Kinh số 07 – Giải Thích Kinh Ví Dụ Tấm Vải

(Vatthasuttavaṇṇanā)

 Xem Trung Bộ Kinh – Kinh Ví Dụ Tấm Vải   

[70] Bài Kinh Ví Dụ Tấm Vải được bắt đầu bằng tôi đã nghe như vầy [Evaṃ me sutaṃ]. Ở đây, từ Bhikkhave yathā vatthuṃ trong từ seyyathāpi bhikkhave vatthaṃ (Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải) là từ ví dụ. Trong một số trường hợp Đức Thế Tôn trình bày ví dụ trước, sau đó Ngài mới thuyết giảng về ý nghĩa (nội dung). Trong một vài trường hợp Ngài thuyết giảng ý nghĩa trước, sau đó mới nêu ra ví dụ. Trong một vài trường hợp Ngài đưa ra ví dụ cùng với ý nghĩa, cũng trong một vài trường hợp Ngài thuyết về ý nghĩa cùng với ví dụ.

Thật vậy, khi Đức Thế Tôn thuyết giảng bài Kinh Thiên Sứ Ngài đã nêu ra ví dụ trước, sau đó mới thuyết về ý nghĩa. Ngài nói rằng: “seyyathāpissu, bhikkhave, dve agārā sadvārā, tattha cakkhumā puriso majjhe ṭhito passeyyāti[1] = Này các Tỷ-kheo, giống như 2 ngôi nhà có chung một cánh cửa. Một người có mắt tốt đứng ở chính giữa có thể nhìn thấy 2 ngôi nhà đó được”. Lại nữa, khi nói về các loại thần thông (iddhividha) thì Ngài trình bày ý nghĩa trước, sau đó Ngài mới đưa ra ví dụ, như cách nói sau: “Tirokuṭṭaṃ tiropākāraṃ tiropabbataṃ asajjamāno gacchati, seyyathāpi ākāse[2] = Người có thần thông đi xuyên qua vách, qua thành, qua núi, giống như đi ngang hư không”. Khi Ngài giảng về ví dụ cùng với ý nghĩa như được nói trong bài Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây bằng cách nói sau: “Seyyathāpi brāhmaṇapuriso sāratthiko sāragavesi[3] = Này Bà-la-môn, ví như một người mong muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây”. Lại nữa, khi Ngài thuyết về ý nghĩa cùng với ví dụ như được nói trong bài Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây với cách nói sau: “Idha pana, bhikkhave, ekacce kulaputtā dhammaṃ pariyāpuṇanti suttaṃ…pe… seyyathāpi, bhikkhave, puriso alagaddatthiko[4] = Ở đây, này các Tỷ-kheo, một số Thiện nam tử học pháp như Kinh v.v… ví như một người ưa muốn rắn độc, thế đó này các Tỷ-kheo”. Trong trường hợp này Đức Thế Tôn đã đưa ra ví dụ trước, sau đó mới nói về ý nghĩa.

Hỏi rằng: Do nhân gì mà Đức Thế Tôn thuyết như vậy? Đáp: Do căn tánh của mỗi người hoặc do thay đổi cách thuyết giảng.

Vì vậy, người nào hiểu được ý nghĩa mà Thế Tôn thuyết giảng bằng cách đặt ví dụ trước thì Ngài sẽ đưa ra ví dụ trước, đối với Thiện nam đó, trong mỗi câu kệ cũng bằng cách ấy. Lại nữa, vì Thế Tôn là bậc thấu triệt mọi Pháp giới [dhammadhātu], cho nên Ngài được gọi là Bậc thiện xảo trong việc thay đổi cách thuyết giảng các Pháp giới mà Ngài đã thấu triệt. Do vậy, Ngài là Đấng Pháp Chủ [dhammissaro], Đấng Pháp Vương [dhammarājā], thiện xảo trong việc thay đổi cách thuyết Pháp. Ngài thuyết giảng Pháp theo sự mong muốn như đã trình bày. Nên biết rằng Đức Thế Tôn giảng Pháp như vậy nghĩa là (thuyết) theo căn tánh của mỗi người, và cả việc chuyển đổi trong cách thuyết.

Ở đây, từ tấm vải [Vatthaṃ] gồm tấm vải sạch bình thường. Từ ô nhiễm [saṃkiliṭṭhaṃ], nhiễm bẩn [malaggahitaṃ] gọi là ô nhiễm không trong sạch do bụi bặm v.v…mùi thối dính vào, và gọi là nhiễm bẩn, dơ dáy, ô uế do dính mùi mồ hôi v.v…

Ở đây, từ raṅgajāta trong từ raṅgajāte chỉ cho các loại thuốc nhuộm. Từ  upanāmeyya là nhuộm nhúng (các loại vải). Như màu xanh [Yadi nīlakāyāti] Ngài giải thích rằng nếu khi cần cho (tấm vải) có màu xanh. Trong tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Thật vậy, người thợ nhuộm khi mang tấm vải đi nhúng nhuộm muốn có tấm vải màu xanh cũng phải mang nó đi ngâm trong thuốc nhuộm màu xanh, màu đỏ tía, và xanh lá cây v.v… khi mang tấm vải đi nhuộm để được tấm vải màu vàng thì (người thợ nhuộm) phải mang đi ngâm với thuốc nhuộm màu vàng như hoa kaṇikāra[5], khi mang tấm vải đi nhuộm để được tấm vải màu đỏ thì (người thợ nhuộm) phải mang đi ngâm với thuốc nhuộm màu đỏ như hoa bandhujīvaka[6], khi mang tấm vải đi nhuộm để được tấm vải màu đỏ tía thì (người thợ nhuộm) phải mang đi ngâm với thuốc nhuộm màu đỏ tía như hoa trúc đào. Vì vậy, Đức Thế Tôn mới thuyết rằng: “hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía”.

Từ “sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ” [durattavaṇṇamevassa] chính là tấm vải có màu nhuộm không tốt đẹp. Từ “sẽ có màu nhuộm không sạch sẽ” [aparisuddhavaṇṇamevassa] nghĩa là dẫu cho tấm vải đó có màu xanh cũng sẽ không được sạch sẽ, những màu còn lại (cũng không sạch sẽ). Như vậy, những tấm vải đó dẫu cho anh ta có ngâm trong chậu thuốc nhuộm màu xanh cũng không cho ra được xanh đẹp, hay ngâm vào chậu thuốc nhuộm những màu còn lại thì cũng không cho ra được đúng chất màu của nó như màu vàng v.v… mà chỉ có màu xanh nhợt nhạt, màu cỏ voi, màu hoa kaṇikāra, màu hoa bandhujīvaka và màu hoa trúc đào héo úa.

‘Câu đó do nhân gì = Taṃ kissa hetu’ nghĩa là tấm vải đó bị như vậy là do nguyên nhân nào? Do gì làm nhân. Lại nữa, thuốc nhuộm làm cho tấm vải bị như thế là do có màu không tốt đẹp, không trong sạch. Do nhân gì? Là do tính chất tấm vải đó không được sạch sẽ, không phải do nhân nào khác mà chính điều đó là nguyên nhân trong trường hợp này. Do đó, Đức Thế Tôn mới thuyết như sau: “aparisuddhattā, bhikkhave, vatthassa = Này các Tỷ-kheo, bởi vì tấm vải là vật không sạch sẽ”. Từ Evameva là từ chỉ mang tính chất so sánh. Từ “Citte saṃkiliṭṭhe” trong từ “Cittasmiṃ saṃkilismiṃ” nghĩa là “khi tâm bị ô nhiễm ”. Lại nữa, nếu hỏi rằng: tại sao Đức Thế Tôn lại sử dụng tấm vải bị lấm lem làm ví dụ? Đáp rằng: sự tinh tấn có kết quả lớn, giống như tấm vải bị lấm lem vì bị bám bẩn, khi được giặt rửa, tấm vải lại trở nên trắng nhờ trạng thái trắng nguyên chất của nó; trong trường hợp đó, sự nỗ lực (trong việc giặt làm trắng tấm vải) không phải là việc vô ích như trong trường hợp (nỗ lực làm trắng) sợi lông dê vốn đen tự nhiên thì không. Do vậy khi tâm bị ô nhiễm do các phiền não từ ngoài vào cũng như vậy. Nghĩa là bản chất của tâm vốn dĩ trong sạch trong lúc tục sanh [paṭisandhi] và hộ kiếp [bhavaṅga]. Như Ngài đã thuyết rằng: “pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhanti[7] = Này các Tỷ-kheo, tâm này là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các phiền não từ ngoài vào”. Tâm đó khi được gột rửa cho trong sạch, chúng sanh cũng có thể làm cho nó chói sáng hơn nữa, sự nỗ lực trong việc gột rửa ấy không vô ích. Như vậy, bậc trí nên biết rằng việc so sánh với tấm vải bị lấm lem, để thấy rằng sự nỗ lực có kết quả lớn là như vậy.

