– Mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái Devanagari, được sử dụng bởi tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ và Tây Tạng trong văn tự Lantsha vào thế kỉ thứ 8. (Csoma Korosi)

Âm được đại diện bởi chữ cái đầu tiên của nhiều bảng chữ cái, Phạn ngữ, Latin, Hy Lạp và hầu hết các ngôn ngữ hiện đại từ Đông sang Tây, được dùng như biểu tượng bí ẩn cho sự khởi đầu tối thượng, hay sự sáng tạo, cũng như cái Tuyệt đối, ví dụ như Tôi là Alpha và Omega trong Công giáo.

Nó là âm đầu tiên của mọi âm, do đó, là khởi đầu của mọi kiến thức từng được truyền đạt chỉ qua lời nói.  Nó là âm  đầu tiên của âm tiết AUM (OM) linh thiêng, vốn được coi là cốt lõi của toàn bộ kinh sách Vệ Đà. Vì thế, trong thần thoại Ấn Độ đã sinh ra một sự sùng tín, góp phần mang đến cho âm tiết đầu tiên này một vị trí và chức năng đặc quyền. Truyền thống này được Đạo Phật kế thừa và từ đó lan tỏa khắp vùng Đông Á.

Nó là âm thanh căn bản nhất, được tạo ra chỉ với việc mở khuôn miệng, tạo thành một phần cốt lõi của các âm tiết cơ bản trong hầu hết các ngôn ngữ phương Đông: ka, ga, ta, da, pa, ba, ma, v.v…Các âm tiết này không phải được tạo nên từ các phụ âm thuần túy với một nguyên âm (k + a), mà chúng là một khối hoàn chỉnh, trong đó nguyên âm là phần cố hữu, đã nằm sẵn trong chữ cái – biểu tượng. Các phụ âm k, g, v.v… lúc này chỉ còn là những phần trừu tượng (vd: ka bỏ a còn k), làm cho âm không còn trọn vẹn. Do đó, nguyên âm là thành tố cốt yếu, và nguyên âm A là khởi đầu của sự cốt yếu này.

Bên cạnh đó, trong Phạn ngữ, tiếng Pali, hay tiếng Hy Lạp, A là một tiểu từ phủ định (alpha privans), biểu tượng cho sự vô ngã (an-atmya, an-atta) của vạn vật và bản chất vô thường (a-nitya, a-nicca). Trong sự phủ định tính thường hằng, chính bản thân nó lại trở thành biểu tượng của tính thường hằng đó, vì “Như Lai có tới hay không, vạn vật đều vô thường”. Vì thế, chữ cái A cùng một lúc vừa tượng trưng cho sự hình thành bản chất vạn vật, vừa phủ định chính nền móng đó. Sự mâu thuẫn hiển nhiên này thực ra lại là sự đồng nhất, vì trong sự phủ định bản chất tuyệt đối của vạn vật, sự sinh diệt của chúng mới được khẳng định.

Do đó, chữ cái A được xem là chữ cái hoàn hảo nhất và sẽ mãi trường tồn (aksara), mặc dù khi nó được kết hợp với các mẫu tự khác, ví dụ như trong âm AUM (q.v.), nó vẫn tượng trưng cho sự thành, trụ, hoại của thế gian.

Sự mở rộng của Phật giáo đến các vùng đất xa xôi bởi các tăng sĩ đều có nguồn gốc từ Ấn Độ, nơi ngày nay các hình thức tương tự của chúng hầu như không có khác biệt nào trong các phái Tantric của Ấn giáo (Hinduism), phát triển mạnh mẽ đặc biệt ở vùng Bengal và Nam Ấn. Phật giáo Tây Tạng là vùng đất màu mỡ của hình thái phát triển này.

Theo cuốn Mani Khabhum (fol 31 b.), âm tiết linh thiêng này biểu tượng cho của khởi nguồn vô tận, cho sự tuyệt đối; và xoay xung quanh biểu tượng này khái niệm về âm thanh sáng tạo đã ra đời theo thuyết rung động. Khái niệm này được lan truyền và biết đến rộng rãi cả ở phương Đông và phương Tây. Triết học gia Pi-ta-go, chính bản thân đã được thụ giáo nền minh triết phương Đông, là người sáng lập của một trong những trường phái triết học huyền bí có ảnh hưởng nhất phương Tây, đã nói về sự cân bằng của vũ trụ, theo đó mỗi thiên thể, mỗi và mọi nguyên tử, trong mọi dịch chuyển, nhịp độ hay rung động, đều tạo ra những âm thanh riêng biệt. Tất cả những thanh âm này tạo nên một sự hài hòa khắp vũ trụ mà trong đó từng thành tố, trong khi vẫn có vai trò và đặc tính riêng, đều góp phần vào sự thống nhất toàn thể. Khái niệm về thanh âm sáng tạo này được kế thừa trong học thuyết Logos (the Word), một phần được tiếp thu trong Cơ đốc giáo sơ khai, từ đó tạo ra mối liên kết với triết học Ngộ giáo và các truyền thống Đông phương, ngay cả khi sự liên kết này không còn được duy trì bởi Nhà thờ công giáo về sau: “Khởi đầu là Thanh Âm, Thanh Âm ngụ nơi Chúa, Thanh Âm chính là Chúa…. Thanh Âm được thêm da thịt và ở cùng ta” (John, I, 1, ff.)

