ĀḶAVAKA

ĀḶAVAKA (1), vua xứ Āḷavī.  Ông có thói quen đi săn 7 ngày 1 lần vì 3 lý do, cụ thể là, để ngăn ngừa trộm cắp, ngăn ngừa vua của các nước thù địch địch, và vì mục đích tập thể dục.  Một ngày nọ, khi đang đi săn, một con nai trốn thoát khỏi nơi nhà vua đang rình rập và theo thỏa thuận, nhà vua có nhiệm vụ bắt nó.  Do đó, ông đã đi theo dấu chân con nai trong ba dặm, bắt được nó và chặt nó làm đôi và mang nó vào một gò đất. Trên đường trở về, ông nghỉ chân dưới gốc cây đa tình cờ là nơi trú ngụ của Dạ-xoa Āḷavaka. Dạ xoa này đã được vua dạ xoa ban cho một đặc ân là có thể ăn thịt bất cứ ai ngồi nghỉ dưới bóng cây đa vào buổi trưa.  Do đó, dạ-xoa Āḷavaka bắt nhà vua lại, nhưng sau đó thả ông ra sau khi nhà vua hứa là hàng ngày sẽ gửi cho anh ta một con người và một bát thức ăn.

Nhà vua, với sự giúp đỡ của thị trưởng (nagaraguttika) và các quan đại thần của mình, đã có thể giữ lời hứa của mình trong một khoảng thời gian bằng cách gửi những tên tội phạm bị kết án đến dạ xoa. Chẳng mấy chốc, đất nước không còn tội phạm và thậm chí không có ai động đến những kho báu mà nhà vua rải trên đường phố.  Cuối cùng, mỗi gia đình buộc phải đóng góp một đứa trẻ sơ sinh cho dạ xoa, và những người phụ nữ sắp sinh con bắt đầu rời khỏi kinh đô của nhà vua.  Mười hai năm trôi qua theo cách này và một ngày, cả vương quốc chỉ còn lại đúng một trẻ sơ sinh – là con trai của nhà vua.  Mặc dù rất thương đứa con, nhưng nhà vua lại thương bản thân mình hơn.  Do đó, ông đã ra lệnh gửi con trai mình đến dạ xoa để cứu lấy mạng sống của mình (SnA. 217 ff.; SA. I, 317 ff.).

Xem bài viết tiếp theo để biết phần còn lại của câu chuyện.

C. W.

 ĀḶAVAKA (2), một dạ xoa. Cư ngụ gần thành phố Āḷavī, cách khoảng 1 gāvuta.  Nơi ở này, được vua dạ xoa ban (SA. I, 317), gần một cây đa và trên mặt đất (bhummaṭṭha), được bảo vệ cẩn thận bằng những bức tường, v.v., và trên đỉnh được che bằng lưới kim loại, giống như một cái tráp (mañjūsā) được che phủ tứ phía.  Nó cao 3 dặm và trên nó có ‘đường hàng không’ đến Himavā.  Các nhà tu khổ hạnh bay qua không trung thường nhìn thấy cung điện lấp lánh này và gọi để xem nó là gì. Dạ xoa Āḷavaka sẽ hỏi họ những câu hỏi và khi họ không thể trả lời, hắn sẽ giả dạng một cách tinh vi và nhập vào tâm họ, khiến họ phát điên. Sau đó, hắn


 sẽ xẻ ngực họ, cầm chân kéo đi và ném họ xuống sông Hằng (SnA. I, 228). Dạ xoa này mạnh đến nỗi cơ thể của những người nhìn thấy hắn đều trở nên mềm nhũn như bơ.  Trong 12 năm, ngày nào hắn cũng nhận một người hiến tế và một bát cơm từ vua Āḷavaka.  Nhưng vào ngày nhà vua ra lệnh gửi đứa con trai sơ sinh của mình đến dạ xoa, Đức Phật dùng Từ nhãn thấy được khả năng chứng Thánh quả của hoàng tử và dạ xoa, nên đã đi đến chỗ dạ xoa trú ngụ.

