày ra khỏi đất nước[2]. Tuy nhiên, sự việc này cũng cho thấy rằng giáo lý giữa hai phái vẫn có sự thống nhất, nếu không thì sự kỷ luật như trên đã không được thực hiện.

Tuy nhiên, hạt giống của sự bất hòa đã được gieo, và việc trục suất sáu mươi tu sĩ dường như không hoàn toàn tiêu diệt hết cái được cho là ác. Vì có thể thấy rằng, bất chấp cuộc thanh trừng này, khoảng ba trăm tỳ-kheo do trưởng lão Ussiliyātissa lãnh đạo đã rời bỏ tự viện và gia nhập Dakkhiṇagiri, tức tự viện phía nam và trực thuộc Đại Tự Viện, dưới sự bảo trợ hoàng gia của vua Goṭhābhaya.

Các tu sĩ bị trục xuất và đày qua Ấn Độ dường như đã tổ chức lại hàng ngũ và nhận được sự hỗ trợ của một người tên


Saṅghamitta nào đó, người rất giỏi trong thực hiện các phép tà. Vị tỳ-kheo Coḷa này cho thấy sự xấu xa của minh khi khiến nhóm tu sĩ ngày càng sa đọa. Sau khi đến Tích Lan, ông ta đã tranh chấp thành công với trưởng lão lãnh đạo của Tu viện Bảo tháp Thūpārāma, người tình cờ lại là chú của nhà vua. Tài hùng biện và logic của Saṅghamitta đã gây ấn tượng mạnh với nhà vua đến nỗi vua đã yêu cầu ông ta dạy dỗ cho hai con trai mình là hoàng tử Jeṭṭhatissa và Mahāsena. Hoàng tử anh không ưa gì thầy, nhưng hoàng tử em đã lại trở thành học trò cưng của vị tỳ-kheo.

Sau khi vua Goṭhābhaya băng hà, hoàng tử Jeṭṭhatissa nối ngôi và trị vì trong mười năm, suốt thời gian đó nhà sư Saṅghamitta tự nguyện sống lưu vong. Nhưng sau đó, ngai vàng lại bị bỏ trống, Saṅghamitta trở về từ bờ bên kia[3] và thực hiện mọi sắp xếp cho việc thánh hiến người em trai Mahāsena. Sử dụng ảnh hưởng của mình đối với vị vua trẻ, ông ta đã thu hồi mọi ân sủng của hoàng gia dành cho Đại Tự Viện với lý do rằng những tu sĩ đó đã không dạy đúng giới luật (vinaya). Đáng chú ý là không có buộc tội nào về giáo lý dị giáo được công bố. Chẳng mấy chốc, các tu sĩ không thể tiếp tục sống trong Đại Tự Viện, và sau khi bị bỏ hoang trong chín năm, vật liệu xây dựng của tự viện đã bị dỡ bỏ để bổ sung cho Vô Úy Sơn Tự. “Khoảng ba trăm sáu mươi tư trường đại học và những ngôi đền lớn đã bị phá hủy, một biên niên sử cổ kể lại; những chiến lợi phẩm được dùng để làm giàu và tô điểm cho ngôi nhà dị giáo, Vô Úy Sơn, giờ đây lộng lẫy với các món trang sức và giàu có về tài sản, nổi tiếng là tự viện lớn nhất và giàu có nhất ở Lankā”.[4]

Tuy nhiên, một vị quan trong triều tên là Meghavaṇṇābhaya đã nổi loạn, đã lên kế hoạch cùng một trong những người vợ của vua, gây ra vụ ám sát  Saṅghamitta và một trong những đệ tử của ông ta, tên quan ác Soṇa. Sau đó, một số tòa nhà đã được xây dựng lại trong khuôn viên của Đại Tự Viện.

Nhưng một lần nữa, vào những năm 412-414 khi tu sĩ  Pháp Hiển viếng thăm Tích Lan, Vô Úy Sơn Tự với 5000 tu sĩ đã giành lại thế thượng phong so với Đại Tự Viện chỉ có 3000 tu sĩ. Và dưới thời trị vì của vua Dhātusena (455-473), ta thấy chính Đại Tự viện bị kiểm soát bởi các tỳ-kheo phái Pháp Vị[5] , một tông phái tách ra từ Thượng Tọa Bộ dưới triều đại của vua Vaṭṭagāmaṇi Abhaya, và thường được đồng nhất với phái Vô Úy Sơn .[6]

