Kinh Tất cả các lậu hoặc

(Sabbàsava sutta)

Xem Chú giải bản dịch tiếng Pali-Việt / Xem Chú giải bản dịch tiếng Thái-Việt  

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo!” –“Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc”. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói”. –“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Thế Tôn nói như sau:

(Tóm lược)

— Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc [1] cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý [2] và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ [3]? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu [4] chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu [5] chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau: “Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?” Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: “Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”.

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: “Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. “Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh… (như trên)… hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh… (như trên)… hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: “Ðây là khổ”, như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”, như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” [6]. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ [7]. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ? Ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát [8], sống [9] phòng hộ [10] với sự phòng hộ mắt [11]. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai [12])… (như trên)… sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi [13]… (như trên)… sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi… (như trên)… sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân… (như trên)… sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn [14]”.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh [15], nóng [16], đói, khát [17], sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát [18]; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng [19]. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người [20]. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên . Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa [21]. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ [22])

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né [23] được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn [24], khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước [25]. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường [26]); vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não [27] ấy có thể khởi lên [28]. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm [29] đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm [30] đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm [31] đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy); không chấp nhận các ác bất thiện[32] pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp[33] ấy). Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt [34] như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não[35] ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.

(Các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tu tập niệm giác chi [36], niệm giác chi [37] này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi [38]… (như trên)… tu tập tinh tấn giác chi [39]… tu tập hỷ giác chi [40]… tu tập khinh an giác chi [41]… tu tập định giác chi [42] … tu tập xả giác chi [43]; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt [44], hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não [45] ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa [46]. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Kết luận)

Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chú giải

Chú giải
1 āsava : lậu hoặc

Lậu hoặc: là những phiền não là nguyên nhân đưa đến luân hồi. Hán dịch với nghĩa tiết rỉ (lậu) và mê lầm (hoặc)

Chữ āsava còn được dịch là “rò rỉ” “trầm luân”, hay “ngâm tẩm”.

Tức là pháp này làm chúng sinh “chìm đắm trong luân hồi”(trầm luân), hay chúng sinh phải chịu “ngâm mình trong giòng nước luân hồi” (ngâm tẩm).

Như nước từ nguồn tuôn chảy không hề dứt, cũng vậy pháp “chảy ra” (āsava) này, chảy tràn ngập trong tất cả đời sống trong vòng luân hồi

Trong Trung Bộ Kinh 36-47, Lậu Hoặc được xác định là “chất làm ô nhiễm, mang lại một sanh hữu mới, đưa đến khổ dị thục và sanh, già, chết trong tương lai” 

khaya: sự hao mòn, suy vi, phá hoại, điều tàn, sự hoàn thành.

 āsava khaya: sự cạn kiệt các lậu hoặc

nói về sự cạn kiệt các lậu hoặc: chỉ cho con đường đến Niết Bàn

jānato: người biết

passato: người thấy

chú giải: Cả hai từ này đều có chung một ý nghĩa, nhưng văn tự thì khác nhau. Tuy vậy, ở đây chỉ cho Người có TRÍ nhìn thấy các pháp rõ ràng nhờ vào TRÍ

2 Yoniso manasikāra: 

Yoniso: khéo léo, khôn ngoan, hợp lý, đúng đắn

Manasa: tâm

Kāra: hành động

Yoniso manasikāra: như lý tác ý, tác ý đúng đường lối, suy tư hợp lý

“Ở đây, ‘như lý tác ý’ là tư duy chơn chánh và chú tâm hợp theo sự thực. Khi một vật là vô thường, vị ấy thấy nó là vô thường; khi một vật là khổ, là vô ngã, là bất tịnh, vị ấy thấy nó là khổ, là vô ngã, là bất tịnh; điều này hướng tâm đến khía cạnh thực tế của các pháp, sự trú tâm thường xuyên trên đó, sự hướng tâm vào đó, sự tập trung tâm ý trên đó, và tư duy hợp với cái đó – được gọi là như lý tác ý.

“Ngược lại, ‘phi lý tác ý’ là tác ý theo cách lệch lạc, tác ý trên căn bản sai lầm. Khi một vật là vô thường, vị ấy tác ý nó là thường; khi một vật là khổ, là vô ngã, là bất tịnh, vị ấy tác ý nó là lạc, là có thực thể, là tịnh (đẹp). Loại tác ý sai lầm hay có thể gọi là điên đảo kiến này đã hướng tâm đi ngược lại với sự thực, sự trú tâm thường xuyên trên đó, hướng tâm vào đó, tập trung tâm ý trên đó, và tư duy ngược lại với sự thực – được gọi là phi lý tác ý.