Duggati pāṭikaṅkhāti = Khổ cảnh sẽ được trông chờ’ nghĩa là khi tâm bị như vậy thì khổ cảnh là nơi chúng sanh đáng chờ đợi. Ngài đã giải thích rằng khổ cảnh là cảnh giới mà người ấy đang chờ đợi, người này chắc chắn đi đến khổ cảnh, chứ không đi đến cảnh giới nào khác; như vậy, khổ cảnh sẽ được chờ đợi, không thể tránh, sẽ xuất hiện. Điều đó được nói như vậy. Khổ cảnh có 2 loại là khổ cảnh hành vi (Paṭipattiduggati) và khổ cảnh cảnh giới [gatiduggati].  Khổ cảnh hành vi cũng có 2 loại: Khổ cảnh hành vi của người tại gia [agāriyapaṭipattiduggati] và khổ cảnh hành vi của người xuất gia [anagāriyapaṭipattiduggati].

Quả thật, người tại gia có tâm bị ô nhiễm, thì sát sanh, lấy của không cho, thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 bất thiện nghiệp, đó là khổ cảnh hành vi của người tại gia. Người tại gia ấy sống trong lối sống đó, lúc xác thân tan rã đi đến địa ngục, hoặc sanh vào cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ; đó là khổ cảnh cảnh giới của người tại gia. Còn người đã xuất gia – xuất gia trong giáo pháp này, có tâm bị ô nhiễm thì làm nghề sứ giả, đưa tin cho người khác, làm nghề thầy thuốc, cố gắng chia rẽ Tăng đoàn, chia rẽ chùa, kiếm sống bằng nghề (làm) đồ chơi bằng tre v.v… thực hành các việc vô hạnh và đi đến các nơi không phù hợp đó gọi là khổ cảnh hành vi của người xuất gia. Người xuất gia ấy sống trong lối sống đó, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào địa ngục, sanh làm loài bàng sanh, ngạ quỷ gọi là Dạ-xoa Sa-môn, ngạ quỷ Sa-môn, có thân bị thiêu đốt sáng rực với tấm y Tăng-già-lê v.v… âm thanh gào thét (lan tỏa) khắp nơi, đây gọi là khổ cảnh cảnh giới của người xuất gia.

Từ “như thế nào” [Seyyathāpi] nghĩa là Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết Pháp trắng [nhàn cành, sugati]. Ý nghĩa của Pháp trắng đó nên biết rằng là Pháp đối nghịch mà Ngài đã thuyết ở Pháp đen [khổ cảnh, dugati]. Lại nữa, gọi là nhàn cảnh hay cảnh giới an vui [sugati] ở đây có 2 loại: lạc cảnh hành vi [paṭipattisugati] và lạc cảnh cảnh giới (Gatisugati). Lạc cảnh hành vi [paṭipattisugati] cũng có 2 loại: Lạc cảnh hành vi của người tại gia [agāriyapaṭipattisugati] và lạc cảnh hành vi của người xuất gia [anagāriyapaṭipattisugati]. Người tại gia có tâm thanh tịnh là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 thiện nghiệp, đó gọi là lạc cảnh hành vi của người tại gia. Người ấy sống trong lối sống đó, lúc xác thân tan rã sẽ đạt được sự to lớn, vĩ đại ở loài người, to lớn vĩ đại ở Chư thiên, đó là lạc cảnh cảnh giới của người tại gia.

Còn người đã xuất gia – xuất gia trong giáo pháp này, có tâm thanh tịnh gìn giữ Tứ thanh tịnh giới, 13 Pháp hạnh đầu đà, học đề mục thiền phù hợp với bản thân trong 38 đối tượng [ārammaṇa] sống trong trú xứ yên tĩnh, hành các đề mục biến xứ [kasina] đến khi thiền định sanh khởi [jhānasamādhi], chứng đắc Tu-đà-hoàn đạo [sotāpattimagga] v.v… chứng đắc A-na-hàm đạo [anāgāmimagga] gọi là lạc cảnh hành vi của người xuất gia. Người xuất gia ấy sống trong lối sống đó, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh vào 3 gia tộc lớn ở thế giới loài người, Chư thiên 6 cõi vui dục giới, 10 cõi Phạm thiên, 5 cõi Tịnh cư thiên, 4 cõi Vô sắc, đây gọi là lạc cảnh cảnh giới của người xuất gia.

[71] Đức Thế Tôn đã thuyết rằng: “khi tâm bị ô nhiễm thì khổ cảnh sẽ được trông chờ và khi tâm không bị ô nhiễm thì lạc cảnh sẽ được trông chờ”. Như vậy, khi giảng về tùy phiền nào [upakilesa] làm nhân dẫn đến tâm bị ô nhiễm, đã nói rằng: “Này các Tỷ-kheo tùy phiền não của tâm như thế nào? Đó là sự khát khao [abhijjhāvisamalobha, sự thèm muốn, tham lam]. Ở đây thì dục tham vào tài sản của mình gọi là sự khao khát [abhijjhā]. Còn dục tham vào tài sản của người khác gọi là tà tham [visamalobho]. Lại nữa, dục tham vào tài sản của chính mình hoặc của người khác thì dục tham đạt được trong điều kiện phù hợp gọi là sự khao khát [abhijjhā], dục tham đạt được trong trường hợp không đúng, không phù hợp gọi là tà tham [visamalobho]. Lại nữa, một vị Trưởng lão đã nói rằng: không có bất cứ tham [lobho] nào được gọi là tham không tà, như trong Pāḷi trình bày: ‘Các con phân biệt ra sao? (dục tham) đối với vật phù hợp hoặc vật không phù hợp ư? Dựa vào câu nói ‘Tham ai [rāgo] là visama, sân [doso] là visama, si [moho] là visama’[8]. Do đó, chính tham [lobho] này là sự khao khát [abhijjhā] với ý nghĩa là sự ham muốn [abhijjhāyana], tham là tà với ý nghĩa là sự tà tham; [lobhoabhijjhā] chúng có một nghĩa nhưng có văn tự khác nhau. Vậy chính sự khao khát – tức tà tham đó sinh lên rồi làm tâm hư hại, không cho tâm được trong sạch. Do đó, Đức Thế Tôn đã thuyết rằng ‘pháp ô nhiễm của tâm’.

Abhijjhāvisamalobha như thế nào thì sân độc [byāpāda] sanh khởi từ 9 nguyên nhân cho các hiềm khích [āghāta]. Sự phẫn nộ [kodho] được sinh ra từ 10 loại nguyên nhân cho các hiềm khích [āghāta]. Sự thù hằn [upnāha] cột buộc tâm hết lần này đến lần khác cũng như thế ấy. Sự phản trắc [makkha] của người tại gia hay người xuất gia là sự trút bỏ mọi việc làm tốt đẹp của (người khác) làm cho mình. Giải thích rằng, khi người tại gia nào đó lâm vào tình cảnh thiếu thốn, một người có lòng thương xót mình đặt lên địa vị cao quý; về sau, người đó quay lưng nói rằng: ‘Ngài đã làm được gì cho tôi?’ gọi là phủi bỏ mọi việc tốt đẹp mà người có lòng thương xót đã làm. Còn đối với người xuất gia, từ thời còn là vị Sa-di mà bất cứ các thầy A-xà-lê hay thầy tế độ đã được hỗ trợ 4 món vật dụng, với lời giảng giải [uddesa], lời hỏi han [paripucchā] được dạy bảo để thông thạo, thành tựu các môn học về vấn đề Pháp [dhammakathā]; về sau, khi được Đức Vua và các quan đại thần v.v… sau khi đảnh lễ, bày tỏ lòng thành kính (những vị này) lại thiếu tôn trọng đối với các thầy A-xà-lê và thầy tế độ, các thầy A-xà-lê đã nói rằng: “các vị này khi còn là những đứa trẻ, tất cả chúng tôi đã hướng dẫn là nơi nương nhờ và sách tấn để được tiến bộ như thế này, nhưng bây giờ đã đánh mất đi sự dễ thương”, (những vị này) cũng đáp trả rằng: “các Ngài đã làm được gì cho tôi”, đây gọi là trút bỏ sạch mọi việc tốt mà các thầy A-xà-lê và thầy tế độ đã làm. Sự coi khinh các việc làm tốt đẹp mà vị ấy đã làm bị huỷ hoại, (chính sự coi khinh) làm tâm bị ô nhiễm, không được chói sáng đã sanh khởi. Do đó, Đức Phật nói rằng: “đây là Pháp cấu uế của tâm”.