Vào thời vua Silākāla (518-531), một bài kinh Vaipulya (Phương Đẳng) (kinh Đại thừa) tên là Dhammadhātu (Pháp giới) đã được một thương nhân người Kāsī tên là Pūrṇa mang đến từ Ấn Độ. Bài kinh này được Vô Úy Sơn  đón nhận nhiệt tình và vinh danh trong cung điện. Nhiều tác phẩm tiếng Phạn như Dīrghāgama (Trường A-hàm) và Saṃyuktāgama (Tạp A-hàm), Saṃyuktasañcaya-piṭakaVinaya-piṭaka của phái Mahīsāsaka (Hóa Địa Bộ), vốn đã bị tu sĩ Pháp Hiển mang 
khỏi Tích Lan, một phần trong đó được dịch sang Hán ngữ bởi Guṇabhadra, một tỳ-kheo đến từ miền trung Ấn Độ (năm 436), được cho là đã lấy lại từ Vô Úy Sơn .

Vua Silāmeghavaṇṇa, vào thế kỷ thứ 7, lưu ý tới những bất mãn về các tu sĩ Vô Úy Sơn , đã trao quyền cho một người trong số những người lên tiếng, tên là Bodhi, dẫn đầu một cuộc điều tra. Tuy nhiên, tu sĩ này sau đó bị ám sát và nhà vua đã ra lệnh chặt tay những kẻ chịu trách nhiệm vụ giết người, lưu đày thêm một trăm tu sĩ khác. Sau khi thanh lọc Tăng đoàn, nhà vua cố gắng tập hợp các tu sĩ của phái Thượng Tọa Bộ và “những giáo phái khác” lại với nhau nhằm thực hiện tăng sự uposatha-kamma (q.v.), tuy nhiên các tu sĩ Thượng Tọa Bộ kiên quyết từ chối. Nhà vua mất bình tĩnh, chửi bới tất cả, rời khỏi kinh thành trong cơn thịnh nộ và đột ngột qua đời sau đó.[7]

Ở đây, các tu sĩ thuộc “giáo phái khác” chính là là  phái Vô Úy Sơn . Họ không phải là những tu sĩ đáng khinh bỉ, vì Tăng đoàn đã được nhà vua thanh lọc . Do đó, việc tu sĩ phái Thượng Tọa Bộ từ chối hợp tác chắc hẳn là do những khác biệt về giáo lý vẫn còn tồn tại đến thời điểm đó, mặc dù không có xung đột công khai giữa họ. Các vị vua kế vị như Jeṭṭhatissa và Dāthopatissa II, đều đối xử tốt với cả hai phái với các trợ cấp từ triều đình.

Vào thế kỷ thứ 9, một thành viên của phái Vajraparvata (Kim Cang) ở Ấn Độ đã gia nhập Vô Úy Sơn , truyền bá giáo lý của mình, thứ được mô tả là “những bài giảng bí mật được kẻ ngu và vô minh ưa chuộng”. Một số phiến đá cẩm thạch với các công thức Mật tông (xem bài viết trước) khẳng định cho tuyên bố trong các biên niên sử rằng Vô Úy Sơn  thân thiện với các giáo lý không chính thống được du nhập định kỳ từ Ấn Độ. Một bia ký có niên đại thế kỷ 11[8] đề cập đến Abhayaturāmahasā và những tác phẩm văn học lớn của các học giả trú tại đó, thông thạo kinh điển, sống tiết hạnh, thảnh thơi và nghiêm trì tôn giáo.

Lần cuối cùng phái này được nghe nói đến là thế kỷ 12, khi “sự ly giáo” dường như lan rộng hơn bao giờ hết. Như đã đề cập trong bài trước, vua Parākramabāhu I đã cố gắng thực hiện hòa giải tôn giáo. Mới đầu, đó là “một nhiệm vụ vô cùng khó khăn”.[9] Nhiều tỳ-kheo không muốn nghe về hòa giải; thậm chí để tạo sự đoàn kết giữa các tỳ-kheo của một tông phái (Đại Tự Viện), những phần tử vô kỷ luật đã bị loại khỏi Tăng đoàn và hứa hẹn những chức vụ béo bở để ngăn họ gây thêm chia rẽ. Sau khi thanh lọc Tăng đoàn, nhà vua bắt đầu tạo ra sự thống nhất giữa ba tông phái Đại Tự Viện, Vô Úy Sơn  và Kỳ Viên, vốn bị chia rẽ bởi sự gắn kết với giáo lý Vetulla-piṭaka (phiên bản đầu tiên của Đại Thừa– ND.).