3 Đoạn trừ bằng tri kiến: hiểu biết đúng

dassana: kiến, khán

Kẻ phàm phu không biết rõ các pháp cần phải khéo suy tư, không biết rõ các pháp không cần phải suy tư. Nên cái cần khéo suy tư thì không suy tư, cái không khéo suy tư lại suy tư. Từ đó, các lậu hoặc chưa sanh thì sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh khởi thì tăng trưởng.

Pháp không cần phải suy tư:

_ Là pháp khiến cho dục lậu chưa sanh khởi thì sanh khởi, đã sanh khởi thì tăng trưởng

_ Là pháp khiến cho hữu lậu chưa sanh khởi thì sanh khởi, đã sanh khởi thì tăng trưởng

_ Là pháp khiến cho vô minh lậu chưa sanh khởi thì sanh khởi, đã sanh khởi thì tăng trưởng

Chú giải:Ở đây, khi một người tác ý theo cách nhờ đó, mà họ thọ hưởng các khoái lạc giác quan, khi ấy dục lậu chưa sanh sẽ khởi sanh, và dục lậu đã sanh tăng trưởng thêm.

4 Hữu lậu

chú giải: Khi một người tác ý theo cách nhờ đó, họ thọ hưởng các trạng thái cao thượng hoặc chư thiên, khi ấy hữu lậu chưa sanh sẽ khởi sanh và hữu lậu đã sanh tăng trưởng thêm.

5 Vô minh lậu

Chú giải: Khi một người tác ý các pháp thuộc tam giới trên căn bản bốn điên đảo kiến – vô thường xem là thường; khổ là lạc, v.v… khi ấy vô minh lậu chưa sanh sẽ khởi sanh và vô minh lậu đã sanh sẽ tăng trưởng thêm

Do suy tư không hợp lý về quá khứ, hiện tại, vị lai, từ đó nảy sinh 6 loại tà kiến dựa trên thân kiến.

a/ Ta có tự ngã.

b/ Ta không có tự ngã.

c/ Do tự ngã, ta tưởng tri tự ngã.

d/ Do tự ngã, ta tưởng tri không có tự ngã,

e/ Không do tự ngã, ta tưởng tưởng tri tự ngã.

f/ Chính tự ngã này của ta nói cảm thọ hưởng thọ quả dị thục các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này chỗ kia. Chính tự ngã ấy thường hằng, thường còn, thường trú, không biến chuyển.

Trong dòng sanh tử luân hồi, khi không gặp được chánh pháp, không gặp được minh sư thiện hữu, phàm phu như những kẻ điên với những suy nghĩ và kiến chấp viễn vông. 

Dẫn đến 2 thái độ cực đoan:

_ Chấp nhận số phận

_ Đổ thừa cho nghiệp

Thế nào là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiến phược chỉ cho những gì?

  • diṭṭhi: kiến. Ở đây chỉ diṭṭhigata (kiến chấp, tà kiến), tức 62 tà kiến
  • diṭṭhi-gahana  kiến trù lâm
    gahana: khu rừng
    → tà kiến như khu rừng
    khu rừng của tà kiến, tà kiến như khu rừng bởi vì nó thật khó để vượt qua, như là một rừng cây rậm rạp khiến người ra bị lạc trong đó.
  • diṭṭhi-kantāra kiến hoang vu
    kantāra: chốn hoang dã, hoang mạc, vùng đất hoang
    → tà kiến như chốn hoang vu,
    nơi Khó vượt qua,
    nơi đầy khó chịu, bất hạnh
    nơi có sự sợ hãi
    tà kiến được gọi là hoang vu bởi vì tà kiến ấy nguy hiểm và đáng sợ, như một nơi hoang vu bị xâm chiếm bởi những kẻ cướp và rắn độc, lại không có thức ăn và nước uống.
  • diṭṭhi-visūka kiến hý luận
    visūka: xáo trộn, vặn vẹo
    → tà kiến là sự vặn vẹo
    theo nghĩa lật đổ và xung đột với chánh kiến, đó là sự trái ngược của tà kiến. Bởi vì khi vướng mắc vào tà kiến, nó lật đổ và xung đột với chánh kiến
  • diṭṭhi-vipphandita kiến tranh chấp
    vipphandita : tranh chấp, bối rối, xáo trộn
    → tà kiến là sự bối rối
    Sự hiểu biết khi thì bị bối rối bởi thường kiến, khi thì bị bối rối bởi đoạn kiến
    Chỉ cho một người bị mất quan điểm không thể gắn bó với một loại tà kiến nào.
  • diṭṭhi-saṃyojanaṃ. kiến kiến phược
    saṃyojana: sự kết nối, sự trói buộc
    → tà kiến là sự trói buộc
    sự trói buộc của tà kiến/kiến kiết sử. Nó như một cái kiềng trói buộc, bởi vì nó cắn chặt như những con cá sấu (cắn chặt lấy mồi), rồi sau đó giữ chắc lấy điều đó patiṭṭhāha.