Như vậy, sự coi khinh như thế nào thì sự ganh đua [pāḷāsa] được xem như một cặp đối lập, cũng như thế ấy. (sự cố chấp ấy) đề cập đến hạng người mà là bậc đa văn theo những thể thức như: Vị đa văn như vậy, các sanh thú (tái sanh) cũng không chắc chắn (bèn nói với người ấy), tôi với anh có gì khác biệt?’. Ganh tị [issā] là sự chỉ trích khi những người khác được tôn kính v.v… Sự ích kỷ [macchariyaṃ] là sự không chấp nhận điều kiện chung với những người khác vì thành quả của riêng mình. Sự xảo trá (māyā) là những hành vi sự lừa phỉnh, sự gạt gẫm. Sự khoe khoang [sātheyyaṃ] người thích khoe khoang, khoác lác, cũng giống như loài cá Ānanda. Kể rằng cá Ānanda (thích) lấy đuôi khoe (với các loài cá khác), lấy đầu khoe với loài rắn khiến (loài cá và rắn) nhằm hiểu rằng ‘ta cũng giống như bọn mi’. Hạng người thích khoe khoang cũng tương tự như vậy, hạng người ấy tìm đến các vị tinh thông Kinh điển hay tinh thông Vi-diệu-pháp nói với các vị ấy rằng ‘con sẵn sàng phục vụ các Ngài, các Ngài hãy thương tưởng con, con sẽ không rời bỏ các Ngài’. Khi đó, các vị kia sẽ nghĩ rằng: ‘Người này thật tôn kính chúng ta, thật kính trọng chúng ta.’ Sự gian xảo đó phát sinh với trạng thái là sự giả dối, sinh lên rồi làm tâm của vị ấy hư hại, không cho nó tỏa sáng. Do đó, Đức Phật thuyết rằng: ‘đây là Pháp ô nhiễm của tâm’.

Cũng tương như vậy, sự giả dối như thế nào thì sự ương ngạnh [thambha] cũng như thế ấy, là người có những hành vi cư xử không có sự khiêm cung, ngẩng cao đầu vì là người ương bướng, cũng giống việc bơm đầy không khí. Sự cạnh tranh [sārambha] có các hành vi hơn thế nữa. Sự cạnh tranh được chia làm 2 loại: bất thiện và thiện. Trong 2 cách cạnh tranh này, đối với người tại gia sau khi được nhìn thấy các đồ trang sức của người khác đã làm, rồi làm nhiều hơn gấp 2 lần, nhiều hơn thế nữa, được xếp vào bất thiện. Còn đối với hạng xuất gia trong lúc thấy vị xuất gia khác học pháp hay thuyết pháp ước lượng như thế thì sự cạnh tranh phát khởi bằng sự thực hành tăng gấp đôi, và hơn thế, nhu thế do mãnh lực của ngã mạn [māna] thì đây được xếp vào bất thiện. Đối với người tại gia khi thấy người khác cúng dường 1 sakālabhatta[9], rồi tự thân ước muốn được cúng dường gấp 2-3 phần thì được xếp vào thiện. Còn đối với vị xuất gia khi biết rằng vị Tỷ-kheo khác học được 1 bộ kinh, sự cạnh tranh sanh khởi không nương vào ngã mạn, rồi mong muốn sẽ điều phối sự lười biếng của bản thân, học cho bằng được 2 bộ kinh thì được xếp vào thiện. Nhưng ở trong trường hợp này Ngài muốn lấy sự canh tranh bất thiện vì chính sự cạnh tranh bất thiện này làm cho tâm của vị ấy bị hư hại, không cho nó được chói sáng. Do đó, Đức Phật thuyết rằng: ‘đây là Pháp ô nhiễm của tâm’.

Lại nữa, sự canh tranh như thế nào thì ngã mạn [māna]  như thế ấy diễn tiến do mãnh lực sự hống hách của tâm vì nương nhờ sự sanh [jāti] v.v… ngã mạn diễn tiến do mãnh lực do sự quá hống hách gọi là quá mạn [atimāna], trạng thái tiếp nhận bằng sự đam mê gọi là sự đam mê [mada]. Mada sanh khởi bởi mãnh lực của việc buông xuôi tâm chạy theo ngũ dục [kāmaguṇa] gọi là sự phóng dật [pamāda]. Sự phóng dật sanh khởi làm cho tâm (vị ấy) bị hư hoại, không cho nó được sáng chói. Do đó, Đức Phật thuyết rằng: ‘đây là Pháp ô nhiễm của tâm’.

Hỏi rằng: ‘Vì sao Đức Thế Tôn khi thuyết tùy phiền não [upakilesa], Ngài lại trình bày tham [lobha] trước? Đáp: Vì tham sanh khởi trước các pháp khác.

Quả thật, khi chúng sanh tái sanh ở bất kỳ cõi nào, cho tới cao tột của cõi Tịnh Cư Thiên [sudhāvāsa] thì tham sanh trước do mãnh lực của bhavanikantika[10] ở cõi đó, các tùy phiền não này như sân độc [byāpāda], v.v… sanh khởi thích hợp cùng duyên trợ vì phải nương theo duyên trợ thích hợp của chính nó. Và không phải chỉ có tùy phiền não của 16 tâm này sanh khởi, nên hiểu rằng với cách này là cách gộp chung tất cả các phiền não.

[72] Đức Thế Tôn khi thuyết về phiền não, pháp ô nhiễm bằng lời giải thích chỉ bấy nhiêu. Lúc này khi giảng về sự trong sạch Ngài thuyết rằng: “sa kho so, bhikkhave = Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy”. Ở đây, ‘iti viditvāti đồng nghĩa evaṃ jānitvā nghĩa là biết như vậy’. Từ ‘pajahati nghĩa là đoạn trừ, từ bỏ (tùy phiền não của tâm)’ bằng Thánh đạo [ariyamagga] với mãnh lực của samucchedapahāna (triệt tiêu đoạn trừ). Từ “việc đoạn trừ, hay từ bỏ’ nên hiểu rằng có 2 loại là (đoạn trừ) theo tuần từ phiền não và theo tuần tự của đạo. (Giải thích việc đoạn trừ) theo tuần tự của phiền não trước, 6 loại phiền não này là sự khát khao [abhijjhāvisamalobha, sự thèm muốn, tham lam], ương ngạnh [thambha, cứng đầu], sự cạnh tranh [sārambha], ngã mạn [māna], sự xem thường [atimāna, coi khinh], sự đam mê [mada] đoạn trừ được bằng A-ra-hán đạo [arahattamagga]. 4 loại phiền não là sự sân độc [byāpāda], sự sân hận [kodha], sự oán hận [upanāha], sự dễ duôi [pamāda] đoạn trừ được bằng A-na-hàm đạo. 6 loại phiền não là sư phản trắc [makkha, sự coi khinh ân đức của người khác], sự ganh đua [palāsa], sự ganh tị [issā, tật đố], sự bỏn xẻn [macchariya], sự xảo trá [māyā], sự khoe khoang [sātheyya] đoạn trừ được bằng Tu-đà-hoàn đạo [sotāpattimagga].

Còn việc đoạn trừ theo Đạo [magga] sẽ được giải thích như sau: 6 loại phiền não là sự phản trắc [makkha, sự coi khinh ân đức của người khác], sự ganh đua [palāsa], sự ganh tị [issā, tật đố], sự bỏn xẻn [macchariya], sự xảo trá [māyā], sự khoe khoang [sātheyya] đoạn trừ được bằng Tu-đà-hoàn đạo [sotāpattimagga]. 4 loại phiền não là sự sân độc [byāpāda], sự sân hận [kodha], sự oán hận [upanāha], sự dễ duôi [pamāda] đoạn trừ được bằng A-na-hàm đạo. 6 loại phiền não này là sự khát khao [abhijjhāvisamalobha, sự thèm muốn, tham lam], ương ngạnh [thambha, cứng đầu], sự cạnh tranh [sārambha], ngã mạn [māna], sự xem thường [atimāna, coi khinh], sự đam mê [mada] đoạn trừ được bằng A-ra-hán đạo [arahattamagga].