Không một tác phẩm nào được lưu trữ được cho là thuộc về Vô Úy Sơn . Nhưng trong kinh điển Trung Quốc, có một bản dịch một tác phẩm vào thế kỷ thứ 6 có tựa đề Ciê-to-tao-lung hay Vimuktimārgasāstra (Giải thoát đạo luận) của ngài


Upatiṣya (tên gọi Hán ngữ của ngài Xá-lợi-phất), theo ý kiến đã được xem xét của P. V. Bapat,[10] là thuộc về Vô Úy Sơn . P. C. Bagchi[11] cũng cho rằng, tác phẩm này là phiên bản đại diện của Vô Úy Sơn , tương đương với tập Thanh Tịnh Đạo của ngài Phật Âm đại diện cho phái Đại Tự Viện. Không có sự khác biệt cơ bản nào về giáo lý giữa hai bộ đủ để coi là có dấu ấn của dị giáo. Tuy nhiên, sự khác biệt trong một số điểm giáo lý cũng như cách xử lý đề tài cũng đủ để tạo nên những khác biệt cho phép sự tồn tại của cả hai mà không bên nào phải sáp nhập vào bên kia, trừ khi dưới sự ép buộc của triều đình. Một số điểm khác biệt có liên quan đến phương pháp kiểm soát tâm trí trong khi thiền định. Các  tu sĩ Vô Úy Sơn  chỉ chấp nhận 38 đề mục thiền định (kammaṭṭhāna), loại bỏ các đề mục về ánh sáng (āloka) và không gian giới hạn (paricchinnākāsa). Hình dáng tượng trưng cho sự tập trung không chỉ giới hạn ở dạng tròn mà còn có thể là tứ giác hoặc tam giác. Ngài Xá-lợi-phất khuyến khích, nhưng ngài Phật Âm kịch liệt phản đối việc phát triển hiện tướng (nimitta) các phạm trú của tâm (brahma-vihāra). Trong phân loại đặc tính, các tu sĩ Vô Úy Sơn  chấp nhận không chỉ sáu nhóm cơ bản là tham, sân, si, tín, trí và vấn, mà còn chấp nhận các sự kết hợp giữa chúng, tạo thành tổng cộng mười bốn loại.

Không chỉ riêng quá trình phát triển tâm trí, tu sĩ Vô Úy Sơn  còn khác với những gì được coi là chính thống trong khác phân tích triết học về các hiện tượng vật chất. Họ đã thêm hai hiện tượng vào danh sách 28 điều, đó là sự sanh khởi sanh của sắc (jāti-rūpa) và thụy miên (middha-rūpa). Quan điểm này bị ngài Phật Âm[12] bác bỏ với lý do rằng sự sanh khởi đã nằm trong sự tích tập và kế thừa (upacaya-santati), và thụy miên không tồn tại; luận sư Dhammapāla (Pháp Hộ) của ông nhấn mạnh rằng những quan điểm này được các tù nhân của tu viện Vô Úy Sơn  tại thành A-nô-la-đà[13] ủng hộ. Về điểm này, có một lưu ý thú vị về sự nhất quán hợp lý của các tu sĩ Vô Úy Sơn . Thụy miên (middha-rūpa) gây ra bởi thời tiết (utuja) thì cũng xảy ra với cả bậc A-la-hán; do đó chỉ có sự hôn trầm (thīna) mới được coi là một triền cái (nīvaraṇa), trong khi cách liệt kê thông thường của Thượng Tọa Bộ về năm triền cái là kết hợp giữa biếng nhác và hôn trầm (thīna-middha).

Một góc nhìn khác, mà theo luận sư Phật Âm là của phái Vô Úy Sơn  (Abhayagirivāsike sandhāyāha),[14] rằng việc hành trì khổ hạnh (dhutaṅgāni) có thể không ích lợi (akusala), vì chúng chỉ là các danh khái niệm (nāma-paññatti).

Tuy nhiên, những điểm cơ bản của giáo lý thì thống nhất tuyệt đối với Thượng Tọa Bộ, chẳng hạn như việc chấp nhận một pháp duy nhất vô điều kiện (asaṅkhata–vô vi), trong khi  lại có những khác biệt rõ ràng với Abhidharmapiṭaka (Thắng Pháp Tạng) của tu sĩ phái Sarvāstivāda (Nhất Thiết Hữu Bộ), với Sāriputrābhidharma-śāstra (Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm Luận) và với Satyasiddhi-śāstra (Thành Thật Luận). Điều này chứng minh rằng các tu sĩ Vô Úy Sơn  không thể bị coi là những kẻ dị giáo về mặt giáo lý.