Ở đây nói rõ sự chấp chặt vào 62 tà kiến trở thành giới cấm thủ, làm sinh ra các lậu hoặc. Chính sự dễ chịu trong các lạc thú giác quan, hoặc các cảnh thiền đã trói buộc chúng sanh từ thấp lên đến sa môn, phạm chí. Người có trí từ bỏ những lậu hoặc, còn những ai không được rèn luyện, không có sự suy tư hợp lý sẽ tiếp tục trôi lăn trong dòng sanh tử luân hồi.

6 Chú giải: ở đây nói đến vị thánh đệ tử thực hành thiền để thấy được 4 sự thật: “các hành là khổ”, ái là nhân sanh khổ, không còn ái thì không còn khổ, con đường đưa đến sự chấm dứt khổ là con đường tuệ quán.
7 Một đoạn chú giải trong tạng Luật: giới cấm thù là chấp chặt và kiêu ngạo về giới và phận sự
8

Saṃvara: sự kiềm chế, sự hạn chế, sự thận trọng

paṭisaṅkhā yoniso: như lý giác sát, quán chiếu đúng đắn

_ Quán xét sự tai hại của việc không thu thúc

—“Này các tỳ khưu, tất cả đều bị cháy rực. Và này các tỳ khưu, cái gì là tất cả đều bị cháy rực? Này các tỳ khưu, mắt bị cháy rực, các sắc bị cháy rực, sự nhận thức của mắt bị cháy rực, sự tiếp xúc của mắt bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: ‘Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già, bởi chết, bởi những nỗi buồn rầu, bởi những điều ta thán, bởi những nỗi khổ đau, bởi những sự bất mãn, bởi những điều thất vọng.’

9 sống viharati ở đây nghĩa là thu thúc 6 căn trong cả 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi
10

Phòng hộ bằng niệm.

ở đây, niệm như người gác cổng, khi không có niệm, thì mắt bị “thất thủ”. Như người chủ thành ở trong một ngôi thành có các cổng không được đóng lại, thì cần phải hết sức cẩn thận, người gác cổng phải canh giữ tốt cổng thành.

Khi có ý muốn thả lỏng sự canh gác, thì tà giới tăng trưởng. Nghĩa là niệm không kiểm soát buông lỏng nhiệm vụ canh giữ cửa ngõ các giác quan

Khi có niệm, cũng như người bảo vệ tốt các cổng thành đang mở ra vậy

Phòng hộ bằng giới bổn pātimokkha

11 Sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt:

22.1 thu thúc đôi mắt, ví như con rùa thu mình vào trong mai khi gặp nguy hiểm.

Khi sự thu thúc bị quên lãng, từ khi chúng sanh có tâm đầu thai → thần kinh nhãn → mắt thấy cảnh sắc → phân tích → cảm thọ → ái → thủ → hữu

12 Sống phòng hộ với sự phòng hộ tai

_ “‘Ta sẽ đi ở nơi xóm nhà với giọng nói nhỏ nhẹ” là việc học tập nên được thực hành.” (Tạng Luật)

—Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài. Thế nào là năm?

Tự mình say đắm trong âm giọng ấy; người khác say đắm trong âm giọng ấy; các người gia chủ phê bình: “Như chúng ta hát, cũng vậy, các Sa-môn Thích tử này ca hát”; vì vị ấy cố gắng rèn luyện cho âm thanh điêu luyện nên định bị gián đoạn; các thế hệ sau bắt chước.