Nhưng trong trường hợp này thì phiền não sẽ bị đoạn diệt bằng Tu-đà-hoàn đạo hoặc bị đoạn diệt bằng 3 đạo còn lại. Mặc dầu vậy nên hiểu rằng Đức Phật thuyết rằng: ‘hạng người đoạn trừ được sự khao khát, tham lam là Pháp ô nhiễm của tâm’, hàm ý chỉ sự đoạn trừ bằng A-na-hàm đạo. Đây là sự sanh khởi (của quả) theo tuần tự của đạo. Chính vì vậy mà Đức Phật đã thuyết đạo thứ 4 đặt ở vị trí tối cao, tiến trình của quả (phala) sẽ bị tùy phiền não [upakilesa] có tà tham [visamalobha] v.v…  phần còn lại từ tùy phiền não  đã đoạn trừ bằng tam đạo [tatiyamagga] tức là A-na-hàm đạo, là đạo đoạn trừ được với đạo thứ 4. Tương tự vậy, những phiền não còn lại sẽ đoạn trừ được bằng đạo thứ 4, tức là A-ra-hán đạo. Do vậy, tùy phiền não có sự phản trắc [makkha, sự coi khinh ân đức của người khác] v.v… dù là phiền não nào (thuộc 6 loại phiền não đã nói) cũng đoạn trừ được bằng Tu-đà-hoàn đạo. Tùy phiền não đó sẽ đoạn trừ được hoàn toàn phải bằng A-na-hàm đạo. Vì tâm làm sở sanh [samuṭṭhāna] của tùy phiền não có makkha v.v… sẽ không đoạn trừ hoàn toàn được bằng Tu-đà-hoàn đạo. Nhưng ở đây một số thầy A-xà-lê đã giải thích việc từ bỏ (các phiền não) bằng đạo thứ nhất (paṭhamamagga). Lời áy không khớp với lời mở đầu và đoạn cuối, một số thầy A-xà-lê đã giải thích vikkhambhanapahāna (trấn phục đoạn trừ) trong mục này, những lời đó chỉ là ước muốn của các thầy mà thôi.

[73] Từ yato trong cụm từ yato kho bhikkhave này đồng nghĩa với yamhi kāle nghĩa là ‘này các Tỷ-kheo, trong thời nào’. Với từ pahīno hoti (được đoạn trừ, hay được diệt trừ), Đức Thế Tôn hàm ý việc đoạn trừ (phiền não) này ở sát-na tâm A-na-hàm đạo.

[74] Cụm từ ‘So buddhe aveccappasādena = Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật’, nên biết kết hợp ở mỗi câu như vậy. Này các Tỷ-kheo trong thời nào đoạn trừ, vị Tỷ-kheo đoạn trừ tà tham [visamalobha] trong lúc đó, thì vị ấy thành tựu lòng tin không lây chuyển với Phật. Quả thật, vị Tỷ-kheo thành tựu lòng tin vượt ngoài thế gian đã chứng đạt A-na-hàm đạo, sau đó vị ấy tùy niệm các ân đức của Phật, Pháp và Tăng thì lòng tin vượt ngoài thế gian ấy sẽ phát sanh. Khi Thế Tôn thuyết về lòng tin ở thế gian và lòng tin vượt ngoài thế gian của Tỷ-kheo ấy, Ngài mới thuyết rằng: ‘buddhe aveccappasādenā = Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật’.

Với cụm từ ‘aveccappasādenā =bằng lòng tin tuyệt đối’ nghĩa là với lòng tin gọi là không lay chuyển, bất động, không bị lung lay do hiểu rõ ân đức Phật, ân đức Pháp và ân đức Tăng. Khi vị Tỷ-kheo tùy niệm đến (ân đức) thì lòng tin ấy không bị lây chuyển sanh lên ở lộ trình tâm ấy, Đức Phật khi thuyết về lộ trình tâm ấy mới thuyết cả 3 tuỳ niệm chi tiết theo cách sau: ‘itipi so bhagavā’ như vậy. Việc giải thích ý nghĩa cách đặt 3 tuỳ niệm này đã được Ngài Buddhaghosa giảng giải chi tiết trong phần tùy niệm của bộ Thanh Tịnh Đạo.

[75] Đức Thế Tôn khi thuyết giảng lòng tin ở thế gian và lòng tin vượt ngoài thế gian của vị Thánh A-na-hàm, Khi thuyết việc đoạn trừ phiền não và phước báu có sự an vui v.v… thành tựu lòng tin tuyệt đối không bị lây chuyển sanh lên nơi vị A-na-hàm đang tùy niệm đã thuyết như sau ‘đến giai đoạn này đối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ (phiền não)…bằng mãnh lực = yathodhi kho panassa’. Quả thật, sự an vui sanh lên vị A-na-hàm đang tự nghĩ đến việc đoạn trừ phiền não của chính mình ‘phiền não này, ta đã đoạn trừ tợ như sự hân hoan phát sanh nơi đức Vua, tiêu diệt bọn cướp giữ yên bình cho biên ải, sau đó Ngài trở về, (vị ấy) ngồi tự nghĩ lại bổn phận một vị Vua ngự trong quốc độ đó như vậy. Đức Thế Tôn khi nói đến sự an vui, Ngài mới thuyết rằng ‘yathodhi kho panassā = ‘đến giai đoạn này đối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ (phiền não)…bằng mãnh lực’. (Giải thích) bậc thánh A-na-hàm quán tưởng thấy rằng đối với vị thánh hữu học (ariyasāvaka) có lòng tin tuyệt đối không bị lây chuyển đối với Phật –nt- với Pháp –nt- với Tăng –nt– là vô lượng phước điền cho thế gian. Tất cả phiền não đó đã được vị thánh A-na-hàm đoạn trừ theo tuần tự, đoạn trừ (phiền não) theo năng lực của chính bản thân (vị ấy). Phiền não đó đã được vị Thánh A-na-hàm từ bỏ, đã diệt trừ, đã giải thoát, đã đoạn trừ, đã xả ly bằng chính năng lực của vị ấy. Có 2 phần là phần của phiền não và phần của đạo. Tất cả 2 phần này, sẽ nói về mãnh lực của phiền não trước, phiền não nào đã đoạn trừ đối với hạng người nào thì phiền não đó sẽ không bị lẫn lộn với phiền não mà những đạo khác cần đoạn trừ, các phần (phiền não) mà chính vị A-na-hàm đã đoạn trừ. Những phiền não được đoạn trừ bởi thánh đạo nào rồi thì chúng nên được tách biệt với thánh đạo khác. Phiền não mà Ngài từ bỏ, đoạn diệt tất cả bằng chính năng lực (đạo) của mình. Lặp lại nội dung ‘Vị Tỷ-kheo hoan hỷ khi quán tưởng đến phiền não đã được đoạn trừ’. (vị ấy) hiểu được ý nghĩa (kết quả) nhiều hơn thế ‘Ta là người có lòng tin tuyệt đối không bị lây chuyển đối với Phật’.

Cũng có câu tụng như vầy ‘Yatodhi kho’ với năng lực câu tụng ấy có ý nghĩa như sau. Do nhân mà phiền não là cái mà vị tỳ kheo đã từ bỏ, đã đoạn trừ. Ở đây, từ yato được chia theo cách thứ ba (tatiyavibhatti = sử dụng cách) có ý nghĩa yasmā (do nhân nào). 3 đạo thấp Ngài gọi là giới hạn [Odhi]. Do nhân gì? Bởi vì 3 Đạo ấy từ bỏ các phiền não một cách có giới hạn, có phạm vi, không can dự đến các phiền não phải được từ bỏ bằng Đạo cao cấp hơn, do đó, chúng được gọi là ‘giới hạn’ [Odhi]. Đối với A-ra-hán đạo sẽ đoạn trừ hoàn toàn tất cả phiền não, cho nên Ngài gọi là không giới hạn [Anodhi]. Lại nữa, vị Tỷ-kheo này đã đoạn trừ phiền não bằng 3 đạo thấp, cho nên Đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘yatodhi kho panassa cattaṃ hoti = Ðến giai đoạn này, đối với vị ấy, có sự từ bỏ ’.

Kho pana có ý nghĩa là một phân từ. Còn về nội dung là từ tập hợp. Vì phiền não gọi là odhi mà vị Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ, đã đoạn trừ. Vì thế mới giải thích rộng ý nghĩa theo Pāḷi sau: ‘Vị Tỷ-kheo ấy quán tưởng về phiền não đã đoạn trừ (phát sanh) sự an vui, (vị ấy) thấu rõ ý nghĩa (kết quả) nhiều hơn thế ‘Ta là người có lòng tin tuyệt đối không bị lay chuyển đối với Phật’.

Ở đây, ‘đã từ bỏ = cattaṃ được nói bằng việc từ bỏ được hoàn toàn hữu (sārabhāva) của chính mình. Lại nữa, ‘đã diệt trừ = vantaṃ này bằng tính chất (bhāva) của việc không chấp chặt, dính mắc. ‘Sự giải thoát = muttaṃ này bằng năng lực giảm bớt vòng sanh tử (santati). ‘Đã đoạn trừ = pahīnaṃ’ nói đến những phiền não đã dứt bỏ sẽ không tồn tại bất cứ đâu. ‘Sự xả ly = paṭinissaṭṭhaṃnày được nói rằng việc từ bỏ phiền não đã từng dính mắc trong quá khứ hoặc phiền não đã được dứt bỏ trước mắt. Ngài đã giải thích rằng: ‘nhờ vào năng lực của thiền định bhāvanā mà tính chất [bhāva] phiền não đã bị nhận chìm), đã được dứt bỏ. Cụm từ ‘Labhati atthavedaṃ labhati dhammavedaṃ =  vị Tỷ-kheo ấy thấu rõ nghĩa (quả), thấu rõ pháp (nhân)’, lòng tin không bị lay chuyển đối với Tam bảo  gồm Phật bảo v.v… gọi là nghĩa [attha], mà chúng sanh nên đi, cần phải đạt đến. Gọi là Pháp vì bản chất không bị thay đổi.