Mặc dù tu sĩ Vô Úy Sơn  thường được cho là đã tiếp nhận các dị giáo của phái Vetulyaka, không có bằng chứng nào cho thấy họ đã đi xa đến mức phủ nhận bản tính thật của Đức Phật, vốn là quan điểm của tiên nghiệm dị giáo (phái lokottaravāda–Xuất Thế Bộ) rằng Đức Phật không tồn tại trong thế giới con người, Ngài chỉ tạo ra một cơ thể vật chất (nimitta-rūpamattaka) để xuất hiện trên hành tinh này trong khi thực chất Ngài ngụ tại cung trời Đâu Xuất.[15] Ngay cả việc một số đệ tử của Dhammaruci (Pháp Vị), thuộc giáo phái Vajjiputra ở Ấn Độ, được đón nhận tại tu viện Vô Úy Sơn [16] cũng không thể chứng minh rằng mọi quan điểm dị giáo của tông phái đó được Vô Úy Sơn  tiếp nhận. Đúng là một số luận điểm của các tu sĩ Pháp Vị này đã được tiếp thu, nhưng những thuyết đi ngược lại với giáo lý cơ bản anattā (vô ngã) của Thượng Tọa Bộ không được Vô Úy Sơn  ủng hộ. Mối quan hệ giữa hai tông phái này có thể được tóm tắt là mối quan hệ giữa các tu sĩ Đại Tự Viện bảo thủ với các tu sĩ Vô Úy Sơn  cách tân.

“Các tu sĩ Vô Úy Sơn  dường như thường xuyên liên lạc với các tông phái Phật giáo khác nhau và các phong trào mới ở Ấn Độ, nhờ đó họ có được nguồn cảm hứng và sức mạnh. Họ có quan điểm tự do, luôn hoan nghênh những ý tưởng mới từ nước ngoài và cố gắng tiến bộ. Họ nghiên cứu cả Theravāda (Phật giáo Nguyên Thủy), Mahāyāna (Phật giáo Đại Thừa) và ‘truyền bá rộng rãi Tam tạng kinh điển’”[17]. Các tu sĩ Pháp Vị thuộc Vô Úy Sơn  được cho là người đã tiếp nhận giáo lý Vetulya-piṭaka. Tu sĩ Vetulyas hay những người ủng hộ phái Vetullavāda được nhắc đến nhiều trong các biên niên sử Sinhala và luận giải về bộ Ngữ Tông. Theo ghi chép, họ tin rằng Đức Phật không sống trên trái đất với tư cách là một thực thể, và giáo pháp thực sự được thuyết giảng bởi A-nan-đà. Tuy nhiên, từ “Vaitulya” không xuất hiện trong từ điển Phạn ngữ; nhưng H. Kern đã phát hiện từ này là một cách đọc thay thế của “Vaipulya” trong bài kinh cùng tên, Kinh Đại Phát Triển, trong một số đoạn Kaṣgar của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Do đó Vetulyas (Vetullakas) có thể đã không phát triển thành một tông phái riêng biệt, nhất là khi họ không có tên trong số mười tám tông phái; tên gọi đó chỉ đơn thuần là một dạng biệt hiệu cho “những người theo học thuyết khai triển”[18] hay Đại thừa nói chung, theo cách tương tự như biệt danh “Tiểu thừa”, Cỗ xe nhỏ, được đặt cho Phật giáo Nguyên Thủy một cách nhạo báng.

Trong luận giải của Đại Biên niên sử Tích Lan, chúng tôi thấy một lời giải thích hợp lý hơn về sự chia rẽ của hai phái mà không phái nào trở thành kẻ dị giáo về mặt giáo lý. Phái Vô Úy Sơn hình thành trong Vô Uý Sơn Tự do vua Vaṭṭagamaṇi xây dựng. Họ khoác lên cái tên Pháp Vị 217 năm sau khi giáo Pháp du nhập vào Tích Lan, loại bỏ bộ Parivāra


 (Tập Yếu) thuộc Luật tạng mà theo quan điểm chính thống, đã được thuyết bới Đức Phật.[19] Một điều cần nhớ trong sự liên hệ này là ở đây, luận sư đã giải thích các sự kiện lịch sử từ quan điểm của Đại Tự Viện. Bản thân cái tên Pháp Vị cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc là lấy theo tên của người được cho là sáng lập (Dhammaruci – Pháp Vị), hoặc là cách ám chỉ bản chất của những kẻ ly khai: những người vui tươi trong Pháp, hoặc những người làm cho Pháp tỏa sáng.[20]