(AN.5

13 _ kinh Gandhatthenasutta (kẻ trộm hương – SN). Vị Tỷ Kheo ngửi hương hoa, vị thiên thương bậc phàm chân tu nên nhắc nhở
14 Sống không lỗi, an ổn: Vị ấy dùng đồ khất thực, nghĩ: Ta sẽ có được sự không lỗi bằng cách tránh xin, nhận và ăn một cách không thích đáng, và ta sẽ sống an ổn bằng cách ăn uống điều độ”. Hoặc vị ấy nghĩ: “Ta sẽ được sự không lỗi, nhờ không có mặt những lỗi lầm như chán mệt, lừ đừ, buồn ngủ, bị người trí chê trách v.v… Do duyên ăn uống vô độ gây ra. Và ta sẽ có sự sống an ổn nhờ sức khoẻ do duyên ăn tiết độ “. Hoặc vị ấy thọ dụng đồ khất thực, nghĩ những lạc thú nằm dài, lừ đừ biếng nhác vì đã không ăn quá độ. Và ta sẽ có một đời sống an ổn bằng cách chế ngự bốn uy nghi, nhờ ăn giảm mức tối đa chừng bốn năm miếng”. Vì có câu:

Ăn còn bốn năm miếng

Thì nên dừng, uống nước

Như vậy người tinh cần

Sẽ sống được an ổn. (Thag. 983)

sự hưởng thụ 4 vật dụng sẽ tạo ra nghiệp phiền não đưa chúng sanh đi đến tái sanh.

người mà hưởng thụ khát vọng sự hiện hữu, đưa đến chìm đắm trong luân hồi

tăng trưởng bản ngã, tà kiến đưa đến tái sanh

Đó là kết quả của người vô minh không biết được 4 phiền não sẽ phát sanh khi thọ dụng không có sự suy xét đúng đắn.

15 Thế nào là sự quán chiếu đúng, kham nhẫn đối với lạnh? sau khi suy tư về sự kham nhẫn đối với lạnh, vị ấy cảnh giác đối với các ảnh hưởng từ sự lạnh như run rẩy, dao động, phản ứng tìm chỗ ấm áp

Như trưởng lão Lomasanāga khi hành thiền tuyết lớn phủ khắp thân nhưng vẫn nhẫn nại không dao động, không từ bỏ khi nghĩ đến cái lạnh ở địa ngục, từ đó vượt qua khổ thọ do lạnh từ những cơn gió lạnh mùa đông.

Trưởng lão Padhāniya ở antaraṭṭhaka thực hành thiền trong hang động trong mùa đông khi tuyết rơi xuống suy nghĩ đến cái lạnh ở địa ngục

16 Trưởng lão Padhāniya vào mùa nóng vẫn tinh tấn hành thiền với sự suy xét đúng đắn, nhổ tận trói buộc được tự do

lời các bậc trưởng lão: “ Này các huynh đệ, hãy ngồi xuống kham nhẫn sự nóng, hãy ngồi xuống kham nhẫn sự lạnh, hãy ngồi xuống sau khi suy tư về cái khổ của địa ngục A Tỳ và các đại địa ngục”

17 Vị ấy suy tư: thức ăn và nước uống là một trong những thứ khiến chúng sanh tạo tác các nghiệp đưa đến tái sinh
18 Sau khi nhận thức sự tái sanh vào loài thú , vị ấy không dao động, từ bỏ.

Trong dòng luân hồi đã vô số kiếp phải rơi vào miệng gọp, sư tử, hay tiếp xúc với muỗi mòng gió nắng, bò sát… và tương lai cũng vậy, do trước đây ta không thể kham nhẫn, bị dao động, nên ta vẫn luân hồi

Sau khi suy tư không dao động ở yên tại chỗ, như Trưởng lão Padhāniya trong khi đang lắng nghe “Thánh nhân ký sự” trong giảng đường nơi tự viện Khaṇḍakaviṭṭhika, ngài bị rắn cắn, nhưng ngài im lặng nhẫn nhịn cơn đau, tập trung phát triển trí tuệ quán và chứng đắc A la hán trước khi viên tịch

19 Sau khi cân nhắc, không dao động như trưởng lão Dīghabhāṇakābhaya đã dạy: “hãy khoan dung với việc bị nói xấu và cách nói khiếm nhã”

Trưởng lão đã phải chịu đựng lời mắng chửi, công kích, phỉ báng vô căn cứ

Trưởng lão đi từ tịnh xá này qua tịnh xá khác quãng đường 1 do tuần, ngài bị công kích suốt cả do tuần đó, cả con đường đi lại bị gián đoạn.