Āḷavaka đi dự cuộc họp của dạ xoa ở Himavā. Người gác cổng, Gadrabha, đã cho Đức Phật vào sau khi cảnh báo Ngài về bản tánh ngang ngược của dạ xoa và đi đến Himavā để thông báo cho chủ mình về cuộc viếng thăm của Đức Phật. Trong khi đó, Đức Phật vào trú xứ của Āḷavaka và ngồi trên tòa của hắn. Ở đó, Ngài đang thuyết pháp cho nữ dạ xoa khi 2 dạ xoa là Sātāgira và Hemavata, lúc đang bay đến hội chúng ở Himavā, do không thể bay phía trên Đức Phật nên đã nhận ra sự hiện diện của Ngài và hạ xuống đảnh lễ trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Khi Āḷavaka nghe tin chuyến viếng thăm của Đức Phật từ Gadrabha, Sātāgira và Hemavata, hắn vô cùng tức giận. Trước khi bắt đầu về trú xứ của mình để chinh phục Đức Phật, hắn đứng chân trái trên Manosilātala, rung lắc 60 dặm Kelāsakūṭa bằng chân phải và hét lớn tên của mình để khắp cõi Diêm Phù Đề đều nghe thấy. Toàn bộ Himavā đều run sợ trước uy lực của hắn. Sau đó, với tất cả sức mạnh siêu nhiên có được, hắn cố đánh bật Đức Phật ra khỏi tòa ngồi, nhưng thất bại.  Ngay cả vũ khí đặc biệt của hắn, Dussāvudha, có thể so sánh với Vajirāvudha của vua trời Đế-thích, Gadāvudba của Vessavaṇa và Nayanāvudha của Yama, cũng không có tác dụng gì (Pl. XXIX).  Khi vũ khí này bất lực rơi xuống dưới chân Đức Phật, dạ xoa tiến đến Ngài và, để chọc giận Ngài, ra lệnh cho Ngài rời khỏi cung điện của mình. Đức Phật làm theo.  Điều này đã xảy ra 3 lần và để làm hắn dịu lại, Đức Phật đã chiều ý hắn.  Nhưng khi dạ xoa ra lệnh cho Ngài ra ngoài lần thứ tư, Ngài đã từ chối.  Lúc này, Āḷavaka tỏ ý muốn hỏi Đức Phật vài câu và dọa sẽ làm Ngài rối trí, moi tim Ngài và ném Ngài xuống sông Hằng nếu không thể trả lời các câu hỏi.  Các câu hỏi được giải đáp khiến Āḷavaka hài lòng và cuối cùng, dạ xoa chứng Quả Nhập Lưu (sotāpanna).

Người của vua Āḷavaka, mang hoàng tử sơ sinh Āḷavaka Kumāra đến, ngạc nhiên trước âm thanh reo mừng của dạ xoa.  Biết được sự hiện diện của Đức Phật, họ không sợ hãi đi vào trú xứ của dạ xoa và giao đứa trẻ cho Āḷavaka, người đứng chắp tay thành kính.  Cảm thấy hổ thẹn với Đức Phật.  Dạ xoa trao đứa trẻ cho Ngài để ban phước và trả lại hoàng tử cho người của nhà vua. Đứa trẻ, sau khi được truyền từ tay cận thần đến tay dạ xoa, từ tay dạ xoa đến tay của Đức Phật và trở lại tay các cận thần, được gọi là Hatthaka Āḷavaka[1].  Khi Đức Phật lên đường vào thành khất thực, dạ xoa cầm theo y bát đi phía sau Ngài, nhưng cách thành phố được nửa đường thì dừng lại. Nhà vua và thần dân Āḷavī đã xây cho dạ xoa một nơi trú ngụ đặc biệt gần điện thờ Vessavaṇa và dâng cúng cho dạ xoa (SnA. I, 217 ff. ; SA. I, 216 ff)

Malalasekera nhận xét rằng có 3 đặc điểm nổi bật trong câu chuyện về Āḷavaka này liên kết nó với các câu chuyện được sưu tầm bởi K. Watanabe (JPTS. 1909, 236 ff.) dưới tựa đề Kumāsapāda Stories, cụ thể là, (i) Dạ xoa ăn thịt người; (ii) vị vua bị bắt tự cứu mình bằng việc hứa dâng cúng lễ vật cho dạ xoa và giữ lời hứa ; và (iii) dạ xoa được hóa độ (DPPN. I, 293).

C.W.



[1] Mhv. (xxx, 84) kể lại cảnh cuộc chinh phục được vẽ trong phòng xá-lợi của Đại bảo tháp (Mahāthūpa) (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên) ở Anurādhapụra.  Một bức phù điêu tại bảo tháp Abhayagirl, ở cùng thành phố, đã được đề xuất như một hình ảnh đại diện khác (D. T. Devendra, Classical Sinhalese Sculpture, trang 95).  Câu chuyện này được biết đến từ tác phẩm điêu khắc Gandhāra (A. Foucher, L’art Grrco-bouddhique du Gandhāra, các hình 252-3, 323) cũng như trong tác phẩm điêu khắc của Nāgārjunakoṇḍa (ASIMem. 54, PL LXIX).-G. P. M.