Về việc họ không chấp nhận bộ Tập Yếu, cuốn thứ năm của Luật tạng, có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một là cách lý giải liên quan đến Đại Tự Viện như ở trên. Một cách giải thích là Parivārapāṭha “là bản tóm tắt các bộ khác của Luật tạng, trên thực tế, là một tác phẩm rất lâu sau này, được biên soạn có lẽ bởi một trưởng lão Tích Lan. Trong một số khổ thơ xuất hiện ở phần cuối của Parivārapāṭha, bộ sách được cho là được thực hiện bởi Dīpa, ‘một người rất thông thái, uyên bác và thiện xảo, sau khi đã tìm hiểu nhiều nơi về các phương pháp (nghĩa đen là con đường) mà các vị thầy quá khứ đã theo đuổi’.”[21] Hơn nữa, ta biết rằng kinh điển của các tông phái phía bắc chỉ chia Luật tạng làm bốn tập chứ không phải năm, bất chấp xu hướng tự nhiên là tăng lên thay vì giảm bớt theo thời gian. Việc các tu sĩ Vô Úy Sơn  không đưa tập này vào Luật tạng, mà theo đó khiến tập sách không được công nhận là Phật ngôn, dường như là một sự dọn dẹp, cải tổ hơn là chia rẽ, căn cứ trên những khác biệt trong cách hiểu và các kinh điển (atthantara-pāṭhan-tara-karaṇa-vasena bhedam). Tuy nhiên có vẻ như sau nhiều thế kỷ, lòng nhiệt thành ban đầu đối với sự cải tổ đã mất đi sự nhạy bén, và khi sự hợp nhất giữa Đại Tự Viện, Vô Úy Sơn Tự và Kỳ Viên Tự được vua Parākramabāhu I thực hiện, một vị vua Sinhala vĩ đại,  ông đã thành công, điều mà nhiều vị vua tiền nhiệm từng thất bại. Từ đó, phái Vô Úy Sơn  đã không còn tồn tại trong lịch sử Phật giáo.

Thật thú vị khi lưu ý một khác biệt khá tương đồng, dù không thật sự được công nhận, về thái độ hơn là về giáo lý giữa hai trong số các trường đại học hàng đầu phương Đông tại Tích Lan ngày nay. Cả hai cùng thọ đại giới (upasampadā) từ một nguồn (Xiêm-Thái Lan); đều hết lòng ủng hộ Phật giáo Nguyên Thủy chính thống; đều được công nhận và bảo trợ như nhau, thậm chí từ cả chính phủ. Tuy nhiên, một bên tập trung nhiều hơn vào các kinh điển và luận giải tiếng Pali cổ, vốn dường như đã phần nào trở nên hạn chế ở đảo Tích Lan, quê hương của nó; bên còn lại chịu ảnh hưởng rõ ràng bởi các văn bản và bản dịch tiếng Phạn, do đó có tầm nhìn rộng hơn, nếu không phải khía cạnh giáo lý thì là từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Sự khác biệt nhỏ trong cách đắp y và trong thái độ của một người khi nhiệt tình tham gia vào những phong trào thế tục nhất định có thể phản ánh sự khác biệt này. Tuy nhiên, không thể áp đặt sự kỳ thị nào đối với bất kỳ một trong hai phái.

H. G. A. Van. ZEYST.



[1] Mhc. Xxxiii, 95.

[2] ibid. xxxvi, 112.

[3] Ibid. xxxvii, 2.

[4] Mahālasekera: Văn học Pali Tích Lan, pp. 60 ff.

[5] Mhv. Xxxviii, 75.

[6] Nikāya-saṅgraha, ed. Wickremasinghe, pp. 11-13.

[7] Mhv. Xliv, 74 ff.

[8] EZ. I, pp. 225-6.

[9] Mhv. lxxviii, 14.

[10] IC. I, 3, PP. 458-9.

[11] Nghiên cứu Trung-Ấn, II, p. 113.

[12] Vism. xiv, §71.

[13] VismA. 455 (Ñāṇamoli: Thanh Tịnh Đạo, p. 502, n. 31).

[14] ibid. 87.

[15] Kvu. xviii, 1.

[16] Nikāya-saṅgraha, p.10.

[17] W. Rahula: Lịch sử Phật giáo ở  Tích Lan, p. 85 trích, Huyền Trang, II, p. 247.

[18] H. Kern: Verslagen en Mededeelingen der Koninklijke Alademie van Wetenschappen en Letterkunde, (Amsterdam), 1907, pp. 312-319.

[19] MhvA. v. pp. 175-6.

[20] A. Bareau: Các tông phái Phật giáo Tiểu thừa, p. 242; H. Kern: Lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ, II, p. 367 (AMG. XI).

[21] T. W. Rhys Davids and H. Oldenberg: Dẫn nhập Luật tạng, I, p. xxiv, SBE. XIII.