Khi Trưởng lão ngồi xuống rửa chân, một vị sư hỏi: “thưa bhante, cả do tuần này tồn tại sự mắng mỏ hay không?”

vị trưởng lão: “hãy kham nhẫn, này sư đệ, ta thực hành, đừng nói ra

20 Cơn đau liên kết với cơ thể là đau đớn

  • dukkha (tt): đau đớn/khổ
  • tibba (tt): buốt, nhói, đau đớn
  • khara (tt): dữ dội, mãnh liệt
  • kaṭuka (tt): đau buốt, khốc liệt
  • asāta (tt): khó chịu, không thích thú = a+sāta
  • amanāpa (tt): làm đau đớn, nghịch ý = a+manāpa
  • pāṇahara (tt): đe doạ/nguy cấp mạng sống = pāṇa + hara /

không dao động, như trưởng lão padhāniya vào giữa đêm đã nảy sinh đau bụng gió. Khi đó trưởng lão đi lên đi xuống, đứng bên hông, trưởng lão hỏi “ này hiền đệ tên là  adhivāsanasīlo”, “dạ xin vâng”- vị tỳ khưu ngủ bất động không phản ứng với trưởng lão. Cơn gió như bánh xe cắt đứt nội tạng, trưởng lão minh sát cơn đau làm kiệt sức, và vào thời khắc đó chứng tam quả Bất Lai

21 sự phiền toái ở đây là gốc rễ lậu hoặc sẽ phát triển khi sự xúc chạm lạnh nóng không được kham nhẫn

Dục lậu tăng trưởng khi có sự tiếp xúc lạnh nóng

hữu lậu tăng trưởng khi khao khát cảnh giới tái sinh tốt đẹp hơn

Sự thấy “ta bị lạnh, ta bị nóng” tức là vướng vào kiến lậu

tất cả các sự dính mắc trên là vô minh lậu

adhivāsana= khantī

Khantī nghĩa là tính nhẫn nại, sức chịu đựng, nói đến sự chịu đựng 10 sự mắng nhiếc:

  1. cora: trộm cướp
  2. bāla: kẻ ngu
  3. Mūḷha: kẻ mù quáng, lạc đường
  4. Oṭṭha: ( oṭṭhī-vyādhi người đã chiến đấu dũng cảm trong các cuộc chiến tranh , và sau đó được sử dụng để kéo một chiếc xe chở phân), voi, lạc đà
  5. goṇa: bò
  6. gadrabha: khỉ
  7. nerayika: người chịu khổ trong địa ngục
  8. tiracchānagata: động vật
  9. natthi tuyhaṃ sugati: không sống trong cảnh giới an vui
  10. sống trong cảnh giới đau khổ

kham nhẫn với những lời dạy dỗ

kham nhẫn với những thử thách trên đường vun bồi công đức

Khi Bồ Tát tên là Kundakakumara tu hạnh nhẫn nhục, bị đức vua kalābu đánh hàng trăm roi, chặt tay chân, thẻo mũi và tai vẫn không hiềm hận

tương ưng sakka: người trí kham nhẫn trước kẻ yếu hơn, dù bị mắng chửi, khi đó là người chiến thắng 2 lần, cứ để kẻ ngu nghĩ rằng “vì sợ ta nên mới nhẫn”. quần chúng nghĩ là ngu vì không biết chánh pháp.

Trong tư lợi tối thượng,

Không gì hơn kham nhẫn.

Người đầy đủ sức mạnh,

Chịu nhẫn người yếu kém,

Nhẫn ấy gọi tối thượng.

PC 399: Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà La Môn.

AN đối với các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ,

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo chơn chánh giác sát kham nhẫn lạnh nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói mạ lỵ phỉ báng, vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Kinh ví dụ cái cưa MN: “Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm! Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ngữ! Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!”

Chư Tỷ-kheo, nữ tỳ Kālī suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vì những công việc ta làm cẩn thận chu toàn nên nữ chủ của ta tuy có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử thêm nữa nữ chủ của ta!”

hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm. Và chư Tỷ-kheo, chỉ khi nào Tỷ-kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa.

Tương Ưng Tâm: Tôn giả Mahaka dùng thần thông cúng dường gió và mưa đến tăng đoàn đang bị nóng.

22 Tránh xa voi dữ…

một vị ẩn sĩ ở gần voi dữ thì không vững. Là nguyên nhân dẫn đến đau đớn, chết chóc. Sau khi suy xét nguyên nhân vị ấy tránh né voi dữ.

