ĀṆAÑJASAPPĀYA SUTTA

ĀṆAÑJASAPPĀYA SUTTA (KINH ĀṆAÑJASAPPĀYA), được Đức Phật thuyết giảng cho các tu sĩ, cùng Ngài Ānanda là người đứng đầu trong số họ tại Kammassadhamma của đất nước Kuru (M. II, 261-6).

Bản Kinh đề cập với sự ổn định thực sự hay sự bình tâm (āṇañja) và với rất nhiều cách thức khác nhau của thiền định về điều đó và sự thành tựu giải thoát thực sự.

Dục lạc giác quan (kāma) trong thế gian này cũng như đời sau, cũng như vậy nhận thức (sañña) về dục lạc được cho là thuộc về phạm vi của cái chết (Māra). Chúng là sự vô thường (anicca), do đó sẽ dẫn đến khổ đau (ibid. 263). Tất cả những khổ đau, bất hạnh và sự thất vọng trong thế gian có thể quy cho những điều ác cố hữu trong nhận thức giác quan. Sự hiểu biết qua cảm thọ và dục lạc dựa trên các cảm thọ không thể tạo ra nền tảng của một hạnh phúc ổn định. Do đó, sự khổ đau trên thế gian chỉ có thể được chấm dứt bằng việc vượt qua thế giới của dục lạc giác quan.

Do đó, bản Kinh đặt ra bước đầu tiên hướng tới việc thành tựu bình tâm (āṇañja) bao gồm an trú với những suy nghĩ sâu rộng (vipula) và lan rộng (mahaggata) với một sự định tâm để vượt qua thế gian (abhibhuyya lokaṃ) của năm giác quan (MA. IV, 58), tức là, phạm vi của cảm thọ (kāmāvacara). Những suy nghĩ xấu xa (pāpaka) và bất thiện (akusala) sẽ không khiến tâm thức bị xáo trộn trong trạng thái này. Bước thứ hai và thứ ba của con đường tới sự bình tâm được đưa ra khi quán chiếu về cấu tạo của thế gian và bản chất của nó, chính là sự vô thường (aniccatā).

Vượt qua trạng thái của sự bình tâm, là để tìm thấy một trạng thái khi một người đạt được trí tuệ lớn hơn, tức là trạng thái của hư vô (ākiñaññāyatana). Khi đạt được trạng thái này một người sẽ chứng ngộ tánh không (suññatā) của vạn pháp (dhamma). Những tư tưởng vị kỷ bị vượt qua, sau đó một người sẽ đạt tới trạng tháng của ‘phi tưởng phi phi tưởng’ (neva-saññānāsaññāyatana) trong đó mọi hình tướng của nhận thức (saññā) đều ngưng bặt không còn một chút nào.

Ở giai đoạn này Ngài Ānanda đặt ra một câu hỏi rất thích hợp, rằng liệu một người đạt tới trạng thái phi tưởng phi phi tưởng có phải là một sự giải thoát hoàn hảo không. Đức Phật đáp lại rằng có một vài người giải thoát trong khi những người khác thì không, và Ngài giải thích tại sao lại như vậy. Nếu một người vẫn bám chấp vào trạng thái của phi tưởng phi phi tưởng thì người đó không đạt được sự giải thoát cuối cùng, vì chỉ có người không chấp thủ (anupādāna) mới thành tựu được Niết-bàn cuối cùng. Do đó, sự giải thoát thực sự chỉ là sự giải thoát của tâm thức khỏi sự chấp thủ (anupādā cittassa vimokkha).

Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) (MA. II, 851) chỉ dạy rằng bản Kinh này miêu tả quả vị A-la-hán của sukkhavipassaka (q.v). Quả vị A-la-hán được đề cập trong chín sự liên kết khác nhau ở trong Kinh, do đó, được tán thán là khéo dạy (sukathitaṃ).

D. J. K.