Ngôn từ, dù linh thiêng, nhưng khi là sự lặp đi lặp lại của một âm thuần túy và biểu hiện cho một khái niệm đơn thuần, sẽ không mang đến hiệu quả mong đợi, trừ khi được song hành bởi một trí tuệ toàn bích, một tâm trí thanh tịnh và khả năng phản ứng trọn vẹn của người sử dụng thần chú. Sức mạnh của nó thực sự mang lại ơn phước,  nghĩa là ban rải sự tĩnh lặng nội tại thông qua dấu hiệu bên ngoài của người được khai tâm lĩnh ngộ. Những ngôn từ đó, dù rõ ràng hiển lộ (sanditthika), nhưng chỉ những nhà thông thái (poccattam veditabho vinnuhi) mới có thể hiểu được. Điều này được tất cả các trường phái Phật giáo thừa nhận, ngoại trừ Phật giáo Nguyên thủy Theravada, vốn không phân biệt những lời dạy của Đức Phật là công truyền hay bí truyền. Người ta cho rằng Ngài không có đệ tử đặc biệt, những người có thể còn giữ lại những giáo huấn riêng chỉ dành cho những môn đồ được lựa chọn.

Vì thế, chữ cái-âm A biểu thị cho tính Không, sự tồn tại sáng tạo và tính thường hằng[1], nghĩa là sự vô ngã, thành và trụ, tất cả đều là những khái niệm có tính mô tả về bản chất có thật và hiện tiền của vạn vật, chính trong vô thường mà thường trụ.

Các tác giả Trung Quốc và Tây Tạng thường hay sử dụng biểu tượng này. Trong các văn bản công truyền, chữ cái A tượng trưng cho sự phủ định, sự bất sinh (adyanutpāda), sự khởi đầu (adi), và vô thường (anitya). Một vị Bồ-tát (Phật sẽ thành), bằng việc lắng nghe âm thanh này nhờ những thiện sự đã làm mà hiểu được sự vô sinh của vạn pháp[2]. Vạn pháp, tuy nhiên, không được cho là bất tử (như trong thần thoại Hy Lạp) mà là vô thường; do đó cùng một biểu tượng có thể biểu thị cho sự phủ định và thực chất, vì tính Không (Void) là thực chất của vạn pháp (All).

Vì âm A là nguyên âm cơ bản được tìm thấy trong tất cả các phụ âm thuần túy tạo nên  âm tiết gốc của văn tự Đông Phương, mà nếu không có nó không ngôn ngữ nào có thể tồn tại, nên nó được gọi là “mẹ của mọi âm thanh”[3], vì thế nó biểu tượng cho nguồn gốc của vạn pháp, biết được đâu là trí tuệ cao tột.

Đặc biệt, các vị thầy Tantric của Trung Hoa và Nhật Bản, phải kể đến đầu tiên là ngài Thiện Vô Úy của Ấn Độ (Subhakarasinha) (Zemmui),  người đã mang kinh điển Tantric  quan trọng nhất, Thần Chú Đại Nhật Như Lai Maha vairocana-abhisambodhi , từ Ấn Độ qua Trung Quốc vào đầu thế kỉ thứ 8, đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc nghiên cứu này. Chữ cái A tượng trưng cho ý thức giác ngộ. Bằng việc dụng tâm khi đắm mình trong biểu tượng này, một người có thể đồng nhất bản thể với vật chất của thân Phật Tỳ-lô-giá-na Vairocana[4]. Theo cơ chế của Đại sư Bất Không (Amoghavajra), chữ cái A đại diện cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Tỳ-lô-giá-na, tương ứng với yếu tố Đất, vì Kim Cang Đát Tỏa Bồ Tát (Vajrasattva), thường trú trong vạn vật với tư cách là tinh thần sáng tạo,  là điều kiện tiên quyết để sinh ra các vị Phật, giống như cách Đất là nền tảng duy trì và gìn giữ vật chất thật sự của vạn hữu. Trong cơ thể, A đại diện cho sự bất mãn, nguồn gốc của sân; là sao Thiên Lang (Dog-star) trong Thiên văn học và là tiết Đại Thử về mặt thời tiết. A có màu là màu vàng[5].

Có lẽ bằng chứng đầu tiên về sự quan trọng huyền bí của chữ cái A trong âm tiết ba chữ  cái A U M được tìm thấy trong bộ Aitareya Bramana (v.32), nơi thiên cầu được cho là nằm trọn vẹn trong ba chữ cái A-U-M, lấy ra trong ba chữ (Vyahrtis) tiếng Phạn là Bhūh, Bhuvah và Svar; từ Rgbeda, YajurvedaSamaveda;  từ các vị thần Agni, Vayu và Aditya;  từ đất, khí quyển và không khí. Bộ suy luận này được phát triển mạnh trong triết lí Áo Nghĩa Thư. (Upanisads).

Mặc dù âm tiết này ban đầu là đặc trưng của một Phạm Thiên (Brahman), nhưng sự phổ biến mạnh mẽ của nó đã chứng minh thực tế rằng A đã trở thành một phần không thể tách rời của thần chú Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) trong Phật giáo Đại thừa.[6] Sự mở rộng cuối cùng của nó được thấy trong Phật giáo Tantric thế kỷ thứ 16 ở Orissa, âm thanh linh thiêng (pravana) lấy ra từ tính Không (sunya), đưa nó đến gần hơn với yếu tố vô ngã và ý nghĩa phủ định ban đầu của chữ cái đầu tiên, A

H.G.A.van ZEYST.

[1] Taishō, 1796, vii.

[2] Ibid. 279, lxxvi; 293, xxi.

[3] Ibid. 1796, xii.

[4] Ibid. 1796, x.

[5] Bukkyodaijii III, ‘pp. 27-29, Buddh. Univ., Kyoto, 1914

[6] A. H. Francke, JRAS. 1915, pp. 397-404.