Hung dữ: giận dữ, sẵn sàng tấn công

gốc cây: cây bị chặt còn gốc trụi

ao nước bẩn: là chốn phi nhân ưa lui tới

chỗ ngồi không thích đáng: nơi tạm bợ, riêng tư, kín khuất

nơi không phù hợp: nơi có phụ nữ lẳng lơ, …, nơi chia rẽ, 5 nơi không thích hợp:

Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn … Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, là chỗ cảnh giới của người khác. (Kinh Con Vượn, Tương Ưng Niệm Xứ)

Bạn xấu: là kẻ tội lỗi, ác giới, kẻ hay chống đối, hẹp hòi

Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

_Người vật gì cũng lấy,

_cho ít xin nhiều,

_vì sợ mà làm,

_ làm vì mưu lợi cho mình.

người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

_kể chuyện quá khứ nhằm lấy lòng

_bày vẽ tương lai

_mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ;

_ khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình.

người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn;

_Ðồng ý các việc ác;

_ không đồng ý các việc thiện;

_trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích.

người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

_Là bạn khi mình đam mê các loại rượu;

_ là bạn khi mình du hành đường phố phi thời;

_ là bạn khi mình la cà đình đám hý viện;

_là bạn khi mình đam mê cờ bạc.

Giao du: phục vụ, liên hệ với

23 *Kham nhẫn đối với cái khổ không có nghĩa là chủ động tìm cái khổ, sự nguy hại, sự thử thách mà chui vào.

*Cần phải hiểu được khả năng và giới hạn của bản thân.

Kham nhẫn khác với tự sát

_ kham nhẫn là bị động

_ tự sát là chủ động

24 Quán chiếu đúng, tránh né thú dữ

Suy xét về sự nguy hại của với thú dữ như voi…

_ Chúng ẩn tàng sự hung bạo không kiểm soát.

_ Chúng có thể đem đến cái chết hoặc thống khổ gần chết.

Sau khi suy xét kỹ, ta sẽ lùi lại và tránh né.

25 Quán chiếu đúng, tránh né gốc cây, chỗ gai góc, hố sâu, vách đá, hố nước đục, ao nước bẩn.

Bao gồm bãi rác, hố chất thải, bãi chất bẩn

Nguyên nhân: đây là nơi có phi nhân hung dữ, bất thiện

Để ở được trong rừng tối thiểu phải đạt cận định (chú giải kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm)

_ Bị quấy nhiễu bởi âm thanh của lá rừng, thú rừng, các âm thanh hỗn tạp… làm cho tâm tưởng tượng ra những điều sợ hãi

26 Quán chiếu đúng, tránh né chỗ không nên ngồi, chỗ không nên đến, và các ác hữu

Chỗ không nên ngồi:

_ Chỗ ngồi không được soạn sẵn, không dành cho mình,

_ Chỗ kín khuất, bị che lấp.

Chỗ không nên đến:

_ Chỗ gái làng chơi, phụ nữ lẳng lơ… những nơi nguy hại đến phạm hạnh

_ Chỗ gây ra sự chia rẽ

_ 5 nơi không thích hợp:

Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn … Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, là chỗ cảnh giới của người khác. (Kinh Con Vượn, Tương Ưng Niệm Xứ

27 Phiền toái và nhiệt não

_ Việc gặp gỡ những đối tượng trên chỉ đem đến sự bất hạnh

_ Đưa đến sự tăng trưởng các lậu hoặc

  •  Các đối tượng trên là nguồn cơn của các thọ khổ, sự mong muốn bớt thống khổ (lạc thọ) làm tăng trưởng dục lậu.
  • Sự mong muốn một cảnh giới không còn phải chịu đựng những khổ não do các đối tượng trên mang lại làm tăng trưởng hữu lậu.
  • “TA bị voi giày”, “TA bị ngựa đá” là kiến lậu.
  • Tất cả những thứ trên là vô minh lậu
28 Các loài thú dữ có thể đưa đến tái sanhkhổ thọ khi xúc chạm thú dữ đưa đến dục lậukhi đau đớn gần chết, mong cầu cảnh giới tái sanh tốt hơn: hữu lậuTA bị voi giẫm, TA bị ngựa đá: kiến lậutất cả sự dính mắc trên: vô minh lậu
29

Dục tư duy: Những suy nghĩ liên quan đến dục có mục đích sai trái. (Vi Diệu Pháp, bộ Phân Tích)

Mục đích sai trái không giống với ý nghĩa đạo đức thế gian

30

Sân tư duy: Những suy nghĩ liên quan đến sân hận có mục đích sai trái.

31

Hại tư duy: Những suy nghĩ liên quan đến sự thô bạo, tàn hại có mục đích sai trái, không có từ tâm nghĩ đến lợi ích của chúng sanh khác.