Từ ‘vedo = thấu rõ, hiểu rõ’ chẳng hạn như về Cảm hứng ngữ, về trí tuệ, về sự hân hoan. Từ Veda thay vì hiểu là ‘3 tập Vệ-đà’ thì nên hiểu Trí tuệ gọi là Veda như trong câu sau: ‘Bà-la-môn nào hiểu biết sâu sắc, không sở hữu gì, không dính mắc ở dục và hữu’[11].

Từ ‘somanassaṃ = sự hân hoan, thọ hỷ’ như trong câu: ‘Người nào tràn đầy lòng hân hoan sẽ trôi lăn trong thế gian’. Lại nữa, ở đây Ngài muốn nói đến thọ hỷ và trí hợp với thọ hỷ. Vì thế, trường hợp này nên hiểu ý nghĩa là như vậy. ‘vị Tỷ-kheo ấy thấu rõ nghĩa (quả), thấu rõ Pháp (nhân)’ nghĩa là đạt được sự hân hoan có lòng tin không bị lay chuyển làm đối tượng và trí tuệ thành tựu với thọ hỷ.

Lại nữa, cần hiểu ý nghĩa trong câu này là như vậy từ ‘hiểu rõ ý nghĩa = atthavedaṃ’ nghĩa là (đạt được) sự hiểu biết [veda] như đã trình bày, sanh lên đối với vị đang quán tưởng mà lòng tin không bị lung lay. ‘thấu rõ pháp = dhammavedaṃ’ nghĩa là (đạt được) sự hiểu (veda) như đã trình bày, sanh lên đối với vị đang quán tưởng mà đoạn trừ các phần của phiền não, do lòng tin không bị lay chuyển. Điều này như đã nói: ‘trí tuệ trong nhân gọi là Pháp vô ngại giải [Dhammapaṭisambhidā], trí tuệ trong kết quả của nhân gọi là Nghĩa vô ngại giải [Atthapaṭisambhidā].

Dhammūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ = sự hân hoan liên hệ đến pháp’ nghĩa là chứng được hân hoan sanh khởi đối với vị ấy khi quán tưởng về ý nghĩa và chính pháp đó, và sự hiểu biết (veda) là phước báu sanh khởi từ sự hiểu biết ý nghĩa và pháp đó. Thật vậy, sự hân hoan ấy Ngài đã nói: ‘sự hân hoan đối với pháp bằng việc quán tưởng về tướng không có lỗi lầm’. ‘Pamuditassa pīti jāyati = từ hân hoan, hỷ sanh khởi’ nghĩa là hỷ sanh khởi từ sự hân hoan. ‘Kāyo passambhati = thân được khinh an’ nghĩa là thân đã được khinh an, là sự khó chịu đã yên lặng. Như vậy ‘Passaddhakāyo sukhanti = Thân khinh an, cảm giác được lạc thọ’ là sự khó chịu nơi thân đã vắng lặng thì sẽ cảm giác được lạc thọ qua lộ tâm. ‘Cittaṃ samādhiyati = tâm được an trú (thiền định)’ nghĩa là tâm được thực hành chân chánh, an trú vững chắc không bị lay động tựa như đang nhập định [appanā].

[76] Đức Thế Tôn đã thuyết rằng: ‘lợi ích như thọ hỷ [somanassa] v.v… sanh khởi đối với vị Tỷ-kheo ấy, vị đang quán tưởng để đoạn trừ phiền não bằng lòng tin tuyệt đối không bị lay chuyển. Bấy giờ, khi thông báo về tiến trình việc quán tưởng của vị Tỷ-kheo ấy, bằng đoạn sau: ‘yatodhi kho pana me = lại nữa, vị ấy tự nghĩ  đến giai đoạn này, đối với Ta’, sau đó thuyết về sức mạnh của đạo A-na-hàm rằng: ‘sa kho so bhikkhave = Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy’ v.v…

Ở đây, ‘có giới như vậy = evaṃsīla’, Đức Thế Tôn thuyết về giới uẩn [sīlakkhandha] liên quan đến A-na-hàm đạo của vị Tỷ-kheo đó. ‘Có pháp như vậy, có tuệ như vậy = evaṃdhammo evaṃpañño’ Đức Thế Tôn thuyết về định uẩn [samādhikkhandha] và tuệ uẩn [paññakkhandha] liên quan đến A na hàm đạo. Sālinaṃ là một loại như gạo huyết rồng và gạo thơm v.v… từ piṇḍapātaṃ là cơm, từ vicitakāḷakaṃ là hạt đen (hư) được vứt đi. Việc thọ dụng vật thực khất thực cũng không gây trở ngại đối với vị Tỷ-kheo ấy ‘Nevassa taṃ hoti antarāyāya’ nghĩa là việc thọ dụng vật thực như cách đã nói của vị Tỷ-kheo nhìn thấy như vậy, không làm trở ngại cho đạo và quả. Thật vậy việc thọ thực của vị được lợi ích từ ân đức pháp sẽ không gây hại gì nếu vị đó chưa chứng đắc A-ra-hán đạo và A-ra-hán quả, nhưng vẫn trong giai đoạn thực hành vipassanā để chứng đắc đạo qua đó thì việc thọ dụng vật thực không được xem là trở ngại, nghĩa là không thể làm chướng ngại (cho việc chứng đắc đạo quả). Vì sao vậy? Vì vị ấy có tâm thanh tịnh do đạo câu hữu với giới [sīla], pháp [dhamma] và tuệ [paññā] như đã được nêu trên. Trong trường hợp này có nhân là như vậy.

Do đó, khi trình bày ví dụ để phù hợp với nhân đó nên mới thuyết rằng ‘seyyathāpi = giống như’.

Ở đây, từ ‘acchaṃ = trong sạch’ nghĩa là sáng rỡ, trở nên sạch sẽ do dứt bỏ được sự dơ bẩn, trở nên tinh khiết vì sự chói sáng. ‘Ukkāmukhaṃ = nồi nấu kim loại’ nghĩa là nồi nấu kim loại của thợ kim hoàn, chỗ này nồi nấu kim loại của người thợ kim hoàn gọi là Ukkā. Nhưng ở chỗ khác chẳng hạn như ngọn đuốc cũng được gọi là Ukkā. Thật vậy, ngọn đuốc cũng được gọi là Ukkā, như trong Āgataṭṭhāna nói ‘Ukkā dhāriyamānāsu = dưới ánh sáng của những ngọn đuốc’. Nồi gọi là Ukkā (nồi nấu kim loại) trong Āgataṭṭhāna nói ‘người thợ kim hoàn đúc nồi, khi đúc xong cần phải trát lại miệng nồi, như vậy lò đúc cũng gọi là Ukkā. Lò lửa của người thợ kim hoàn cũng gọi là Ukkā như trong Āgataṭṭhāna nói ‘ngọn lửa bên trong sẽ không cháy lan ra bên ngoài’. Sức gió cũng gọi là Ukkā trong Āgataṭṭhāna nói sức gió [ukkāpāta] sẽ có kết quả như vậy. Nhưng ở đây và chỗ khác thì có trạng thái như nhau. Cái nồi của người thợ kim hoàn nên hiểu rằng là Ukkā trong Āgataṭṭhāna nói ‘người thợ kim hoàn lấy cái kìm gắp vàng đưa vào trong miệng nồi’.

Trong câu này, so sánh với ví dụ như sau. Vị Tỷ-kheo khi còn phàm phu thì tâm vị ấy bị ô nhiễm bởi những cấu uế như tham ái v.v… nên thấy giống như tấm vải bẩn thỉu, và giống như vàng bị xỉn màu. Vị A-na-hàm đạo nên thấy giống như nước tinh khiết, trong sạch và giống như nắp khuôn đúc. Việc vị Tỷ-kheo ấy có tâm thanh tịnh vì nương vào thánh đạo A-na-hàm câu hữu với giới [sīla], pháp [dhamma] và tuệ [paññā] đã được trình bày, cần phải thấy giống như tấm vải trắng sạch sẽ và vàng nguyên chất, (vải) nhờ nước và (vàng) nhờ vào miệng khuôn đúc.