32 Ác bất thiện: những pháp bất thiện đem lại đau khổ, đi ngược với chánh pháp, bị người trí chê trách.
33

(Ác bất thiện) pháp: Những tà tư duy còn lại bên cạnh dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy:

_ ñātivitakka (quyến thuộc tư duy)

_ janapadavitakka (quốc độ tư duy):

  • anh cứ lo tu, không thiếu những kiếp làm chuyển luân vương hoặc chủ một quốc độ

_ amaravitakka (bất tử tư duy)

_ parānudayatā-paṭisamyuttavitakka (tư duy liên quan đến sự quan tâm/ái luyến chúng sanh khác)

  • hiểu lầm về bồ tát đạo

_ lābhasakkārasiloka-paṭisaṃyuttavitakka (tư duy liên quan đến lợi lộc, cung kính, danh tiếng)

  • kinh Thánh Cầu, trung bộ

_ anavaññatti-paṭisaṃyuttavitakka (tư duy liên quan đến sự không bị khinh miệt): suy tư, tưởng tượng, mong muốn rằng “ta sẽ làm như thế này, ta sẽ theo quan điểm như thế này, như vậy ta sẽ không bị kẻ khác xem thường”, hoặc “làm sao để những người tại gia hoặc xuất gia không xem thường ta”

(mahāniddesa 207)

  • đem lại đau khổ
  • dẹp nó qua một bên
  • cứ lo tu

34

Có sự quán chiếu đúng, không cho phép dục tư duy đã sanh

_ Dục tư duy xuất hiện là do suy tư về các đối tượng làm sanh khởi dục

ái dục sanh lo âu

ái dục sanh sầu muộn

ai không còn ái dục

không lo âu sầu muộn

_ Suy tư một cách đúng đắn về sự bất lợi của dục tư duy: đây là suy nghĩ bất thiện, bị chê trách, đem lại sự đau khổ cho chính mình

⇒ Không cho phép đối tượng đó tiếp tục sanh khởi. 

Không cho phép bằng cách nào? Bằng cách loại trừ, vứt chúng đi.

Quét dọn, vứt dục tư duy ra khỏi tâm như là một đống rác cần phải đựng bằng sọt rác.

Loại bỏ dục tư duy ra khỏi tâm như là lùa bò ra ngoài bằng cây gậy

bằng cách nào? Làm cho nó hủy diệt tận gốc không còn sanh khởi bằng cách loại bỏ, ngăn chặn

tương tự như vậy đối với các tà tư duy khác.

nhắm mắt 2 phút, làm người lính diệt trừ tà tư duy

35

Phiền toái và nhiệt não: 

_ Suy tư về các tà tư duy làm dục lậu tăng trưởng

_ Các tà tư duy đưa đến tái sanh nên làm cho hữu lậu tăng trưởng

_ Sự dính mắc vào tà tư duy làm cho kiến lậu tăng trưởng

_ Tất cả các điều trên là vô minh lậu

36

Niệm giác chi:

Niệm (sati): sự ghi nhớ.

Niệm khi sanh lên thì không lơ đễnh nhầm lẫn các pháp thiện, bất thiện, đúng pháp, phi pháp. Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành.

VD: Như người giữ kho nhắc nhà vua nhớ từng món tài sản.

37

4 pháp trợ sanh niệm giác chi:

_ Thường sống chánh niệm

_ Tránh xa người thiếu niệm (không có sự ghi nhớ, hay quên)

_ Gần gũi người nhiều niệm

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

38

Trạch pháp giác chi:

Trạch pháp: sự lựa chọn pháp.

Trạch pháp giác chi: sự lựa chọn các pháp (đã được niệm giác chi chỉ rõ) nhằm mục đích đạt đến sự giác ngộ.

6 pháp trợ sanh trạch pháp giác chi

_ Thường xuyên hỏi đạo

_ Giữ gìn trú xứ được thông thoáng

_ Quân bình các căn  (tín, tấn, niệm, định, tuệ)

_ Tránh xa người thiếu trí

_ Gần gũi người nhiều trí

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên.

39

Tinh tấn giác chi

_ Sự nỗ lực nhằm mục đích giác ngộ giải thoát.

9 pháp trợ sanh tinh tấn giác chi

_ Nghĩ về sự đáng sợ của các cảnh giới sa đọa như địa ngục

_ Nghĩ về con đường mà mình đang đi (chỉ có thể thành công nhờ vào tinh tấn)

_ Nghĩ về ân đức của người đã cúng dường, hộ độ ta

_ Nghĩ về di sản vĩ đại mà ta thừa hưởng từ Đức Thế Tôn

_ Nghĩ đến sự vĩ đại của bậc đạo sư

_ Noi gương các bậc đồng phạm hạnh (thánh tăng)

_ Tránh xa những người lười biếng

_ Gần gũi những người tinh tấn

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

40

Hỷ giác chi

_ Các pháp hỷ phát sanh trong khi tu tập giác ngộ giải thoát

10 pháp trợ sanh hỷ giác chi

_ Tùy niệm Phật

_ Tùy niệm pháp

_ Tùy niệm tăng

_ Tùy niệm giới

_ Tùy niệm thí xả

_ Tùy niệm thiên

_ Tùy niệm an tịnh

_ Tránh xa những người thô lỗ, khổ sở

_ Gần gũi những người lịch thiệp, giàu lòng từ ái.