[77] Vị Tỷ-kheo ấy có tâm câu hữu với từ = So mettāsahagatena cetasā, Giáo pháp đã được thuyết theo sự liên kết [anusandhi]. Thật vậy, sự liên kết có 3 là sự liên kết dựa vào câu hỏi [pucchānusandhi], sự liên kết dựa vào khuynh hướng [ajjhāsayānusandhi], sự liên kết dựa vào cấu trúc tự nhiên của lời dạy [yathānusandhi]. Nên biết rằng pucchānusandhi ở tạng Kinh dùng để trả lời câu hỏi với các vị Tỷ-kheo, khi các vị đặt câu hỏi. Ở đây, Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn: Kính bạch Thế Tôn sự lo âu phiền muộn vì thiếu chánh niệm ở bên ngoài có hay không? Thế Tôn đáp: ‘Có, này Tỷ-kheo’[12]. Nên biết rằng ajjhāsayānusandhi ở tạng Kinh, Thế Tôn biết được khuynh hướng của người khác rồi thuyết: ‘Này Bà-la-môn, Ông có thể có tư tưởng như sau: Nay Sa-môn Gotama chưa diệt trừ tham ái[13]’. Nên biết rằng yathānusandhi (bằng quyền) của các bài kinh còn lại đến từ việc thuyết ở cấp độ cao (theo tuần tự) với sức mạnh đúng theo pháp và đối lập lại pháp khiến bài giảng sống động ngay lúc đầu. Như trong bài Kinh Ước Nguyện thuyết về giới (là thuyết) hạ phần, 6 thần thông (là thuyết) thượng phần. Trong bài Kinh Ví Cái Cưa thuyết với sự không kham nhẫn sanh khởi (là thuyết) hạ phần, lời giáo huấn giống như cái cưa (là thuyết) thượng phần. Trong bài Kinh Ví Dụ Con Rắn, bằng sự giải thích tà kiến sanh khởi (là thuyết) hạ phần, giải thích về sự không có cốt lõi  [suññatā] và tam tuệ luân [tiparivaṭṭa][14] đến (là thuyết) thượng phần. Trong bài Tiểu Kinh Xóm Ngựa, thuyết với sự không kham nhẫn sanh khởi (là thuyết) hạ phần, 4 Phạm trú [brahmavihāra] (là thuyết) thượng phần. Trong bài Kinh Kosambiya, về việc tranh cãi nảy sinh (là thuyết) hạ phần, sáu pháp hòa kính[15] [sāraṇīyadhamma] (là thuyết) thượng phần. Mặc dầu trong bài Kinh Tấm Vải này thuyết về sự sanh khởi của các pháp Phiền não (là thuyết) hạ phần, 4 Phạm trú brahmavihāra (là thuyết) thượng phần. Vì vậy Ngài đã nói rằng: ‘Pháp đã được thuyết theo sự liên kết anusandhi’, còn 4 pháp Phạm trú thì Ngài Buddhaghosa đã giải thích theo tuần tự và cách thực hành cả 4 Phạm trú một cách chi tiết trong bộ Thanh Tịnh Đạo.

[78] Đức Thế Tôn khi thuyết về việc thực hành 4 Phạm trú của vị Thánh A-na-hàm là pháp đối nghịch lại với các tùy phiền não như sự thèm khát [abhijjhā] v.v… gọi là padaṭṭhāna (nguyên nhân gần) là pháp diệt trừ các kẻ địch bằng việc đoạn trừ tất cả dục ái, sân độc. Lúc này, khi giảng về thiền tuệ để thành tựu A-ra-hán của vị Thánh A-na-hàm, rồi nói về sự chứng đạt A-ra-hán mới thuyết rằng ‘vị ấy biết có cái này’.

Lời đó có ý nghĩa – như vậy Vị thánh A-na-hàm đã tu tập 4 Phạm trú, xuất khỏi 4 Phạm trú từ bất kỳ Phạm trú nào, trực nhận pháp là 4 phạm trú đó đây là danh [nāma], trực nhận pháp là sắc đại hiển [bhūtarūpa] và sắc y sinh [upādāyarūpa] đây là sắc. Bằng cách sau; sắc ý vật [hadayavatthu] làm nơi nương của 4 pháp Phạm trú, còn sắc đại hiển làm nơi nương của sắc ý vật, biết rõ ‘có cái này tồn tại’. Chỉ bấy nhiêu; vị A-na-hàm đã làm, đã xác định Khổ đế [dukkhasacca]. Sau khi thấu suốt được nguồn gốc của khổ (Tập đế), biết rõ ‘có những thứ hạ liệt tồn tại’. Chỉ bấy nhiêu; vị ấy đã làm, đã xác định Tập đế, sau đó (vị ấy) chọn lựa phương cách đoạn từ Tập đế, biết rõ ‘có cái cao thượng tồn tại’. Chỉ bấy nhiêu; vị ấy đã làm, đã xác định Đạo đế [maggasacca], sau đó (vị ấy) suy xét vị trí cần phải đạt được đạo, biết rõ ‘có đạo lộ giải thoát để vượt qua các tưởng tồn tại’. Biết rõ rằng Níp-bàn là pháp vượt khỏi Phạm trú tưởng [brahmavihārasaññā], mà Ta đã chứng đắc tối thượng. Chỉ bấy nhiêu, vị A-na-hàm đã làm, đã xác định Diệt đế [nirodhasacca]. ‘Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy = Tassa evaṃ jānato evaṃ passato’, vị ấy biết rõ 4 Thánh đế, 4 ākāra bằng trí tuệ thiền tuệ, thấy như vậy bằng Đạo tuệ, tâm thoát khỏi dục lậu [kāmāsava], những cách thức này đã được trình bày trong bài kinh Khiếp Đảm và Sợ Hãi, -nt- (vị ấy) biết rõ những phận sự nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.

Như vậy, Bà-la-môn thấy rằng sự thanh tịnh có được do việc tắm rửa. Đức Thế Tôn ngồi ở hội chúng sau khi biết bà-la-môn suy nghĩ như vậy, Ngài đã giảng giải về sự thanh tịnh do tắm rửa cho vị Bà-la-môn, (vị ấy) đã xuất gia chứng đắc thành bậc A-ra-hán. Do đó, ý định nhắc nhở Bà-la-môn đó mới thuyết anusandhi tách biệt; ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tathagata đã nói, đã tắm gội bằng việc tắm gội bên trong’. ‘bằng việc tắm gội bên trong = antarena sinānena’ nghĩa là bằng việc tắm gội chính là việc xuất khỏi phiền não có bên trong.

[79] Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja; Bà-la-môn tên là Bharadvaja với sức mạnh của dòng tộc mình. Bà-la-môn ấy thấy rằng việc tắm gội ở dòng sông sundarikā sẽ đoạn trừ được ác pháp, vì thế mà được gọi là Sundarika Bharadvaja. Bà-la-môn sau khi được nghe kim ngôn của Thế Tôn nghĩ rằng; dù chúng ta có tán thán sự thanh tịnh do tắm rửa thì phái Sa-môn Gotama cũng tán thán sự thanh tinh do tắm rửa giống như ta. Sau đó, Bà-la-môn nghĩ rằng Thế Tôn sẽ đi đến dòng sông Bāhukā, gột rửa ác pháp ở dòng sông ấy. Khi Thế Tôn ngự đến, (vị ấy) bạch Thế Tôn: ‘Tôn giả Gotama có đi đến sông Bāhukā để tắm rửa không?’ Thế Tôn đã không đáp ‘có hay không’, Ngài chỉ cho Bà-la-môn đó thấy cái sai của mình, nên Ngài đã hỏi lại: ‘Này Bà-la-môn, sông Bāhukā là gì? Sông Bāhukā có làm được gì? Lời đó có hàm ý ‘sông Bāhukā làm được lợi ích gì’. Sông Bāhukā có làm gì được, sông Bāhukā không thể đem lại bất cứ lợi ích gì cả, Ta đi đến sông đó để làm gì?.

Sau đó, Bà-la-môn tán thán điều đó nên nói rằng ‘lokkhasammata’, ‘lokkhasammata = có khả năng giải thoát’ nghĩa là ‘sông Bāhukā được nhiều người xem là có khả năng giải thoát’, được nhiều chấp nhận và cho rằng sông đó có thể đoạn trừ được ác pháp là sự thoát ly, sự thanh tịnh. Pāṭha cũng có khả năng giải thoát, pāṭha đó có ý nghĩa như sau; được nhiều người chấp nhận như vậy, có khả năng đưa đến thế giới tối thượng nhất. ‘Puññasammata = có khả năng đem lại phước báu’ được nhiều chấp nhận là mang lại công đức, phước báu. ‘Pavāheti nghĩa là thả trôi, làm cho sạch sẽ’. ‘Gāthāhi ajjhabhāsi = nói lên bằng những bài kệ sau đây’ nghĩa là được nói bằng những bài kệ. Tất cả kệ ngôn được Thế Tôn thuyết đều được thuyết cho những người yêu thích kệ ngôn, chỉ khi thuyết về ý nghĩa. Hoặc khi thuyết những nội dung quan trọng. Nhưng trong trường hợp này cần phải hiểu rằng, (kệ ngôn) được thuyết để trình bày ý nghĩa cả hai.

Thật vậy, sông Bāhukā lại là câu dùng để trình bày ý nghĩa ở đây. Những câu còn lại trình bày ý nghĩa quan trọng. Giống như Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja đi đến dòng sông Bāhukā để rửa sạch tội lỗi bằng việc tắm rửa như thế nào thì nhiều người cũng đi đến sông adhikakka, v.v… để rửa sạch tội lỗi bằng việc tắm rửa cũng như thế đó. Những hạng người nào ở gần những khu vực ấy thì những hạng người đó ngày phải tắm 3 lần. Còn hạng người nào ở xa thì những hạng người đó ngày tắm 2 lần, hoặc 1 lần, ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ. Còn những hạng người nào không thể đi được thì sẽ nhờ người khác múc nước ở tại nơi đó về tắm, tất cả đều không đem lại lợi ích. Cho nên khi thuyết ý nghĩa quan trọng này Thế Tôn mới thuyết rằng ‘adhikakkādīnipi’.

Ở đây, sông adhikakka, Thế Tôn muốn nhắc đến một con sông được gọi tên (vohāra), là nơi có sức chứa lớn được sử dụng để tắm. Sông Gayā, Ngài muốn nói đến sông Saṇṭhāna giống như cái dĩa (tròn). Sông Payāga, Ngài muốn nhắc đến một con sông thuộc sông Gaṅgā, nó nằm ở phía trước cung điện của Vua Mahāpanāda, nơi bị chìm xuống trong lòng sông Gaṅgā, còn những con sông khác như: bāhukā sundarikā sarassatī bāhumatī, là 4 nhánh sông. Kẻ ngu (bālo) chỉ người độn căn, trí tuệ kém. ‘Muốn đi = pakkhanno là đi vào, bước vào. ‘Không sạch sẽ = na sujjhati’ nghĩa là không thể đạt được sự thanh tịnh khỏi phiền não, kẻ ấy chỉ rửa được sự dơ bẩn do bụi bẩn.

Kiṃ sundarikā karissati = dòng sông sundarikā có làm được gì?’ nghĩa là sông sundarikā sẽ làm được gì đối với việc tẩy sạch phiền não? Không thể làm được gì. Sông  payāga và sông bāhukā cũng như vậy. Cả 3 con sông đã được Ngài nói đến, 4 con sông khác cũng được nhắc đến bằng cách lấy ý nghĩa dựa vào các đặc điểm (của chúng). Do đó, cần phải hiểu rằng dẫu con sông adhikakka v.v… có làm gì được? giống với các con sông sundarikā payāgā bāhukā cũng không làm gì được cả.

‘Sự thù nghịch = vera’ nghĩa là hạng người câu hữu với 5 loại thù nghịch như sát sanh v.v… ‘đã tạo trọng nghiệp = katakibbisa’ nghĩa là hạng người đã gây ra các trọng nghiệp. ‘Không thể tẩy sạch các ác nghiệp = Na hi naṃ sodhayeti’, Ngài đã nói rằng tất cả các dòng sông sundarikā, payāgā, bāhukā cũng không thể tẩy sạch các ác nghiệp. ‘ác nghiệp = Pāpakamminaṃ’ nghĩa là liên quan đến các ác nghiệp, nghiệp ác là sự thù nghịch, hoặc liên quan đến các nghiệp hạ liệt, Ngài đã nói liên quan đến các nghiệp ác dù nhỏ nhoi mà chưa tới mức sái quấy là sự thù nghịch.

‘Người trong sạch = suddhassa’ là hết phiền não. ‘Thường thọ bát quan trai giới = Sadā phaggūti’ là các buổi lễ hằng tháng, hoặc thường xuyên. Kể rằng Bà-la-môn thấy rằng, trong tháng tư người nào tắm gội vào ngày trăng tròn thì người đó sẽ tẩy sạch được ác nghiệp mà chính bản thân đã gây ra. Khi Thế Tôn phản bác lại cái thấy sai lệch của Bà-la-môn mới thuyết rằng; ‘Ðối với kẻ sống thanh tịnh’. Với người không còn phiền não, thì mỗi ngày đều là ngày tốt, ngoài ra thì tẩy sạch phiền não như thế nào? ‘Thường xuyên thọ trì trai giới = uposatho sadā nghĩa là chỉ sự trường cửu đối với những vị đã thanh tịnh dù cho không thọ trì trai giới vào các ngày 14-15. ‘Suddhassa sucikammassa = người đã tẩy sạch phiền não có các nghiệp được thanh tịnh’ nghĩa là người thanh tịnh do người ấy đã tẩy sạch mọi phiền não và có thân hành trong sạch. ‘Sadā sampajjate vataṃ = luôn thành tựu thiện hạnh’ nghĩa là việc thọ trì các phận sự đi chung với thiện của những người như vậy thì luôn luôn thành tựu. ‘Idheva sināhi = Này Bà-la-môn hãy đi tắm, trong lời nói của Ta’. Đức Thế Tôn nói rằng ‘Người hãy đi tắm trong giáo Pháp của Như Lai’. Ngài đã giải thích thêm, nếu ngươi muốn tẩy sạch mọi cấu uế từ phiền não thì hãy tắm bằng Bát chánh đạo ở trong giáo Pháp của Như Lai. Bởi vì ở nơi khác, nước là Bát chánh đạo như vậy không có.

Như vậy, Thế Tôn thuyết về sự thanh tịnh bằng cả 3 môn (dvāra) với năng lực thuyết pháp phù hợp đối với Bà-la-môn đó, đã nói như sau: ‘sabbabhūtesu karohi khemataṃ = hãy khiến mọi loài chúng sanh, được vui sướng’. Ở đây, ‘sự vui mừng = khemataṃ’ tức là không có nguy hiểm, được sự lợi ích, có lời giải thích là từ tâm. Do đó, Thế Tôn thuyết về sự thanh tịnh qua lộ ý môn [manodvāra] cùng Bà-la-môn ấy.

‘Sace musā na bhaṇasīti = nếu không nói lời dối trá’, sự thanh tịnh của khẩu môn. Sace pāṇaṃ na hiṃsasi sace adinnaṃ nādiyasīti = không làm hại đối với tất cả chúng sanh, không lấy của không cho’, sự thanh tịnh của thân môn. ‘Saddahāno amaccharī = có lòng tin, không bỏn xẻn’, người có các môn được thanh tịnh, đầy đủ niềm tin [saddhāsampadā] và đầy đủ thí xả [cāgasampadā]. ‘Kiṃ kāhasi gayaṃ gantvā, udapānopi te gayā = Ngươi đi đến sông Gayā để làm gì, Gayā chỉ là một giếng nước, giúp ích gì được?’ đây chỉ là một kệ ngôn. Trọng điểm ở đây nếu ngươi sẽ tạo sự an toàn đối với tất cả chúng sanh, không nói dối, không sát hại chúng sanh, không lấy của không cho, có lòng tin tuyệt đối, không bỏn xẻn, ngươi đi đến sông Gayā sẽ làm lợi ích gì được, Sông Gayā, nó cũng chỉ là một giếng nước đối với ngươi. Dù cho ngươi tắm dưới sông Gayā, hay giếng nước thì sự thanh tịnh từ phiền não có được cũng phải nhờ vào sự thực hành này (tạo sự an toàn cho mọi loài chúng sanh v.v…). Còn đối với  sự thanh tịnh từ mọi cấu uế của thân cũng tương tự vậy. Ở 2 nơi (sông Gayā hay giếng nước) các bậc trí nên biết rằng vì sông Gayā được nhiều người chấp nhận và biết đến, cho nên Bà-la-môn đã hỏi Thế Tôn rằng ‘này Sa-môn Gotama, Ngài đi đến sông Bāhukā chăng?’. Không thuyết rằng: ‘đi đến sông Bāhukā sẽ làm được lợi ích gì, (mà nói rằng) ngươi đi đến sông Gayā sẽ làm được lợi ích gì.’