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

41

An tịnh giác chi (khinh an giác chi, tĩnh giác chi)

_ An tịnh là sự nhẹ nhàng, lắng đọng của tâm ở dạng tế để tỏ ngộ nhằm mục đích giải thoát.

7 pháp trợ sanh an tịnh giác chi

_ Dùng thực phẩm thượng vị

_ Ở nơi thời tiết thoải mái

_ Giữ 4 oai nghi thoải mái dễ chịu

_ Làm theo trung đạo

_ Tránh xa người nóng tính

_ Gần gũi người trầm tĩnh

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

42

Định giác chi

_ Sự vững vàng của thân tâm, chứng đắc các tầng thiền nhằm mục đích giác ngộ giải thoát.

10 pháp trợ sanh định giác chi

_ Làm sạch nội xứ và ngoại xứ (vệ sinh thân thể và chỗ ở)

_ Quân bình các căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ)

_ Thiện xảo về thiền tướng (nimitta)

_ Chế ngự tâm khi tâm lên quá cao (bồng bột)

_ Chế ngự tâm khi tâm xuống quá thấp (lui sụt)

_ Chế ngự tâm khi tâm hỷ quá mức

_ Chế ngự tâm khi tâm lãnh đạm

_ Tránh xa người thiếu định

_ Gần gũi người nhiều định

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

43

Xả giác chi:

Tâm vững vàng, quan sát rành rẽ, thuần thục không thiên lệch đối với các pháp phát sanh bên trong và bên ngoài thân, là sự chăm chú bằng tâm buông bỏ nhằm mục đích giác ngộ giải thoát.

5 pháp trợ sanh xả giác chi

_ Hiểu rằng mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng

_ Hiểu rằng bản chất thế gian (các hành) là vô thường, khổ, vô ngã,

_ Tránh xa người dính mắc với chúng sanh và các pháp thế gian.

_ Gần gũi người trung dung (không thiên lệch, không dính mắc) đối với chúng sanh và các pháp thế gian

_ Có sự chuyên tâm khi thực hành các pháp bên trên

44

Tu tập y cứ vào sự viễn ly, ly tham, đoạn diệt

Tu tập: nghĩa là phát triển, nuôi dưỡng. Tự mình làm cho tâm liên tục và liên tục suy tư, nuôi dưỡng và phát triển thất giác chi

viễn ly: xa lìa tất cả các hữu vi (niết bàn)

ly tham: sự xa lìa tất cả dục hữu

đoạn diệt: đoạn diệt tất cả hữu

được hoàn thiện trong sự từ bỏ: từ bỏ tất cả các lậu hoặc để đạt đến Niết Bàn

45

Phiền toái và nhiệt não:

Với những ai không phát triển thất giác chi để thoát khỏi luân hồi sanh tử, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu sẽ tiếp tục có cơ hội sanh khởi.

(Này các tỳ-khưu, khi các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ tri kiến (đã) được tri kiến đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ thu thúc (đã) được thu thúc đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ áp dụng (đã) được áp/sử dụng đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ kham nhẫn (đã) được kham nhẫn đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ lánh xa/tránh né (đã) được tránh né đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ trừ diệt (đã) được trừ diệt đoạn trừ, các lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ tu tiến (đã) được tu tập đoạn trừ cho vị tỳ-khưu. Này các tỳ-khưu, đây được gọi là – ‘vị tỳ-khưu sống thu thúc với sự thu thúc trong các lậu hoặc, đã lìa bỏ tham ái, đã tẩy trừ kiết sử/sự trói buộc, có sự thấu triệt hoàn toàn đối với ngã mạn, (và) chấm dứt khổ đau.’)

46

Chấm dứt khổ đau:

Loại bỏ hoàn toàn ngã mạn bằng La Hán đạo.

Thế Tôn ngài cũng đã hoàn tất mọi công hạnh, chấm dứt mọi khổ đau sau 4 a tăng kỳ và 100.000 đại kiếp

“Gánh nặng đã đặt xuống, việc cần làm đã làm, thân này là thân cuối cùng, không còn tái sanh ở đời sau kiếp khác nữa.”