[80] ‘Thế Tôn thuyết như vậy = Evaṃ vutte’, xem là rõ ràng rồi vì Ngài đã giải thích chi tiết ở bài kinh Khiếp đảm và Sợ hãi. ‘Sống độc cư = Eko vūpakaṭṭho’, gọi là vị sống độc cư với thân viễn ly [kāyaviveka], gọi là tránh xa (pháp ngăn che, hay pháp triền cái) với tâm viễn ly [cittaviveka]. Gọi là không phóng dật với việc không dứt bỏ niệm trong nghiệp xứ (kammaṭṭhāna). Gọi là có sự tin tấn với việc nỗ lực thiêu đốt phiền não, nói đến sự nỗ lực bằng thân môn và sự nỗ lực bằng ý môn. Gọi là không thiết tha với cái ta vì không có sự trông mong nơi thân và mạng căn. Gọi là an trú với 1 trong 4 oai nghi. ‘Không bao lâu = Nacirasseva’, Ngài nói đến việc xuất gia. ‘Các thiện nam tử = kulaputta’, thiện nam tử có 2 dạng là thiện nam tử bằng sanh chủng (jātikulaputtā) và thiện nam tử bằng phẩm hạnh (ācārakulaputtā). Bà-la-môn này là thiện nam tử giống ở cả hai khía cạnh. Agārasmā nghĩa là tại gia. ‘Agāriya = người gia chủ’.  ‘Anagāriyaṃ = hạnh không nhà’ những việc làm là nhân để tăng thêm tài sản như nghề canh nông [kasikamma] và nghề giữ bò [gorakkhakamma] v.v…đó là lợi ích để gìn giữ nhà cửa Ngài gọi là người gia chủ [agāriya]. Những việc hỗ trợ tại gia trong việc xuất gia là không có, vậy việc xuất gia này gọi là anagāriya. Anagāriya đó là tên gọi của việc xuất gia. Xuất gia [pabbajanti] nghĩa là đã đi đến, đã bước vào. ‘Tadanuttaraṃ = taṃ + anuttaraṃ’, nghĩa là kết quả cao thượng đó. ‘Vô thượng cứu cánh Phạm hạnh = Brahmacariyapariyosānaṃ’ tức là cuối cùng của đạo phạm hạnh [maggabrahmacariya[16]], Ngài đã giải thích chính là quả A-ra-hán [arahattaphala]. Thật vậy các thiện nam tử xuất gia cũng vì mục đích này [để chứng đắc A-ra-hán quả]. ‘Ngay trong hiện tại = Diṭṭheva dhammeti’ nghĩa là attabhāva [thuộc hạng có thức tánh, hay biết rằng có thân này]. ‘Sau khi chứng ngộ với thắng tri = Sayaṃ abhiññā sacchikatvāti’ nghĩa là đã làm sáng tỏ bằng trí tuệ bằng chính mình, tức là tự thân chứng ngộ, không có ai trợ duyên. ‘Upasampajja vihāsi = đi vào an trú’ nghĩa là chứng đạt, thành tựu vì vị Tỷ-kheo Sunadarikabhāvadvāja khi an trú với tâm như vậy vị ấy biết rõ ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa’. Trưởng lão Ānanda đã trình bày đến cõi phát sinh trí tuệ quán xét [paccavekkhaṇañāṇa] của Ngài bằng lời ấy.

Hỏi:  Tái sanh nào của Ngài đã tận, và Ngài biết được rằng sanh đã tận như thế nào? Đáp: Tôi xin giải thích tiếp. Ý nghĩa này đã được nói đến trong bài kinh Khiếp đảm và Sợ hãi. Mặc dù vậy Tôi cũng xin nhắc lại một cách tóm gọn, để nêu ra ý nghĩa với tư cách là paṭhamapurisa ‘Ngôi thứ ba’. Kiếp sống quá khứ của vị tỷ kheo không gọi là chấm dứt vì vẫn còn tiếp tục trong kiếp sống hiện tại sau khi mệnh chung ở sát na tử của kiếp sống trước. Kiếp sống nào tách biệt các uẩn (khandha) là nhất uẩn, tứ uẩn và ngũ uẩn trong nhất uẩn hữu [ekavokārabhava], tứ uẩn hữu [catuvokārabhava] và ngũ uẩn hữu [pañcavokārabhava] sanh khởi vì việc phát triển đạo vẫn chưa sanh khởi. Kiếp sống đó gọi là đã chấm dứt vì đã đạt đến kiếp sống mà không còn sanh nữa, vì việc phát triển đạo đã sanh khởi. Biết rõ rằng không còn phiền não, nghiệp còn sót lại cũng không tục sanh được nữa gọi là biết rõ sanh đã tận.

Vusitaṃ = đã sống’ nghĩa là đã sống, sống dưới sự quản chế đã chấm dứt, tức là việc cần làm đã làm hết rồi. ‘Brahmacariya = phạm hạnh’ gồm đạo phạm hạnh [maggabrahmacariya]. ‘Phận sự cần làm đã làm = Kataṃ karaṇīyaṃ’ tức là 16 phận sự là sự biết rõ Khổ đế [pariññākicca[17]], sự diệt ái dục là nhân sanh khổ [samudaya, Tập đế] [pahānakicca[18]], việc làm cho sáng tỏ Niết-bàn [sacchikiriyakicca[19]], sự thực hành bát chánh đạo [bhāvanākicca[20]] mà vị ấy đã hoàn thành bằng 4 đạo trong tất cả 4 đế [sacca]. ‘Nāparaṃ itthattāyā = không còn trở lại trạng thái này nữa’ nghĩa là bằng việc phát triển đạo hoặc việc đoạn trừ phiền não thì 16 phận sự này sẽ không lặp lại nữa (bởi vì đã hoàn thành rồi).

Lại nữa ‘trạng thái này’ là sự nối tiếp của ngũ uẩn khác từ trạng thái này tức là sự tiếp nối ngũ uẩn diễn ra lúc bấy giờ không còn hiện hữu nữa. Vì Tỷ-kheo Sunadarikabhāradvāja đã thấu rõ ngũ uẩn vẫn còn duy trì này mà chính vị ấy nhận biết cũng giống như cái cây mà bị cắt đứt gốc. Aññataro đồng nghĩa với eko là một. Arahataṃ là tất cả vị Thánh A-ra-hán, một vị thánh A-ra-hán trong tất cả các vị thánh A-ra-hán là bặc thánh Thinh văn đệ tử của Thế Tôn.

Kết Thúc – Giải Thích Kinh Tấm Vải

[1] ma. ni. 3.261

[2] dī. ni. 1.238; paṭi. ma. 1.102

[3] ma. ni. 1.318

[4] ma. ni. 1.238

[5] kaṇikāra: cây Pterospermum Acerifolium, là loài cây có hoa màu vàng

[6] Bandhujīvaka: the plant Pentapetes phoenicea M.II,14, cây hoa tí ngọ

[7] a. ni. 1.51

[8] vibha. 924

[9] sakālabhatta = đầu phiếu trai phạn bữa ăn được cúng dường cho chư tăng qua cách rút thăm xem vị nào được đi đó là trường hợp có cùng lúc nhiều thí chủ mời thỉnh hay tổng số tỳ khưu đông hơn con số được thí chủ nêu ra。

[10] Bhavanikantika: Sau tâm hộ kiếp thứ mười sáu (Bha16), thì có một lộ tâm bắt đầu từ tâm khai ý môn  (Manodvārāvajjana), sau đó là những đổng lực (Javana), hầu hết những Javana này đều là tâm căn tham (lobhamūlacitta), có cả thảy là 7 sát-na đổng lực tham, những Javana này đều gọi là Bhavanikantika, tức là sự dính mắc, hay bám víu vào sự sinh tồn.

[11] su. ni. 1065

[12] ma. ni. 1.242

[13] ma. ni. 1.55

[14] Tiparivaṭṭa: tam-tuệ-luân, 1 – Saccañāṇa: Trí tuệ học Tứ thánh đế. 2 – Kiccañāṇa: Trí tuệ hành phận sự Tứ thánh đế. 3 – Katañāṇa: Trí tuệ thành hoàn thành phận sự Tứ thánh đế.

[15] Sáu pháp hoà kính; 1 – Thân nghiệp từ Mettākāyakamma, 2. Khẩu nghiệp từ (Mettāvacīkamma), 3. Ý nghiệp từ Mettāmanokamma 4. Cộng hưởng lợi lộc Sādhāraṇabhogī, 5. Có giới Sa-môn Sīlasāmaññatā, 6. Có tri kiến Sa-môn Diṭṭhisāmaññatā

[16] maggabrahmacariya: đạo phạm hạnh nghĩa là hành giới – định – tuệ, hành theo pháp hành bát chánh đạo dẫn đến giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

[17] pariññākicca: dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññeyyaṃ = khổ Thánh đế cần phải biết rõ, đây là pháp nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ này sanh khởi nhờ vào sự thực hành thiền quán mà thấu rõ được khổ Thánh đế.

[18] pahānakicca: dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ pahātabbaṃ = Khổ tập Thánh đế cần phải đoạn trừ, đây là pháp nên đoạn diệt bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ này sanh khởi nhờ vào sự thực hành thiền quán mà thấu rõ  được nhân sinh khổ Thánh đế.

[19] sacchikiriyakicca: dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ sacchikātabbaṃ = Khổ diệt Thánh đế cần phải tác chứng, đây là pháp cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ này sanh khởi nhờ vào sự thực hành thiền quán mà thấu rõ được diệt khổ Thánh đế.

[20] bhāvanākicca: dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvetabbaṃ = cần phải thực hành đạo lộ đưa đến diệt khổ Thánh đế, dây là pháp cần phải được thực hành bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới, trí tuệ này sanh khởi nhờ vào sự thực hành thiền quán mà thấu rõ được pháp hành dẫn đến diệt khổ Thánh đế.